THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Mã AMTB: 19-012-0001 đến 19-012-0195
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN – Tập 187/195 (124B – bộ 128 đĩa)
Các vị đồng học!
Mời mở đoạn thứ 116 của Cảm Ứng Thiên:
“Thóa lưu tinh. Chỉ hồng nghê. Triếp chỉ tam quang. Cửu thị nhật nguyệt.” (Hướng về sao băng khạc nhổ, chỉ trỏ cầu vồng, bộp chộp chỉ trỏ tam quang, nhìn mặt trời, mặt trăng thật lâu).
Những việc thế này đều thuộc về bất kính. Nếu nói là thiên địa quỷ thần thì khoa học hiện đại họ không thể tiếp nhận. “Sao băng” thì hầu như mỗi ngày đều có thể nhìn thấy, vào những đêm trời quang đãng, đây là hiện tượng vật lý vũ trụ. “Cầu vồng” là hiện tượng được tạo thành do ánh nắng mặt trời phản chiếu vào hơi nước trong không trung. “Tam quang” là chỉ mặt trời, mặt trăng và tinh tú. Cho nên tổng kết lại, chúng ta dùng sự giải thích hợp lý là chẳng qua Cổ Đức dạy chúng ta tu tâm cung kính. Đối với hết thảy người, hết thảy việc, hết thảy vạn vật thường giữ tâm cung kính. Đây là nguyên lý dạy học. Có phải là như Đạo giáo nói, đây là do thần Tư Mệnh chi phối, giống như khí của âm dương? Đây cũng là một cách nói. Nếu ưa thích nghiên cứu thì cũng là một học thuyết. Chúng ta nghe họ nói thì cũng có thể nói ra một đạo lý rất là hoàn mỹ, nếu có hứng thú thì có thể đi nghiên cứu. Nếu không hứng thú đối với điều này thì cũng biết được toàn bộ đại tông chỉ của Đạo giáo chỉ là dạy Thành, dạy Kính mà thôi. Thành kính là tánh đức, thành kính có thể khai phát tự tánh, thành kính đến cực điểm chính là nhà Phật nói đến “Giới Định Huệ” tam học, cũng chính là sự lưu lộ của tự tánh.
Đoạn tiếp theo là đoạn thứ 117:
“Xuân nguyệt liệu lạp. Đối bắc ác mạ. Vô cố sát quy đả xà.” (Trong các tháng mùa Xuân, đốt rừng để săn bắn. Hướng về phương Bắc chửi rủa độc địa. Vô duyên vô cớ, đánh giết rắn rùa).
“Liệu liệp”chính là người Indonesia hiện nay gọi là đốt rừng, chính là thuộc về loại này, dùng lửa đốt núi rừng. Sự việc này vô cùng tàn nhẫn, vì sao vậy? Là vì những động vật nhỏ trên núi, một con cũng không chạy thoát, lực sát thương này tàn khốc hơn bất cứ loại chiến tranh nào. Cho nên Phật trong Kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện nói rất rõ ràng, quả báo là ở địa ngục. Sau khi thọ mãn tội ở địa ngục, bạn nợ mạng những chúng sanh này thì nợ mạng phải trả mạng, nợ tiền phải trả tiền. Một ngọn lửa này thiêu chết biết bao nhiêu động vật, sau này đến khi trả mạng sẽ rất phiền phức. Bạn phải trả trong bao lâu mới trả hết số nợ mạng này? Sự việc này không thể làm, tuyệt đối không được làm, cho dù là vô ý cũng phải gánh trách nhiệm nhân quả. Vì vậy khi dùng lửa trong núi rừng thì nhất định phải cẩn thận. Nếu chúng ta nổi lửa, có rất nhiều nguyên nhân, chúng ta nấu ăn sẽ phải đốt lửa, nếu ban đêm phải ngủ ngoài trời thì nhất định phải đốt lửa. Thú hoang nhìn thấy lửa này chúng sẽ tránh đi, cho nên gọi là lửa trại. Thế nhưng khi rời đi thì phải dập tắt đống lửa này thật sạch sẽ, không được vô ý dẫn đến hỏa hoạn, nên phải đề phòng cẩn thận. Còn có người có thói quen không tốt là hút thuốc, tàn thuốc tùy tiện vứt lung tung. Nếu vào thời tiết khô hạn thì cũng có thể dẫn đến hỏa hoạn, dẫn đến cháy rừng, những điều này đều phải cẩn thận đề phòng. Trong chú giải nói rất chi tiết.
Hai câu tiếp theo: “Hướng về phương Bắc chửi rủa độc địa”. “Phương Bắc” đại diện cho phía trên. “Vô duyên vô cớ, đánh giết rắn rùa”, trong loài động vật thì thọ mạng rắn và rùa đều rất dài, linh tánh rất cao. Các bạn nghe cư sĩ Tề ở Thiên Mục Sơn đã báo cáo với mọi người. Họ phóng sanh ba ba, ba ba và rùa là cùng một loài, khi phóng sanh những con ba ba này chúng hiểu được. Họ phóng sanh trên thuyền, những con ba ba này bơi một vòng quanh chiếc thuyền, sau đó quay đầu lại nhìn rồi mới rời đi. Chúng có linh tánh, chúng rất cảm ân bạn, chỉ là chúng không biết ngôn ngữ của loài người, không có sự giao tiếp bằng ngôn ngữ. Thế nhưng bạn nhìn thấy biểu cảm của chúng, chúng và con người đâu có khác biệt. Nhất định không nên sát sanh, con người phải thật sự biết yêu người yêu vật, nhất định không được ăn thịt chúng sanh. Tuy nhiên có người cũng hỏi, động vật có sanh mạng, thực vật cũng có sanh mạng, vì sao không ăn động vật nhưng lại ăn thực vật? Đương nhiên một người nhân từ chân thật thì thực vật cũng không ăn. Thế nhưng chúng ta là phàm phu, chúng ta vẫn chưa thể đạt đến cảnh giới này, chưa thể xa lìa việc ăn uống. Trong lục đạo, cõi trời sắc giới đã xa lìa rồi, trời sắc giới không phải ăn uống, thật vậy, ngay đến thực vật họ cũng không ăn. Chất dinh dưỡng của họ từ đâu mà có vậy? Các vị thường xem thấy trong kinh nói là “Thiền duyệt vi thực”, dinh dưỡng mà họ có được là từ trong thiền duyệt, không cần đến vật chất từ bên ngoài. Chúng ta ngày nay chưa đạt đến cảnh giới này, không ăn uống thì không thể duy trì sanh mạng. Cho nên lựa chọn của chúng ta là sự lựa chọn bất đắc dĩ, chúng ta nhất định không làm tổn hại chúng sanh. Phật trong giới kinh nói với người xuất gia: “Thanh tịnh Tỳ-kheo, bất đạp sanh thảo” (Tỳ-kheo thanh tịnh không đạp lên cỏ non). “Thảo” ở đây là thực vật, chúng đang trưởng thành rất sống động, bạn sao có thể nhẫn tâm dẫm đạp lên chúng? Trừ phi bạn nhất định phải đi qua chỗ này, nếu không có đường thì điều này chấp nhận được, có khai duyên. Nếu có đường đi thì bạn nhất định phải đi trên đường, không thể đi dẫm lên cỏ cây. Điều này là sự ái hộ đối với thực vật, ái hộ đối với cây cỏ hoa lá, vạn bất đắc dĩ chứ không được phép làm tổn hại. Trong giới kinh nói với chúng ta, trước đây người xuất gia ở trong núi, ở trong núi thường phải dựng lều tranh, sử dụng vật liệu tại chỗ, nhất định phải chặt cây. Trước khi chặt cây ba ngày phải tụng kinh, niệm chú, chúc phúc cho cái cây này, mời thần cây dời nhà đi. Điều này người thông thường rất khó hiểu, Phật ở trong kinh nói với chúng ta, khi cây cao hơn đầu người thì sẽ có thần cây. Ngày nay chúng ta nói điều này với những người trẻ tuổi nhưng họ không tin tưởng. Thế nào gọi là thần cây? Thật ra mà nói là có quỷ thần nương dựa vào cây này. Cây này là nhà của họ, họ ở trên cái cây này, nương dựa vào hoa lá cây cỏ thì biến thành thần hoa thần cây. Là loại chúng sanh nào vậy? Là loài đặc biệt thích hoa lá cỏ cây, ưa thích hoa lá cỏ cây, sau khi chết vẫn là ưa thích, vẫn không xa lìa được nên biến thành thần hoa thần cây, linh hồn dựa vào những vật thể này. Chúng ta muốn hủy hoại nơi sinh sống của họ thì họ cũng sanh phiền não, tuy họ sẽ rời đi, thế nhưng họ sẽ sanh phiền não, cho nên trước tiên nhất định phải thông báo cho họ biết. Bố trí việc tế lễ, tụng kinh, siêu độ, kết duyên để họ dời nhà đi nơi khác, họ sẽ tìm chọn một cây khác. Những sự việc thế này nhất định không phải là mê tín. Chư Phật Bồ-tát, tâm địa các Ngài thanh tịnh, tai mắt thông minh, phàm phu chúng ta không nhìn thấy nhưng các Ngài có thể nhìn thấy, chúng ta không thể nghe thấy nhưng các Ngài có thể nghe thấy, các Ngài dạy chúng ta cách làm như vậy nhất định có đạo lý, nhất định là có lợi ích đối với chúng ta. Yêu thương, bảo vệ hết thảy hoa lá cỏ cây thì đâu có đạo lý không yêu thương bảo vệ động vật chứ? Vì vậy bất cứ việc gì chúng ta cũng nên tỉ mỉ tư duy, bình lặng quan sát, tìm hiểu rõ chân tướng vũ trụ nhân sanh, không thể tùy thuận theo tập khí phiền não của chính mình mà lập luận trái lẽ. Nói những loài động vật là dành cho loài người ăn, sanh ra là để cho con người ăn. Con người cũng là động vật thì tại sao không ăn thịt người luôn? Cha mẹ, anh em, vợ chồng, con gái con trai của bạn đều là động vật thì sao bạn không ăn họ? Nói thế nào cũng nói không thông được. Hoàn toàn là dục vọng thỏa mãn tự tư tự lợi của chính mình, đã tạo vô lượng vô biên tội nghiệp, lại còn cho rằng điều đó là có lý. Điều này sai rồi! Người hiểu rõ, người có đạo tâm đều sanh tâm hổ thẹn đối với việc ăn uống. Chúng ta ngày nay đang gặp nạn, bất đắc dĩ, không có cách nào khác, cho nên nhu cầu về ẩm thực nên lựa chọn cẩn thận, cố gắng giảm thiểu sự tổn hại đối với con người và loài vật, cố gắng giảm đến mức tối đa. Đây là sự lưu xuất của tâm từ bi. Loài có thọ mạng dài thì càng không thể làm tổn hại chúng, ở đây đặc biệt nói rõ về rùa và rắn, những loài này đều có thọ mạng rất dài.
Bạn xem “đốt rừng để săn bắn”, vì sao lại nói: “Trong các tháng mùa Xuân” mà không nói mùa Hạ, mùa Thu, nhất định lại nói là “trong các tháng mùa Xuân”. Mùa Xuân là thời kỳ sanh trưởng của vạn vật. Xuân sanh, Hạ trưởng, Thu thâu, Đông tàng. Đây là mùa mà hết thảy vạn vật đều sanh trưởng, làm sao có thể nhẫn tâm sát hại? Cái tâm này là tâm rất tàn nhẫn, không có tâm nhân từ, không có tâm yêu thương. Chúng ta đọc giáo huấn của cổ Thánh tiên Hiền, từ đó thể hội được tâm từ bi bác ái của các Ngài, cũng phải học tập từ chỗ này để nuôi dưỡng thành thói quen, thói quen thương yêu người và vật. Ở đây nói “Hướng về sao băng khạc nhổ”, đây là sự việc rất nhỏ, sự việc cực kỳ bé nhỏ. Hiện nay là xã hội văn minh, mọi người đều hiểu không nên tùy tiện khạc nhổ. Đây là thói quen tốt, là nuôi dưỡng tâm cung kính của chính mình. Khi thật sự muốn khạc nhổ, chúng ta dùng giấy vệ sinh bọc lại, không nên tùy tiện vứt bừa bãi, ở nơi này không có thùng rác thì gói lại để vào trong túi, đợi đến khi có thùng rác rồi mới có thể vứt đi. Nhất định phải nuôi dưỡng thói quen này. Sự việc tuy rất nhỏ nhưng từ chỗ này có thể quan sát cái tâm ý cung kính của bạn đối với người, đối với vật, đối với việc. Những điều này phải dạy bảo, không những phải dạy bảo mà còn phải biết mở rộng tâm cung kính, từ chỗ cực kỳ nhỏ bé này mở rộng ra để cung kính với hết thảy người, cung kính với hết thảy việc, cung kính với hết thảy vật.
Ngày nay chúng ta ở Singapore, thường xuyên giao lưu với chín tôn giáo lớn, Thánh Thần mà mỗi một tôn giáo phụng thờ đều không giống nhau, chúng ta bình đẳng cung kính, thanh tịnh tán thán, phổ đồng cúng dường. Mục đích của chúng tôi là hy vọng mong cầu những quốc gia khác nhau, những chủng tộc khác nhau, những tôn giáo khác nhau ở trong xã hội này đều có thể chung sống hòa mục, đều có thể tôn trọng lẫn nhau, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau, đối đãi bình đẳng. Đây là thiên đường mà tất cả các tôn giáo đang mong cầu. Nhà Phật nói thế giới Cực Lạc, thế giới Hoa Tạng, đạo Hồi gọi là Thiên Quốc, Thiên Đường, tuy cách nói không giống nhau nhưng tình hình xã hội là như nhau, là tốt lành, không một mảy may khiếm khuyết, là mỹ mãn. Vậy làm thế nào mới có thể đạt được mục tiêu lý tưởng như thế? Nhất định phải có hành động, tiếp nhận giáo huấn của cổ Thánh tiên Hiền, chúng ta phải làm được. Đặc biệt là Kinh Hoa Nghiêm của nhà Phật, bạn xem trong Kinh Hoa Nghiêm có bao nhiêu chủng tộc khác nhau, chủng loài khác nhau, vạn vật trong trời đất, hết thảy chúng Thần đều bao gồm ở trong đó, mọi người đều có thể chung sống hòa mục, đối đãi bình đẳng. Đây là sự dạy học tốt nhất, là sự thị phạm tốt nhất, chúng ta phải nên học tập, nên thực hiện. Không những chúng ta đối với những tôn giáo khác nhau mà đối với hết thảy vạn vật đều phải lấy tâm đại từ bi, tâm yêu thương chân thành, dùng thân thể này của chúng ta để cống hiến toàn diện, vì hết thảy đại chúng mà phục vụ. Đây là điều mà Phật-đà dạy bảo cho chúng ta.
Quyển sách này đến đây là một phân đoạn lớn, đều đã giới thiệu những nét chính của thiện và ác. Tiếp theo là tổng kết, tổng kết của hai đoạn nói về thiện và ác, ước chừng chiếm bảy phần đến tám phần của cả cuốn sách. Đây là phần kết tội, văn tự cũng có mấy đoạn, không đến nỗi dài, đoạn phía cuối đặc biệt lại mang hai điều Giết và Trộm để cảnh báo cặn kẽ cho chúng ta. Điều này thật là hiếm có!
Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ học đến đây thôi. A Di Đà Phật!