THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Mã AMTB: 19-012-0001 đến 19-012-0195
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN – Tập 158/195 (103A – bộ 128 đĩa)
Chư vị đồng học, xin chào mọi người!
Hôm nay chúng ta xem đoạn thứ 90 của Thái Thượng Cảm Ứng Thiên:
“Oán thiên vưu nhân. Ha phong mạ vũ.” (Oán trời trách người. Mắng gió chửi mưa.)
Đức Phật dạy về sáu ba-la-mật của Bồ-tát, đó chính là phương pháp tích lũy công đức. Điều thứ nhất dạy chúng ta “bố thí”, tôi đã nói rất nhiều về bố thí rồi, dùng cách nói hiện nay là vì xã hội phục vụ, vì hết thảy chúng sanh mà phục vụ. Chúng ta dùng tài vật thì đó là bố thí tài, chúng ta dùng sức lao động của chính mình để phục vụ, làm nghĩa công thì đó là bố thí nội tài, dùng trí huệ của chúng ta thì đó là bố thí pháp, giải quyết khó khăn thay cho người khác thì đó là bố thí vô úy. Ý nghĩa của hai chữ “bố thí” đã nói viên mãn trong đó rồi.
Bố thí cần phải hội đủ những điều kiện nào? Bố thí là nói tổng quát, năm điều tiếp theo là nói riêng từng trường hợp. Điều nói riêng đầu tiên là “trì giới”, trì giới chính là như pháp, bố thí cần phải như pháp, chúng ta ngày nay nói là hợp pháp, hợp tình, hợp lý. Điều này chính là trì giới ba-la-mật. Vì người khác phục vụ cũng cần có phương pháp, có thứ tự, có trước có sau, có trật tự không rối loạn. Những điều này đều ở trong phạm vi trì giới ba-la-mật. “Nhẫn nhục” là cần tâm nhẫn nại. “Tinh tấn” là không ngừng cầu tiến bộ, ngày ngày phản tỉnh, ngày ngày sửa đổi, ngày ngày cầu tiến bộ. “Thiền định” là trong tâm của chính mình phải có kiểm soát, không bị sự cám dỗ của cảnh giới bên ngoài. “Trí huệ” là đối với hết thảy sự lý đều thông đạt thấu rõ. Từ đây có thể biết là năm điều phía sau đều nói rõ cho bố thí ba-la-mật, khiến cho việc bố thí của bạn được viên mãn, công đức của bạn được chân thật.
Mọi lúc, mọi nơi, gặp người khó khăn, nếu bản thân chúng ta vẫn còn một chút năng lực thì phải tận tâm tận lực mà giúp đỡ người khác. Giúp đỡ người khác nhất định không mong cầu quả báo thì sự bố thí này của chúng ta là thanh tịnh. Bố thí nhất định không phân biệt giàu, nghèo, sang, hèn thì sự bố thí này là bình đẳng. Sự thanh tịnh, bình đẳng của bố thí là Bồ-tát hạnh, thường giữ tâm thái này chính là Bồ-tát đạo. Vì vậy khi chúng ta không hài lòng, khi hết thảy sự việc không được như ý thì cần phải phản tỉnh sự tích công lũy đức của bản thân mình rất là mỏng. Hết thảy những cảnh giới không như ý này đều là quả báo, đáng phải thọ nhận, trong khi thọ nhận cần phải phản tỉnh làm thế nào để cải tiến, nâng cao cảnh giới của chính mình, tích lũy công đức càng lớn hơn, như vậy mới đúng. Nếu gặp chút chuyện nhỏ không vừa ý liền oán trách ông Trời không công bằng, cho là người khác có lỗi với mình thì sai rồi! Điều này chính là bản thân đang tạo tội nghiệp, không những không thể chuyển họa thành phước mà còn làm tăng thêm tội nghiệp của chính mình. Thế nhưng hiện tượng này chúng ta thấy rất nhiều trong xã hội, vì sao vậy? Phật tổ và cổ Thánh tiên Hiền thường nói là không có người dạy bảo họ nên họ không hiểu được sự việc. Trong kinh Phật thường gọi là “người đáng thương xót”, người thế này thật sự thuộc về dạng người đáng thương xót. Cho nên chúng ta nhất định phải hiểu được “oán trời trách người”nhất định là sai lầm, hơn nữa ác nghiệp này chúng ta nhất định không được phạm phải, lúc nào cũng luôn nhớ kỹ giáo huấn của Phật đối với chúng ta.
Câu thứ hai là “Ha phong mạ vũ” (Chửi gió, mắng mưa). Mưa gió là hiện tượng tự nhiên, điều này có lỗi lầm gì chứ? Người hiện nay nói việc (chưởi gió mắng mưa) này không có lỗi lầm, nhưng trong Phật pháp thì điều này có lỗi rất nặng, vì sao vậy? Vì sự tu học của Phật pháp là dạy người chuyển phàm thành Thánh, những điều mà thiên kinh vạn luận nói thật ra chỉ có hai chữ, một là chữ “Thành”, hai là chữ “Kính” mà thôi. Bạn xem ở hiện tượng này, “Thành” không có, “Kính” cũng không. Thời xưa, không chỉ là người tu hành mà người đọc sách hiểu lý khi gặp phải tai biến của tự nhiên, lúc này trong tâm đặc biệt chân thành, đặc biệt cung kính, dùng tâm “thành kính” đối đãi với hết thảy tai biến, tâm của họ là định, không sợ hãi không hoảng hốt. Chúng ta thấy chú giải ở đây cũng trích dẫn trong phần “Khúc Lễ” là: “Nếu có gió giật, sấm rền, mưa dữ”, chữ “thậm” có nghĩa là mưa rất lớn, rất to. Vế tiếp theo là “ắt thay đổi tư thế”, chữ “tất biến” chính là đặc biệt cung kính, đặc biệt cẩn thận. Vào lúc này cho dù là ban đêm đa phần họ cũng thức dậy, mặc quần áo chỉnh tề ngồi yên lặng ở đó. Điều này người ngày nay không hiểu, người ngày nay cũng sẽ không làm được, dù là người đọc sách xưa cũng chưa chắc làm như vậy. Thế nhưng trong Nhà Phật vẫn còn một ít người, vào lúc đột biến như vậy họ sẽ thức dậy mặc y phục nghiêm chỉnh, rất là cung kính, rồi đến niệm Phật đường tĩnh tọa hoặc là niệm Phật hoặc là kinh hành, trong nhà Phật vẫn còn như vậy. Ý nghĩa trích dẫn ở đây nói với chúng ta là gặp phải bất kỳ tai biến gì thì đều lấy tâm thành kính mà ứng phó thì mới có thể chuyển hóa tai nạn lớn thành tai nạn nhỏ, chuyển hóa tai nạn nhỏ thành không tai nạn, vì vậy thành kính giúp chúng ta có thể chuyển biến. Tất cả những tai nạn này chúng ta [thấy] trong hội Lăng Nghiêm đều đã từng nói qua, nguyên lý của điều này chính là điều Phật nói “y báo chuyển theo chánh báo”, thế nên cảnh tùy tâm chuyển. Điều này là thật, thế nhưng chúng ta là phàm phu thì không làm được, phàm phu là tâm tùy cảnh chuyển, gặp phải cảnh giới thế này thì hoảng hốt sợ hãi, tâm của bạn bị cảnh chuyển rồi. Nếu bạn bình tĩnh, suy nghĩ về lỗi lầm, sám hối, phản tỉnh, sửa đổi làm mới thì có thể hóa giải những tai nạn, tai biến này. Chúng ta cần phải hiểu được đạo lý này, các bạn có thể tự mình tham khảo trong chú giải.
Câu tiếp theo là đoạn thứ 91: “Đấu hợp tranh tụng. Vọng trục bằng đảng.” (Tranh chấp kiện tụng. Kéo bè kết đảng làm quấy), đây là tạo nghiệp, nhất định không được xem chuyện này là chuyện nhỏ
Câu đầu tiên chính là ưa thích “tranh tụng”, khi gặp người khác có tranh chấp, không biết khuyên giải mà còn dung túng họ, giúp đỡ họ, khiến cho hai nhà kết oán thù với nhau, tranh chấp tài sản, tranh danh đoạt lợi, tranh quyền đoạt vị, những việc thế này có quá nhiều. Thậm chí trong giới xuất gia ở thời kỳ cận đại này cũng không tránh khỏi. Trong chùa thì tranh chấp chức Trụ trì, tranh nhau làm chủ, tranh chấp tài sản của chùa, thậm chí tranh chấp đến tòa án. Thời xưa người xuất gia chưa từng phải lên đến tòa án, làm gì có chuyện này chứ, đó là chuyện buồn cười. Nhưng ngày nay lại thường xuyên nghe nói đến, thậm chí còn nêu rõ trên báo chí, còn có báo cáo. Phật dạy chúng ta buông xuống, như vậy thì buông xuống ở chỗ nào?
Cho nên khi gặp phải những chuyện thế này, chúng ta cần dùng lời nói hòa nhã, nhẹ nhàng để khuyên giải thì không những hai bên đều được phước mà chính mình cũng tu tích công đức. Nếu gây chia rẽ, làm ly gián, giúp đỡ tranh tụng thì bất luận bạn có chủ tâm gì, bất luận bạn cầu là mục đích gì thì điều này là tội lỗi rất nặng. Đặc biệt trong nhà Phật gọi là phá hòa hợp tang. Thế Tôn trong giới luật kết tội phá hòa hợp tăng là tội ngũ nghịch. Tăng đoàn này bất luận là như pháp hay không như pháp thì chúng ta đều không được can dự vào. Tăng đoàn tu hành như pháp thì lợi ích cho xã hội, lợi ích cho chúng sanh, bạn phá hoại tăng đoàn này thì kết tội không phải chỉ với mấy người này, bạn không có can hệ gì với mấy người này. Nếu chúng thường trụ trong tăng đoàn này tu hành như pháp, hoằng pháp lợi sanh thì chúng sanh ở cả địa phương này được lợi ích, không những chúng sanh chúng ta được lợi ích mà ngay đến quỷ thần cũng được lợi ích.
Lần này chúng tôi ở Singapore, nhiều bạn đồng tu đều biết hội trưởng Cư Sĩ Lâm trước đây là ông Trần Quang Biệt đã vãng sanh, oan gia trái chủ của ông đến đạo tràng yêu cầu nghe kinh. Chúng ta ở đây có thể chứng minh điều này, đạo tràng chân thật hoằng pháp lợi sanh thì quỷ thần đều hưởng lợi ích, bạn phá hoại đạo tràng này thì tội mà bạn tạo là kết tội với hết thảy chúng sanh chứ không phải có tội với một người. Bạn không vừa ý đối với Pháp sư này, bạn ghét ông ấy, bạn hủy báng ông, sỉ nhục ông, bạn trục xuất ông ấy ra khỏi chùa. Bạn làm tổn hại đến ông ấy thì không phải là có tội với một mình ông, còn phải xem sức ảnh hưởng của ông lớn đến mức nào. Cho nên phá hòa hợp tăng là một trong năm tội ngũ nghịch, quả báo ở địa ngục A-tỳ, không cách nào cứu nổi. Chư Phật xuất thế đều không cứu được sự sám hối đó, cho nên sự việc này chúng ta không thể làm.
Nếu người xuất gia ở đạo tràng này tu hành không như pháp, phá giới, phạm quy thì chúng ta cũng không cần phải can thiệp. Chúng ta không phải là người chấp pháp. Giống như người phạm pháp của thế gian, có tòa án, có cảnh sát, họ là người chấp pháp có trách nhiệm quản lý, chúng ta không phải là người chấp pháp. Nếu chúng ta can dự thì chúng ta cũng phạm pháp rồi, đạo lý này mọi người cần phải hiểu rõ. Vậy đệ tử Phật phạm pháp thì tự nhiên sẽ có sự xử lý trong nhà Phật đối với họ, không can hệ gì với chúng ta, chúng ta không nên quan tâm đến những việc thế này. Nếu chính mình nhìn thấy hoặc là nghe thấy vị xuất gia này có quan hệ rất tốt với ta, đôi bên đều biết nhau thì có thể hỏi thăm ông ấy, điều này có phải là sự thật không? Tin đồn bên ngoài quá nhiều, nhất định phải hỏi xem có phải là sự thật không? Nếu là sự thật thì dùng lời nhẹ nhàng khuyên bảo, nếu không phải là sự thật thì lại nhẹ nhàng an ủi, không nhất thiết truy cứu, như vậy mới đúng. Nhất định không được tranh luận, nhà Nho và nhà Phật đều dạy chúng ta nhẫn nhường, chư vị nhất định phải biết, ngạn ngữ có câu: “Miếng ăn, ngụm nước đều được định trước”. Trong vận mạng của chính mình có thì người khác có thể cướp đi được không? Cướp không được. Trong vận mạng không có thì muốn giữ cũng không giữ được, vậy thì có gì để mà tranh giành chứ? Người khác muốn tranh thì nhường cho họ là xong, nếu trong mạng của tôi có thì tôi nhường ở đây, ở chỗ khác sẽ có lại. Điều này chứng minh trong vận mạng của bạn chân thật là có, người khác không cướp đi được. Cho nên hiểu rõ được đạo lý này, hiểu rõ những chân tướng sự thật này thì sẽ vui vẻ mà nhẫn nhường, làm gì có chuyện tranh chấp chứ. Hơn nữa nhẫn nhường cũng thuộc về bố thí, họ muốn danh thì cho họ danh, họ muốn lợi thì cho họ lợi, muốn gì ta đều cho họ, đây là Bồ-tát tu bố thí ba-la-mật. Công đức, quả báo của việc bố thí, chúng ta biết là bố thí nhiều thì càng được nhiều, không phải bố thí hết rồi thì không còn nữa, mà bố thí nhiều thì càng được nhiều. Người thế gian hiểu đạo lý này, nhưng hiểu chưa đủ sâu, chưa đủ thấu triệt, cho nên họ không dám bố thí, sợ rằng sau khi bố thí thì bản thân không còn nữa. Họ không hiểu được bố thí nhiều thì càng được nhiều. Cho nên chúng tôi ở Singapore hoằng pháp khuyên các bạn đồng tu, chúng tôi làm ra tấm gương cho mọi người xem, cá nhân bố thí nhiều thì càng được nhiều, đoàn thể cũng là bố thí nhiều thì càng được nhiều. Cư Sĩ Lâm là một đoàn thể, ở Singapore có thể nói không chỉ là trong Phật giáo mà trong tất cả những tôn giáo thì Cư Sĩ Lâm là đoàn thể hưng vượng nhất. Làm thế nào lại hưng vượng? Là do bố thí, vô tư bố thí, bố thí vô điều kiện, mọi người đều nhìn thấy quả báo rồi. Không chỉ là Phật nói trong kinh cho chúng ta, chúng ta y giáo phụng hành thì quả nhiên không sai, mà ở đây chứng thực lời Phật nói từng câu từng chữ là chân thật, chúng ta có thể yên tâm, nghiêm túc y giáo phụng hành.