THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Mã AMTB: 19-012-0001 đến 19-012-0195
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN – Tập 17/195 (7E – bộ 128 đĩa)
Chúng ta xem câu thứ chín trong Cảm Ứng Thiên. “Toán tận tắc tử” (tuổi thọ hết phải chết). Câu này là tổng kết. Phía trước đã nói “thiên địa hữu tư quá chi thần” (trong trời đất có các vị thần trông coi tội lỗi), theo sự tạo ác nặng hay nhẹ của người thế gian mà có hình phạt thích hợp. Phía trước đã nói sáu câu. Câu này là tổng kết, “toán tận” thì người này sẽ chết. Câu nói này là Thái Thượng đã lao tâm khổ trí để răn dạy chúng ta, cũng là sự cảnh cáo đối với chúng ta. Tập khí ác của chúng sanh quá sâu, điều này phải từ bản thân chúng ta mà tự kiểm điểm thì chúng ta sẽ có sự hiểu biết sâu sắc. Chúng ta biết được lỗi lầm của chính mình, rất muốn sửa đổi nó nhưng sửa không được. Thế nhưng sửa không được thì đến sau cùng là một con đường chết, hơn nữa là chết rất là bi thảm.
Sau khi chết rồi thì nhất định là đọa tam đồ. Vì sao vậy? Chúng ta hãy kiểm điểm kỹ. Trong đời này, thậm chí là trong một ngày, từ sáng đến tối, mỗi khi chúng ta khởi tâm động niệm thì có mấy cái là thiện niệm, có mấy cái là ác niệm? Ngôn ngữ, tạo tác của chúng ta có mấy cái là thiện hạnh, có mấy cái là ác hạnh? Không phản tỉnh thì không biết, chúng ta từ từ suy nghĩ phản tỉnh thì sẽ liền hiểu rõ.
Phật dạy mọi người hành trì hai thời khóa sáng tối. Tôi đã nói điều này rất nhiều lần rồi. Dụng ý của thời khóa sáng là để nhắc nhở chúng ta. Chúng ta đọc một đoạn kinh văn rồi tự mình y theo để tu hành, nhắc nhở chính mình trong ngày hôm nay mỗi khởi tâm động niệm ngôn ngữ tạo tác phải dựa theo tiêu chuẩn của Kinh giáo. Thời khóa tối là phản tỉnh. Chúng ta trong ngày hôm nay có làm được theo giáo huấn của Phật hay không? Có thì biểu dương khích lệ. Nếu vẫn chưa làm được thì ngày mai nhất định phải làm cho được. Đây là ý nghĩa thật sự của việc hành trì thời khóa sáng tối. Chúng ta tu pháp môn Tịnh tông, thời khóa sáng thì tụng 48 nguyện trong Kinh Vô Lượng Thọ. Bốn mươi tám nguyện có lý luận, có sự tướng, có phương pháp tu học, có cảnh giới, là đại tâm đại nguyện của A Di Đà Phật. Chúng ta sáng sớm đọc tụng đoạn kinh văn này là hướng về A Di Đà Phật để học tập cái đại tâm đại nguyện của Ngài. Thời khóa sáng chúng ta đã làm rồi, đoạn kinh văn này đã đọc rồi, vậy có phát tâm hay không? Nếu tâm nguyện của chúng ta hoàn toàn không tương ưng với kinh văn đã đọc tụng thì đọc tụng kinh là vô ích, làm thời khóa này là uổng công.
Thời khóa tối thì chúng ta tụng từ phẩm 32 đến phẩm 37. Đoạn Kinh văn này là nói về cái gì? Nói về ngũ giới thập thiện. Chúng ta tỉ mỉ mà kiểm điểm ngày hôm nay, khởi tâm động niệm ngôn ngữ tạo tác có tương ưng với giáo huấn của Phật hay không? Nếu không tương ưng thì chúng ta tạo ác, tạo tội rồi. Tạo tội ác thì niệm Phật làm sao có thể vãng sanh? Chúng ta niệm Phật mà công phu không được đắc lực là do nguyên nhân này. Mỗi ngày dường như là đều hành trì thời khóa sáng tối, kỳ thực là không có làm, những gì đã làm chỉ là hình thức, trên thực chất là không có làm. Nếu quý vị thật sự hành trì thời khóa sáng tối thì công phu của các vị thật sự là tiến bộ vượt bậc. Nền tảng đạo nghiệp của các vị sẽ được vun đắp kiên cố. Bản thân các vị sẽ cảm thấy được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần ủng hộ. Không cần đi hỏi người khác mà tự mình có thể cảm thấy được.
Thời đại này mọi người đều biết được là sẽ có đại tai nạn giáng xuống. Tai nạn từ đâu mà đến vậy? Từ lòng người trái lẽ thường. Thế nào là thường? Ngũ giới thập thiện là thường. Trái nghịch ngũ giới thập thiện gọi là trái lẽ thường. Trái lẽ thường thì sẽ có hung tai, thuận lẽ thường thì sẽ có phước lành. Trong kinh Phật đã nói rất rõ ràng những đạo lý này. Cảm Ứng Thiên cũng nói rất thấu triệt. Kinh Phật là do Thánh nhân của Ấn Độ xưa nói. Còn Cảm Ứng Thiên là do Thánh Hiền của Trung Quốc xưa nói. Chúng ta cũng có thể đem nó xem như là những lời tiên tri của người xưa. Những lời tiên tri này là có lý luận để làm căn cứ. Cát hung họa phước đích thực là ở trong một niệm. Xem bạn chuyển biến cái niệm này như thế nào. Nếu bạn vẫn tiếp tục tạo nghiệp, vẫn tiếp tục có tâm bất thiện, vậy thì thật sự đúng như Phật đã nói là “biển nghiệp mênh mông, biển khổ vô biên”. Biển nghiệp là do bạn tạo, biển khổ là thọ báo của bạn. Trong đời quá khứ tuy bạn có được một chút dư phước, bạn sẽ hưởng hết rất nhanh. Huống hồ là trong đời sống hằng ngày bạn lại không biết tiếc phước (trân quý phước báo). Dù bạn có phước báo lớn đến đâu thì bạn có thể hưởng được mấy ngày?
Ấn Quang Đại sư cả đời dạy người tiếc phước. Bất luận là gặp người nào thì Ngài cũng thường hay nhắc nhở. Khi ăn cơm thì ăn hết thật sạch sẽ, một hột cơm cũng không bỏ thừa, không lãng phí, đó là tiếc phước. Khi mình ăn cơm thì phải nghĩ đến người khác, trong thiên hạ vẫn còn biết bao nhiêu người hoạn nạn không có cơm ăn. Mặc áo thì mặc cho sạch sẽ, gọn gàng chỉnh tề, đó là tiếc phước. Quần áo mặc bị rách rồi thì cũng không sao, có thể vá lại. Hễ giặt sạch sẽ, có thể che thân, có thể giữ ấm cơ thể là được rồi. Trong thế gian chúng sanh khổ nạn không có quần áo để mặc vẫn còn rất nhiều, niệm niệm đều nghĩ đến hết thảy chúng sanh. Hơn nữa còn tận tâm tận lực giúp đỡ hết thảy chúng sanh. Thường hay giữ cái tâm như vậy là tâm thiện. Trong đời sống hằng ngày không thể không lưu ý.
Người chân thật tu hành thì một mảnh giấy cũng không được lãng phí, vật chất có được là không dễ dàng. Tuy rằng ngày nay khoa học kỹ thuật phát triển nhưng vẫn phải kiêng dè, không được lãng phí, có thể tiết kiệm được thì tận hết khả năng mà tiết kiệm. Bạn sẽ có dư phước hưởng không hết. Nếu mặc tình lãng phí thì chẳng bao lâu bạn sẽ hưởng hết phước báo của bạn. Sau khi hưởng hết phước báo mà vẫn còn thọ mạng thì bạn cũng phải chết. Vì sao vậy? Vì phước đã hết rồi. Lộc hết thì người chết. Giả sử bạn có thọ mạng 100 năm nhưng mới 60 tuổi mà bạn đã hưởng hết phước báo rồi, vậy thì bạn phải chết lúc 60 tuổi. Nếu như bạn có thọ mạng là 60 tuổi, bạn cả một đời tiếc phước, khi đủ 60 tuổi mà phước báo của bạn vẫn chưa hưởng hết thì thọ mạng của bạn sẽ được kéo dài cho đến khi hưởng hết phước báo.
Thật ra mà nói, người hiện nay cái mà họ hưởng thụ đó đều là dư phước của đời trước. Trong đời này họ chỉ hưởng phước, họ không tu phước. Người thế gian hiện nay chẳng mấy ai coi trọng cái đạo lý này, nói với họ chưa chắc họ chịu tin. Người học Phật thường thường tiếp xúc với kinh giáo của Thánh nhân, cơ hội được nghe chân tướng sự thật của những lý luận này tương đối nhiều. Vì sao họ không chuyển đổi lại được? Vì họ bị ảnh hưởng của hoàn cảnh xã hội, đại đa số mọi người không tin, cho rằng những gì Phật Bồ-tát nói chưa chắc là thật. Chúng ta thấy có rất nhiều người mang theo thái độ hoài nghi để học Phật. Tuy họ nghe được rõ ràng, minh bạch rồi nhưng khi cảnh giới hiện tiền thì họ vẫn thuận theo cảnh giới mà bị xoay chuyển, không thể quay đầu trở lại. Phật thường nói “quay đầu là bờ”. Họ không thể quay đầu lại cho nên “tuổi thọ hết thì phải chết”. Sau khi họ chết rồi vẫn còn dư ương. Cái dư ương này là trầm luân trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh tam ác đạo. Ác đạo vào thì dễ mà ra thì rất khó.
Tuyệt đối không phải là nói một khi đã chết là hết, chết rồi thì cái gì cũng không còn. Nếu như thật sự chết rồi là hết thì chúng ta không cần phải học Phật, mà chân tướng sự thật là chết rồi sẽ rất khủng khiếp. Đây là lời thật. Tôi nói những lời này ở trên giảng đài đã mấy mươi năm rồi. Sau khi chết thì không có cách để cứu. Phải nên nhân lúc hơi thở còn chưa đoạn dứt mà quay đầu thì vẫn còn kịp. Trong kinh luận nói việc Phật độ chúng sanh rất hay. Trong sáu cõi, vì sao Phật lại thị hiện làm Phật ở cõi người? Vì sao trong năm cõi còn lại đều không thị hiện làm Phật? Đây là nói rõ trong cõi người tuy rằng khổ nhưng dễ quay đầu. Cõi trời vui nhiều khổ ít nên rất khó giác ngộ, đây cũng chính là nói “giàu sang học đạo khó”. Trong ba đường ác thì quá khổ, không có tâm trí nào để học Phật được, cho nên Phật độ họ rất khó khăn. Chỉ có cõi người là khổ nhiều vui ít, tương đối dễ giác ngộ, dễ tiếp nhận giáo huấn của Phật. Chúng ta nhất định phải hiểu được chân tướng sự thật của cõi người.
Thân người khó được mà dễ mất. Trong lục đạo có được thân người là vô cùng không dễ dàng. Trong kinh luận có rất nhiều tỷ dụ về
“Phật pháp khó được nghe”, khó có cơ hội được nghe Phật pháp. Nghe Phật pháp, điều quan trọng nhất là chính mình phải thật sự có tâm hiếu học. Vì sao vậy? Thật sự có tâm hiếu học là chính mình có thể cảm, Phật Bồ-tát liền có ứng. Phật ở trong kinh nói: “Phật thị môn trung, bất xả nhất nhân” (trong cửa Phật không bỏ người nào). Những lời này là thật. Chúng ta không thật tâm để học thì Phật Bồ-tát không đến. Bạn dùng vọng tâm để học Phật, hư tình giả ý để học Phật thì không thể nào cảm ứng với Phật Bồ-tát. Cảm ứng với ai vậy? Là cảm ứng với yêu ma quỷ quái. Yêu ma quỷ quái sẽ biến thành hình tượng của Phật Bồ-tát để đến dụ hoặc bạn. Là Phật giả không phải Phật thật. Chân tâm thì cảm ứng được Phật thật còn vọng tâm thì cảm ứng được Phật giả.
Trong thời đại này con người đều là hư tình giả ý, cho nên cảm ứng Phật Bồ-tát thị hiện đó đều là ma vương Ba-tuần biến hiện ra. Trong Kinh Lăng-nghiêm nói: “Tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng”. Những tà sư này cũng khoác áo cà-sa, cũng mang tướng Tỳ-kheo xuất gia. Nhưng họ là ai vậy? Là yêu ma quỷ quái. Họ dạy bạn tạo nghiệp, dẫn dắt bạn đi vào trong tam đồ. Họ làm những sự việc này. Chúng ta là phàm phu mắt thịt nên không thể nhận biết được. Trong Kinh Lăng-nghiêm nói có năm mươi loại Ấm ma, các vị đọc qua thì sẽ biết. Cảnh giới của ma thì phàm phu chúng ta nhất định không thể nào nhận biết được đó là ma cảnh. Tuyệt đại đa số mọi người đều xem cảnh giới đó là cảnh giới Phật, cho rằng đó là Phật thật. Bạn không đọc Lăng-nghiêm thì bạn sẽ không hiểu được những sự tình này.
Cho nên Thích-ca Mâu-ni Phật nói trong tương lai bộ kinh đầu tiên bị tiêu diệt chính là Kinh Lăng-nghiêm. Vì sao mà bộ kinh đầu tiên bị tiêu diệt là Kinh Lăng-nghiêm vậy? Ngày trước khi tôi học giảng kinh với lão sư Lý, chủ tu chính là Kinh Lăng-nghiêm. Trong bộ Kinh này tôi đã có sự lĩnh hội rất sâu sắc. Bộ kinh này nếu như lưu lại ở thế gian thì ma sẽ không được thuận lợi. Đối với ma mà nói, đây là chướng ngại lớn nhất. Chúng ta có năng lực phân biệt thế nào là Phật thế nào là ma? Kinh Lăng-nghiêm chính là tiêu chuẩn. Lúc trước tôi đã giảng qua Kinh Lăng-nghiêm. Tôi nói Kinh Lăng-nghiêm là kính chiếu yêu. Khi Kinh Lăng-nghiêm không còn nữa thì ma sẽ rất thuận tiện. Lúc đó bạn không thể nhận ra họ, bạn nhất định sẽ xem họ là Phật Bồ-tát. Bạn cùng họ tu học, tương lai sẽ đi vào ba đường ác, đều biến thành ma con ma cháu. Vì vậy Kinh Lăng-nghiêm sẽ bị diệt trước tiên. Trong Kinh Pháp Diệt Tận, Phật nói Kinh Vô Lượng Thọ sẽ bị diệt sau cùng. Hết thảy Phật Pháp bị diệt tận thì câu danh hiệu A Di Đà Phật này vẫn còn có thể cứu độ vô lượng chúng sanh vãng sanh Tịnh Độ. Chúng ta phải hiểu rõ cái đạo lý này. Còn chút hơi thở thì quay đầu vẫn còn kịp. Đợi đến khi chết thì không còn kịp nữa, vì bạn chết thì bạn không quay đầu được. Huống hồ là những người khi sắp lâm chung có mấy người đầu óc còn tỉnh táo. Bạn có thể đảm bảo chắc chắn khi bạn ra đi đầu óc bạn vẫn còn tỉnh táo hay không? Đầu óc không tỉnh táo thì không thể vãng sanh. Đầu óc mà tỉnh táo, khi lâm chung một niệm sau cùng là “A Di Đà Phật” thì có thể vãng sanh. Bạn có nắm chắc được, đảm bảo được khi bạn lâm chung đầu óc bạn vẫn tỉnh táo hay không? Nếu bạn không có cái lòng tin này, vậy thì ngay từ bây giờ phải nỗ lực đoạn hết thảy ác, tu hết thảy thiện, vì đời kiếp sau mà suy nghĩ. Đây là người thông minh. Đây là người thật sự có trí huệ.
Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng tôi xin giảng đến đây thôi. A Di Đà Phật!