THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Mã AMTB: 19-012-0001 đến 19-012-0195
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN – Tập 121/195 (69B – bộ 128 đĩa)
Các vị đồng học, xin chào mọi người. Đoạn thứ 57 trong Cảm Ứng Thiên:
“Tri quá bất cải. Tri thiện bất vi” (Biết lỗi mà không sửa; Biết điều thiện mà không làm)
Tám chữ này có thể nói là tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc của hết thảy [sự giáo hóa] thế gian, xuất thế gian của Thánh Hiền, tôn giáo, chư Phật Bồ-tát. Xuất phát từ điểm chung này thì có thể dung hợp các dân tộc, văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng khác nhau của thế gian và xuất thế gian thành một thể. Tiêu chuẩn của thiện ác rất nhiều, đó là bởi vì được xây dựng trên sự không giống nhau về văn hóa, nhưng nói tới chỗ tinh diệu nhất thì nhất định là tương đồng.
Hai câu nói trên chúng ta đã thảo luận qua mấy lần rồi, nhưng mấy lần thật sự cũng giảng không đủ. Chúng ta suy ngẫm tỉ mỉ mà xem, Thích-ca Mâu-ni Phật giảng kinh thuyết pháp 49 năm, ngày ngày đều nói hai câu này, thiên kinh vạn luận cũng không rời xa nguyên tắc này. Lỗi lầm vô lượng vô biên, thiện hạnh cũng vô lượng vô biên. Người thế gian ngu muội nhận thức không rõ ràng, đem đúng sai, tà chánh, thiện ác điên đảo hết rồi, đây là sai lầm lớn, là lỗi lầm lớn.
Chư Phật Bồ-tát, đại Thánh đại Hiền đối với người đời đích thực là không hề có chút tâm trách cứ nào, điều này không giống với người thông thường chúng ta. Các Ngài được xưng là đại Thánh Hiền cũng vì điểm này. Các Ngài chỉ có tâm chân thành từ bi, chỉ có tâm yêu thương mà thôi. Nhìn thấy người thế gian cho dù tạo tội ngũ nghịch thập ác, chư Phật Bồ-tát vẫn là tấm lòng từ bi, vẫn là một tấm lòng chân thành. Như trong Kinh Vô Lượng Thọ có nói: “Người trước bất thiện, không có người dạy bảo, không nên trách họ”, chúng ta cũng phải học theo “không trách họ”. Người thế gian ai ai cũng là người tốt, ai ai cũng là thiện nhân, Phật trong Kinh Vô Lượng Thọ nói rất rõ ràng: “Nhất thiết giai thành Phật” (tất cả đều thành Phật). Kinh Hoa Nghiêm, Viên Giác nói càng thấu triệt hơn, “nhất thiết chúng sanh bổn lai thành Phật” (tất cả chúng sanh xưa nay vốn thành Phật), chúng ta phải ghi nhớ lời dạy bảo chân thật của Thế Tôn.
Điều sau cùng của Tịnh nghiệp tam phước dạy bảo chúng ta “Phát Bồ-đề tâm, tin sâu nhân quả”. Phát Bồ-đề tâm là phát tâm giác ngộ triệt để, phải giác ngộ triệt để! Tin sâu nhân quả, nhân quả gì? “Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả”. Muốn thành Phật thì phương pháp niệm như thế nào? Mấy ngày trước có vị đồng tu tới hỏi tôi, tôi cũng nói qua mấy lần rồi, nói thêm vài lần nữa để tăng thêm ấn tượng cho các đồng tu. Tôi niệm Phật, tôi nhìn thấy tất cả người, tất cả việc, tất cả vật trong tận hư không khắp pháp giới đều là A Di Đà Phật, người người đều là A Di Đà Phật, việc việc đều là A Di Đà Phật, vật vật đều là A Di Đà Phật, phương pháp niệm của tôi là như vậy. Tôi học được từ đâu vậy? Học được từ Kinh Vô Lượng Thọ, từ Kinh A Di Đà.
Thế giới Tây Phương Cực Lạc y chánh trang nghiêm, toàn là A Di Đà Phật biến hóa mà ra. A Di Đà Phật là ai? Là tự tánh của mỗi người. Tôi hiểu được đạo lý này, hiểu được chân tướng sự thật này, vậy nên mới hốt nhiên đại ngộ. Kinh Hoa Nghiêm nói tận hư không khắp pháp giới là “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến” (do tâm hiển hiện, do thức biến hóa). Tâm là trí huệ vô lượng vô biên, đức tướng vô lượng vô biên, danh hiệu của Ngài gọi là A Di Đà Phật. Cho nên tôi hiện tại niệm Phật khác với trước đây, cách niệm không giống nhau, niệm niệm đều là thân tâm tự tại, pháp hỷ sung mãn.
Tổ sư Đại đức dạy chúng ta, tu hành phải bắt đầu từ căn bản, sửa đổi lỗi lầm phải bắt đầu sửa từ căn bản, hành thiện phải bắt đầu hành từ căn bản thì thành tựu của các vị sẽ rất nhanh, làm gì cần đến ba đại A-tăng-kỳ kiếp chứ! Chúng sanh thành Phật chỉ trong một niệm, chính là xem các vị có thể xoay chuyển được ý niệm hay không.
Văn Thù Bồ-tát thỉnh giáo Thế Tôn, một người tuổi trẻ tạo nghiệp, đến khi về già tu hành, vẫn có thể thành Phật không? Thế Tôn trả lời rất hay, “biển khổ vô biên, quay đầu là bờ”. Chúng ta phải dùng tâm Phật, tâm Phật chính là chân tâm, dùng tâm giác ngộ viên mãn mà nhìn người nhìn việc. Phật có cách nhìn như thế nào? Chỉ nói tới hiện tiền, không nói tới quá khứ. Hiện tiền là hiện tại, quá khứ không truy cứu nữa, quá khứ không nghĩ đến nữa, nghĩ quá khứ, nghĩ tương lại đều là vọng tưởng.
Con người nếu cứ sống trong khái niệm về quá khứ, tương lai thì không thoát khỏi được luân hồi, không thoát ra khỏi thập pháp giới được. Vì sao vậy? Lục đạo luân hồi và thập pháp giới là huyễn tướng do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chúng sanh biến hiện ra, không phải là thật. Kinh Kim Cang nói với chúng ta, thập pháp giới y chánh trang nghiêm là “mộng huyễn bào ảnh”, lời Phật nói là chân thật. Mộng huyễn bào ảnh mà các vị còn muốn nghĩ tới nó, các vị còn phân biệt chấp trước nó, vậy thì không phải đã sai lại càng sai sao? Các vị đang tăng cường tam đồ lục đạo, làm sao có thể ra khỏi tam đồ lục đạo được?
Cho nên Phật dạy chúng ta phải hạ thủ từ căn bản, lìa khỏi hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì không những lục đạo không còn, mà thập pháp giới cũng không còn, cảnh giới hiện tiền chính là cảnh giới của Chư Phật Như Lai. Chúng ta phải biết được đạo lý này, phải làm một cuộc chuyển đổi lớn, chuyển tâm phàm thành tâm Phật, chuyển cảnh phàm thành cảnh giới Phật. Kinh Hoa Nghiêm nói đến cảnh giới của Phật Hoa Nghiêm, sự chuyển biến này chỉ cách nhau giữa mê và ngộ, mê thì tất cả đều là mê, ngộ thì tất cả đều là ngộ.
Phật Bồ-tát trong kinh điển đều nói, nói thì nghe dễ dàng, chúng ta nghe dường như hiểu rồi, nhưng thực ra không thật hiểu. Vì sao vậy? Nếu thật sự hiểu thì các vị nhất định đã chuyển trở lại rồi. Chúng ta tu học không thể không để ý đến điểm này. Cảnh giới của chúng ta vẫn chưa xoay chuyển thì là chúng ta không hiểu, lời dạy của Phật chúng ta thể hội không thấu triệt, không thâm nhập. Nếu như chân thật minh bạch, thật sự hiểu rồi thì chỉ trong sát-na liền xoay chuyển, thật sự là không tốn chút công sức nào.
Không xoay chuyển được thì phải làm sao? Phải học, phương pháp duy nhất là hiếu học, nghiêm túc nỗ lực cầu học. Phương pháp học như thế nào? Tổ sư Đại đức dạy chúng ta “một môn thâm nhập, trường kỳ huân tu”. “Một môn thâm nhập, trường kỳ huân tu” là công phu giới định huệ. Giới chính là giữ quy tắc, dạy các vị một môn, đó là quy tắc, bảo các vị học một môn trong thời gian dài, đó cũng là quy tắc. Tại sao bảo các vị học một một, không bảo các vị học nhiều môn? Một môn thì dễ dàng chuyên tâm, dễ dàng đắc định. Nói cách khác, dễ dàng đoạn trừ phiền não, đoạn trừ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của các vị, ý nghĩa là ở chỗ này.
Khi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của các vị thật sự đoạn trừ rồi, không còn sanh khởi nữa thì gọi là đắc định. Trong định không có phân biệt, không có chấp trước, phàm có phân biệt, có chấp trước thì chưa đắc định. Định là tâm bình đẳng, định là tâm thanh tịnh, có chấp trước thì các vị không thanh tịnh rồi, có phân biệt thì không bình đẳng rồi. Cho nên đây là phương pháp tu định, định đến một mức độ nhất định thì trí huệ liền khai. Kinh Lăng Nghiêm nói rất hay, “Tịnh cực quang thông đạt” (thanh tịnh hết mức thì sáng suốt thông đạt), tâm địa thanh tịnh đến cùng cực.
Cùng cực cũng có khác biệt sâu cạn không đồng, chúng ta thấy trong Kinh Hoa Nghiêm, Viên Giáo Sơ Trụ Bồ-tát, định của Ngài đã đến cùng cực rồi, quang thông đạt rồi, quang thông đạt là kiến tánh, quang minh đó đã phá vô minh, thấy được tự tánh. Nhưng công phu đó vẫn còn cạn cợt, chỉ mới phá được một phẩm vô minh, thấy một phần chân tánh, sau đó phá hết 41 phẩm vô minh, đây là quả vị Như Lai rốt ráo. Cho nên “tịnh cực” này có 41 cấp bậc gọi là “cực”, thanh tịnh hết mức thì sáng suốt thông đạt.
Lúc này vô lượng vô biên pháp môn đều thông đạt rồi, có phải học nữa không? Không cần nữa. Vì sao không cần học nữa? Một tức tất cả, tất cả tức một, cho nên một pháp thông rồi thì pháp pháp đều thông, khế nhập một môn thì môn nào cũng đều đạt được. Đạo lý này hôm nay chúng ta đã hiểu, làm sao để thực hành? Phải xem công phu thực hành của các vị. Công phu thực hành nói thực ra chính là đem những gì các vị hiểu, các vị tin thực hành vào trong cuộc sống, đó là hành. Tín-giải- hành dung hợp thành một thể, đó gọi là chứng, chứng chính là khế nhập. Phẩm cuối cùng “Nhập Pháp Giới” của Kinh Hoa Nghiêm, làm sao để nhập? Tín-giải-hành dung hợp thành một là nhập, là chứng nhập. Chúng ta ngày nay khó ở chỗ nào? Tín-giải-hành chia làm ba, không phải là một, cho nên vĩnh viễn không thể khế nhập, vĩnh viễn không thể có được thọ dụng chân thật. Thọ dụng chân thật chính là tự tại vô ngại, pháp hỷ sung mãn.
Chúng ta đem một đời giáo dục của Thế Tôn, những gì Ngài đã nói trong 49 năm quy nạp lại thành mười điều: Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Nhìn thấu, buông xuống, tự tại, tùy duyên, niệm Phật.
Chân thành tràn đầy khắp hư không khắp pháp giới, tâm chân thành, tâm thanh tịnh cũng là viên mãn hư không châu biến pháp giới. Tâm bình đẳng, tâm chánh giác, tâm từ bi, không gì là không bao trùm tận hư không khắp pháp giới. Thực hành vào trong cảnh giới cuộc sống của chúng ta, nhìn thấu cũng chính là trọn hư không khắp pháp giới. Buông xuống, tự tại, tùy duyên đều tràn đầy tận hư không khắp pháp giới, đó gọi là niệm Phật, niệm Phật như vậy thì thành Phật rồi.
Tôi cũng đem một chút tâm đắc mà chính mình tu học để chia sẻ với các vị đồng tu, để mọi người tham khảo, cũng là chứng minh cho mọi người câu “tin sâu nhân quả, niệm Phật thành Phật” là sự thật vô cùng chính xác. Chỗ hạ thủ công phu là “tri quá năng cải, tri thiện khẳng hành” (biết lỗi có thể sửa, biết thiện chịu làm). Thế Tôn dạy người tiêu chuẩn thấp nhất [để phân biệt] thiện ác chính là điều thứ nhất của Tịnh nghiệp tam phước: “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”. Nhất định phải thực hành mười sáu chữ này. Nếu như không thể thực hành mười sáu chữ này, cho dù là tu học pháp môn nào cũng không có được lợi ích, đều không thể thành tựu. Thượng thượng pháp không thể rời hạ hạ pháp, thượng thượng pháp và hạ hạ pháp là một không phải hai, hi vọng các vị đồng tu suy ngẫm sâu xa về cái ý này, nghiêm túc nỗ lực học tập.
Tốt rồi, hôm nay giảng đến chỗ này. A Di Đà Phật!