Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – Tập 66/195

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN –  Tập 66/195 (34A – bộ 128 đĩa)

Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Hôm qua chúng tôi đã giảng đến “Nghi mẫn nhân chi hung, lạc nhân chi thiện, tế nhân chi cấp, cứu nhân chi nguy” (Hãy nên xót thương kẻ ác, vui vì điều thiện của họ. Giúp người khác trong lúc cấp bách, cứu người khác trong cơn nguy hiểm.) Hung tai nguy cấp ngày nay có thể nói đã đạt đến cực điểm. Ngày nay chúng ta nhìn thấy bốn câu nói này gần như là chỉ toàn bộ nhân loại trên địa cầu gặp phải tai nạn lớn, không phải là một người, hai người, cũng không phải một trăm người. Thương xót, không phải chỉ có một cái tâm thương xót, nó có công dụng gì chứ? Thương xót là cần thể hiện bằng hành động, mà hành động này phải từ trong nội tâm triệt để sám hối, trong tôn giáo gọi là “hối cải”. Đó mới là sinh khởi tâm thương xót đích thực.

Tai nạn lớn trên thế giới hình thành như thế nào? Trong những buổi giảng Kinh, chúng tôi đã giảng rất nhiều lần rồi. Trước tiên bạn phải nhận thức, chúng ta hiện nay đang sống trên địa cầu này, thái dương hệ này, hệ ngân hà này là y báo của chúng ta. Y báo chuyển theo chánh báo, Phật ở trong Kinh Đại Thừa nói rất nhiều rồi. Nếu bạn thật sự hiểu được ý nghĩa của câu nói này, bạn liền biết tai nạn của toàn thế giới, tai nạn của thái dương hệ, tai nạn của hệ ngân hà, nguồn gốc từ đâu mà có. Bản thân ta làm việc bất thiện, bởi vì đây là y báo của ta, y báo là chuyển theo chánh báo. Chúng sanh không thể giải quyết nổi vấn đề này, nhất định phải chịu tai nạn này, phải chịu quả báo. Nhận thức của họ sai rồi, cho rằng sự việc này không liên quan gì đến ta. Những người đó làm sai rồi, ta không làm sai. Quan niệm này là sai lầm rồi! Tất cả mọi người là hoàn cảnh nhân sự của chính chúng ta. Tất cả vật là hoàn cảnh vật chất ở trong đời sống chúng ta.

Ngày nay, hoàn cảnh nhân sự và hoàn cảnh vật chất đều không tốt. Truy cứu đến nguyên nhân căn bản, đó là do chúng ta tự mình giữ tâm không tốt, bản thân chúng ta làm người chưa làm tốt, cho nên hoàn cảnh y báo của chúng ta mới tồi tệ như vậy. Đây là chỗ then chốt căn bản của việc tiêu tai miễn nạn. Cho nên tự mình phải nhận thức rõ ràng, tự mình phải biết quay đầu. Trước kia khởi tâm động niệm không có gì không phải vì mình, tự tư tự lợi, cho nên mới tạo thành cục diện này, tạo thành tình trạng của ngày nay. Tâm lượng của chúng ta quá nhỏ, khi đại kiếp nạn đến, một gậy thật nặng này cuối cùng đã đánh thức chúng ta rồi. Sửa chữa lỗi lầm triệt để, vì tất cả chúng sanh chịu khổ chịu nạn, đây mới là thật sự hiểu rõ, thật sự thức tỉnh.

Kinh giáo Đại Thừa, lời dạy của Phật Bồ-tát thật sự có cơ duyên để thực hiện. Chúng ta dù vào chỗ dầu sôi lửa bỏng cũng không tiếc, chúng ta phải đi làm. Những gì không liên quan với lời dạy của Phật thì tuyệt đối không được làm, cho dù đối với bản thân đời này có lợi ích lớn, chúng ta cũng không cần. Chúng ta biết những thứ đó là cám dỗ, những thứ đó là lợi lộc trước mắt, là danh vọng lợi dưỡng. Người thế gian ngưỡng mộ vinh hoa phú quý, những thứ này là khói mây chớp mắt, hậu quả là ở tam đồ, là khổ báo. Khi mê thì không biết, nhưng khi giác ngộ thì hiểu rất rõ ràng, hiểu rất minh bạch. Bản thân chúng ta giác ngộ rồi, sáng tỏ rồi thì phải đem những đạo lý này, những sự thật này nói cho người có duyên biết. Nhà Phật thường nói: “Phật không độ người không có duyên”. Ai là người có duyên? Người chịu nghe, có thể lý giải, có thể tiếp nhận, có thể y giáo phụng hành là người có duyên. Cho nên bản thân chúng ta đến khắp nơi để hoằng pháp, trước tiên chúng ta phải biết quán cơ. Ở trong quán cơ, chỗ quan trọng nhất là đại chúng thường trụ. Nếu như đại chúng thường trụ vắng mặt, không thích nghe, dù bên ngoài tín đồ vẫn không ít thì nơi này không thể đến, đây là kết duyên cho các tín đồ. Thường trụ không có ý học Phật, thường trụ vẫn chạy theo tự tư tự lợi, thường trụ vẫn chạy theo danh vọng lợi dưỡng, không xem Phật pháp ra gì cả, vậy sao có thể đi được? Chúng ta ở nơi này, trước đây ở Cư Sĩ Lâm giảng Kinh Hoa Nghiêm, các bạn nhìn thấy cư sĩ Lý Mộc Nguyên mỗi một buổi giảng đều đến, không thiếu buổi nào cả. Hôm nào có việc không đến được, ông vẫn xin tôi nghỉ. Kinh Vô Lượng Thọ đã giảng qua nhiều lần rồi, ông ở nhà nghe băng ghi hình. Kinh Vô Lượng Thọ, ông tụng rất thuộc, mỗi ngày tụng ba biến. Ông nói với tôi, mỗi ngày ông chỉ ngủ hai giờ đồng hồ, cho nên tôi thấy ông hay nổi cáu, là vì ông ngủ không đủ. Ông ngủ không đủ là vì nguyên nhân gì? Hộ trì chánh pháp, hy vọng mọi người các vị có được pháp duyên thù thắng, ở nơi này học tập nghiêm túc, nối tiếp huệ mạng Phật, tương lai hoằng pháp lợi sanh.

Cư Sĩ Lâm với Tịnh Tông Học Hội nơi này, tất cả nhân viên làm việc không có người nào không nghe Kinh, không có người nào không niệm Phật. Họ là vì ai vậy? Vì chúng sanh khổ nạn toàn thế giới, không vì chính mình. Đây là đạo tràng như thế nào? Rất nhiều người từ Trung Quốc đến, những lão Pháp sư đến bên này nhìn thấy rồi tán thán: “Đây là đạo tràng hàng đầu thế giới”. Lời này có thật không? Chúng tôi nghe xong rất hổ thẹn, vì chúng tôi làm vẫn chưa đủ tốt, nếu thật sự làm rất tốt thì thế gian đâu có những tai nạn này. Nói thực ra là rất hiếm có, cư sĩ Lý lãnh đạo ở nơi đây, có một nhóm người thật sự phát tâm phối hợp giúp đỡ như vậy, có thể nói toàn là người làm nghĩa công, một xu, một chút đãi ngộ cũng không nhận, nhiều nhất là chỉ ở Cư Sĩ Lâm ăn một bữa cơm mà thôi. Tôi cũng là làm nghĩa công, mọi người đều là làm công quả, ở đây không có đãi ngộ. Mọi người có thể cần mẫn làm, dốc sức làm như vậy. Chúng tôi báo ơn Phật, báo ơn chúng sanh. Thật sự làm được “trên đền bốn ơn nặng” thì mới có thể “dưới cứu khổ ba đường”, cho nên chúng tôi đem việc “tri ân, báo ân” đặt lên vị trí hàng đầu. Có rất nhiều nơi muốn mời tôi, muốn tôi lưu trú lại. Tôi không phải là người có thể lưu trú ở đâu đó vì tình cảm riêng. Bạn có ý muốn, tôi rất cảm kích bạn, nhưng tôi không thể. Khiến tôi lưu trú lại thì phải là chánh pháp. Nơi này của bạn làm là chánh pháp, bạn không bảo tôi đến, tôi cũng phải đến. Nếu bạn tự tư tự lợi, vì đạo tràng nhỏ, vì đoàn thể nhỏ của mình, bạn quỳ dưới đất van nài, tôi cũng không đi. Tôi không có nhiều thời gian, tôi cũng không có nhiều tinh thần như vậy.

Hôm nay trong sách nói đến cái gì là hung, cái gì là nguy, cái gì là cấp, chúng ta cần nhận thức thật rõ ràng, thật minh bạch. Đây không phải hung tai nhỏ, không phải là mối nguy nhẹ nhàng từ tốn, mà là vô cùng nghiêm trọng. Ngày nay chúng ta hết lòng hết dạ dạy người, có mấy người tin? Bạn dạy người ta phải làm như thế này, như thế kia, nhưng chính mình không làm được, người ta nghe rồi sẽ có rất nhiều nghi vấn, đặt rất nhiều dấu hỏi: “Lời của bạn nói là thật hay là giả?”. Thích-ca Mâu-ni Phật, bản thân Ngài năm xưa còn tại thế, nói được là làm được. Nói thực ra, sau khi Ngài làm được rồi thì Ngài mới nói. Chúng ta thực lơ là sơ ý, quên sạch sẽ hành nghi cả đời của Thích-ca Mâu-ni Phật rồi. Hành nghi của Ngài chính là tấm gương tốt của chúng ta, chính là hình mẫu của chúng ta. Thế Tôn vì dạy dỗ chúng sanh, vì tuyên dương chánh pháp mà không ngại vất vả khó nhọc. “Phật quá vất vả, Phật quá mệt rồi”, những từ ngữ này chúng ta ở trong Kinh, trong Đại tạng giáo chưa từng nhìn thấy. Chúng ta ngày nay sao có thể nói mệt, sao có thể nói vất vả, sao có thể nói không chịu nổi chứ? Đây không phải là lời của đệ tử Phật, mà là lời của ma. Chỉ ma vương mới có những từ vựng này, Phật Bồ-tát không có những từ vựng này. Cho nên ở trong tai nạn lớn, lúc nguy cấp nghiêm trọng, chúng ta ngày nay còn có cơ hội ở nơi này học tập, đây là Tam Bảo gia trì, là thiện căn, phước đức, nhân duyên tích lũy từ vô lượng kiếp của mọi người trong đời quá khứ đã chín muồi. Những chúng sanh khổ nạn về sau này làm sao được độ? Phải dựa vào các bạn, các bạn có nghĩ đến hay không? Nếu như bạn nghĩ đến sự việc này thì sao bạn có thể không nỗ lực, sao bạn có thể không quyết tâm cố gắng?

Có lẽ các đồng tu muốn hỏi: “Chúng tôi thiện căn phước đức rất mỏng, trí huệ rất ít, chúng tôi có thể làm được không?”. Phật ở trong Kinh nói cho chúng ta biết, thiện căn, phước đức, trí huệ của tất cả chúng sanh cùng với Như Lai không hai không khác, thế nhưng bạn không tin. Hiện nay bạn chưa có trí huệ là vì phiền não của bạn che kín, bạn không có lòng tin đối với chính mình. Học Phật, điều đầu tiên là khôi phục lòng tự tin, khắc phục tập khí phiền não của chính mình, nhất định sẽ được chư Phật hộ niệm. Phước báo không đủ thì tự có long thiên thiện thần phù hộ bạn, gia trì cho bạn, tuyệt đối không cầu người. Thế gian, dù người phước báo lớn thế nào đi nữa cũng không được phép mở miệng xin họ một xu nào. Đó là việc của họ. Chúng ta cầu nơi Phật. Cầu nơi Phật là chánh lý, chánh pháp. Đây là năm xưa Đại sư Chương Gia dạy cho tôi. Tâm của chúng ta vĩnh viễn thanh tịnh, vĩnh viễn là tự tại. Phật dạy người phá mê khai ngộ, đoạn ác tu thiện, chuyển phàm thành Thánh, chúng ta học là học ba sự việc này. Nếu duyên đầy đủ thì chúng ta đối với tất cả chúng sanh khổ nạn này làm việc nhiều một chút, duyên không đầy đủ thì làm việc ít một chút, không có duyên thì không làm, đâu có thể cưỡng cầu được! Nếu có một mảy may tâm cưỡng cầu, bạn liền không tự tại, nói cách khác, bạn không có trí huệ rồi. Chúng ta ngày nay cầu là vì tất cả chúng sanh khổ nạn mà cầu, quyết không phải vì bản thân mà cầu. Vì bản thân mà cầu là tạo nghiệp. Vì tất cả chúng sanh mà cầu là phước đức, là công đức. Học Phật đã nhiều năm như vậy, ngay cả một chút đạo lý này vẫn không hiểu sao?

Chúng ta ngày nay làm sao cứu khổ cứu nạn? Đó chính là thật sự quay đầu, nhất định phải đoạn sạch sẽ tất cả ác mà bản thân trước đây đã tạo. Tất cả những điều thiện mà chưa tu thì bắt đầu từ hôm nay nỗ lực phụng hành. Cái gì là thiện? Cái gì là ác? Cảm Ứng Thiên là tiêu chuẩn tốt nhất, Ấn Quang Đại Sư vì chúng ta giới thiệu. Phật đã nói rất nhiều về tiêu chuẩn thiện – ác, nhưng rải rác ở trong Kinh luận Đại Thừa, không dễ dàng đọc tụng. Cảm Ứng Thiên với hơn một ngàn chữ này đã đem “thiện – ác” tập trung ở trong đây, từng câu đều là ý mà trong Kinh Phật đã nói, cho nên bộ sách này chính là Kinh Phật.

Chúng ta tu hành, bước đầu tiên là “đoạn ác tu thiện”, cứ dựa vào bản này mà phụng hành là được rồi; bước thứ hai là “chuyển mê thành ngộ”, “Hoa Nghiêm” là giáo trình hay nhất, “Bát Nhã” cũng là một giáo trình tốt; bước thứ ba là “chuyển phàm thành Thánh” thì Kinh Vô Lượng Thọ là giáo trình tốt nhất. Chúng ta không cần tìm đọc quá nhiều, vì đọc quá nhiều thì tinh thần bị phân tán, còn phải tốn biết bao nhiêu thời gian. Ở trong Phật pháp nắm lấy cương lĩnh trọng yếu, hiểu được một câu thì phải làm được một câu. Ở trong chú giải đã nêu ra rất nhiều ví dụ, đều là nói Đại đức xưa đã làm thế nào để giúp đỡ người khác, chúng ta có thể xem, có thể tham khảo những ví dụ này. Tôi ở chỗ này nói với mọi người là tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc là bắt đầu cứu từ căn bản. Ở trong pháp căn bản, “Y báo chuyển theo chánh báo”, đây chắc chắn là chân tướng sự thật. “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, “Hoa Nghiêm” nói: “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Chúng ta đối với lý luận cơ bản này, đối với nguồn gốc của vạn pháp phải thấu đáo thì chúng ta sẽ biết làm thế nào, chúng ta cũng sẽ có lòng tin để làm. Chúng ta có chân tín, có nguyện thiết thì làm sao mà không thể chuyển cảnh giới được? Hy vọng các đồng học suy nghĩ nhiều về sự việc này một chút, quan sát nhiều, thể hội nhiều.

Ở trong bốn câu này, có một câu: “Lạc nhân chi thiện”. Cái gì là thiện, chúng ta phải nhận thức nó cho rõ ràng. Tất cả việc tốt trong thế gian, nếu xen tạp tư tâm ở trong đó thì là bất thiện. Nếu có chín mươi chín phần trăm là vì công chúng, bên trong còn xen tạp một phần trăm vì bản thân thì đây là bất thiện. Việc tốt mà trong đó hoàn toàn không có tư tâm thì gọi là thuần thiện. Chúng ta phải nâng tiêu chuẩn lên đến cảnh giới này. Có lẽ đồng tu sẽ nói, cảnh giới này quá cao, người thế gian bình thường không thể làm được. Tôi cũng hiểu. Bản thân chúng ta phải nâng cao đến cảnh giới này, yêu cầu người khác là không nên. Yêu cầu bản thân thì phải thuần thiện. Yêu cầu người khác, người ta làm chín mươi phần trăm vì bản thân, mười phần trăm vì người khác là khá rồi, rất hiếm có rồi. Tại sao vậy? Vì họ chưa giác ngộ, họ không hiểu rõ chân tướng sự thật. Người giác ngộ thì nhất định không được phép, xen vào một phần trăm tư tâm cũng không được phép. Chúng tôi ở đây hằng ngày giảng, hằng ngày khuyên, hy vọng quí vị tỉnh ngộ trở lại. Khi khuyên thì dường như tỉnh rồi, hiểu rõ rồi, nhưng khi chúng ta rời khỏi nơi này này thì lại hồ đồ, lại mê rồi. Cho nên, Thế Tôn phải khuyên người suốt 49 năm. Trong 49 năm, rốt cuộc có bao nhiêu người tỉnh ngộ? Không nhiều, chỉ có số ít người thật sự tỉnh ngộ. Số ít người này chính là chúng sanh căn cơ chín muồi. Người vẫn chưa quay đầu, đó là chưa chín muồi. Để những người chín muồi đó hãy tiếp tục giúp đỡ những người chưa chín muồi. Chánh pháp cửu trụ, đời đời đều có truyền nhân thì chúng sanh mới có phước.

Hiện nay dạy học phải gian nan hơn nhiều so với trước đây, nói lời thành thật, bất luận về mặt đức hạnh, trí huệ đều phải vượt qua Tổ sư Đại đức xưa nay thì mới có thể cứu vãn vận mệnh thế giới. Nếu như trí huệ, đức năng của chúng ta ngang bằng với Tổ sư Đại đức xưa nay thì không thể cứu nổi thế gian này. Chúng ta không thật làm thì sao được? Không thật làm thì không những không thể giúp được người khác mà cứu chính mình cũng không cứu nổi. Thật sự có năng lực giúp đỡ người khác thì bản thân bạn mới có thể được độ, ta và người không hai.