Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – Tập 50/195


THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN –  Tập 50/195 (24A – bộ 128 đĩa)

Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Mấy ngày nay, chúng ta đã giảng hai chữ “trung hiếu”. Hai chữ này làm sao thực hiện và hình thức thực hiện như thế nào? Ở trong pháp thế gian, Khổng Lão Phu Tử thực hiện rồi, Mạnh Phu Tử cũng thực hiện rồi. Tâm hạnh cả đời của các Ngài chính là tấm gương của áp dụng thực tiễn. Ở trong Phật pháp, chư Phật Như Lai đã thực hiện rồi, chư đại Bồ-tát, Thanh Văn, Duyên Giác cũng thực hiện rồi. Hình tượng của các Ngài cũng chính là tấm gương thực hiện một cách chân thật.

Chúng ta học Phật thì phải biết, Phật giáo là giáo dục Thánh Hiền. Mục đích học Phật của chúng ta chính là học làm Thánh nhân, học làm Hiền nhân, dùng thuật ngữ của Phật pháp để nói là học làm Phật, học làm Bồ-tát. Phật Bồ-tát là người chí thiện. Nhà Nho nói: “Đạt đến chí thiện”, bốn chữ này chư Phật Như Lai thật sự làm được rốt ráo viên mãn.

“Chí thiện” là sự lưu lộ của tánh đức viên mãn. Hay nói cách khác, chúng ta cần phải làm một người chí thiện, chúng ta cần phải làm Phật, làm Bồ-tát. Làm Phật, làm Bồ-tát, đối với tất cả chúng sanh mà nói, đó là đạo lý muôn đời. Chúng ta hiện nay là phàm phu, đã mê mất tự tánh, nhất là sinh vào thời đại hiện nay, khổ nạn quá nhiều rồi. Sự đày đọa của những khổ nạn này đối với con người dĩ nhiên là đáng kinh sợ, nhưng cũng có thể khiến phàm phu tỉnh giác. Một gậy này đã đánh thức chúng ta. Sau khi tỉnh ngộ rồi thì chúng ta mới chịu quay đầu. Người thật sự quay đầu, triệt để quay đầu, khôi phục lại bản tánh của mình thì chính là Phật, chính là Bồ-tát, chính là đại Thánh đại Hiền mà nhà Nho gọi.

Khi chúng ta khởi tâm động niệm, hành vi đời sống, đối nhân xử thế tiếp vật, phải thường xuyên nghĩ những việc nào nên làm, những việc nào không nên làm. Bạn có thể làm rõ ràng, làm sáng tỏ việc nên làm và không nên làm thì bạn sẽ không còn mê hoặc điên đảo. Trí huệ của bạn đã mở, bạn tu học làm người, công phu tự nhiên sẽ đắc lực. Đây chính là phân biệt chân – vọng mà ở trong giáo huấn Phật pháp thường nói.

“Chân – Vọng”. Chân là điều chúng ta nên làm, hư vọng là điều không nên làm.

“Chánh – Tà”. Chánh là điều chúng ta cần phải làm, tà là điều không nên làm.

“Thị – Phi” (Đúng-Sai). Thị là điều nên làm, phi là điều không nên làm.

“Thiện – Ác”. Thiện thì nên làm, ác thì không nên làm.

“Lợi – Hại”. Lợi thì nên làm, hại thì không nên làm.

Sự “lợi – hại” này không phải đối với bản thân. Thế gian có rất nhiều người học Phật xem lợi hại là lợi hại của cá nhân mình. Điều này là sai rồi! Sự “lợi-hại” này là nói có lợi hay là có hại đối với xã hội, có lợi hay là có hại đối với quốc gia, có lợi hay là có hại đối với tất cả chúng sanh, chứ không phải là lợi hay hại đối với bản thân. Nếu như cái lợi hại này là nói đối với bản thân là sai rồi, đó không phải Phật pháp, mà đó là pháp luân hồi. “Lợi – hại” là như vậy thì bốn cặp đối nhau nói phía trước cũng là như thế. Chân vọng không phải nói đối với mình, tà chánh cũng không phải nói đối với mình, thị phi, thiện ác cũng đều không phải nói đối với mình. Bạn từ chỗ này đem ý nghĩ chuyển trở lại thì bạn đã có thể học Phật rồi. Nếu như đem những tà chánh, thị phi, thiện ác, lợi hại này thảy đều lấy bản thân làm tiêu chuẩn thì bạn vẫn là phàm phu, bạn có học như thế nào cũng không thể thoát khỏi lục đạo luân hồi. Nếu không thể thoát khỏi lục đạo luân hồi thì chắc chắn là đọa ba đường ác. Phật nói rất rõ ràng và mọi người chúng ta cũng đều hiểu rõ. Chúng sanh trong lục đạo, thời gian ở ba đường ác thì dài, còn thời gian ở ba đường thiện thì ngắn. Tôi thường nói (trong Kinh điển Phật cũng có ví dụ này), chúng ta đến ba đường thiện cũng giống như nghỉ phép đi tham quan du lịch vậy. Đọa ba đường ác là bạn lại trở về quê hương rồi. Quê nhà của chúng sanh lục đạo là ba đường ác. Phật ở trong Kinh tuy thường hay nói, nhưng có mấy ai xem lời Phật nói là quan trọng đâu? Nếu như thật sự xem lời giáo huấn của Phật là quan trọng thì họ sẽ tha thiết nỗ lực, tìm đủ mọi cách thoát khỏi luân hồi. Thế nhưng họ không xem lời giáo huấn của Phật là quan trọng, nghe như gió thổi ngoài tai, nghe xong liền quên mất, vẫn cứ làm xằng làm bậy, vẫn cứ làm chuyện lục đạo luân hồi. Phật Bồ-tát quả thực từ bi đến cực điểm. Chúng ta là người phản nghịch, ngoan cố như vậy, nhưng Phật không hề từ bỏ chúng ta, đời đời kiếp kiếp vẫn ở bên cạnh nhắc nhở chúng ta, gợi ý cho chúng ta, nhắc đi nhắc lại chỉ dạy chúng ta vô số lần. Ân đức của Phật, cha mẹ cũng không thể sánh bằng. Ân đức của cha mẹ đối với chúng ta là chỉ một đời, còn ân đức của Phật Bồ-tát đối với chúng ta là đời đời kiếp kiếp; vô lượng kiếp đến nay, các Ngài chưa bao giờ ruồng bỏ chúng ta.

Chúng ta phải làm thế nào thực hiện lời giáo huấn từ bi của Phật Bồ-tát? Tôi giảng đến hai chữ “trung hiếu”, tôi đem nội hàm phạm vi của hai chữ này bao gồm toàn bộ Phật pháp, chính là pháp môn đại tổng trì mà nhà Phật nói. Phật Bồ-tát dạy chúng ta không có gì khác là dạy trung, dạy hiếu mà thôi. Thiên Kinh vạn luận đều không lìa hai chữ này. Trung là trung đạo đệ nhất nghĩa đế. Hiếu là chân tướng của vũ trụ nhân sinh, là thực tướng của các pháp. Thực tướng là gì vậy? Tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới là một thể, đây là thực tướng. Từ tâm tánh, lý thể lưu xuất ra từ bi, lưu xuất ra bác ái. Hai chữ “bác ái” là xuất phát từ trong Kinh Vô Lượng Thọ mà quý vị đã đọc, ý nghĩa là tâm thương yêu thanh tịnh – bình đẳng, tâm thương yêu thuần nhất. Phật dạy chúng ta dùng tâm thuần thiện, tâm thương yêu thanh tịnh – bình đẳng yêu thương mọi người, yêu thương tất cả vật.

Nền giáo dục của nhà Nho chỉ dạy chúng ta có ba việc.

  • Thứ nhất là dạy chúng ta hiểu rõ mối quan hệ giữa người với người. Đây chính là giáo dục luân lý.
  • Thứ hai là dạy chúng ta hiểu rõ mối quan hệ giữa người với đại tự nhiên.
  • Thứ ba là dạy chúng ta mối quan hệ giữa người với trời đất quỷ thần.

Nền giáo dục Phật pháp cũng dạy ba việc này, nhưng phạm vi lớn hơn so với nhà Nho. Phạm vi dạy học của nhà Phật là hư không pháp giới, quá khứ vô thỉ, vị lai vô chung, thật sự danh xứng với thực, rộng lớn tinh thâm. Đây là nền giáo dục xứng tánh, giáo huấn chân thật, quy kết ở hai chữ “trung hiếu” này. Nhà Nho dạy chúng ta dùng “trung”, đạo trung dung, trung hòa. Phật pháp dạy chúng ta dùng trung, Bồ-tát dùng “trung đạo đệ nhất nghĩa đế”. Chúng ta đến Bắc Kinh tham quan du lịch, thử xem Cố Cung. Trong Cố Cung có ba công trình kiến trúc chủ yếu. Công trình kiến trúc thứ nhất là “Điện Thái Hòa”. Công trình kiến trúc thứ hai là “Điện Trung Hòa”. Công trình kiến trúc thứ ba là “Điện Bảo Hòa”. Thái hòa là “hiếu”. Trung hòa với bảo hòa là “trung”. Trung hòa là dạy bạn dùng trung, còn bảo hòa là dạy bạn không được đánh mất “dùng trung”. Ba đại điện này đặt ở đó, bức hoành treo ở chỗ đó chẳng phải là dạy trung, dạy hiếu sao?

Vào thời xưa, đế vương lấy gì để giáo hóa chúng sanh, lấy gì để trị quốc? Lấy “trung hiếu” mà thôi! Chúng ta phải thể hội cho được, phải hiểu rõ thái hòa là tự tánh, là chân tâm bản tánh; còn trung hòa và bảo hòa là tánh đức, là đức dụng của chân tánh. Chúng ta mê lâu rồi, mê đã quá lâu. Bậc Thánh Hiền có phương pháp hướng dẫn chúng ta khôi phục tự tánh. Phương pháp này ở trong nhà Phật gọi là phương tiện thiện xảo, dạy chúng ta lễ nhượng.

Giáo dục tiểu học, dạy học phải bắt đầu từ nhỏ. Trong ngạn ngữ thường nói: “Tập thành từ nhỏ giống như bản tánh, tập quen thành tự nhiên”, chỉ dạy chúng lúc còn thơ ấu, dần dần khiến chúng hình thành một thói quen, giống như thiên tánh vậy. Cho nên, giáo dục nhà Nho là dạy học bắt đầu từ khi người mẹ mang thai, đây gọi là “thai giáo”. Tâm địa người mẹ nhu nhuyến, từ bi, chân thành thì sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Nhất cử nhất động của người mẹ đều như lý như pháp, hy vọng đứa bé ở trong thai mẹ hấp thu được khí chất này. Cho nên, dạy học phải bắt đầu từ thai giáo. Người hiện nay không biết đạo lý này, chúng ta nói với họ thì họ nói chúng ta là mê tín, là nói đùa. Ở đây có đạo lý lớn trong đó, nhưng người ngày nay không tin đạo lý này, họ chỉ tin khoa học. Khoa học là đạo nhỏ. Đạo nhỏ không thể giải quyết vấn đề, đạo nhỏ chỉ làm vấn đề thêm phức tạp, làm vấn đề trầm trọng thêm thôi. Hiện tại khoa học kỹ thuật phát triển mang đến cho xã hội những hiện tượng này. Quí vị tận mắt nhìn thấy, tự mình thể hội được. Chỉ có đạo lớn mới có thể giải quyết được vấn đề.

Từ nhỏ bạn đã được học lễ nhượng (lễ là phép tắc). Bước vào xã hội, bất kể ở trong đời sống, trong công việc, đối nhân xử thế tiếp vật, bạn phải biết nhẫn nhượng. Đến khi đức hạnh của bạn có thành tựu, sự nghiệp của bạn có thành tựu rồi, bạn ở vào địa vị lãnh đạo trong xã hội, bậc Thánh Hiền dạy chúng ta phải khiêm nhường, khiêm tốn. Nhường không phải là vì bản thân, mà nhường là vì người khác. Đây là ba giai đoạn của đời người. Ba giai đoạn đều là nhường người khác. Bạn phải biết, nhường là tánh đức của chúng ta, là đức hạnh tốt đẹp. Bạn phải ứng dụng nó vào thực tế. Hành nhượng này, cả đời nhường người khác, làm nên tấm gương tốt cho xã hội.

Hiện nay xã hội cạnh tranh, tranh nhau u đầu vỡ trán. Người tranh với người, đoàn thể tranh với đoàn thể, nước này tranh với nước khác thì thế giới này làm gì có tốt lành hòa mục, làm gì có thái bình? Chúng tôi thường nói, trong Phật pháp, nếu muốn làm thầy, làm người mẫu mực, làm tấm gương tốt cho xã hội thì phải bắt đầu làm từ “nhường”, tất cả việc tốt đều nhường cho người khác. Chúng ta nỗ lực làm, hy vọng người khác sau khi nhìn thấy rồi thì sẽ giác ngộ, sẽ quay đầu. Chúng ta làm rồi mà họ vẫn chưa giác ngộ, vẫn chưa quay đầu; chúng ta thấy không có hiệu quả nên không làm nữa, buông xuôi, vậy là chúng ta sai rồi, mê hoặc rồi. Chúng ta làm, họ chưa giác ngộ, không chịu quay đầu là chúng ta làm vẫn chưa đủ, chúng ta làm chưa triệt để, nên chưa thể cảm hóa được họ. Tại sao vua Thuấn có thể cảm hóa được cha mẹ của ông, cảm hóa được anh em của ông, cảm hóa được bà con xóm giềng của ông và cảm hóa được cả một quốc gia? Các bạn thử nghĩ xem, có phải là từ nhỏ ông đã học lễ nhượng, nhẫn nhượng, khiêm nhượng không? Bạn muốn thực hiện “trung hiếu” mà bạn không biết nhường thì hai chữ này bạn sẽ không thể làm được. Tôi còn nhớ, trước đây tôi đã từng dùng một chuyên đề để giảng ba chữ “Quân – Thân – Sư”. Tôi đã nói rất nhiều về đề tài này, đây nhà Nho gọi là làm vua, làm cha mẹ, làm thầy. Vua là lãnh đạo họ. Cha mẹ là yêu thương họ, bồi dưỡng họ. Thầy là chỉ dạy họ. Chúng ta ở trong xã hội, mỗi người bất luận sống đời sống như thế nào, bất kể làm ngành nghề nào, đều đầy đủ ba thân phận “quân – thân – sư” này. Ba chữ này ứng dụng cũng đều ở thực hành nhường, biết nhường, nhất là danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần là những thứ mà tất cả chúng sanh đều tham ái, đều tranh giành. Chúng ta phải tùy bệnh cho thuốc, từ chỗ này học nhẫn nhường, học khiêm nhường.

Hôm nay tôi nói với mọi người ứng dụng trung hiếu chú trọng ở “nhường”, lễ nhường, nhẫn nhường và khiêm nhường.