THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Mã AMTB: 19-012-0001 đến 19-012-0195
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN – Tập 70/195 (36B – bộ 128 đĩa)
Lần trước tôi đã giảng đến Cảm Ứng Thiên, đoạn thứ 27: “Bất chương nhân đoản, bất huyễn kỷ trường” (Không phơi bày khuyết điểm của người khác, không khoe khoang ưu điểm của chính mình). Phần trước đã từng nói qua, hai câu này xem ra là lời lẽ tầm thường, nhưng trên thực tế có quan hệ cực lớn đối với cách làm người, sự tu dưỡng của mỗi người chúng ta. Người ở trong một đời, sai lầm lớn nhất chính là ưa thích phê bình người khác, ưa thích công kích sở đoản (điểm yếu) của người khác. Sự việc này là tổn âm đức nhất. Khi tạo tác chỉ biết chạy theo khoái ý nhất thời, không hề nghĩ đến quả báo nghiêm trọng về sau. Kinh Địa Tạng nói “địa ngục kéo lưỡi”, “địa ngục vạc lửa” đều là do loại nghiệp báo này hiện ra. Vào thời xưa, nhân tâm thuần phác, thông thường đều có giáo dục. Người hiện nay đáng thương, không có người chỉ dạy, thuận theo tập khí phiền não của mình, lại nhìn thấy phong khí xã hội bên ngoài, trong có nhân ác, ngoài có duyên ác, do đó tạo loại tội nghiệp này đầy rẫy khắp nơi. Đây là điều đáng để chúng ta cảnh giác, bản thân nếu như có thì nhất định phải tận lực sửa chữa sai lầm. Sai lầm này nếu không thể sửa đổi thì niệm Phật cũng không thể vãng sanh Tịnh Độ. Chúng ta nhất định phải nhớ kỹ, Phật giới thiệu Tịnh Độ cho chúng ta, nói rất rõ ràng, rất minh bạch là Thế giới Tây Phương đều là “các bậc thượng thiện cùng hội về một nơi”, tuyệt đối không cho phép người có tâm hạnh bất thiện đến nơi đó quấy nhiễu hoàn cảnh sống của người ta. Cho nên người như vậy thì nhất định không thể vãng sanh, chúng ta nhất định phải nhớ kỹ.
Trong chú giải trích dẫn rất nhiều ví dụ cho thấy người thời xưa có hàm dưỡng như thế nào, chúng ta phải noi theo, phải học tập. Những ví dụ về những người xưa mà chỗ này liệt kê ra ở trong sử truyện, ở trong cổ văn chúng ta đều đọc qua, đều khá quen thuộc. Những người như Hàn Kỳ, Vương Tố, Văn Trưng Minh đời Tống đều là những người có học, có thể độ lượng, bao dung. Nói thực ra, cổ nhân nói rất hay: “Người không phải Thánh Hiền, không ai mà không có lỗi”. Người có lỗi lầm nhỏ, tô vẽ thêm để trở thành lỗi lầm lớn thì đã đoạn mất tiền đồ của một đời người, nhân quả này phải gánh rất nặng. Người bị hại, nếu trong tâm họ không phục, họ nhất định sẽ trả thù. Sự trả thù này không phải đời này, mà là ở đời sau, hoặc là đời sau nữa, oan oan tương báo không bao giờ dứt.
Vào thời xưa, đồng học, bạn bè, khi nhìn thấy có lỗi lầm thì khuyên nhủ. Khuyên nhủ vào lúc nào? Khi không có người thứ ba nhìn thấy. Bạn xem những người này thấu tình đạt lý biết bao. Nhắc nhở họ, khuyên nhủ họ hai lần, ba lần họ vẫn không sửa, ở trong Phật pháp gọi là “mặc tấn” (mặc tấn là không nói nữa). Chúng ta thấy Thích-ca Mâu-ni Phật ở trong một đời, học trò theo Ngài không ít. Trong Kinh điển ghi chép 1.255 người, một đoàn thể tương đối to lớn. Chúng ta xem thấy trong Kinh, đoàn thể này không có sự tổ chức hiện đại hóa. Tại sao nhiều người như thế mà sinh hoạt có quy luật như vậy, nghiêm chỉnh như vậy? Đạo lý ở chỗ nào? Mỗi người đều tuân thủ “Lục hòa kính”, mỗi người đều tu “ngũ giới, thập thiện”, dù cho có lỗi lầm, mỗi ngày nghe Phật giảng Kinh thuyết pháp, tự mình biết sửa đổi, sám hối. Chúng ta không hề nghe nói Thích-ca Mâu-ni Phật xử phạt một học trò nào, không hề nghe nói Thích-ca Mâu-ni Phật khai trừ một học trò nào. Đây là tấm gương mẫu mực của chúng ta. Chúng ta ngày nay làm không được, muốn học cũng không học được. Cho nên xem từ trong Kinh điển ghi chép, Thích-ca Mâu-ni Phật đã làm người một cách viên mãn biết bao. Đây là Ngài hiện thân thuyết pháp, chỉ dạy chúng ta ở trong đời, đối nhân xử thế tiếp vật không có mảy may khuyết điểm nhỏ. Đây mới chân thật là biểu hiện ra trí huệ cứu cánh viên mãn.
****************
Mời xem câu: “Bất huyễn kỳ trường” (không khoe khoang ưu điểm của chính mình)
Bản thân có sở trường, có ưu điểm, người hiện nay nói là “đáng tự hào”. Đáng tự hào là khoe khoang sở trường của mình thì chút sở trường đó của bản thân bạn sẽ lập tức được hồi báo hết, không còn nữa, cho nên ưu điểm của mình phải giấu kín, ẩn giấu tài năng mà tu dưỡng công hạnh, tích âm đức; khuyết điểm của mình thì cần phải phơi bày ra. Đây là cổ Thánh tiên Hiền dạy chúng ta. Hành thiện là bổn phận của mình, vậy có gì đáng để khoe khoang chứ? Nhất là công việc trong bổn phận của mình. Công việc của bổn phận thì cần phải làm tốt, tận tâm tận lực mà làm, vì đây là bổn phận, nếu làm không tốt là có lỗi. Không có gì đáng để khoe khoang! Có thể làm tốt công việc thuộc bổn phận, đây chính là đại thiện.
Thật sự có thể làm tốt, muốn chu đáo mọi mặt thì tương đối không dễ dàng. Nếu không có trí huệ, không có học vấn, bạn sẽ không có phương tiện thiện xảo. Trên thế gian, có người nào không muốn làm tốt công việc bổn phận của mình? Tại sao vẫn làm không tốt? Tại sao lại rơi vào cảnh tội lỗi đầy mình, nguyên nhân ở đâu vậy? Chúng ta cần suy nghĩ thật kỹ. Nói tóm lại, lỗi là do không học, không học mà lại tự cho là đúng, cho nên khi đụng chuyện sẽ tạo ra rất nhiều sai lầm. Việc thế gian còn như vậy, việc lớn xuất thế gian thì càng khó hơn. Cho nên, bất kỳ việc gì, tự mình nhất định phải thử nghĩ năng lực trí huệ của mình, những việc này ta có thể làm được hay không, có thể làm viên mãn hay không, có thể lợi ích đại chúng xã hội hay không? Nếu không thể thì ta không dám tiếp nhận. Có trí huệ, có năng lực, lại có cơ hội này, người xưa gọi là “việc nhân nghĩa không thể chểnh mảng”, ta cần phải làm, vì nếu ta không làm thì sẽ không có người làm. Không có trí huệ, không có năng lực, không có cơ duyên này thì không nên cưỡng cầu mà làm. Cưỡng cầu đi làm, đó chính là điều mà trong Kinh Địa Tạng nói “khởi tâm động niệm toàn là tội lỗi”. Cho nên nói, người quý ở chỗ tự biết rõ mình. Người khác không biết, ta tự mình cần phải biết, phải hiểu rõ là mình có trí huệ bao nhiêu, năng lực bao nhiêu.
Tôi cả đời không dẫn dắt người nào, dùng cách nói hiện nay để nói là chưa hề làm lãnh đạo. Trong một đời của tôi, tôi là người bị lãnh đạo. Bản thân tôi hiểu rõ, tôi không có kinh nghiệm dẫn dắt người. Cho nên cả đời tôi không xây đạo tràng, không làm trụ trì, không dám quản người, không dám quản việc. Tại sao vậy? Tôi biết tôi không có năng lực này, cũng không có phước báo này, tôi làm không tốt, mà làm không tốt là có tội lỗi. Tôi không cưỡng cầu, hy vọng trong đời này ít lỗi lầm mà thôi. Tôi nhìn thấy người khác làm thì tôi hoan hỷ, ở bên cạnh phối hợp giúp đỡ họ, tôi tận tâm tận lực giúp đỡ người ta. Tục ngữ có nói, phàm là người làm lãnh đạo thì trong mạng phải có quan ấn. Lời này nói cũng không phải không có đạo lý. Cho nên tôi hiểu rõ mình, tôi cả đời phục tùng lãnh đạo, làm công việc mà bổn phận của mình phải làm. Sau khi gặp được Phật pháp, tôi cảm thấy mình vô cùng may mắn, ở trong một đời này, đọc sách mà mình thích đọc, làm việc mà mình thích làm. Sự nghiệp sau khi học Phật chính là giảng Kinh thuyết pháp, tuyên truyền giáo nghĩa của Phật giáo. Bản thân chúng tôi có tâm, có nguyện, nhưng cũng phải cần có duyên. Nếu không có duyên, tuy có tâm, có nguyện cũng làm không được. Pháp thế xuất thế gian đều cần thiện nhân, thiện duyên thì phía sau thì mới có thiện quả.
Phật dạy chúng ta phải tu Giác-Chánh-Tịnh, phải tu tâm thanh tịnh. Nếu muốn được tâm địa thanh tịnh thì chỉ có giảm bớt việc. Sự việc quá nhiều, quá bề bộn thì tâm thanh tịnh của bạn chắc chắn không đạt được. Sự nghiệp của bạn làm tốt đi nữa, huy hoàng đi nữa, thiện đi nữa, cũng đều rơi vào phước báo nhân thiên. Về việc vãng sanh, quí vị phải nhớ kỹ: “Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh”, tâm không thanh tịnh thì không thể vãng sanh. Trong Đàn Kinh nói hay, sự việc này phước không thể cứu được. Xây đạo tràng là tu phước, giảng Kinh thuyết pháp cũng là tu phước, độ chúng sanh vẫn là tu phước, không thể dứt sanh tử, không thể ra khỏi tam giới. Phước lớn đi nữa cũng không liên quan gì với dứt sanh tử, ra khỏi tam giới. Điểm nay chúng ta phải biết.
Nếu mọi người lưu ý một chút thì bạn có thể thấy đạo tràng của người xuất gia, đạo tràng của cư sĩ, phàm là người trụ trì đạo tràng, có mấy người có thể vãng sanh? Có mấy người khi lâm chung có tướng tốt lành? Trái lại không bằng một số người âm thầm lặng lẽ, thật thà niệm Phật, không bằng những người bị mọi người coi thường. Pháp sư Đàm Hư nói cho chúng ta biết, trong “Ảnh Trần Hồi Ức Lục” có ghi chép, phần sau “Niệm Phật Luận” cũng có ghi chép, Pháp sư Tu Vô ở chùa Cực Lạc – Cáp Nhĩ Tân vãng sanh. Đó là sự thật, không phải giả. Pháp sư Tu Vô không hề đi học, không biết chữ, trước khi xuất gia ông làm thợ nề, sau khi xuất gia chỉ biết niệm một câu “A Di Đà Phật”. Pháp sư là người vô cùng khiêm tốn, vô cùng hòa kính, đối xử với bất kỳ người nào cũng cung kính. Ở trong tự viện làm những công việc nặng nhọc, tu khổ hạnh, mọi thứ nhường cho người khác, cái mà người khác không cần thì mình lại thọ dụng. Bạn thấy, ông vãng sanh tự tại như vậy, tự nhiên như vậy. Pháp sư Đàm Hư vãng sanh, Pháp sư Đế Nhàn vãng sanh tướng lành không bằng ông.
Pháp sư Đế Nhàn còn có một đệ tử là thợ vá nồi (chúng tôi giảng Kinh thường hay nhắc đến ông), cũng là một người không biết chữ, niệm Phật ba năm thì đứng mà vãng sanh. Sau khi vãng sanh còn đứng ba ngày, đợi sư phụ của ông làm hậu sự cho ông. Sư phụ vãng sanh không bằng ông. Sư phụ của ông là Lão Hòa thượng Đế Nhàn, là Tổ sư một đời của tông Thiên Thai. Tại sao sư phụ không bằng đệ tử vậy? Đệ tử không có việc, ít lo, còn sư phụ là trụ trì tự miếu, mỗi ngày có biết bao nhiêu việc xã giao, lo nghĩ. Nói cách khác, luận về tu phước thì đệ tử không bằng sư phụ, nhưng luận về công phu tu hành thì sư phụ không bằng đệ tử. Những chân tướng sự thật này đều ở ngay trước mắt chúng ta, chúng ta có nhìn thấy hay không? Lão Pháp sư Đàm Hư, Lão Hòa thượng Đế Nhàn là Đại đức trong cửa Phật, giải hành chân thật tương ưng, thật sự là một người xuất gia tu hành tốt, cũng là tấm gương tốt của chúng ta. Nếu đức hạnh tu trì của chúng ta không bằng các Ngài thì nhất định bị đọa lạc. Cho nên, dẫn chúng thật không dễ dàng, người dẫn chúng không phải là người phàm. Người thật sự có trí huệ, có đức hạnh mới có thể dẫn chúng, nhất là đại chúng xã hội hiện nay, không dễ dàng dẫn dắt. Người trước đây thật thà, biết nghe lời. Người hiện nay không thật thà, mỗi người đều có rất nhiều ý kiến. Nếu không có đức hạnh thật sự khiến đại chúng kính phục thì chướng nạn của bạn là điều không thể tránh khỏi.
Chúng ta ở Singapore nhìn thấy cư sĩ Lý Mộc Nguyên, đích thực ông là Bồ-tát hóa thân. Ông có chướng nạn hay không? Có nhiều. Cũng có một số người đố kỵ chướng ngại vu cáo lên chính phủ, ông bị chính phủ nhiều lần điều tra nghiêm khắc. Khi họ điều tra, thấy rõ là ông bị oan, là người ta vu cáo hãm hại ông. Cư sĩ Lý biết rất rõ. Tại sao người ta vu oan cho ông vậy? Đại khái là trong đời quá khứ, ông đã vu oan cho người ta, oan oan tương báo. Khi sự việc rõ rồi, quan chức chính phủ còn khuyên ông: “Ông có thể khởi tố ngược trở lại những người vu cáo đó, những người đó đều có tội”. Cư sĩ Lý nói: “Không cần thiết, oan oan tương báo đến đây là hết rồi”. Đây là một người rõ lý, là người học Phật. Người khác dùng thiện hạnh đối với ta, ta dùng thiện hạnh đối với họ; người khác dùng bất thiện đối với ta, ta vẫn dùng thiện hạnh đối với họ, đây là người học Phật, là người hành Bồ-tát đạo. Người học Phật phải biết tri ân, báo ân, nhất định không báo oán; kết thiện duyên với tất cả chúng sanh, không kết ác duyên với tất cả chúng sanh; mọi việc đều nhẫn nhường, “bạn cần, tôi thảy đều đưa cho bạn”; không những vật ngoài thân có thể buông xả, cho dù bạn cần mạng của tôi, tôi cũng cho bạn.
Thích-ca Mâu-ni Phật đã làm tấm gương cho chúng ta thấy, ma vương Ba-tuần khuyên Ngài nhập Bát Niết-bàn, dùng cách nói hiện nay để nói là khuyên Ngài chết sớm một chút. Thích-ca Mâu-ni Phật đồng ý nhận lời ông, liền nhập Bát Niết-bàn. Ngài thỏa mãn tâm nguyện của tất cả chúng sanh. Phật thỏa mãn nguyện của ma, ma tương lai diệt Phật pháp sẽ còn biết lưu lại một chút tình, ra tay cũng còn nghĩ lại chút tình. Nếu Phật không đáp ứng nguyện vọng của ma, ma diệt Phật pháp, e rằng sẽ ra tay rất tuyệt tình. Phật đối với người ác, đối với ma vương đều thỏa mãn nguyện của họ, huống chi là người thông thường. Những chỗ này chúng ta đều phải học tập.
Chỗ hay của cổ Thánh tiên Hiền, chúng ta phải nhớ kỹ, phải cần mẫn, nỗ lực noi theo. Sở đoản của người khác, tuyệt đối không nhắc đến, không những không nhắc đến, tốt nhất tai cũng không nghe. Tại sao vậy? Bảo vệ tâm thanh tịnh của mình. Đây là tự lợi tuyệt đối. Ưa thích nghe lỗi lầm của người khác, ưa thích dò hỏi lỗi lầm của người khác thì chắc chắn đọa địa ngục. Tại sao bị đọa địa ngục? Tự làm tự chịu. Không phải người khác đẩy bạn xuống địa ngục, là bạn tự mình tạo nhân bất thiện, nên cảm quả bất thiện. Chúng ta không thể không biết.
Thế Tôn khi còn tại thế, tăng đoàn thật sự như pháp. Đoàn thể đó, chúng ta hiện nay học như thế nào cũng không thể học được. Nguyên nhân là đoàn thể hiện nay của chúng ta không lớn bằng đoàn thể của Ngài, ba – bốn chục người chung sống cùng với nhau, một người là một tâm, một người là một tư tưởng, điều thứ nhất trong “Lục Hòa Kính” làm không được, không có cách gì làm được “kiến hòa đồng giải”, cho nên không có nền tảng. Chúng ta còn chia thành mấy nhóm, còn muốn chọn người làm trưởng nhóm, vậy thì thật là quá mức rồi. Thế nhưng, đây là cách làm bất đắc dĩ. Tại sao vậy? Người không thể tự trị. Thế Tôn năm xưa còn tại thế, mỗi một người trong tăng đoàn đều có thể tự trọng, tự ái, tự trị, không cần phải tổ chức, mỗi một người đều tự quản lý mình rất tốt. Đây là tăng đoàn Phật pháp. Chúng ta cần phải suy nghĩ nhiều. Nếu đồng tham đạo hữu cộng tu với nhau mà chưa đạt đến trình độ này thì chi bằng không làm, không làm còn tốt hơn, tự mình tu cho mình, nhất định thành tựu. Nếu không như pháp thì không làm, thật sự như pháp thì chúng ta làm ngay, hoàn toàn noi theo Thích-ca Mâu-ni Phật. Những gì mà Tổ sư Đại đức đã làm, mức độ đã giảm xuống rất nhiều rồi. Chúng ta biết việc giảm nhẹ mức độ này, đều là bất đắc dĩ mà làm. Viên mãn nhất, cứu cánh nhất là cách thức của Phật khi còn tại thế, đây là điểm chúng ta cần phải ghi nhớ. Thật sự thành tựu trí huệ, đức hạnh, học vấn của mình thì mới thật sự có thể làm được tự hành hóa tha, mới thật sự có năng lực dẫn chúng. Dẫn chúng hoàn toàn là tự nhiên, không cần bất kỳ hình thức tổ chức nào, đó là tự nhiên. Tự nhiên là tốt nhất, tự nhiên là thiện nhất.
Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ học đến đây thôi.
A Di Đà Phật!