Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – Tập 164/195

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN –  Tập 164/195 (108A – bộ 128 đĩa)

Các vị đồng học xin chào mọi người.

Mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 96:

Khí thuận hiệu nghịch, bội thân hướng sơ.” (Bỏ thuận theo nghịch. Phản bội người thân thuộc, chạy theo người ngoài).

Đây đều là ác hạnh, trong chú giải thường dẫn dụng giáo huấn của người xưa: “Thạch Thước là người nước Vệ đời Châu đã nói: Vua có nghĩa, bầy tôi trung thành, cha nhân từ, con hiếu thảo, anh yêu thương, em kính mến; đó là sáu điều thuận thảo”. Nói “thuận” nói “nghịch” đều nói vô cùng cụ thể, đây là nhà Nho nói. Nhà Phật nói càng sâu hơn, nói càng thấu triệt hơn. Nhà Phật lấy Pháp Tánh làm tiêu chuẩn, nhà Nho thì lấy “Đạo, Đức, Nhân, Nghĩa, Lễ” làm tiêu chuẩn. Chúng ta nói thế pháp và xuất thế pháp thông thường khác biệt ở chỗ này. Con người có thể thuận theo thế pháp thì được phước báo thế gian, có thể thuận pháp tánh thì được phước báo xuất thế gian không gì sánh được. Xuất thế gian thì Phật đã nói rất nhiều, chúng ta cũng nên hiểu xuất thế gian không lìa thế gian, nhất định bao gồm thế gian ở trong đó, thế nhưng thế gian pháp thì không thể bao gồm xuất thế gian. Ở đây còn có sự khác biệt sâu cạn rộng hẹp, rộng thì có thể bao hàm hẹp, sâu thì có thể bao hàm cạn, chúng ta phải biết đạo lý này. Phật thường dạy chúng ta, căn bản của tu hành là Tam Phước, Lục Hòa, đây là đại căn đại bổn. Mười một câu ở trong Tam Phước nếu chúng ta có thể tùy thuận thì đây là hướng đạo, hướng về đại đạo Bồ-đề. Nếu chúng ta trái nghịch thì chẳng những thiện pháp thế gian không thể thành tựu mà vĩnh viễn đọa trong ba đường ác. Những sự lý này các đồng tu chúng ta đều rất rõ ràng.

Gốc của thuận nghịch là ở hiếu kính, “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”, hai câu này là căn bản của thế xuất thế gian mà đại Thánh đại Hiền đã dạy cho chúng ta, tùy thuận Pháp Tánh, tùy thuận “Đạo, Đức, Nhân, Nghĩa, Lễ”. Chư Phật Như Lai giáo hóa hết thảy chúng sanh là từ chỗ này mà bắt đầu, cũng từ đây mà viên mãn, hiếu kính đạt đến chỗ viên mãn thì thành Phật. Chúng ta cũng có thể nói, nền giáo dục của nhà Phật triệt để từ đầu cho đến cuối chính là “hiếu kính” mà thôi. Phật đem hiếu kính mở rộng ra, ở trong giới kinh thường nói: “Hết thảy người nam là cha ta, hết thảy người nữ là mẹ ta”, đây là đem “hiếu dưỡng phụ mẫu” mở rộng ra đến hết thảy chúng sanh trong tận hư không pháp giới. Chúng ta ở trong Kinh Hoa Nghiêm xem thấy câu “Nhất thiết chúng sanh, tình dữ vô tình giai ngã thiện tri thức” (tất cả chúng sanh hữu tình và vô tình đều là thiện tri thức của ta). Thiện tri thức mà trong Kinh Hoa Nghiêm nói chính là người thầy, không những hết thảy chúng sanh  hữu tình trong hư không pháp giới là thầy của ta, mà chúng sanh vô tình cũng là thầy, đây là đem “Hiếu thân tôn sư” nói đến cứu cánh viên mãn. Chúng ta nếu có thể thực hiện những sự việc này thì người này thành Phật rồi. Nếu chăm chỉ nỗ lực thực hiện mà vẫn chưa đạt đến viên mãn thì người này được gọi là Bồ-tát, nếu thực hiện được đến cứu cánh viên mãn thì gọi là Phật. Trái ngược lại những giáo huấn này thì người này là phàm phu. Chúng sanh lục đạo nói hiếu kính thì không thể đạt đến mức hiếu kính hết thảy chúng sanh, chỉ dừng ở mức hiếu kính cha mẹ và sư trưởng của mình mà thôi. Thậm chí nói đến mức: “Tôn kính nuôi dưỡng cha mẹ mình và tôn kính nuôi dưỡng cha mẹ của người khác. Thương yêu nuôi dạy con của mình và thương yêu nuôi dạy con của người khác” thì cảnh giới này đã là không tệ rồi. Chúng ta luôn bị giới hạn trong quốc gia của chính mình, trong một quần tộc, không thể đạt đến giống như trong Kinh Hoa Nghiêm nói: “bất phân quốc độ”. “Quốc độ” mà kinh này nói là rất lớn, đó là quốc độ của chư Phật. Mỗi khu vực mà một vị Phật giáo hóa là một đại thiên thế giới, không phân quốc độ, không phân quần tộc, không phân tín ngưỡng tôn giáo, chân thành thanh tịnh bình đẳng mà tận hiếu, tu kính. Đây là Phật pháp Đại Thừa.

Do đó, học Phật là phải học cho giống Phật, niệm Phật thì phải thường nghĩ nhớ đến Phật. Phật có tâm như thế nào? Phật động ý niệm gì? Cuộc sống của Phật ra làm sao? Phật xử sự đối người tiếp vật như thế nào? Chúng ta phải thường nghĩ đến việc này, như vậy thì gọi là niệm Phật. Niệm Phật tuyệt đối không phải là chỉ ở trên miệng, đó chỉ là Phật hiệu. Nếu chỉ là Phật hiệu thì giống như ca hát mà thôi, ý nghĩa là gì thì vẫn mù mờ không hiểu, bạn làm sao có được thọ dụng chứ? Niệm danh hiệu của Phật, nghĩ tưởng đến tâm của Phật, nghĩ tưởng đến hành nghi của Phật, nghĩ tưởng đến Phật làm thế nào xử sự đối người tiếp vật, đây gọi là chân niệm Phật. Quán tượng niệm Phật là nhìn thấy tượng Phật cũng phải nhớ nghĩ đến những sự việc này. Cho nên chúng ta phải biết niệm, niệm được lâu rồi thì ý niệm của chúng ta sẽ chuyển biến thành ý niệm của Phật, tâm của chúng ta biến thành tâm Phật, hạnh của chúng ta biến thành hạnh Phật. Tâm của Phật là hiếu, hạnh của phật là kính, hai chữ này đã bao gồm hết thảy vô lượng vô biên pháp môn mà chư Phật Như Lai đã nói. Chúng ta là đệ tử của Phật, bất luận là tại gia hay xuất gia, tự mình nhất định phải nên biết, chúng ta là hình tượng của Phật, là đại biểu của Phật. Chúng ta ở trong đời sống thường ngày rốt cuộc là có mấy phần giống Phật? Chúng ta có thể làm được một phần hai phần thì đã không tệ rồi, làm được 100% thì bạn thành Phật rồi. Nếu bạn làm được khoảng 30-40% thì bạn thật sự là Bồ-tát, chúng ta phải y giáo phụng hành.

Các đồng học hiện tại đa số đều đang thọ trì Kinh Vô Lượng Thọ, khi tôi giảng Kinh Vô Lượng Thọ đã nhiều lần khuyên bảo đồng học, chúng ta có thể minh bạch những lý luận ở trong Kinh Vô Lượng Thọ, thông đạt minh liễu thì khai trí huệ rồi. Nếu có thể thực hiện những giáo huấn ở trong kinh, thực hiện được 100% thì tương lai vãng sanh nhất định sẽ được thượng thượng phẩm vãng sanh, là nắm chắc phần, là có lòng tin. Nếu bạn có thể làm được 90% thì  vãng sanh thượng trung phẩm. Mức thấp nhất thì cũng phải làm đến 20%, được hạ hạ phẩm vãng sanh. Còn như thế giới Tây Phương nói có bốn cõi, đó là vấn đề của tâm Bồ-đề. Tâm Bồ-đề thượng thượng phẩm là Thường Tịch Quang Độ, tâm Bồ-đề thượng trung phẩm là Thật Báo Trang Nghiêm Độ. Tâm Bồ-đề trung phẩm là Phương Tiện Hữu Dư Độ. Tâm Bồ-đề hạ phẩm là Phàm Thánh Đồng Cư Độ. Rõ ràng minh bạch, thông suốt thấu đáo bày ra trước mắt chúng ta rồi. Kinh không phải là chỉ để đọc, đọc cho Phật Bồ-tát nghe thì sai rồi, ở trước Phật Bồ-tát đọc kinh là tu hiếu kính, giống như Phật Bồ-tát đang ở trước mặt chúng ta. Ta đọc kinh là tiếp nhận giáo huấn của Phật Bồ-tát, ta thật sự hiểu, nghe hiểu được rồi thì thật sự phát tâm làm theo, bắt đầu làm từ đâu?

Kinh Vô Lượng Thọ chân thật là viên mãn đến cùng cực, trong phần mở đầu đã đem đáp án này nói cho chúng ta. Bạn xem câu đầu tiên là “Hàm cộng tuân tu Phổ Hiền đại sĩ chi đức”. Đây là tổng cương lĩnh tu học của Tịnh Tông. Kinh văn vừa mở đầu đã giới thiệu về thính chúng, chúng Thanh Văn, chúng Bồ-tát, chúng Bồ-tát tại gia. Giới thiệu xong, câu đầu tiên là “Hàm cộng tuân tu Phổ Hiền đại sĩ chi đức”. Tịnh Độ tông tu cái gì? Đây không phải là đã rõ ràng minh bạch rồi sao, bắt đầu từ chỗ nào vậy? “Khéo giữ khẩu nghiệp không nói lỗi người”, “Khéo giữ thân nghiệp”, “Khéo giữ ý nghiệp”, dạy chúng ta từ chỗ này mà bắt đầu. Trong “khéo giữ ba nghiệp” thì khẩu nghiệp được đặt ở hàng đầu. Ngày nay xã hội vì sao lại động loạn như vậy? Vì mọi người không biết “khéo giữ ba nghiệp”, thân ngữ ý đều tạo nghiệp. Dễ tạo nghiệp nhất chính là khẩu nghiệp, nên không gọi là “thân khẩu ý” mà nói “khẩu thân ý”. Thân chúng ta nếu có thể giữ được “bất thất luật nghi”, “luật nghi” suy rộng ra chính là pháp luật. Một người sống tại thế gian này, cả đời không làm việc gì phạm pháp, tuân giữ quy tắc pháp lệnh của quốc gia, tuân thủ phong tục tập quán của xã hội, tất cả những khái niệm về đạo đức chúng ta đều không vi phạm, người này là người tốt. “Khéo giữ ý nghiệp thanh tịnh vô nhiễm”. Kinh điển vừa mở đầu đã đem cương lĩnh tu học nói với chúng ta. “Thân ngữ ý” đạt đến chỗ tối cực thanh tịnh thì người này thành Phật.

Chúng ta thường nhìn thấy tượng Phật, đặc biệt là hình Phật, nhìn thấy trên đầu Phật có hào quang, phía trên hào quang có viết ba chữ, “Án A Hồng”, “Án A Hồng” nghĩa là gì? “Thân Khẩu Ý”. “Thân khẩu ý” làm được đến cứu cánh viên mãn. Cho nên giáo giới của Phật dạy người sơ học từ thập thiện mà bắt đầu, đến chỗ tối chung cực là thập thiện viên mãn. Thập thiện viên mãn là “Án A Hồng”, chính là quả giác vô thượng, ngàn kinh vạn luận chỉ là giảng chi tiết. Đây là nói tổng cương lĩnh, chúng ta nắm lấy cái tổng cương lĩnh này, sau đó từ từ học chi tiết. Chi tiết trong Đại thừa là 51 cấp bậc Bồ-tát, mỗi một cấp bậc cảnh giới đều không như nhau, bất luận là ở trên lý luận, hay trên sự hành trì, đều có sự khác biệt về độ sâu cạn rộng hẹp. Từ đây cho thấy, cấp bậc thấp nhất là Sơ Tín Vị Bồ-tát, phải phát Bồ-đề tâm, phải hành Bồ-tát đạo.

Cái gì là Bồ-đề tâm? Trong các kinh luận nói rất sâu, không dễ hiểu. Phật có vô lượng vô biên phương tiện, Phật dạy chúng ta phát nguyện, tứ hoằng thệ nguyện chính là Bồ-đề tâm, mỗi một nguyện đều bao hàm Bồ-đề tâm. Trong Khởi Tín Luận gọi là “trực tâm, thâm tâm, đại bi tâm”. Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh thì gọi là “chí thành tâm, thâm tâm và hồi hướng phát nguyện tâm”. Bốn nguyện này nguyện nguyện đều có đủ. Nguyện thứ nhất “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. “Độ” có nghĩa là gì? Dùng lời hiện nay mà nói là giúp đỡ chúng sanh vô lượng vô biên, phải nên phát tâm vì hết thảy chúng sanh mà phục vụ. Tâm này vừa phát thì thật sự bạn thành Bồ-tát rồi. Phàm phu thì niệm niệm là vì chính mình mà phục vụ, vì gia đình mình mà phục vụ, cho nên tăng trưởng thân kiến, tăng trưởng ngã chấp. Nếu tăng trưởng thân kiến, tăng trưởng ngã chấp thì sao có thể thoát ly lục đạo luân hồi? Chúng ta hiện giờ đã hiểu được lục đạo hình thành như thế nào rồi, lục đạo chính là từ ngã kiến, ngã chấp mà hình thành. Phá ngã kiến, phá ngã chấp thì lục đạo không còn, siêu vượt lục đạo rồi. Vì vậy con người vừa phát Bồ-đề tâm thì liền siêu vượt lục đạo. Thân này của chúng ta hiện tại ở trong lục đạo, thân trong lục đạo không phải là thân của ta, mà thân này là vì chúng sanh phục vụ, là công cụ để phục vụ cho chúng sanh, đây không phải là ta.

Làm thế nào để phục vụ chúng sanh? Ba điều sau sẽ nói ra một biện pháp cụ thể. Thứ nhất là đoạn phiền não, đoạn phiền não có phải là vì chính mình hay không? Không phải, mà là vì chúng sanh, làm cho chúng sanh xem, là vì chúng sanh mà đoạn phiền não. Học pháp môn cũng không phải là vì chính mình, mà là vì làm biểu mẫu cho chúng sanh. Làm người hiếu học, hi vọng họ nhìn thấy cái dáng vẻ của ta như vậy, họ cũng có thể hiếu học. Đoạn phiền não là bồi dưỡng đức hạnh cho chính mình, học pháp môn là thành tựu học thuật cho chính mình, thành Phật đạo là chuyển phàm thành Thánh, các vị hãy tỉ mỉ suy nghĩ, có phải là như vậy không? “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn” là chuyển ác thành thiện. “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học” là chuyển mê thành ngộ. “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành” là chuyển phàm thành Thánh. Chúng ta thật sự hiểu rõ, thực sự chịu làm thì chúng ta giống Phật rồi. Chúng ta chính là hình tượng đại biểu của Phật. Phật Bồ-tát ở đâu vậy? Phật Bồ-tát chính là ở trong hình tượng này của chúng ta. Bản thân mỗi ngày đều đắp nặn hình tượng này thì sẽ có một ngày bạn đắp nặn thành công hình tượng này. Bạn chân thật siêu phàm nhập Thánh rồi, nhà Phật gọi là “viên mãn”.

Chúng ta phải chăm chỉ nỗ lực học tập, kinh phải nên đọc nhiều, nên nghe nhiều, tư duy nhiều, thể hội nhiều, sau đó thì áp dụng vào trong hành vi đời sống của chúng ta, áp dụng vào trong công việc, áp dụng vào trong xử sự đối người tiếp vật, đây là chân thật học Phật.