Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – Tập 42/195



THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN GIẢNG GIẢI

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Mã AMTB: 19-012-0001 đến 19-012-0195

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN –  Tập 42/195 (20A – bộ 128 đĩa)

Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Cảm Ứng Thiên Vựng Biên giảng chữ “Trung”, trong chú giải tổng cộng có 43 điều, đại đa số là liệt kê sự tích tận trung trong nhiều đời của các ngành, các nghề để chúng ta làm tham khảo, cung cấp cho chúng ta học tập. Người tu đạo, người học Phật cần phải tận trung như thế nào, tận hiếu như thế nào, đối với hai chữ “Trung Hiếu” phải có cách nhìn như thế nào, thì phần trước chúng tôi đã nói qua với quí vị rồi.

Hai chữ “Trung Hiếu” này đều là chữ hội ý. Chúng ta từ trên ký hiệu mặt chữ này cần thể hội nghĩa chân thật ở trong đó. Hình dạng của chữ “Trung” này là “Trung” và “Tâm”, cũng chính là tâm khởi tác dụng phải gìn giữ trung đạo. Nhà Phật nói trung đạo đệ nhất nghĩa đế, nhà Nho nói trung dung, cho nên phải biết dùng trung. Trong pháp thế gian chính là Thánh Hiền, trong Phật pháp chính là Phật Bồ-tát. Thánh nhân thế gian và Thánh nhân xuất thế gian biết dùng trung. Thánh nhân thế gian dùng trung là dùng cái tương tự với trung, nếu chúng ta dùng Lục Tức trong Thiên Thai để nói thì đó là “tương tự tức trung”. Đại Thánh thế gian cũng có thể làm được “phần chứng tức trung”. Nhưng trong Phật pháp, chư Phật Bồ-tát, như trong Kinh Hoa Nghiêm nói 41 vị Pháp Thân Đại Sĩ, có thể nói các Ngài đã đạt đến “cứu cánh tức trung”. Từ lời nói này của tôi mà các vị thể hội ý nghĩa này, đó là trung đạo cứu cánh viên mãn. Trung thì không lệch, trung thì không e sợ.

Tại sao chúng ta nói, chư Phật Bồ-tát là dùng trung cứu cánh viên mãn hơn Thánh nhân của thế gian? Vì tâm của Phật Bồ-tát quả thật đúng là tận hư không khắp pháp giới. Đạo lý chân tướng sự thật này, Thánh nhân thế gian chưa đạt đến. Thánh nhân thế gian, cái gọi là thiên hạ, trên thực tế là chỉ trái đất này, lấy thiên hạ làm tâm, thật sự có thể yêu thương thế nhân. Tâm lượng của Phật Bồ-tát là tận hư không khắp pháp giới, bởi vì các Ngài biết hư không pháp giới tất cả chúng sanh là duy tâm sở hiện, hay nói cách khác, chính là tướng phần của tâm. Tâm không có tướng, nhưng nó có thể hiện tướng, cho nên tướng là tướng phần của tâm. Chúng ta hiện nay là phàm phu, tướng phần trong cảm quan của sáu thức là duy thức sở hiện (do thức biến hiện). Chúng ta gọi duy thức sở hiện là vọng tướng, cho nên trong Kinh Kim Cang nói: “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng”. Ngoài vọng tướng ra còn có chân tướng hay không? Phật nói, có! Chân tướng là Nhất Chân Pháp Giới, Thế giới Hoa Tạng là Nhất Chân Pháp Giới, Thế giới Cực Lạc cũng là Nhất Chân Pháp Giới. Từ trong ngôn từ này quý vị có nhận ra ý nghĩa trong đó hay không? Nếu bạn thật sự nhận ra được thì bạn sẽ hiểu rõ thôi.

Tướng không có chân, vọng. Nói chân, nói vọng là Phật phương tiện nói, không phải chân thật nói. Tại sao không thể nói là chân, là vọng vậy? Bởi vì trong tâm tánh không có tướng thì sao có thể nói chân, sao có thể nói vọng? Nếu như bạn nhất tâm thì tướng hiện sẽ là nhất chân. Nếu như bạn có hai tâm, ba ý thì tướng hiện sẽ là vọng tướng. Bạn có hiểu rõ hay không? Tướng là tâm hiện, là thức biến, cho nên nói tất cả hiện tượng từ tâm tưởng sinh. Đây là chân lý, là chân tướng sự thật. Nếu như bạn thể hội được thì bạn sẽ khẳng định điều mà Phật nói ở trong Kinh là “y báo chuyển theo chánh báo”. Chánh báo là tâm, y báo là cảnh giới. Cảnh giới nhất định chuyển biến tùy theo tâm niệm. Cho nên, Phật Bồ-tát ở trong cảnh giới có thể làm chủ tể được. Phàm phu không hiểu đạo lý này, cũng không biết chân tướng sự thật này, cho nên tâm bị cảnh chuyển. Nghe nói thế gian này có tai nạn thì lo sợ bất an, lo nghĩ đủ bề. Tại sao vậy? Tâm chuyển theo cảnh, vậy là không tự tại rồi, là khổ không thể nói nên lời. Chư Phật Bồ-tát, bạn hỏi các Ngài có tai nạn hay không? Không có! Tại sao không có vậy? Các Ngài không những không có tâm bất thiện, mà còn không có hai niệm, vĩnh viễn sống ở trong nhất tâm, cho nên kiết hung họa phước các Ngài đều không có, khổ – lạc – ưu – hỷ – xả mà người thế gian thọ nhận, các Ngài cũng không có. Đây là biết dùng trung, đây chính là tâm trung.

Người thế gian chúng ta nói tận trung. “Tận trung” là gì vậy? Trung đã dùng đến cực điểm, dùng được cứu cánh viên mãn gọi là tận trung. Thật sự làm được trung cứu cánh viên mãn, hiếu cứu cánh viên mãn là trên quả địa Như Lai. Bồ-tát Đẳng Giác còn có một phẩm vô minh chưa đoạn, trung hiếu của họ còn thiếu một phần, vẫn chưa làm được cứu cánh viên mãn, đây là chỗ khác biệt giữa Phật pháp và thế pháp về “trung hiếu”. Nhưng cách nói này cao, sợ là chúng ta không làm được. Không làm được cũng phải làm! Học Phật nhất định phải học tập theo Phật Bồ-tát. Bắt đầu học từ đâu vậy? Phải bắt đầu từ mở rộng tâm lượng. Nhà Phật thường nói: “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”. Quí vị phải biết hai câu, tám chữ này là nói chân tâm của chúng ta, là bổn phận của bản thân chúng ta. Chân tâm của chúng ta nguyên sơ chính là hình thức này.

Hiện nay tâm lượng này trở nên nhỏ như vậy, nhỏ đến mức chỉ biết tự tư tự lợi, cho nên mới có tai nạn. Làm sao tránh được tai nạn đây? Mở rộng tâm lượng là phương pháp tốt nhất, là phương pháp có hiệu quả nhất; nên phát tâm vì tất cả chúng sanh hư không pháp giới mà phục vụ. Đây chính là câu thứ nhất trong tứ hoằng thệ nguyện: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. Câu nói này, dùng cách nói hiện đại để nói, chính là vì tất cả chúng sanh trong tận hư không khắp pháp giới mà phục vụ (nhà Phật nói “độ”, ý nghĩa chính là phục vụ). Không chỉ là vì nhân dân phục vụ (vì nhân dân phục vụ là chỉ có pháp giới người trong mười pháp giới; ngoài pháp giới người ra, còn có chín pháp giới), mà vì tất cả chúng sanh trong mười pháp giới, không sót một pháp giới nào, vì tất cả chúng sanh phục vụ, tâm này mới là tâm Bồ-đề chân thật, cho nên hơn hẳn Thánh nhân của thế gian, đạo lý là ở chỗ này. Chúng ta có phát tâm này hay không? Có phải ở trong đời sống thường ngày, khởi tâm động niệm đều vì người khác phục vụ hay không? Thường xuyên ôm ấp tâm này thì đây chính là có đức. Phần trước tôi đã giảng qua với quí vị về “Tích lũy công đức” rồi.

Chúng ta cũng rất muốn học Phật Bồ-tát mà không thể học được, nhưng thật sự chúng ta có muốn học Phật Bồ-tát không? Nếu như thật sự muốn học thì phải tìm cho ra nguyên nhân tại sao không học được. Tại sao Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát học được, mà ta không học được? Bạn tìm ra được nguyên nhân, trừ sạch hết nguyên nhân thì trên đường Bồ-đề chẳng phải không còn chướng ngại rồi hay sao? Bạn cũng sẽ học được, cũng sẽ học giống họ. Thành tích tu học cũng nhất định là bắt đầu từ quán hạnh, tương tự, phần chứng, đến cứu cánh viên mãn. Đây là thành tích của chúng ta, không ngừng nâng cao hướng thượng. Chướng ngại của chúng ta là gì? Chướng ngại chính là tự tư tự lợi. Chỉ cần đem ý nghĩ tự tư tự lợi buông xả thì bạn cũng không khác gì so với chư Phật Bồ-tát. Bạn học được rồi, bạn cũng biết học rất giống. Cho nên, tự tư tự lợi là chướng ngại lớn nhất trên đường Bồ-đề. Nhất định phải giác ngộ, ý niệm tự tư tự lợi, hành vi tự tư tự lợi, lợi ích mà chúng ta có được là quá ít, thật sự là không đáng kể. Có thể đem loại ý nghĩ này xả bỏ thì lợi ích mà bạn có được là vô lượng vô biên; hoàn cảnh mà bạn hưởng thụ là Thế giới Hoa Tạng, là Thế giới Cực Lạc.

Tại sao bạn tham luyến ngũ trược ác thế mà không chịu xả bỏ? Mang cái danh đẹp là độ chúng sanh, đây là đại từ đại bi rồi, nhưng thực sự bạn đã làm được chưa? Chư Phật Bồ-tát thị hiện ở nhân gian, thị hiện trong sáu cõi, thực ra nơi các Ngài trụ là Nhất Chân Pháp Giới. Chúng ta thấy các Ngài sống ở trong sáu cõi, nhưng trên thực tế là sống ở Nhất Chân Pháp Giới. Tại sao vậy? Vì các Ngài ở trong sáu cõi nhưng không nhiễm mảy bụi, thanh tịnh, tự tại, thị hiện tấm gương đẹp nhất cho phàm phu lục đạo, đó mới là thật sự lợi ích chúng sanh, chân thật đang độ chúng sanh. Không có trí huệ, không có đức năng, không biết quán cơ, mang cái danh thật đẹp là độ chúng sanh nhưng trên thực tế đều đang tạo nghiệp. Tạo nghiệp thì đâu có lý nào không đọa lạc? Cho dù tham được mấy mươi năm hưởng thụ vật chất, danh vọng lợi dưỡng này, nhưng hậu quả không thể tưởng tượng.

Chúng ta nhất định phải hiểu rõ, sanh mạng là vĩnh hằng, tuyệt đối không phải chết rồi là xong. Chết rồi là hết thì sự việc này dễ làm. Tôi thường nói, chết rồi thì khủng khiếp, đây là nói lời thật với bạn. Người học Phật biết là “không có sinh tử”. Sinh tử là sự chuyển đổi không gian, thời gian sống của chúng ta. Hiện nay nhà khoa học đã chứng thực, thế gian này có vô số chiều (đây là nhà khoa học chứng minh). Thật sự họ có thể khẳng định, chí ít có mười một loại chiều không gian khác nhau, cái gọi là không gian ba chiều, không gian bốn chiều, không gian năm chiều đến không gian mười một chiều (cũng gọi là không gian mười một độ), đây là điều đã được chứng thực. Trên lý luận mà nói, chiều không gian là vô hạn, cách nói này cùng với điều mà nhà Phật nói là tương đồng. Nhà Phật không nói chiều không gian mà nói pháp giới, pháp giới là vô lượng vô biên. Mười pháp giới là loại lớn, Đại Sư Thiên Thai nói, ở trong mỗi một pháp giới lại có mười pháp giới, cho nên thành ra là một trăm pháp giới. Tông Thiên Thai nói “Bách giới thiên như”, trong một trăm pháp giới này, mỗi một pháp giới lại có một trăm pháp giới, trùng trùng vô tận. Ý nghĩa này hoàn toàn tương đồng với nhà khoa học nói chiều không gian là vô hạn. Nhà khoa học vẫn chưa thể hoàn toàn chứng thực, nhưng nhà Phật hoàn toàn khẳng định. Cho nên, sinh tử chỉ là sự thay đổi chiều không gian sống của chúng ta. Nếu bạn hiểu rõ đạo lý này, hiểu rõ sự thật này thì bạn sẽ không hề sợ hãi đối với sinh tử vì chỉ là đổi môi trường sống thôi, bạn sẽ rất tự tại, bạn sẽ không sợ hãi. Nhưng sự thay đổi chiều không gian có khi thay đổi rất tốt, có khi thay đổi còn kém xa so với đời sống hiện nay, bạn không thể không biết. Người có tu hành, người có tu dưỡng, người tâm thiện thì càng chuyển càng tốt. Người thế gian chúng ta thường nói đời sau được sanh về cõi trời, thoát khỏi thân người, sanh về cõi trời, vậy là chuyển tốt rồi.

Người thế gian đối với cõi trời mơ hồ chung chung. Nhà Phật biết rõ ràng, trời có 28 tầng trời: Dục Giới có sáu tầng trời, Sắc Giới có mười tám tầng trời, Vô Sắc Giới có bốn tầng trời, bạn chuyển đến tầng trời nào? Những tầng trời này vẫn thuộc trong tam giới. Ngoài tam giới còn có Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát, Phật, càng chuyển lên thì càng thù thắng. Nếu như bạn tham sống sợ chết, bạn sợ hãi đối với cái chết thì việc này phiền phức rồi, việc chuyển đổi này càng chuyển càng tệ, bạn sẽ chuyển đến đường súc sanh, chuyển đến đường ngạ quỷ; nếu như bạn tạo nghiệp ác rất nặng thì sẽ chuyển đến đường địa ngục. Cho nên không có sinh tử là lời chân thật, chỉ là sự chuyển đổi không gian, thời gian sống. Trong kinh luận, những đạo lý chân tướng sự thật này Phật đã nói quá nhiều, quá nhiều rồi. Chúng ta cần thể hội thật kỹ, phải nghiêm túc nỗ lực, hy vọng có thể đạt được một cuộc chuyển biến tự tại.

Chư Phật Bồ-tát không có người nào không được đại tự tại. Các Ngài tự tại thế nào? Quí vị đọc qua “Phẩm Phổ Môn” đều biết, Bồ-tát Quan Thế Âm có ba mươi hai ứng thân. Ba mươi hai ứng thân chính là đại tự tại. Ba mươi hai loại ứng thân, tùy loại hóa thân, tùy cơ thị hiện, sự chuyển biến này các Ngài tự mình có thể làm chủ được, đây là được đại tự tại. Chúng ta ngày nay chuyển biến, tự mình không thể làm chủ. Ai làm chủ vậy? Nghiệp lực làm chủ. Đây là sự thật, lục đạo phàm phu tùy nghiệp mà lưu chuyển. Chúng ta khởi tâm động niệm đều là tạo nghiệp. Tạo nghiệp thiện được quả báo thiện, thọ thân ba đường thiện thì chuyển đến ba đường thiện; tạo nghiệp ác liền chuyển đến ba đường ác, chuyển biến không tự tại. Chư Phật Bồ-tát tại sao chuyển biến tự tại? Nói lời thành thật là tận trung tận hiếu. Bạn đem hai chữ “Trung hiếu” này thấy rõ ràng, minh bạch rồi, muôn nghìn kinh luận của chư Phật Bồ-tát chính là giảng hai chữ này, giảng vô cùng viên mãn, triệt để cứu cánh. Nếu quý vị muốn thấy thật rõ ràng tường tận về hai chữ “Trung Hiếu”, đó chính là bộ Đại Tạng Kinh. Trong bộ Đại Tạng Kinh đều là nói về hai chữ này.