THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Mã AMTB: 19-012-0001 đến 19-012-0195
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN – Tập 117/195 (67A – bộ 128 đĩa)
Các vị đồng tu, xin chào mọi người! Mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 54, đoạn này chỉ có hai câu:
“Dĩ trực vi khúc, dĩ khúc vi trực.” (Lấy thẳng làm cong, lấy cong làm thẳng)
Đoạn thứ nhất trong chú giải có ghi, “Hai bên kiện tụng, đúng sai chưa quyết định, sanh tử định đoạt đều ở một lời của phán quan, há có thể qua loa. Nay đúng sai điên đảo, nhận hối lộ phi pháp, nếu không phải nhận hối lộ thì làm việc theo cảm tính, nếu không thì làm sao lại lỗ mãng làm theo ý mình, kẻ có một trong những hành vi kể trên, há có thể làm quan đứng trên muôn dân hay sao”. Đây là ví dụ dành cho kẻ làm quan phán án. Thực ra những chuyện này trong xã hội hiện nay gần như mỗi một người đều phạm phải lỗi lầm này. “Thẳng”, “cong” cũng là thị phi, nếu như không có trí huệ chân thật thì rất khó mà đoán định được. Đặc biệt là những cái tưởng đúng mà lại sai, tưởng sai mà lại đúng, nếu như không có trí huệ năng lực, không có học vấn thì không dễ gì mà phán đoán; thông thường phán đoán sai lầm thì tạo tội nghiệp rất nặng, chính mình còn không biết.
Các vị đọc qua Liễu Phàm Tứ Huấn, đối với những chuyện này đã nói vô cùng chi tiết, vô cùng rộng, vô cùng thấu triệt. Nguyên tắc nêu ra trong sách này chúng ta phải học tập, phải có thể nắm vững được, đó là vấn đề “đúng sai”, “cong thẳng”. Không chỉ là hiện tiền, còn phải xét đến ảnh hưởng sâu rộng của vấn đề. Có một số việc trước mắt dường như bất lợi thế nhưng lợi ích trong tương lai rất lớn; vào thời điểm này nơi này bất lợi nhưng ở nơi khác lợi ích lại rất lớn. Chúng ta có suy ngẫm đến vấn đề này chưa?
Phật nói hết thảy pháp, về mặt không gian mà nói, theo chiều ngang là trọn khắp mười phương, Ngài muốn đem lại lợi ích cho mười phương hết thảy chúng sanh; theo thời gian mà nói, theo chiều dọc thì tột cùng ba đời [quá khứ, hiện tại và tương lai], đây mới là lợi ích chân thật, lợi ích vĩnh hằng. Phàm phu không suy nghĩ tường tận được như vậy, chỉ nghĩ đến lợi ích ở nơi đây, vào lúc này. Nghĩ đến nơi này, nơi này vẫn còn rất nhỏ, thậm chí chỉ nghĩ đến một đời của chính mình, trước mắt tôi có lợi ích gì hay không? Lợi ích về sau của chính mình không hề nghĩ tới, tầm nhìn như vậy có thể nói là nông cạn đến cùng cực. Các vị đại đức xưa dạy bảo các đồng tu học Phật phải có “tiền hậu nhãn” (mắt nhìn trước sau). Phật ở trong kinh điển dạy chúng ta “ngũ nhãn viên minh”(năm loại mắt sáng suốt trọn vẹn), chúng ta đối với sự việc mới có thể nhìn được rõ ràng.
Chúng ta thường nói, thường nêu dẫn Phật pháp. Vậy Phật pháp là gì? Chân thật hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sinh thì gọi là Phật pháp. Nhân sinh là chính mình, vũ trụ là môi trường chúng ta sinh sống. Các vị có thể nhận thức chính mình, nhận thức môi trường sống thì các vị là Bồ-tát, các vị là Phật. Một người nếu như không nhận thức chính mình, không hiểu rõ được hoàn cảnh sống của chính mình, người này gọi là phàm phu. Có mấy người từng nghiêm túc suy ngẫm qua việc này?
“Ta” là cái gì? Cái gì là “ta”? Chỉ có người học Phật chân thật mới nghĩ đến việc này. Thân thể này có phải là của ta? Thân không phải là ta, phàm phu trong lục đạo đều chấp trước cái thân này là ta, điều này sai rồi. Do sự chấp trước đó, trong Kinh Kim Cang mới nói: “Ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng”, thảy đều khởi lên. Căn bản của bốn tướng này chính là ngã tướng, căn bản của ngã tướng là chấp trước. Tướng tông nói rất hay: “Mạt-na thức chấp trước, tứ đại phiền não liền đi theo.” “Ta” là cái gì? Đó là ngã ái (ái luyến của ta), ngã kiến (kiến chấp của ta), ngã si (si mê của ta), ngã mạn (kiêu mạn của ta). Ái, kiến, si, mạn (ái luyến, kiến chấp, si mê, kiêu mạn) đó là “ta”.
Nếu như Phật không nói rõ ràng cho chúng ta, chúng ta làm sao mà biết được chứ? Cả ngày đều sống trong “ái, kiến, si, mạn” này. “Ái, kiến, si, mạn” chính là “tham sân si mạn” mà chúng ta thường nói, hóa ra những thứ này là “ta”. Người người đều mong muốn thỏa mãn tham sân si mạn, tham sân si mạn thỏa mãn rồi thì vào A-tỳ địa ngục, xuống tầng thấp nhất trong lục đạo. Nói cách khác, tham sân si mạn càng nhẹ thì càng lên cao; tham sân si mạn càng nặng thì càng đọa lạc, lục đạo chính là hiện tượng như vậy. Trong cõi trời, tham sân si mạn giảm nhẹ, cõi trời Vô Sắc Giới là nhẹ nhất. Cõi trời Sắc Giới nặng hơn Vô Sắc Giới một chút, cõi trời Dục giới thì càng nặng hơn một chút. Cõi A-tu-la và cõi người so với cõi trời Dục Giới thì càng nặng hơn, càng nặng thì càng đọa lạc xuống dưới; nặng nhất chính là địa ngục, A-tỳ địa ngục. Thế nên có còn muốn tham sân si mạn nữa không?
Phật dạy con người tu hành là tu cái gì? Tu sửa kiến giải sai lầm của chính mình. Ngã kiến chính là kiến giải, kiến giải chính là khởi tâm động niệm. Khởi tâm động niệm chính là ái, kiến, si, mạn, đó gọi là ngã chấp. Chấp trước vào ái, kiến, si, mạn thì vĩnh viễn không thoát khỏi lục đạo luân hồi, trải qua những ngày tháng quá đau khổ, quá đáng thương. Phật dạy chúng ta giác ngộ, dạy chúng ta quay đầu. Giác ngộ là hiểu sự việc rõ ràng, sáng tỏ; quay đầu là về sau không bao giờ dám làm nữa, xả bỏ một cách sạch sẽ.
Các bạn đồng tu học Phật đều mong muốn buông xả, mong muốn có thể xả bỏ, nhưng lại không buông xả được. Các vị buông xả được thì liền thành Phật. Phật và chúng sanh chỉ cách nhau ở một niệm, xoay chuyển lại thì chuyển phàm thành Thánh, chuyển mê thành ngộ. Vì sao các vị không chuyển lại được? Vì sao các vị không giác ngộ? Chấp trước của các vị quá nặng, niệm niệm đều là mong cầu cho lợi ích của chính mình. Chính mình là ích kỷ, là ngã ái, ngã si, ngã kiến, niệm niệm đều vì cái này mà tạo nghiệp.
Trong Phật pháp Đại thừa, lời dạy bảo của Thế Tôn hết sức cao minh, người mê hoặc đến cùng cực nếu có thể tin tưởng lời dạy của Phật-đà thì đều có thể xoay chuyển được. Các vị không tin tưởng, không chịu học thì không còn cách nào nữa. Chỉ cần các vị chịu tin tưởng, chịu y giáo phụng hành, phàm phu một đời thành Phật, không những về mặt lý luận là có thể mà trên thực tế nhất định có thể làm được.
Phật dạy chúng ta như thế nào? Trong Kinh Kim Cang có dạy một phương pháp rất cao minh. Người đọc tụng Kinh Kim Cang rất nhiều, bất luận là tông phái nào, tu pháp môn gì, hầu như không ai không đọc Kinh Kim Cang. Nguyên tắc nguyên lý giảng trong Kinh Kim Cang Phật đã nói là: phát tâm độ vô lượng vô biên chúng sanh. Một khi phát ra cái tâm này thì ý niệm sẽ chuyển trở lại. Phàm phu mỗi một niệm đều là vì bản thân, hiện tại buông xuống bản thân, độ vô lượng vô biên chúng sanh là vì hết thảy chúng sanh, không còn vì chính mình nữa. Người chịu vì hết thảy chúng sanh mà buông xả chính mình, tuyệt đối không có một suy nghĩ nào vì chính mình, người này sẽ chuyển thức thành trí, chuyển mê thành ngộ. Phải biết mê ngộ đó là: vì chính mình là mê, vì chúng sanh là giác ngộ; vì tương lai là mê, vì hiện tại là giác ngộ. Lời này quý vị nghe có thể hiểu không? Tại sao nói vì tương lai là mê? Tương lai là tướng thọ giả, bốn tướng của các vị còn chưa phá. Vì hiện tại, không có tương lai, tướng thọ giả sẽ không còn nữa, liền đột phá thời gian và không gian.
Trong Kinh Hoa Nghiêm có nói “tam tế bất ly nhất niệm” (ba đời không rời một niệm), lời nói này là như thế nào? Một niệm giác ngộ rồi thì ba đời không còn nữa; mê mờ thì biến thành ba đời, quá khứ, hiện tại, vị lại, mê rồi mới có. Một niệm mê thì sanh ra vọng niệm ba đời; khi giác ngộ rồi thì chỉ có một niệm, tuyệt đối không có ba đời. Nói cách khác, với người giác ngộ không có mười phương, với người mê mờ mới có mười phương; mười phương, ba đời đều ở nơi một niệm. Một niệm là “năng hiện” (chủ thể biến hiện). Nhất chân là nhất chân pháp giới, nhất chân là cảnh giới, là “sở hiện” (đối tượng được biến hiện ra). “Năng sở” (chủ thể và đối tượng) là một không phải hai, [hiểu được như vậy thì] các vị thực sự giác ngộ rồi. Cho nên với người mê mờ, mê rồi thì năng hiện sở hiện, mê rồi thì “năng sở” là một, từ đó mới sanh ra nhận thức sai lầm về mười phương, ba đời.
Trong Kinh Bát Nhã giảng vô cùng tỉ mỉ, vô cùng rõ ràng, đây là căn nguyên của đúng sai, cong thẳng. Nhập vào cảnh giới ấy, trong Kinh Hoa Nghiêm nói nhập vào pháp giới thì làm gì còn đúng sai, còn cong thẳng nữa chứ? Không còn nữa. Đúng sai, cong thẳng là nói với phàm phu. Thế nào là “đúng”? Thế nào là “thẳng”? Tương ưng với tánh đức là “đúng”, là “thẳng”, trái với tánh đức là “sai”, là “cong”. Phàm phu làm sao biết được chứ? Không hiểu được chân tướng sự thực thì làm gì có đạo lý không tạo nghiệp!
Thế nhưng các vị phải biết rằng “vạn pháp giai không, nhân quả bất không”. Nhân quả cũng là một trong vạn pháp, vạn pháp giai không, nhân quả làm gì có đạo lý bất không! Vì sao nói nhân quả bất không? Vì tánh liên tục của nhân quả bất không, sự chuyển biến của nhân quả là thật có, dù hiện tướng của nhân quả vẫn là không, vẫn là bất khả đắc. Vì sao vậy? Nhân biến thành quả, nhân ấy là không, quả lại biến thành nhân, quả ấy cũng không, thế nhưng hiện tượng nhân quả tuần hoàn vĩnh viễn không đứt đoạn, sự chuyển biến của nhân quả cũng vĩnh viễn không đứt đoạn. Thế nên nói nhân quả bất không, không phải nói tướng nhân tướng quả, không phải như vậy, mà là nói sự chuyển biến, sự tương tục của nhân quả. Thiện nhân nhất định chiêu cảm thiện quả, ác nhân nhất định gặp ác báo.
Phật Bồ-tát tâm địa thanh tịnh, quán chiếu tinh tế cặn kẽ, khi chúng sanh khởi tâm động niệm tạo nghiệp cũng là lúc đang thọ nghiệp, điều này phàm phu chúng ta không nhìn thấy. Trong Phật pháp dạy chúng ta về hiện báo, hậu báo, sanh báo: báo ứng đời này, báo ứng đời sau, báo ứng đời sau nữa, đây là nói tướng thô, là hiện tướng quả báo vô cùng rõ ràng. Đối với hiện tướng quả báo vô cùng vi tế thì Phật Bồ-tát biết được, nói với phàm phu thì họ không hiểu, không lãnh hội được. Thực tình mà nói, khởi tâm động niệm cũng là lúc thọ báo.
Nhà Phật nói vô cùng chân thực, giảng cho mọi người rằng “nhân quả đồng thời”. Thế nên biểu pháp trong nhà Phật là dùng hoa sen. Vì sao không dùng loại hoa khác? Hoa sen [thể hiện] khá rõ ràng, khi hoa nở thì hạt sen nằm ở bên trong, nhân và quả các vị đều nhìn thấy. Có mấy người tỉnh ngộ được ngay lúc đó? Hoa sen là nhân quả đồng thời, có pháp nào mà không phải nhân quả đồng thời chứ? Pháp pháp đều là như vậy, chỉ là nhân quả của hoa sen đồng thời rất rõ ràng, hết thảy chư pháp nhân quả đồng thời không rõ ràng, nhưng thật ra không hề sai khác. Chúng ta phải làm sao có thể rõ ràng, thấu tỏ lẽ đúng sai, cong thẳng thì ít nhất các vị sẽ không tạo nghiệp nữa, không phải chịu khổ báo.
Đoạn văn này giải thích vô cùng hay, nguyên nhân của “đúng sai điên đảo” đại khái không ngoài ba điều. Thứ nhất là nhận hối lộ, che mờ lương tâm, [vì] đã có được lợi ích từ người khác. Thứ hai là nhân tình (theo tình cảm), làm việc vì lợi ích riêng, cũng che giấu lương tâm mà lấy sai làm đúng, cong thành thẳng. Nguyên nhân thứ ba là qua loa đại khái, không nghiêm túc mà quan sát, qua quýt cho xong, điên đảo lẽ đúng sai, đây đều là lỗi lầm. Xét về tình tiết nặng nhẹ, tạo tác lỗi lầm có lớn nhỏ không như nhau. Xét về sức ảnh hưởng thì có mức độ rộng lớn, sâu xa khác nhau nên kết tội cũng khác nhau, quả báo cũng khác nhau. Nếu như sức ảnh hưởng của sự việc càng lớn, thời gian ảnh hưởng càng dài thì tội nghiệp của các vị tạo càng nặng. Nếu như ảnh hưởng chỉ là cá nhân, là một lúc, vậy thì tội này nhẹ, chúng ta phải hiểu được những điều này. Thế nên khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác không thể không thận trọng.
Đặc biệt là lời đồn, trong kinh Phật có nói là “lời đồn không căn cứ”, không căn cứ là gì? Bịa đặt sinh sự, không hề có chuyện này. Lời đồn đại rất đáng sợ, cổ đức thường nói: “Dao ngôn chỉ ư trí giả” (Lời đồn đại không qua mặt được kẻ trí). Người chân thật có trí huệ, họ sẽ không tin, không nghe lời đồn. Một người đến bịa đặt sinh sự với các vị, nói một lần, [các vị nói] không có chuyện này; người thứ hai lại nói một lần, [các vị nói] cũng không có chuyện này; người thứ ba lại nói với các vị, các vị không dám nói không có chuyện này nữa. Mười người, tám người đều tới nói với các vị thì các vị liền hoài nghi, thật sự có chuyện này hay không? Cho nên người đại trí huệ thì mới có thể đối mặt với việc đặt điều sinh sự mà không bị ảnh hưởng gì.
Người như thế nào là đại trí huệ vậy? Người không có chính mình, không có tâm ích kỷ thì sẽ không bị cảnh giới bên ngoài làm cho dao động. Chư Phật Bồ-tát không bị ảnh hưởng, vì sao vậy? Chư Phật Bồ-tát không có thân, không những không có thân mà mạng cũng không có, thân mạng của các Ngài là phục vụ cho hết thảy chúng sanh, nhất định không có chính mình, nên mới như như bất động. Chỉ cần có một niệm tự tư tự lợi thì không thể nào không bị ngoại cảnh làm cho dao động.
Các bạn đồng tu học Phật chúng ta phải suy ngẫm, phải quan sát những đạo lý này một cách sâu xa, tỉ mỉ, noi theo Phật Bồ-tát mà học tập, hi vọng một đời này có thể viên thành Phật đạo. Quan trọng là chúng ta có thể xoay chuyển được hay không? Chuyển tự tư tự lợi thành vì hết thảy chúng sanh, mỗi một ý niệm, mỗi một hành vi đều tương ưng với tánh đức. Vì quảng đại chúng sanh là tánh đức, vì tự tư tự lợi là mê hoặc, chỗ này phải phân biệt rõ ràng.