THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Mã AMTB: 19-012-0001 đến 19-012-0195
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN – Tập 88/195 (48A – bộ 128 đĩa)
Các vị đồng học, xin chào mọi người.
Cảm Ứng Thiên, đoạn thứ ba mươi bảy là thuộc đoạn lớn thứ tư nói đến ác báo. Hai câu phía trước: “Phi nghĩa nhi động, bội lý nhi hành” (Nếu có kẻ dấy lòng phi nghĩa, làm chuyện trái nghịch đạo lý) là tổng cương. Ý nghĩa của hai chữ “Nghĩa” và “Lý” rất sâu, rất rộng. Có thể hiểu rõ “nghĩa lý”, đây là đại học thức, cổ nhân gọi là “thực học”. Thực học chính là học thức chân thật. Tiêu chuẩn của chân thật là gì vậy? Hoàn toàn có thể có được thọ dụng, không phải huyền học, là kiết hung họa phước thiết thực của chúng ta, đây mới gọi là thực học.
Chúng ta lấy xuất gia để làm thí dụ. “Nghĩa” chính là việc cần nên làm. Việc cần nên làm thì bạn phải làm. “Phi nghĩa nhi động”, “phi” là việc không nên làm. Việc không nên làm mà bạn muốn làm, thì đây là ác, không những ác mà còn là đại ác. Làm thuận theo lý là thiện. Cái lý này là gì vậy? Lý chính là tánh đức. Nếu như trái ngược lý, đó cũng là đại ác. Chúng ta dường như có khi không thấy rõ đây là ác rất lớn, nào ngờ rằng tích lũy lại sẽ biến thành đại ác. Tích ác nhỏ sẽ biến thành ác lớn, tích ác lớn sẽ biến thành cực ác, đạo lý là ở chỗ này.
Người xuất gia chúng ta làm thế nào thuận theo nghĩa lý? Phật đã làm tấm gương cho chúng ta, Bồ-tát đã làm tấm gương cho chúng ta, Tổ sư Đại đức nhiều đời đều đã làm tấm gương cho chúng ta. Tấm gương của Phật là tiêu chuẩn tuyệt đối. Chuẩn mực của Phật Bồ-tát, chuẩn mực của Tổ sư Đại đức đã giảm bớt rồi. Tại sao vậy? Vì sợ chúng ta làm không được nên tiêu chuẩn đã giảm bớt. Giảm bớt rồi, nhưng mà vẫn không có sự trái ngược quá lớn, cho nên họ vẫn có thể thành tựu. Nếu như quên hết hai chữ “nghĩa lý” này, tâm hạnh hoàn toàn trái ngược nhau thì người xuất gia này chắc chắn đọa địa ngục A-tỳ. Điều này chúng ta phải biết.
Chuẩn mực Phật cho chúng ta là gì vậy? Nhất tâm cầu đạo, tu đạo, hành đạo. Đạo là gì? Đạo là “giới-định-huệ” chân thật, đây là đại đạo. Tất cả pháp mà cả đời Như Lai nói ra, quy nạp lại chính là “giới-định-huệ” tam học. Từ đó cho thấy, nghĩa lý cũng có ba cấp; nghĩa lý cao nhất là Huệ học, kế đến là Định học, sau cùng là Giới học. Chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm có tương ưng với tam học hay không? Chúng ta phải quan sát từ chỗ này. “Định – Huệ” tuy quá cao, nhưng cũng cần phải học. Tại sao vậy? Vì không học thì không thể thành tựu. Nếu muốn dứt sanh tử, ra khỏi tam giới, không có định huệ thì không được. Giới học thù thắng nhất chỉ là phước báo nhân thiên mà thôi, khỏi đọa tam đồ, quí vị nhất định phải hiểu rõ. Nếu muốn ở trong đời này dứt sanh tử, ra khỏi tam giới, mặc dù là niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, nhưng cũng cần phải có định huệ. Công phu niệm Phật thấp nhất cũng phải niệm đến công phu thành khối (thành phiến) mới có thể vãng sanh. Công phu thành khối là định huệ sơ cấp, không đạt đến công phu này thì không thể vãng sanh. Bạn niệm Phật tốt đi nữa, trì giới nghiêm đi nữa, niệm Phật vẫn là phước báo nhân thiên. Cho nên, định là gì, huệ là gì, bạn phải hiểu cho thật rõ ràng, cho thật minh bạch.
Ở Trung Quốc, bất luận là học tông phái nào, bất luận một người học Phật nào, không có ai không đọc Kinh Kim Cang. Kinh Kim Cang chính là tiêu chuẩn của định huệ. “Bất thủ ư tướng, như như bất động” chính là định huệ, chính là thiền định. Nhất tâm cầu sanh Thế giới Tây phương Cực Lạc, đó chính là huệ. Nếu như chúng ta vẫn còn bị cảnh giới bên ngoài cám dỗ, sáu căn tiếp xúc với sáu trần, tâm vẫn bị dao động, thì cho dù chúng ta trì giới tốt đi nữa, niệm Phật niệm tốt đến đâu đi nữa, cũng không thể vãng sanh. Cho nên muốn vãng sanh nhất định là phải ngăn được cám dỗ, không bị cảnh duyên làm dao động, nhất hướng chuyên niệm thì nhất định được sanh. Chúng ta học Phật, mục tiêu cuối cùng là ở chỗ này, quyết không được làm sai.
Những việc phi nghĩa, trái lý, xã hội ngày nay chúng ta nhìn thấy quá nhiều rồi. Sự việc rõ ràng và dễ thấy nhất, nếu như tín đồ ưa thích một Pháp sư nào đó, gần gũi một vị Pháp sư nào đó, sự ưa thích đó có tình cảm ở bên trong thì đó là phi nghĩa, là trái lý. Pháp sư đi nịnh hót tín đồ, vị tín đồ này có quyền có thế, có của cải, sợ vị đại hộ pháp này đi mất, đây là phi nghĩa, đây là trái lý. Tứ sự cúng dường cho bạn, để bạn sống thật thoải mái thì đạo tâm của bạn hoàn toàn không còn nữa. Người thông thường thấy vị đại hộ pháp này tốt, thực ra, ở trong mắt chúng tôi thấy đó là đại ma vương, không phải đại hộ pháp. Vô lượng kiếp đến nay, đời nay khó khăn lắm bạn mới được thân người, được nghe Phật pháp, có cơ hội giải thoát, nhưng bạn lập tức bị họ kéo lại, đó là ma vương. Ngày nay có rất nhiều người xem ma vương là thiện tri thức, xem thập ác nghiệp là thiện tri thức, vậy là sai rồi.
Phật Thích-ca Mâu-ni đã làm tấm gương tốt cho chúng ta. Người xuất gia, công việc một đời này của bạn rốt cuộc là gì? Chúng ta thử nghĩ thật kỹ, cả đời của Phật, danh vọng lợi dưỡng, ngũ dục lục trần của thế gian Ngài xả rất sạch sẽ. Đây là điều đầu tiên chúng ta phải học. Thứ hai, hầu như Ngài dùng toàn bộ thời gian, ngày đêm không ngơi nghỉ, dũng mãnh tinh tấn tu giới-định-huệ tam học. Bản thân tu học có tâm đắc, giáo hóa tất cả chúng sanh, đó là vô lượng công đức. Bản thân Ngài sống vô cùng đơn giản, ba y một bát, tâm vĩnh viễn là “thanh tịnh, bình đẳng, giác”. Phàm phu chúng ta nhìn thấy là đời sống thanh bần, nhưng bên trong Ngài, sự thọ lạc đó chúng ta không cách gì tưởng tượng được. Điểm này chúng ta phải rõ ràng.
Chư Bồ-tát, Tổ sư Đại đức không hề lập đạo tràng. Phật Thích-ca Mâu-ni cả đời không có đạo tràng. Trúc Lâm tinh xá, vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, những địa điểm này đều có chủ. Họ mời thỉnh Phật đến nơi đó hoằng pháp, Phật tạm trú ở đó. Cho nên, chúng ta xem thấy trong Kinh Phật, hai chữ “Phật tại” là Phật tại nơi nào đó, chứ không hề nói “Phật trú”. Trú chính là nhà của Ngài rồi, nhà mới trú. Phật tại nơi nào đó. “Tại” với “trú” hoàn toàn khác nhau, “tại” là không có nhà, “trú” là có nhà. Chư Phật Bồ-tát đều là người tái lai, còn thị hiện như vậy. Chúng ta thử nghĩ, người tu hành chúng ta là người thế nào? Phàm phu nghiệp chướng sâu nặng. Nếu như những sự việc này làm cho mỏi mệt, thì đạo nghiệp của chúng ta chắc chắn bị hủy hoại mất. Cho nên, tôi thường hay khuyên các đồng tu, thật sự học đạo thì phải giống như tôi. Tôi rất may mắn, trong một đời tôi, tôi không quản người, không quản việc, không quản tiền, không có lo nghĩ trong công việc, cho nên mới có một chút xíu thành tựu như thế này. Nếu như bạn quản người, quản việc, quản tiền là bạn tiêu rồi. Chúng ta tự mình phải suy nghĩ thật kỹ, chúng ta xuất gia là vì cái gì? Không được làm trái lại bổn nguyện! Xuất gia có phải là đi quản đạo tràng không? Chiếm hữu đạo tràng thì giống như người thông thường trong xã hội vậy, ở trong ngành nghề này tranh danh đoạt lợi, có phải là làm việc này không? Làm việc này, nếu như bạn có phước báo này, bạn cũng có thể được một chút, nhưng trong khoảng nháy mắt là đi địa ngục A-tỳ rồi.
Tôi ở trong một đời này, có người tặng đạo tràng cho tôi, nhưng tôi không tiếp nhận. Năm ấy, Giản Phong Văn tặng đạo tràng ở đường Nam Hàng Châu cho tôi, tôi hỏi ông: “Có phải anh muốn hại tôi không?”. Ông nghe xong, ngớ người ra, nói: “Pháp sư, sao con có thể hại thầy?”. Tôi bảo: “Anh tặng đạo tràng cho tôi chính là hại tôi”. Tôi hỏi: “Đạo tràng có cần quản lý, có cần thu chi hay không?”. Ông nói: “Đương nhiên là phải quản lý, phải thu chi”. “Vậy mà bảo là anh không hại tôi à?”. Cuối cùng tôi đưa ra điều kiện với ông: “Anh tặng đạo tràng cho tôi thì được, nhưng anh phải quản lý đạo tràng, anh phải phụ trách thu chi”. Ông gật đầu đồng ý. Thế thì được, tôi vẫn là không quản việc. Việc này giống như nói là đeo lên một cái hư danh mà thôi. Cho nên, quyết định không quản việc thì tâm của chúng ta mới có thể chuyên nhất.
Chúng ta mỗi ngày phải đọc Kinh, khi không đọc Kinh thì tư duy nghĩa Kinh. Lời dạy của Phật, từng giây từng phút luôn luôn ở trong tâm, Tông môn gọi là nghi tình, lâu ngày dài tháng, gặp duyên thì sẽ có chỗ ngộ, hiểu được ý của Phật rồi. Tiểu nghi có tiểu ngộ, đại nghi có đại ngộ. Cái nghi này không phải hoài nghi, mà lý quá sâu nên không hiểu, nhưng thường xuyên nghĩ đến, đến lúc gặp được cơ duyên thì sẽ hiểu thôi. Nếu như bạn có việc lo lắng, từ sáng đến tối lúc nào cũng nghĩ chuyện lung tung, những sự việc này không những chướng ngại khai ngộ, chướng ngại định, cũng chướng ngại giới, giới-định-huệ tam học thảy đều bị chướng ngại hết. Từ sáng đến tối sinh khởi lên phiền não, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, hay nói cách khác, bạn đang tạo nghiệp. Vậy là quá đỗi sai lầm!
Cho nên tôi trong một đời này, khi giảng Kinh cũng thường hay nói là đạo tràng nhất định là của người tại gia, của cư sĩ. Người tại gia xây dựng đạo tràng, lễ thỉnh người xuất gia đến hoằng pháp lợi sinh. Giống như Thích-ca Mâu-ni Phật năm xưa vậy, đạo tràng đều là của quốc vương, đại thần, trưởng giả giàu có. Họ lễ thỉnh Thích-ca Mâu-ni Phật đến giảng Kinh thuyết pháp, hóa độ chúng sanh. Người xuất gia đối với ngũ dục lục trần không mảy may dính nhiễm, cái này tốt, thanh tịnh tự tại, vĩnh viễn gìn giữ trí tuệ cao độ của mình, một mảy may cũng không dính nhiễm. Cho nên nhất định phải có cái tâm xuất trần, có cái tâm vượt thế. Nếu còn muốn tranh đoạt đạo tràng, bá chiếm đạo tràng, chiếm cứ đạo tràng, khống chế đạo tràng, đây là tâm luân hồi. Dùng tâm luân hồi mà tham thiền, niệm Phật, giảng Kinh thuyết pháp đều là tạo nghiệp luân hồi, vẫn không ra khỏi lục đạo luân hồi, vả lại tội nghiệp còn vô cùng nặng. Nặng ở chỗ nào vậy? Bạn lấy chiêu bài của Phật đi tạo nghiệp luân hồi, cho nên quả báo ở địa ngục. Nếu như không phải chiêu bài của Phật, quả báo chưa chắc ở địa ngục. Chỉ cần là lấy chiêu bài của Phật làm những việc này, không có một người nào không đọa địa ngục A-tỳ. Điều này chúng ta phải rõ ràng, phải minh bạch.
Hai chữ “nghĩa lý”, chúng ta phải hiểu rõ ràng. Ý nghĩa của hai chữ này sâu rộng vô tận. Điều mà cổ đức dạy cho chúng ta là “Đi sâu nghiên cứu đến tận cùng bản chất của sự vật”, đạt đến chỗ viên mãn nhất chính là quả địa Như Lai. Đệ tử Phật, bất luận tại gia hay xuất gia, hai chữ “nghĩa lý” này phải hiểu rõ ràng, phải hiểu minh bạch. Chúng ta biết được bao nhiêu thì nhất định phải làm bấy nhiêu. Cái đơn giản nhất là ngũ giới thập thiện. Mọi người đều biết, thuận theo lời dạy của Phật, đó là thuận nghĩa lý; trái lại lời dạy của Phật, đó chính là “phi nghĩa nhi động, bội lý nhi hành”. Phật dạy chúng ta “hiếu dưỡng phụ mẫu”, chúng ta có làm được chưa? Phật dạy chúng ta “phụng sự sư trưởng”, chúng ta có làm được chưa? Chúng ta có thể hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, đây là tiểu nghĩa, là nghĩa lý nhỏ. Nghĩa lý càng sâu càng rộng hơn, Phật nói ở trong Kinh, tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta, bạn có thể đem cái tâm hiếu dưỡng phụ mẫu mở rộng đến hiếu dưỡng tất cả người nam, người nữ, thì đây là nghĩa lý lớn, thế nhưng đây vẫn chưa phải cứu cánh viên mãn. Cứu cánh viên mãn là như trong Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tình dữ vô tình đồng viên chủng trí”. Không những phải hiếu dưỡng đối với mọi người giống như cha mẹ, mà đối với tất cả súc sanh, đối với tất cả chúng sanh đều phải hiếu dưỡng, đó mới gọi là cứu cánh viên mãn, là nghĩa lớn của Phật Bồ-tát, là chân lý của Phật Bồ-tát. Điều này hiện nay chúng ta làm không được. Có thể mở rộng hiếu dưỡng, cung kính đến toàn thể nhân loại thì coi như bạn đã khá rồi. Tạm thời không nói thập pháp giới, mà chỉ nói pháp giới người, bạn có thể phổ cập đến pháp giới người thì coi như bạn đã giỏi rồi.
Thế nào mới gọi là hiếu thuận? Ở phần trước, chúng tôi đã giảng trong đoạn “Trung Hiếu”. Thuận tánh chính là hiếu thuận, không phải thuận tình. Thuận nhân tình là sai lầm rồi, phải thuận tánh đức. Tánh đức là gì vậy? Ngũ giới là tánh đức, thập thiện là tánh đức. Hay nói cách khác, chúng ta sát sanh, trộm cắp, tà dâm, đây là đã trái với nghĩa lý, đây là bất hiếu. Chúng ta vọng ngữ, lưỡng thiệt là trái với tánh đức, là bất hiếu, là không thuận. Thánh nhân thế xuất thế gian dạy chúng ta, tiêu chuẩn đã lập nên rồi, chúng ta nhất định phải phù hợp tuân theo tiêu chuẩn này, không được phép trái lại. Đây là ranh giới của thiện ác. Nhưng mà chúng ta hành thiện khó, tạo ác dễ dàng, nguyên nhân do đâu vậy? Tập khí từ vô lượng kiếp, ở trong Kinh Phật nói rất hay, tâm sở phiền não của chúng ta có 26 cái, tâm sở thiện có 11 cái, vậy bạn thử nghĩ xem, ác thì nhiều, thiện thì ít, cho nên tạo ác quá dễ dàng, tạo thiện là quá khó. Ở chỗ này cần phải có sự giác ngộ cao độ, phải thật sự tỉnh trở lại, người này gọi là khai ngộ, giác ngộ rồi. Khống chế tập khí phiền não của mình, thuận theo nghĩa lý mà làm thì chúng ta sẽ có thành tựu.
Người xuất gia phải nhớ kỹ, tôi nói lời thành thật, nếu như bạn có đạo tràng, bạn chắc chắn đọa địa ngục A-tỳ. Người nào có thể có đạo tràng vậy? Người đã đại triệt đại ngộ. Vào thời xưa, Phật giáo truyền đến Trung Quốc, người xuất gia mới quản lý đạo tràng. Thế nhưng quản lý đạo tràng là người nào vậy? Đều là Phật Bồ-tát tái lai. Quản lý đạo tràng là vì người tu hành mà phục vụ, đây là Phật Bồ-tát, không phải người phàm. Bạn có phải là Phật Bồ-tát tái lai không? Là Phật Bồ-tát tái lai thì được, không có vấn đề, bạn đại từ đại bi, bạn làm hộ pháp. Quản lý đạo tràng là hộ pháp, không phải tu pháp, bạn là Bồ-tát, là Phật tái lai. Nếu như chúng ta biết mình là phàm phu, tập khí phiền não chưa đoạn thì không làm. Tập khí phiền não thật sự đoạn sạch rồi, còn phải xem duyên phận. Không có duyên phận thì không thể miễn cưỡng. Thời gian đời này của chúng ta có hạn, rất ngắn ngủi. Nếu như bạn ở tuổi trung niên, bạn biết tương lai vẫn còn mấy năm sống được tốt chứ? Bạn cho rằng mình có thể sống đến 80-90 tuổi sao? Chưa chắc! Người 40-50 tuổi ra đi quá nhiều quá nhiều rồi. Tôi học Phật, xuất gia, đồng tham đạo hữu vào thời đó hầu như ba phần tư đều không còn nữa, họ chỉ mới 40-50 tuổi là đã ra đi rồi. “Đường xuống suối vàng không phân già trẻ”. Cho nên, mỗi giây phút còn sống, chúng ta đều phải nắm lấy nó thật chắc, không được phép lãng phí.
Chúng ta ngày nay ở Singapore tu hành là cơ hội hiếm có; không quản người, không quản việc, không quản tiền, nhất tâm lo cho đạo, đây là thật sự như pháp. Đến đâu để tìm ra cái đạo tràng như vậy? Tìm không ra. Vị hộ pháp này đều là Phật Bồ-tát tái lai, tuyệt đối không phải phàm phu, phàm phu làm không được. Phàm phu muốn đẩy bạn xuống nước nên mời bạn làm trụ trì, mời bạn làm chủ nhà, mời bạn quản cái này, quản cái nọ, đẩy bạn xuống nước, họ không phải người tốt. Không nên cho rằng, họ giao cho bạn nhiều quyền lực như vậy là đối tốt với bạn. Mắt bạn thấy rõ ràng, họ không phải người tốt. Tôi có năng lực này, thấy rất rõ ràng, cho nên ngoài rìa cũng không dính vào. Lần này tôi đến Úc châu để tham gia hội nghị tôn giáo do Thiên Chúa Giáo tổ chức. Lần này họ tổ chức rất tốt. Tôi đã nói qua mấy lần, các bạn cũng đều nghe thấy rồi, tại Towoomba tôi đã mua một mảnh đất nhỏ và đã làm một cái am tranh. Ngày nào đó, duyên phận ở đây hết rồi thì tôi sẽ lên trên núi ở am tranh này, tôi sẽ không ở đạo tràng, tôi không muốn gây ra những chuyện thị phi đó, tất cả buông xả, cầu thoát sanh tử, cầu vãng sanh Tịnh Độ.