THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Mã AMTB: 19-012-0001 đến 19-012-0195
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN – Tập 100/195 (55A – bộ 128 đĩa)
Các vị đồng học xin chào mọi người.
Đây là đoạn thứ bốn mươi hai của Cảm Ứng Thiên. Đoạn này cũng chỉ có tám chữ:
“Cuống chư vô thức, báng chư đồng học”. (Lừa kẻ không hiểu biết, gièm báng bạn học)
Đây cũng là thuộc vào đại ác.
Ở trong Vựng Biên nói rất hay: “Đối với kẻ chẳng hiểu biết, đúng là phải nên thuận theo từng sự mà chỉ bảo cho họ, dùng nghĩa lý nhắc nhở, dùng điều thiện lẽ ác khiến cho họ động tâm, khiến cho họ giác ngộ, chẳng đọa trong mê hoặc”. Làm sao có thể bởi vì họ ngu muội mà bạn lừa gạt họ? Phía sau đã dẫn một câu nói trong Kinh Lăng Nghiêm: “Kẻ lừa bịp người không hiểu biết, khiến cho chúng sanh nghi ngờ, lầm lạc, sau khi chết sẽ đọa vào địa ngục Vô Gián”. Người ở thế gian, vô tình hoặc cố ý đã tạo tác tội nghiệp cực nặng, tự mình hoàn toàn không biết, cũng không biết quả báo đáng sợ. Ở trong Cảm Ứng Thiên nêu ra những ví dụ này, chúng ta phản tỉnh thật kỹ, những lỗi lầm này bản thân cũng thường hay phạm phải, nhưng mà xưa nay không hề nghĩ đến sẽ có quả báo nghiêm trọng như vậy. Bản thân luôn cho rằng những chuyện này là chuyện nhỏ, thậm chí là nói nó chẳng đáng kể gì. Tại sao lại có sai lầm nghiêm trọng như vậy? Người ngu muội vô tri chúng ta không học Kinh Phật, không hiểu rõ chân tướng sự thật, trong đời quá khứ, bao nhiêu đời nay đã tạo tác rất nhiều nghiệp bất thiện, chiêu cảm đến quả báo như vậy. Phật Bồ-tát thấy rất rõ ràng. Những chúng sanh này chính là đối tượng cứu độ của Phật Bồ-tát, hơn nữa còn xếp họ vào hàng ưu tiên nhất. Tại sao vậy? Người như vậy, nếu như không mau mau giúp đỡ họ, họ trong nháy mắt liền đọa vào địa ngục. Cho nên, Phật Bồ-tát giúp đỡ chúng sanh, chúng sanh nào sẽ bị quả báo nghiêm trọng nhất, khổ nhất thì nhất định là xếp vào ưu tiên hàng đầu. Người tạo tác tội nghiệp tương đối nhẹ, không đến nỗi đọa lạc khổ như vậy thì hơi chậm một chút vẫn không sao. Đây là hợp tình hợp lý.
Một loại tình hình khác tương đối đặc thù, đây cũng là Phật ở trong Kinh thường nói là người có căn cơ chín muồi [được] độ trước. Sao gọi là căn cơ chín muồi? Cơ duyên thành Phật đã đến rồi. Người này cũng phải được ưu tiên giúp đỡ họ thành Phật, sau khi họ thành Phật thì có thể rộng độ chúng sanh. Đạo lý ưu tiên là ở chỗ này. Người thế gian, suy cho cùng, kẻ ngu muội vô thức chiếm đa số. Chúng ta thử nghĩ lại, bản thân chúng ta có phải thuộc loại “vô thức” này hay không? Tư duy thật kỹ, phản tỉnh kiểm điểm, bản thân chúng ta thật sự là thuộc về “vô thức”. Tại sao vậy? Tuy hằng ngày đang học Kinh giáo, nhưng vẫn cứ phạm lỗi lầm như cũ, đây chẳng phải là vô thức sao? Cho nên phải tùy theo việc mà nhắc nhở, ở mọi lúc, mọi nơi, trong tất cả cảnh duyên, nếu như không nhắc nhở thì lại phạm sai lầm nữa. Mặc dù không phạm sai lầm trong lời nói việc làm, nhưng khởi tâm động niệm, ý nghĩ thường đang phạm. Tại sao Phật Bồ-tát phải hằng ngày giảng Kinh vậy? Chỉ vì mỗi một việc này. Có mấy người có thể nghe một lần Kinh, nghe một bộ Kinh mà có thể quay đầu, có thể giác ngộ, có thể chứng quả? Loại người này không phải không có, nhưng quá ít, trong mấy trăm năm chúng ta mới nhìn thấy có một người; ở trong ức vạn người khó có được một người. Từ đó cho thấy, hầu hết mọi người đều có tập khí nghiệp chướng vô cùng sâu nặng (bản thân chúng ta cũng thuộc vào loại này), cho nên cần thiện tri thức từng giây từng phút nhắc nhở chúng ta. Đến đâu để tìm ra thiện tri thức như vậy? Thật sự tìm không ra.
Đại đức xưa dạy chúng ta cúng dường Tam Bảo. Chúng ta cúng dường tượng Phật, cúng dường tượng Bồ-tát, dụng ý ở chỗ nào vậy? Mượn những hình tượng này, từng giây từng phút nhắc nhở mình, nhìn thấy tượng Phật thì liền nghĩ đến lời dạy của Phật Bồ-tát. Không nhìn thấy tượng Phật là quên mất rồi. Dụng ý của cúng tượng Phật là ở chỗ này, chứ không phải xem Ngài giống như thần linh, không phải cầu mong Ngài phù hộ thăng quan phát tài, mà dùng hình tượng Ngài để thường xuyên nhắc nhở mình. Nhắc nhở, điều đầu tiên là đọc Kinh, nhìn thấy tượng Phật thì nghĩ đến phải đọc Kinh. Đọc Kinh chính là nghe Phật Bồ-tát giảng Kinh thuyết pháp, khiến chúng ta hiểu rõ nghĩa lý, là việc nên làm. Những việc nào nên làm, những việc nào không nên làm, đây gọi là “Nghĩa”. “Lý” là chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Nội dung của tất cả Kinh mà Phật nói ra, quy nạp lại thì không ngoài hai sự việc này. “Nghĩa” chính là đoạn tất cả ác, tu tất cả thiện, là việc bạn nên làm. “Lý” là minh tâm kiến tánh. Không những mình phải học, mà còn phải giúp đỡ người khác. Làm sao giúp đỡ người khác đây? Làm nên tấm gương cho người ta thấy. Tấm gương gì vậy? “Dùng điều thiện lẽ ác khiến cho họ động tâm”, chúng ta phải thể hiện ra. Chúng ta khởi tâm động niệm, người khác không nhìn thấy, nhưng lời nói việc làm của chúng ta, người ta nhìn thấy. Chúng ta có thể trong một đời, miệng không nói lời ác, trong một đời có thể làm được không vọng ngữ, không lừa gạt người khác. Bắt đầu làm từ đâu vậy? Bắt đầu ngay từ ngày hôm nay, ta ngay từ hôm nay, từ sáng đến tối không vọng ngữ, không ác khẩu. Đây là việc rõ ràng dễ thấy.
Phật dạy người sơ học bắt đầu làm từ Thập Thiện Nghiệp Đạo. Quán Kinh nói “Tam phước”, đưa ra cương lĩnh cho chúng ta: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”. Chúng ta muốn hỏi, chúng ta làm sao hiếu thân, làm sao tôn sư? Tu tâm từ, tu thập thiện chính là hiếu dưỡng phụ mẫu, chính là phụng sự sư trưởng. Nếu như ba nghiệp “Thân – Ngữ – Ý” của chúng ta đều bất thiện, đó chính là bất hiếu, chính là bất kính. Chúng ta bắt đầu làm từ đây. Quả nhiên thật sự làm được rồi, hằng ngày đều làm như vậy thì người này là người thiện. Người thiện không cần phải có người khác tán thán. Nếu chúng ta hy vọng người khác tán thán, hy vọng người khác biểu dương chúng ta, làm như vậy là đã bất thiện rồi. Tại sao vậy? Vì dụng ý bất thiện, hành vi dù là thiện mà tâm bất thiện, tâm địa đã ô nhiễm, không thanh tịnh. Chẳng mong cầu gì cả, cần nên làm như vậy. Cách làm này chỉ là giúp đỡ người khác, chỉ là phổ độ chúng sanh, để người ta thấy rồi thì sẽ giác ngộ, “tại sao họ có thể làm được mà ta không làm được?”. Họ thấy lâu rồi thì họ sẽ phản tỉnh. Xưa nay Tổ sư Đại đức giảng Kinh, nói đến cảm hóa người khác (ở trong Phật pháp nói phổ độ chúng sanh, cách nói hiện nay gọi là cảm hóa người khác), chỉ dùng tâm chân thành, tâm từ bi, làm ra một tấm gương tốt để người ta thấy. Tấm gương tốt nhất là vua Thuấn.
Vua Thuấn khi còn tuổi thanh thiếu niên, hoàn cảnh sống của ông vô cùng tồi tệ, sống trong nghịch cảnh. Người ác, ông có thể cảm hóa. Ông làm được vô cùng viên mãn, làm vô cùng thành công, là tấm gương tốt nhất. Tại sao ông có thể làm được vậy? Một câu nói của Đại Sư Lục Tổ Huệ Năng là “không thấy lỗi thế gian”, cho nên ông mới làm được. “Không thấy lỗi thế gian” là lý, ông hiểu lý. Tại sao người khác dùng ác ý, dùng ác hạnh đối với ta? Luôn luôn là bản thân ta có lỗi lầm. Cho nên, ông niệm niệm không nhìn thấy người khác có lỗi, cho rằng người khác có thái độ gì cũng là chính xác, cũng đều đúng cả. Ông luôn nghĩ rằng bản thân ông có lỗi lầm, cần phải phản tỉnh, kiểm điểm, sửa chữa lỗi lầm, khiến những người có khuynh hướng ác ý này cũng không thể nhìn ra lỗi xấu của mình, vậy mới thật sự biết được đạo lý và phương pháp của sự tu hành. Ông thật sự biết được. Ở trong Phật pháp nói, đây là sự thị hiện của đại Bồ-tát, đây không phải là phàm phu. Sự hành trì của ông, chúng ta quan sát tỉ mỉ, thấy không có khác gì so với Thiện Tài Đồng Tử trong Kinh Hoa Nghiêm.
Thiện Tài Đồng Tử cả đời tu hành không nhìn thấy lỗi thế gian, chỉ thấy mình có lỗi. Cho nên ông thuận buồm xuôi gió, một đời viên mãn Bồ-đề. Đây là Phật ở trong Kinh nêu ra một tấm gương tốt nhất. Ông từ quả địa phàm phu trải qua 51 cấp bậc của Bồ-tát, từ Sơ Tín đến Thập Tín chỉ theo học một vị thầy (Bồ-tát Văn Thù là thầy của ông). Khi Thập Tín tâm tròn đầy thì thầy bảo ông đi tham học, cho nên về sau là Năm Mươi Ba Tham. Mỗi lần tham học với một vị thiện tri thức thì vị thứ của ông được nâng cao lên thêm một cấp bậc; tham vấn Tỳ-kheo Kiết Tường Vân, ông là sơ trụ; tham vấn Tỳ-kheo Hải Vân, ông là nhị trụ; tham vấn Tỳ-kheo Diệu Trụ, ông là tam trụ. Chúng ta thử nghĩ, ông đã trải qua đời sống gì vậy? Quay lại thử nghĩ đời sống mà mình sống là đời sống gì? Người ta đạo nghiệp mỗi ngày tăng trưởng, định huệ cùng học, đời sống đó viên mãn biết bao, sung túc biết bao, còn chúng ta thì hằng ngày vẫn đang tạo nghiệp. Cho nên, chỗ này nói “vô thức”, chúng ta không phải vô thức thì ai vô thức đây? Chúng ta không hiểu nghĩa lý mà Phật nói. Tôi đã học 47 năm, 47 năm mới hiểu được một chút đạo lý như vậy. Cho nên, có cơ hội thì tôi chia sẻ với mọi người, không quên từng giây từng phút nhắc nhở các đồng học, khích lệ các đồng học, làm hết khả năng, một ngày cũng không buông lơi.
Bản thân tôi biết rất rõ ràng, rất minh bạch, nếu như mấy ngày không có người khích lệ thì Kinh cũng lười xem, tập khí tật xấu đều trổ ra rồi. Cổ nhân chúng ta nói hay, nói với người đi học là “ba ngày không đọc sách Thánh Hiền thì vẻ mặt liền khó coi”. Hoàn cảnh đó của họ, thật sự mà nói là thù thắng hơn nhiều so với chúng ta. Nói lời thành thật, hiện nay đâu cần đến ba ngày, một ngày không đọc là vẻ mặt hoàn toàn khác rồi. Một ngày vẫn quá dài, nửa ngày không đọc là vẻ mặt cũng đã hoàn toàn khác rồi. Người xưa còn có thể đợi ba ngày, chúng ta ngày nay nửa ngày không đọc thì tập khí tật xấu hoàn toàn lộ ra hết rồi, thậm chí là vừa đọc, tập khí tật xấu vừa lộ ra bên ngoài, bạn nói xem, có còn cách gì không? Đọc Kinh sinh phiền não, nghe giảng cũng sinh phiền não, nghiên cứu thảo luận thì cãi nhau. Hãy nghĩ xem, người xưa còn có thể nén lại được ba ngày, mới biết tập khí tật xấu của chúng ta hiện nay là nghiêm trọng cỡ nào. Cho nên đọc đến đoạn Kinh văn này, nói về lừa gạt những người vô tri này, suy nghĩ thấy bản thân chúng ta đúng là người vô tri. Người lừa gạt chúng ta quá nhiều, quá nhiều rồi, đầy khắp cả đường, còn người nhắc nhở chúng ta thì không có. Tìm ở đâu bây giờ? Người mà chúng ta tiếp xúc toàn là lừa gạt chúng ta.
Hai câu nói này xem ra rất bình thường, nhưng ý nghĩa quá sâu xa. Cho nên, lần này có cơ duyên như vậy, tôi lại đem Kinh Kim Cang Giảng Nghĩa xem kỹ lại một lần nữa. Sau khi xem xong, cảm thấy trong đó có rất nhiều thứ vẫn cần phải bổ sung, cần phải nói rõ thêm nữa. Tại sao vậy? Người thông thường xem xong vẫn không hiểu, cho nên không làm bổ sung là có lỗi với chúng sanh hiện tại. Người xưa giảng Kinh thuận tiện, gợi ý là thấy ngay, xem xong là có thể hiểu. Hiện nay thì không được, gợi ý thế nào họ cũng không thông nổi, cho nên không thể không nói nhiều, không thể không phiền toái. Việc độ chúng sanh hiện tại khó hơn quá nhiều so với trước đây. Nếu chúng ta không có tâm nhẫn nại, không có thường thức phong phú, không có đức hạnh, không quán sát căn cơ được, thì tự hành hóa tha đều làm không thành công. Cho nên, chúng ta không thể không nỗ lực vì chúng sanh, vì Phật pháp, dũng mãnh tinh tấn.