THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Mã AMTB: 19-012-0001 đến 19-012-0195
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN – Tập 91/195 (49B – bộ 128 đĩa)
Các vị đồng học!
Tôi đã giảng đến một đoạn dẫn dụng từ Kinh Phật trong chú giải, nói rõ tạo tác tội nghiệp cực trọng đọa A-tỳ Địa Ngục đều là “bất hiếu phụ mẫu, hủy báng Tam Bảo, mạ nhục lục thân, khinh mạn sư trưởng, vu hãm thiện lương”. Phía sau vẫn còn hai câu: “Sát hại chúng sanh, tạo chư ác nghiệp, như thị đẳng nhân, lai thử thọ khổ”, phía sau các vị tự xem thì được rồi. “Giết hại chúng sanh”, đặc biệt là động vật nhỏ, nhất là chúng sanh thường hay phiền nhiễu chúng ta như ruồi, muỗi, kiến, gián. Những loại chúng sanh này, người không học Phật thì không cần nói, người học Phật cũng không thể tránh khỏi, cố ý hay vô ý đã tổn hại những chúng sanh này. Chúng ta là người chân thật học Phật, muốn không sát sanh thì phải bắt tay từ chỗ nào? Phải làm từ ngay chỗ này. Những động vật nhỏ này đến phiền nhiễu chúng ta, chúng ta phải có lòng nhẫn nại, phải có thể nhẫn chịu. Từ xưa đến nay, các Đại đức chân thật tu hành, bị những phiền nhiễu này, họ không hề oán ghét những động vật nhỏ này, trái lại họ sanh tâm hổ thẹn. Thế xuất thế gian không thể rời khỏi nhân quả, tại vì sao có một số người, những động vật nhỏ không đến phiền nhiễu họ, mà đến quấy nhiễu chúng ta? Chắc chắn là có nhân từ trước, chúng ta ngày trước cũng đã từng là ruồi, kiến, muỗi, cũng quấy nhiễu người khác, ngày nay thân chúng ta chuyển đổi lại, cho nên trong nhân quả có nói “miếng ăn, giọt nước đều do tiền định”.
Người với người, người với tất cả chúng sanh, nghiệp duyên của vô lượng kiếp đến nay đều không ngoài báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ. Nếu không có bốn cái duyên này, có lúc muốn thấy cũng không thấy được, cũng có lúc thấy như không thấy. Loại tình hình chân tướng sự thật này, tôi nghĩ mỗi một đồng tu chúng ta đều có thể thể hội được, chỉ là thể hội được không đủ sâu. Nguyên nhân không đủ sâu sắc là vì đối với Kinh giáo thâm nhập không đủ độ sâu. Kinh Phật dạy chúng ta thâm giải nghĩa thú. Nếu chúng ta khế nhập có độ sâu, tự nhiên chúng ta liền tường tận, sau đó tâm của bạn liền bình thản đối với thế gian này; thuận cảnh không khởi tâm tham, nghịch cảnh tuyệt không hiềm ghét, người thiện người ác một mực đối xử bình đẳng thì tâm liền bình. Đạo lý này chúng ta phải hiểu. Tu hành ở nơi nào? Chính ngay những nơi này mà tu. Tu hành không chỉ giới hạn ở đọc Kinh, niệm Phật cũng không chỉ giới hạn ở trì danh, bất cứ một môn nào cũng đều hàm nhiếp tất cả pháp môn. Rất ít người hiểu được đạo lý này, người có thể làm được thì càng ít. Kinh Phật nói với chúng ta, người chân thật thông đạt, làm được đó là Pháp Thân Đại Sĩ. Quyền Giáo Bồ-tát, Thánh giả nhị thừa cũng thông đạt, nhưng vẫn chưa làm được. Những phương pháp lý luận cảnh giới này, Kinh Hoa Nghiêm đã nói thấu triệt, rất tường tận nhất. Năm xưa, Đại Sư Hoằng Nhất dạy người, đặc biệt là phần tử tri thức, học Phật phải nên bắt tay vào từ Hoa Nghiêm Sớ Sao. Điều này rất có đạo lý. Thông đạt phương pháp lý luận cảnh giới của Hoa Nghiêm thì bất luận tu học một pháp môn nào cũng đều là đại pháp viên đốn, đều có thể giúp chúng ta ở ngay trong một đời nâng cao đến cảnh giới thù thắng; tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn đều là đời sống của Phật Hoa Nghiêm. Cho nên, Đại đức xưa gọi bộ Kinh này là “Pháp Luân Căn Bản” là rất có đạo lý.
Câu sau cùng là: “Tạo chư ác nghiệp“, ác nghiệp vô lượng vô biên. Tiêu chuẩn của Bồ-tát là hễ trái ngược với tánh đức thì đều là ác nghiệp. Người thế gian chúng ta cho rằng là thiện pháp, nhưng Bồ-tát xem thấy là ác pháp, vì sao vậy? Không ra khỏi sáu cõi luân hồi. Trong sáu cõi, ở trong ba đường thiện hưởng phước, khi phước hưởng hết rồi thì vẫn phải đọa lạc, đây không phải là chân thiện. Không chỉ trong sáu cõi không có thiện pháp chân thật, mà pháp giới bốn Thánh cũng không phải chân thật. Chân thiện nhất định phải siêu vượt mười pháp giới, vĩnh viễn không thoái chuyển, đây là chân thiện.
Đoạn văn này sau cùng đã làm hai câu tổng kết: “Người làm ác ắt sẽ đọa vào địa ngục”. Ngữ khí này rất là khẳng định, không có chút do dự nào, “tạo ác chắc chắn đọa địa ngục”. Sau cùng khuyên chúng ta “đời người trụ thế ngắn ngủi, phải ra sức thực hành nhân từ “. Việc “trụ thế” này chính là bạn ở trong mười pháp giới may mắn có được thân người. Được thân người, ở trong giai đoạn hiện tại này của chúng ta, là thời kỳ Mạt Pháp của Thích-ca Mâu-ni Phật, thọ mạng của con người không dài. Đỗ Phủ triều nhà Đường đã nói: “Nhân sanh thất thập cổ lai hi”. Có lẽ mọi người cho rằng y học ngày nay phát triển thì tuổi thọ của người sẽ kéo dài. Nếu bạn cho rằng y học phát triển, tuổi thọ của người có thể kéo dài thì định luật nhân quả chẳng phải bị lật đổ rồi sao? Tuổi thọ dài không có nguyên nhân gì khác, điểm này chúng ta phải hiểu được. Nếu lấy bình quân tuổi thọ của con người trên toàn cầu mà nói thì không đến 70 tuổi. Phật pháp nói là tuổi thọ bình quân. Có người cá biệt có tuổi thọ dài là do trong đời quá khứ có tu. Nghiệp nhân quả báo mỗi người không như nhau. Chúng ta hiểu rõ đạo lý này, chúng ta tin sâu không nghi. Thời gian trụ thế dài ngắn không như nhau, thế nhưng trong Phật pháp nói rất hay: “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”, cầu trường thọ, được trường thọ. Cầu trường thọ, quyết không phải cầu y dược, quyết không phải cầu bảo dưỡng, cái đó không cách gì cải tạo vận mạng.
Làm thế nào để cầu trường thọ? Phải thay đổi nghiệp nhân của chúng ta. Các vị đọc trong Liễu Phàm Tứ Huấn, thọ mạng của tiên sinh Liễu Phàm chỉ có 53 tuổi, nhưng ông sống được hơn 70 tuổi. Trong đây nói rõ nghiệp nhân quả báo không hề sót lọt, chúng ta muốn cầu bất cứ quả báo gì thì phải tạo nghiệp nhân đó, nhân quả nhất định là tương ưng. Cho nên, Phật Bồ-tát ở chỗ này khuyên chúng ta, thời gian trụ thế của chúng ta ngắn, hiểu rõ những đạo lý này thì phải “ra sức thực hành nhân ái, rộng tu điều thiện, tiêu trừ tam chướng phiền não, làm thanh tịnh sáu căn, niệm Phật trì trai, tham thiền học đạo, nhảy thoát ra khỏi biển khổ sanh tử luân hồi”, khuyên chúng ta làm những sự việc này. Khi bắt đầu học thì làm rất miễn cưỡng, làm được mấy năm thì dần dần sẽ quen. Tôi là phàm phu, nghiệp chướng tập khí rất nặng, thế nhưng tôi thật làm giống như Đại Sư Chương Gia nói, cả đời được Phật Bồ-tát chăm sóc. Phật Bồ-tát để cho tôi chịu rất nhiều dày vò, nhưng tôi tin tưởng lời của lão sư, những dày vò này đều là sự chiếu cố của Phật Bồ-tát, để tôi tu bố thí. Vì sao vậy? Người ta nhất định muốn, tôi không cho thì không được. Tốt thôi, tôi học bố thí, từ từ học, học được không ít năm, dần dần liền tự nhiên.
Về nhẫn nhục, người ta ức hiếp bạn, sỉ nhục bạn, dày vò bạn, bạn nhẫn chịu. Từ nhẫn nhục dần dần tâm liền bình lại, tâm liền định. Nhẫn nhục là tiền phương tiện của thiền định. Tâm thanh tịnh, tâm định rồi thì trí huệ liền khai. Cho nên, hết thảy người dày vò tôi, người nhục mạ tôi, ở trong mắt tôi đều là Phật Bồ-tát thị hiện. Nếu không có những người này làm khó thì tôi làm sao có thể thành tựu? Sáu Ba-la-mật do đây mà tu thành công. Sáu Ba-la-mật không thể ở ngay trong thuận buồm xuôi gió mà tu thành công được, không có đạo lý này. Thích-ca Mâu-ni Phật thành Phật còn phải trải qua rất nhiều ma nạn. Tám tướng thành đạo chính là hàng ma. Xin nói với các vị, hàng ma không phải ở trong giai đoạn ngắn, từ khi Ngài sanh ra đến khi thị hiện thành đạo, trong mấy mươi năm, ngày ngày đều đang hàng ma, ngày ngày đều có ma chướng, hay nói cách khác, bạn phải trải qua được khảo nghiệm thì bạn mới có thành tựu.
Con người nhất định phải có lòng yêu thương. Hiện tại chúng ta đọc Kinh Đại Thừa, trong Kinh Đại Thừa dạy rất rõ ràng, chư Phật Như Lai, tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới là thân tướng của chính mình. Pháp Thân Đại Sĩ không có thân tướng, tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới là thân tướng của họ, gọi là pháp thân. Các Ngài hiện ra là báo thân. Báo thân là trí huệ. Trí huệ cũng không có hình tướng. Báo thân là Bát-nhã. Pháp thân là lý thể. Ứng hóa thân là giải thoát (giải thoát chính là đại tự tại). Tại vì sao ứng hóa thân được gọi là giải thoát? Đây là đối với chúng sanh mà nói, thân thể của chúng sanh là nghiệp báo thân, không tự tại, bị phiền não trói buộc, bị sanh tử làm hạn chế. Phật thị hiện vô số thân tướng, tùy loại hiện thân, cái thân hiện ra không có phiền não (không có phiền não gọi là giải), không có sanh tử (không có sanh tử gọi là thoát). Phật Bồ-tát thị hiện ra thân không giống như chúng ta. Sự giải thoát này, thông thường nói Pháp Thân Đại Sĩ đã thoát ly sáu cõi, thoát ly mười pháp giới, kiến tư phiền não đã giải trừ, trần sa phiền não cũng giải trừ, vô minh phiền não cũng phá một phần, cho nên ứng hóa thân của chư Phật Bồ-tát cùng thân phàm phu chúng ta không như nhau.
Phật dạy chúng ta phải có lòng yêu thương chân thành, dùng tâm từ bi để đối đãi tất cả chúng sanh, không phân tà chánh, không phân thiện ác, không phân lợi hại, một mực yêu thương bình đẳng. Chúng ta đã giảng ở phía trước, thuần nhất thiện tâm, thuần nhất thiện ý, thuần nhất thiện hạnh, thuần thiện, thế nhưng tà chánh, phải quấy, thiện ác vẫn cứ rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo, biết được chúng sanh tạo thiện được quả thiện, biết được tất cả chúng sanh làm ác phải chịu ác báo, rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo. Đây là chiếu kiến của trí huệ, chiếu được rõ ràng. Trong tâm chắc chắn không có động tâm. Không có khởi tâm động niệm cũng chính là không có tốt xấu. Không phải nói thiện thì chúng ta ưa thích, ác thì là hiềm ghét. Không khởi tâm, không động niệm là nói sự việc này. Trong tâm thuần thiện. Thiện này không phải thiện của thiện ác, thiện của thiện ác cũng không thiện. Thiện ác hai bên đều rời khỏi, tà chánh hai bên đều lìa khỏi, lợi hại hai bên đều rời khỏi, đó mới gọi là chân thiện. Cho nên, tất cả mọi thời, tất cả mọi nơi, trong tất cả cảnh duyên, tâm vĩnh viễn là thanh tịnh bình đẳng giác, vậy mới gọi là “quảng tu chúng thiện”, “tiêu trừ tam chướng”, tam chướng tự nhiên liền tiêu. Không có công phu này, ba chướng quá khó tiêu trừ. Ba chướng là chỉ “hoặc nghiệp khổ”, cũng có thể gọi là “vọng tưởng, phân biệt, chấp trước”.
“Thanh tịnh sáu căn”, sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần bên ngoài mà thật không bị ô nhiễm. Tiếp xúc rõ ràng tường tận là quán chiếu của Bát-nhã. Một trần không nhiễm là thiền định sâu thẳm. Rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo, đích thực không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, đây chính là “thanh tịnh sáu căn”, chính là “gom nhiếp sáu căn”.
“Niệm Phật trì trai”. Bổn ý của chữ “trai” là thân tâm thanh tịnh. Hiện tại ở trong tập tục trì trai, người thông thường đều xem ăn chay là trì trai. Cũng được, ăn chay là một phần của trì trai.
“Tham thiền học đạo”. Tham, không dùng ý thức mới gọi là tham, dùng tâm ý thức thì không gọi là tham, trong Tông môn gọi là “lìa tâm ý thức tham”. Tâm ý thức là tám thức. Tâm là A-lại-da, ý là Mạt-na, thức là thức thứ sáu. Thức thứ sáu là phân biệt, Mạt-na là chấp trước, A-lại-da là lưu ấn tượng. Lìa tâm ý thức chính là nói không nên chấp trước, không nên phân biệt, không lưu ấn tượng, đây gọi là tham. Thiền là gì? Thiền là Phật tâm. Giới là Phật hạnh, giáo là ngôn ngữ của Phật, mà câu Phật hiệu này toàn bộ thảy đều thâu nhiếp, đây quy về pháp môn niệm Phật. Cho nên, văn tự này của họ hay, “niệm Phật trì trai”, “tham thiền học đạo”.
Thiện Tài Đồng Tử Năm Mươi Ba tham, lần thứ nhất chính là tham phỏng Tỳ-kheo Kiết Tường Vân. Tỳ-kheo Kiết Tường Vân nói với Ngài 21 loại pháp môn niệm Phật. Hai mươi mốt loại này triển khai ra, đó chính là tất cả chư Phật Như Lai nói ra vô lượng vô biên Phật pháp, không có pháp nào có thể siêu vượt pháp môn niệm Phật, “ra khỏi tam giới, thoát sanh tử luân hồi”. Không chỉ siêu vượt sáu cõi luân hồi, siêu vượt mười pháp giới, mà bốn loài thai noãn thấp hóa đều vĩnh viễn thoát khỏi hết, không sanh không diệt. Đây là Phật ở ngay chỗ này hết lòng hết dạ khuyên bảo chúng ta. Chúng ta phải chân thật ở ngay trong cuộc sống thường ngày trải sự luyện tâm, phải vượt qua được khảo nghiệm, phải qua được sự tôi luyện, luyện đến lò lửa thuần một màu xanh, liền vào được cảnh giới của Phật. Cảnh giới của Phật mới là bổn lai diện mục của chính mình, là hoàn cảnh đời sống vốn có của chính mình, chân thật quay đầu, chân thật quay về nhà. Sáu cõi là lưu lạc ở bên ngoài, mười pháp giới vẫn là lưu lạc ở bên ngoài. Vào pháp giới nhất chân là quay về nhà rồi, vậy mới đạt được an ổn chân thật.
Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ học đến đây thôi. A Di Đà Phật!