Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – Tập 47/195


THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN –  Tập 47/195 (22B – bộ 128 đĩa)

Hai chữ “trung hiếu” đã được giảng rất nhiều rồi. Ý nghĩa của hai chữ này quả thật là nói không hết. Trong Vựng Biên có một đoạn nói: “Đại hiếu tức là thuận thân, dưỡng chí”. Đoạn này nói rất hay, chúng ta cần cố gắng nỗ lực học tập.

Cổ đức dạy người khái niệm cơ bản là “thiên địa cùng gốc, vạn vật cùng thể”. Hai câu nói này vốn dĩ phát xuất từ trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử. Cảnh giới này hoàn toàn tương đồng với điều mà trong Kinh Hoa Nghiêm đã nói, đó chính là Phật tri, Phật kiến. Tôi thường ngày viết chữ cho người ta, chữ tôi viết là: “Khẳng định tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới là chính mình”. Đây gọi là nhập Phật tri kiến. Hai câu nói của Lão Tử hoàn toàn tương đồng với ý nghĩa này. Đây là hiếu đạo, đây là thật sự nhận thức được hiếu, hiểu rõ hiếu. Dùng tâm này đối với tất cả chúng sanh thì chính là tâm Phật. Từ trong tâm này sinh ra tư tưởng hành vi, đó là hạnh Bồ-tát chân thật. Cho nên, ở chỗ này nói “thuận thân, dưỡng chí” là từ quan điểm này mà nói, nhất định không phải là khái niệm của phàm phu. Cái mà phàm phu nghĩ làm thế nào dưỡng thân, làm thế nào dưỡng chí của mình thì quá nhỏ bé, luôn luôn không thể tách khỏi tự tư tự lợi, đâu có biết được những đạo lý lớn này. Có thể thấy bậc Thánh Hiền với phàm phu ở trên nguồn tâm là không giống nhau; cái nguồn này, chúng ta gọi là đầu nguồn, ví dụ như nguồn nước, chỗ khởi nguồn là không giống nhau.

“Dưỡng thân”

Thân là gì vậy? Là Phật tánh, là chân tâm bản tánh của bản thân chúng ta. Làm thế nào có thể dưỡng chân tâm bản tánh của cha mẹ, đây là sự tận hiếu của Phật Bồ-tát. Cha mẹ là phàm phu, còn đang mê, chúng ta làm sao dùng phương tiện thiện xảo để thúc đẩy họ, giúp họ giác ngộ, đây mới là đại hiếu viên mãn đích thực. Cho nên, “thuận” là thuận tánh, không phải thuận tình. Chữ “tình” này, nhà Phật thường nói là “thấu tình đạt lý”, nhà Nho cũng nói như vậy.

Chúng ta nói về đạo hiếu, Khổng Lão Phu Tử tôn sùng Đại Thuấn vì ông biết hiếu, hành hiếu, tận hiếu; cho rằng ông là tấm gương tốt nhất của hành hiếu, tận hiếu. Việc mà ông làm là giúp cha mẹ giác ngộ. Cha mẹ đối xử với ông, trong con mắt của người khác thấy rằng đó là tồi tệ đến cực điểm, đâu đâu cũng muốn đưa ông vào chỗ chết, nhưng ông xem cha mẹ là đại Thánh đại Hiền, là Phật thật, là Bồ-tát thật. Tại sao hai phương diện thấy lại khác nhau như vậy? Vua Thuấn là nhìn từ trên thể tánh, nhìn từ trên tâm tánh; từ trên tâm tánh ông nhìn thấy tất cả chúng sanh đều là chư Phật Như Lai, cho nên trong Kinh Phật nói, Bồ-tát khi thành Phật, thấy chúng sanh khắp nơi đều thành Phật đạo, chính là cái ý này. Cha mẹ của vua Thuấn là tùy thuận vọng tưởng, phiền não tập khí của mình mà nhìn chúng sanh, cho nên cách nhìn của hai người không giống nhau. Một người là quan sát từ trên tâm tánh, lý thể; một người là nhìn người từ trên tập khí phiền não. Vua Thuấn có thể thông quyền đạt biến. Khi cha mẹ trách phạt ông, nếu có thể chịu đựng thì tiếp nhận trách phạt, nếu không thể chịu đựng được thì lẩn tránh. Không phải nói là khi không thể chịu đựng thì cũng ở đó chịu đòn, bạn bị cha mẹ đánh chết là đáng đời, bạn chết oan uổng thì bạn là đại bất hiếu. Ở chỗ này chính là uyển chuyển quyền biến; khi có thể chịu đựng thì chịu đựng, không thể chịu đựng thì tránh xa, làm hết khả năng để tìm cơ hội gợi ý cho cha mẹ. Cha mẹ ông quả nhiên giác ngộ, quả nhiên hiểu rõ, quả nhiên đã thành đại Thánh đại Hiền. Đây mới được xem là tận hiếu, mới được xem là thuận thân (thuận theo cha mẹ).

Hiện nay chúng ta muốn thuận thân (thuận theo cha mẹ), tâm tham của cha mẹ rất nặng, họ muốn bạn kiếm tiền, muốn bạn làm quan lớn, muốn bạn tham ô, tất cả bạn đều tùy thuận theo cha mẹ, tương lai bạn đọa địa ngục, cha mẹ bạn cũng bị đọa địa ngục. Đây không phải là thuận thân. Đọc sách Thánh Hiền, học Phật Bồ-tát không có gì khác, chỉ là học làm một người sáng suốt mà thôi. Người sáng suốt sẽ không làm việc sai trái, sẽ không có ý nghĩ sai lầm, đây mới gọi là thuận thân. Biết thuận thân, liền đem phương pháp lý luận về thuận thân mở rộng ra, hằng thuận chúng sanh thì đó chính là hạnh Phổ Hiền. 

“Hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”. Hai câu nói này, trước khi Phật pháp chưa truyền vào Trung Quốc thì vua Thuấn đã làm được rồi. Chúng ta đọc phần ghi chép trong lịch sử về Đại Thuấn, dùng quan điểm của Phật pháp mà xem, sao có thể nói ông không phải là chư Phật Bồ-tát đến Trung Quốc để ứng hóa? Hành nghi cả đời của ông chính là mười nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền. Mười nguyên tắc tu hành của Bồ-tát Phổ Hiền, mỗi một điều ông đều làm được, hơn nữa làm được rất viên mãn. Cho nên chư Phật Bồ-tát ứng hóa ở thế gian này, chúng ta là người phàm mắt thịt, không biết, luôn luôn tùy thuận tập khí phiền não của mình, tạo ra biết bao nhiêu ác nghiệp, thế nhưng chư Phật Bồ-tát vẫn một lòng từ bi đến giáo hóa chúng ta. Ý nghĩa của “thuận thân” chúng ta phải hiểu. Sau khi hiểu rồi thì sẽ biết làm thế nào hằng thuận chúng sanh, làm thế nào có thể viên mãn hạnh Bồ-tát, có thể tu thành Bồ-tát đạo.

“Dưỡng chí”

Nhà Nho và nhà Phật dạy người lập chí. Nhà Phật dạy người phát nguyện (phát nguyện chính là lập chí). Lập chí không phải vì danh lợi, mà phải lập cái chí lập công lớn. Ở chỗ này có câu nói rất hay: “Dưỡng kỳ triệt địa thông thiên bào dân dữ vật chi chí” (Nuôi dưỡng chí nguyện lo cho cả người lẫn vật khắp trong trời đất). Câu này người hiện nay đọc xong rất khó hiểu ý nghĩa, cho nên chúng tôi đổi thành câu nói khác (văn ngôn văn dịch thành văn bạch thoại), đó là “dưỡng thành cái chí vì tất cả chúng sanh trong pháp giới tận trung, tận hiếu mà phục vụ”, chính là ý nghĩa này.

Đời người phải lấy phục vụ làm mục đích, lấy việc giúp người làm gốc của niềm vui. Phật dạy chúng ta như vậy, Nho gia, Đạo giáo cũng dạy người như vậy. Nếu chúng ta không hiểu ý nghĩa này thì chí và nguyện của chúng ta sẽ có lệch lạc, có tà lệch, bất chánh, sai lầm. Thuận thân, dưỡng chí thực hiện từ đâu vậy? Ở trong sách Đại Học nói rất hay, dạy cho chúng ta cương lĩnh thực hiện từ “thành ý, chánh tâm”. “Thành ý, chánh tâm”, nhà Phật gọi là “phát tâm Bồ-đề”. Tại sao chúng ta không thể phát được tâm Bồ-đề? Vì chúng ta có chướng ngại. Cho nên, chúng ta cần phải trừ bỏ chướng ngại.

Trừ bỏ chướng ngại, nhà Nho gọi là “cách vật, trí tri”. Cách vật rồi sau đó mới trí tri, trí tri thì sau đó mới thành ý, thành ý thì sau đó mới chánh tâm. Nó có phương pháp, có trình tự tiến hành. Cho nên, muốn thực hiện thì điều kiện đầu tiên chính là chân thành. Nếu muốn chân thành thì nhất định phải cách vật. Vật là gì vậy? Vật là dục vọng. Khi tôi giảng Kinh Địa Tạng, có nói với mọi người là dục vọng có hai loại, đó là ái dục và thị dục (thị dục là ham mê ưa thích). Bạn có thể đem hai loại dục vọng này xả bỏ thì đây gọi là cách vật. Sức mạnh của dục vọng vô cùng lớn mạnh, là tập khí từ vô thủy kiếp đến nay, không những chướng đạo mà còn chướng ngại tất cả thiện pháp thế gian. Phật nói với chúng ta, thiện căn của thế gian chính là tất cả mọi thiện pháp thế gian, nó có nguồn gốc. Nguồn gốc là gì? Vô tham, vô sân, vô si, là ba thiện căn này. Bạn còn có tham sân si, dù cho bạn làm thiện, nhưng cái thiện này là ngụy thiện, không phải chân thiện. Bạn có thể lừa người, nhưng bạn không thể lừa gạt trời đất, quỷ thần; bạn không thể lừa gạt lương tâm của chính mình.

Phật pháp gọi là đoạn phiền não, còn nhà Nho gọi là cách vật. Cách vật chính là đoạn phiền não. “Cách” là chống lại. Ý nghĩa của cách vật chính là phải chiến thắng vật dục, dùng trí huệ của bạn, dùng lý trí của bạn khắc phục phiền não của bạn, Phật pháp gọi là đoạn phiền não chướng. Ngoài ra còn có một cái chướng nữa, đó là sở tri chướng. Nhà Nho gọi là trí tri. Trí tri là phải khai mở trí huệ chân thật. Trí huệ chân thật hiện tiền thì mới có thể đem sở tri chướng trừ bỏ sạch.

Quí vị phải biết, nhà Phật tu hành thì chú trọng ở thiền định. Tám vạn bốn ngàn pháp môn chính là tám vạn bốn ngàn loại phương pháp khác nhau, cách thức khác nhau để tu thiền định. Chúng ta niệm Phật, dùng phương pháp chấp trì danh hiệu để tu thiền định. Mục đích của thiền định là phá phiền não chướng. Tâm thanh tịnh, tâm định rồi thì liền sinh trí huệ. Trí huệ có thể phá sở tri chướng. Phương pháp dụng công của chúng ta hiện nay là “định – huệ đồng thời”. Niệm Phật đường thì chú trọng tu định, còn giảng đường thì chú trọng tu huệ. Thế nhưng định huệ của chúng ta không thể thành tựu, nguyên nhân ở đâu vậy? Chúng ta chưa đoạn sạch ái dục, thị dục, cho nên tu thế nào, tu cả đời, bên ngoài rất giống nhưng trên thực chất không có nội dung. Lỗi của chúng ta là ở chỗ này. Tu hành đã lâu mà công phu vẫn không đắc lực, bạn còn không phản tỉnh sao? Giống như chúng ta bị bệnh, mời thầy thuốc đến bắt mạch, chữa bệnh, chúng ta đang uống thuốc, thuốc đã uống rất lâu mà bệnh không có tiến triển, bạn vẫn còn không giác ngộ sao? Nhất định là uống sai thuốc rồi, chẩn đoán có sai lầm nên bệnh không có tiến triển, cho nên hãy mau đi tìm thầy thuốc khác. Chúng ta đều có loại thường thức này. Bản thân tu hành công phu không đắc lực là giống như bị bệnh vậy. Vào lúc này cần phải quan sát, kiểm điểm thật kỹ xem sai lầm của chúng ta rốt cuộc là ở đâu. Tìm ra được lỗi lầm rồi, đem sai lầm trừ bỏ hết thì công phu sẽ đắc lực ngay. Công phu đắc lực thì giống như uống thuốc thấy hiệu quả vậy.

Hai chướng chúng ta nhất định phải đoạn, nhưng cách đoạn không phải đơn giản. Không đơn giản thì chúng ta phải làm cách nào? Chúng ta phải đoạn từng phần, Nho và Phật đều là dạy chúng ta như vậy. Đoạn một phần phiền não thì mở một phần trí huệ, đoạn hai phần phiền não thì khai hai phần trí huệ. Bậc Thánh Hiền là từ phàm phu mà thành, Phật Bồ-tát cũng là từ phàm phu mà thành. Làm sao mà họ có thể thành tựu vậy? Họ đoạn từng phần; mỗi ngày đều làm việc này thì phiền não mỗi ngày một nhẹ, trí huệ mỗi ngày tăng trưởng. Đây chính là công phu, đây chính là sự tiến bộ, đây cũng chính là “sự hưởng thụ cao nhất của đời người” mà năm xưa tiên sinh Phương Đông Mỹ đã dạy tôi. Phàm nhân thế gian không thể hưởng thụ được.

Phiền não nhẹ, trí huệ tăng, đối với đạo lý, chân tướng của vũ trụ nhân sinh càng ngày càng hiểu rõ, càng ngày càng sáng suốt, thì khi đó bất kể là bạn sống đời sống như thế nào, phú quý cũng được, bần tiện cũng được; bất kể bạn là thân phận gì, trong xã hội có địa vị cũng được, bần cùng hạ tiện cũng được, không sao cả, bạn đều có thể sống đời sống hạnh phúc mỹ mãn đích thực, đời sống tự tại an lạc. Đây là sống đời sống của bậc Thánh Hiền, đời sống của Phật Bồ-tát. Chúng ta dưỡng chí thì phải dưỡng loại chí này. Cho nên có thể thuận, có thể dưỡng, nguồn gốc của nó đều là ở việc nhận biết về chân tướng của vũ trụ nhân sinh, trong Phật pháp gọi là sự nhận biết về pháp tánh, Phật tánh của tất cả chúng sanh, sau đó bạn mới có thể làm được. Nhưng để có được nhận biết này là không dễ dàng. Cổ Thánh tiên Hiền dạy chúng ta phải thân cận thiện tri thức. Mục đích của thân cận thiện tri thức là gì? Chẳng qua là nhờ vào kinh nghiệm của họ, nhờ vào sự tu trì của họ giúp chúng ta giác ngộ, giúp chúng ta nhận biết mà thôi. Công phu không cần phải rất cao, chỉ cần đắc lực là có thể sinh tử tự tại, tiền đồ một vùng sáng lạn. Đây là thông tin có được, kết luận có được mà chúng ta thấy ở trong rất nhiều ghi chép của người tu hành trước đây. Họ có thành tựu như vậy, chúng ta không rớt lại phía sau họ thì đời này của chúng ta không vô ích rồi. Đời này nhất định vãng sanh bất thoái thành Phật, không đợi đến đời sau nữa; thân này của chúng ta là thân cuối cùng ở trong lục đạo luân hồi. Chúng ta phải dưỡng cái chí này. Nghiêm túc nỗ lực phụng hành, khiến chí nghiệp này của chúng ta đạt được cứu cánh viên mãn, đây mới là đại hiếu. Bản thân bạn biết dưỡng, còn có thể giúp người khác dưỡng. Bản thân bạn có thể thuận, còn có thể giúp người khác thuận. Tự độ và độ tha là đạo Bồ-tát Đại Thừa.

Nội dung của Vựng Biên vô cùng phong phú, vô cùng tuyệt vời. Lời văn trong Cảm Ứng Thiên là của Đạo giáo, còn chú giải ở đây là của Phật giáo và Nho giáo. Đúng là tam giáo hợp thành nhất thể. Đây là quyển sách hay mà Ấn Quang Đại Sư cả đời tôn sùng, hy vọng dùng sách này để hóa giải kiếp nạn hiện nay. Chúng ta thật sự muốn có thể ở trong kiếp nạn này hóa hung thành kiết, gặp dữ hóa lành thì cuốn sách này là bảo đảm. Thế nhưng bạn nhất định phải lý giải, phải phụng hành thì mới có thể đạt đến mục tiêu của việc tiêu nghiệp chướng, tiêu tai nạn, làm nền tảng cho việc tu hành vãng sanh thành Phật.

Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ học đến đây thôi.

A Di Đà Phật!