Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – Tập 26/195

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN –  Tập 26/195 (12A – bộ 128 đĩa)

Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Mời xem đoạn thứ mười sáu của Cảm Ứng Thiên, chúng tôi hoàn toàn y theo sự phân chia đoạn của Vựng Biên, đoạn này có hai câu: “Bất lý tà kính, bất khi ám thất (chẳng làm việc tà, chẳng dối lừa dẫu ở trong phòng tối). Phía trước đã nói đoạn này là giảng về phước báo, trong toàn văn là đoạn thứ ba. “Thị đạo tắc tiến, phi đạo tắc thoái, câu này là cương lĩnh tổng quát. “Bất lý tà kính, bất khi ám thất”, từ đây trở đi là nói tu tích, nhà Phật chúng ta gọi là tu hành. Trong việc tu hành, điều quan trọng nhất là tâm địa chân thành, câu này chính là dạy chúng ta thành ý, thật sự là từ căn bản mà khởi tu. “” là nói chung về khởi tâm động niệm và hành động của thân. “Tà kính”, “” là đối với chánh mà nói, hay nói cách khác, là tà tri tà kiến, tà ngôn tà hạnh. “Tà kính” cũng chính là nói ba nghiệp trái ngược với chánh lý, đây gọi là “”. “Khi”, ý nghĩa là biết sai mà còn cố tình vi phạm, lừa gạt chính mình, lừa gạt người khác. “Ám thất” là chỗ mà người khác nhìn không thấy, cũng là bờ mé phân ra của thiện ác.

Đoạn ác tu thiện phải từ nơi đây mà dụng công, đó mới là thật sự tu hành, hai điều này chính là thực hành sự chân thành, hình mẫu của sự chân thành. Chúng ta phải phản tỉnh kiểm điểm, chính mình có làm được chân thành hay chưa? Dùng tám chữ này thì có thể kiểm tra được rốt cuộc chúng ta có chân thành hay chưa? Cho nên tám chữ này nói lên được ý nghĩa rất là tinh vi, tế nhị. “Bất lý tà kính”, cũng chính là Phật ở trong Kinh Vô Lượng Thọ đã nói cái ý đoan tâm, đoan ý, đoan thân, đoan chánh. Người thế gian gọi là “đường đường chính chính”.

Người xưa chúng ta có kỳ vọng đối với người đọc sách là “quang minh chính đại”, “đường đường quân tử”. Do đây có thể biết nhà Nho nói tiêu chuẩn của người quân tử thì phải làm được hai điều này (bất lý tà kính, bất khi ám thất). Sự giáo dục của nhà Nho nói về mặt thành quả có ba bậc: quân tử, Hiền nhân và Thánh nhân, đây cũng là mục tiêu của sự giáo dục. Cho nên nói “độc thư chí tại Thánh Hiền” (chí hướng của người đọc sách là làm Thánh, làm Hiền). Quân tử là nền tảng của Thánh Hiền, nếu muốn làm Thánh Hiền nhân thì phải làm được tám chữ này.

Phật pháp nói càng rõ ràng hơn. Thành quả giáo dục trong Phật pháp cũng phân thành ba bậc: A-la-hán, Bồ-tát và Phật. A-la-hán thì cũng giống như nhà Nho gọi là quân tử, Bồ-tát là Hiền nhân, Phật là Thánh nhân. Tuy cũng có ba bậc thành quả như vậy nhưng trên thực tế sự cao thấp khác nhau rất lớn. Giáo học nhà Nho là giáo dục của một đời, bắt đầu từ thai giáo, đến sau cùng là già chết, “thận chung truy viễn” (việc tang lễ cha mẹ phải hết lòng bi ai, cúng tế tổ tiên phải hết lòng cung kính). Thế nhưng giáo học của Phật pháp là ba đời, là đời quá khứ, đời hiện tại và đời vị lai, về mặt không gian mà nói, là tận hư không khắp pháp giới. Đây là chỗ nội dung giáo học của nhà Nho không sánh bằng. Nền giáo học của Phật pháp nói rất là tường tận, thấu đáo, sau khi hiểu rõ thì biết rằng nên làm một người thiện, làm một người tốt, không nên làm người ác, không nên làm một người bất thiện, mong người khác cũng được hiền thiện như mình là việc vui mừng biết bao.

Chúng ta mong cầu cả nhà thiện, cả nước thiện, cả thế giới này đều là thiện. Bạn có tâm nguyện này, có loại hành trì này thì tương ưng với Phật đạo. Ở chỗ này nói đến “tà kính”, “ám thất”, bạn đích thực đều có thể làm được “bất lý”, “bất khi”. Người thế gian trong quá khứ đều biết vì con cháu mà cầu phước, người hiện nay thì ít rồi. Người hiện nay thực tế mà nói đều vì chính mình, có thể quan tâm đến cả nhà, quan tâm đến vợ con thì xem như là không tệ rồi. Thế nhưng người làm con cái mà có thể quan tâm đến cha mẹ thì ít, thực tế mà nói là thấy không nhiều, đây chính là nhà Nho đã nói “nhà không ra nhà, nước không ra nước”.

Nhà là gốc của nước, là kết hợp của ân nghĩa, quan tâm đến nhau, chăm sóc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau, đó mới là có ân, có nghĩa. Nếu chỉ quan tâm đến chính mình, tự tư tự lợi thì không có ân nghĩa. Ân nghĩa mặc dù là thiên tánh nhưng cũng cần phải được vun bồi. Nếu như hoàn cảnh sau này bất lợi, ân nghĩa bị lợi dục che lấp, thế là con người chỉ biết tranh danh đoạt lợi, hành vi việc làm đều là vong ân bội nghĩa. Vậy thì tất cả hành động và khởi tâm động niệm của họ chính là “lý tà kính, khi ám thất” (làm việc tà, dối lừa ở trong phòng tối) mà chỗ này nói, họ không phải là “bất lý” và “bất khi”.

Cho nên giáo dục là quan trọng hơn bất cứ thứ gì, chỉ có giáo dục mới có thể bù đắp được chỗ thiếu sót bẩm sinh của mỗi người, mới có thể hoàn thành tốt đẹp căn lành đời trước. Đại thánh đại hiền của thế xuất thế gian, không một ai mà không toàn tâm toàn lực theo đuổi công tác giáo dục, đặc biệt chú trọng giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Hễ làm hai sự việc giáo dục này cho tốt thì xã hội tự nhiên an định, thế giới nhất định hòa bình. Phải làm thế nào cho tốt? Hai câu “Bất lý tà kính. Bất khi ám thất” là quan trọng. Hai câu này là thân giáo, là ý giáo. Trong nhà Phật nói “tam luân thuyết pháp”, tam luân là nói thân, khẩu và ý, thân phải làm một tấm gương tốt, phải làm khuôn mẫu cho người khác xem, đặc biệt là con cái của bạn. Cha mẹ phải làm một tấm gương tốt cho con cái, từ nhỏ mỗi ngày từ sáng đến tối những gì chúng nhìn thấy sẽ tạo ấn tượng rất sâu sắc. Cho nên nếu muốn dạy con cái thành người tốt thì cha mẹ phải làm tấm gương tốt, con cái tương lai lớn lên tự nhiên hiền lành đức hạnh. Cùng đạo lý như vậy, ở trường học, thầy cô nếu muốn học sinh của mình tương lai có thành tựu, có cống hiến đối với xã hội, đối với chúng sanh thì thầy cô phải làm tấm gương tốt cho học trò. Ở tuổi học trò này, năng lực bắt chước học theo của các cháu đặc biệt mạnh mẽ, ở trường thì học thầy cô, ở nhà thì học cha mẹ. Nếu cha mẹ không thể làm tấm gương tốt, thầy cô không thể làm tấm gương tốt mà muốn cho đời sau có thành tựu thì rất khó.

Ngày nay mọi người có một nhận biết sai lầm, cho rằng con cái hoặc học trò của mình có kỹ thuật, có kiến thức khoa học, có năng lực kiếm tiền thì chính là đứa con tốt, học trò giỏi. Cái quan niệm này sai rồi. Ngày nay các quốc gia tiên tiến trên thế giới đích thực có không ít các nhà khoa học có năng lực, có kỹ thuật, có kiến thức khoa học, họ mỗi ngày đang phát minh đang chế tạo cái gì vậy? Vũ khí tối tân. Đây không phải là người bình thường có thể làm ra được. Họ chế tạo ra những thứ này làm gì? Để giết người, để hủy diệt thế giới này. Cha mẹ có con cái như vậy, thầy cô có học trò như vậy, bạn có thể có cảm giác vinh dự hay không? Đây là một quan niệm sai lầm rất lớn. Nếu nuôi dưỡng một đứa con, dạy một học trò để tương lai chúng chế tạo ra vũ khí khoa học kỹ thuật cao để hủy diệt thế giới thì không bằng nuôi một đứa con tốt, dạy một học trò ngoan để chúng có thể tạo phước cho xã hội, tạo phước cho mọi người. Phải nên làm một sự so sánh hai việc này. Chúng ta chọn lựa như thế nào? Đây là trí tuệ, là phước đức.

Nếu các vị muốn thật sự hiểu thấu đáo cái đạo lý này, phàm hễ có ảnh hưởng xấu đối với chúng sanh, đối với xã hội thì đều là “tà kính”. Giới luật của nhà Phật nghiêm cấm, không được chế tạo công cụ sát sanh. Vào ngày xưa, việc chế tạo dao súng, cung tên đều là sát sanh, giới luật nhà Phật đều nghiêm cấm. Không những không thể chế tạo mà ngay đến mua bán cũng là phạm giới, là phá giới. Vào thời xưa, những công cụ, binh khí để sát sanh này, thực tế mà nói, mức độ tổn hại đối với chúng sanh rất nhỏ, giết một súc sanh nhỏ cũng phải mất không ít sức lực. Hiện nay, vừa ấn nút thì một quả bom nguyên tử phát nổ, mấy triệu người mất mạng. Đây là vinh dự sao? Nếu như nói là vinh dự thì đó là vinh dự của ma vương, vinh dự của quỷ quái, không phải là vinh dự của con người, là bi ai của con người, bi ai của trời người, tà ma mới cảm thấy vinh dự. Ngày nay hai cái chữ “tà kính” này, ý nghĩa so với ngày xưa thật là quá lớn.

Ý nghĩa của “ám thất” rất sâu, chỗ mà người ta không nhìn thấy, bạn ở riêng trong phòng, đây là ý nghĩa trên mặt văn tự, còn nghĩa sâu, nghĩa tinh tế của nó là nói ý niệm giấu ở trong nội tâm của bạn. Ngay giữa ban ngày ban mặt, bạn đối diện với người khác, người ta cũng không biết bạn đang giấu tâm ý gì. Đây cũng gọi là “ám thất”, có thể thấy ý nghĩa của “ám thất” rất sâu rất rộng. Thật sự làm được mọi lúc mọi nơi, không tự gạt mình, không gạt người, đó là công phu thành kính. Đại Sư Ấn Quang dạy chúng ta “tồn thành, tận phận” (giữ lòng thành, hết bổn phận). “Tồn thành” là chủ tâm của chúng ta, tám chữ “bất lý tà kính, bất khi ám thất” là giữ gìn cái tâm. “Tận phận” là làm hết bổn phận của chúng ta vì lợi ích của xã hội, lợi ích của chúng sanh. Nhất định không nên vì chính mình, vì chính mình chắc chắn có lỗi lầm, bạn muốn hỏi vì sao? Vì chính mình là mê, vì chúng sanh là giác, vì chính mình cũng là một chúng sanh trong đó, là đại công vô tư (vì việc công, không có tâm riêng tư).

Do đây có thể biết, vì chúng sanh là vì đại ngã, là vì chân ngã, vì chính mình là vì tiểu ngã, là vì giả ngã, nhất định phải hiểu đạo lý này. Nhất định phải hiểu rõ ràng tường tận chân tướng sự thật, sau đó bạn mới thấu hiểu ý nghĩa của hai câu nói này, bạn mới biết phải nên làm hai câu nói này như thế nào, hơn nữa là không làm không được. Hai câu nói này là thâm tâm trong Bồ-đề tâm, thâm tâm hiếu thiện, hiếu đức, thật sự hiếu lạc (yêu thích), không hề có chút miễn cưỡng nào bên trong. Tạo phước, tích công bồi đức đều từ trên nền tảng này mà mở rộng. Cho nên nếu không giữ tâm như vậy, không cần nói đến tu hành, bạn cũng gặp khó khăn rồi, bạn ở thế gian này muốn cầu tránh hung hóa kiết, tiêu tai miễn nạn đều không thể được. Nhà Phật không luận một tông phái nào, tu hành đều chú trọng tu từ căn bản, hai câu này là đại căn đại bản, ý nghĩa sâu rộng vô tận, hy vọng đồng học chúng ta phải lưu ý, phải nỗ lực học tập.