THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Mã AMTB: 19-012-0001 đến 19-012-0195
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN – Tập 64/195 (33A – bộ 128 đĩa)
Các vị đồng học, xin chào mọi người!
Hôm qua chúng ta giảng đến câu thứ hai mươi ba: “Côn trùng thảo mộc, do bất khả thương” (Côn trùng, thảo mộc chớ nên thương tổn). “Côn trùng” là động vật, “thảo mộc” là thực vật. Hôm qua chúng ta đã giảng đến những loại côn trùng nhỏ, ví dụ như: muỗi, kiến, v.v…
Thánh nhân thế xuất thế gian bảo chúng ta phải dưỡng tâm từ bi. Không chỉ là phải yêu quý những động vật nhỏ mà thảo mộc, thực vật cũng phải từ bi yêu quý thì tâm từ bi này mới là thật. Người yêu quý động vật thì có, thế nhưng ngay cả thực vật cũng có thể không làm tổn thương thì tương đối ít. Trong chú giải có trích dẫn lời trong Kinh Viên Giác, nói rõ “tình và vô tình là một thể, cùng chung mạng sống”. Lời nói này rất khó hiểu. Trong Kinh Đại Thừa Phật nói rất nhiều. Chúng ta hãy tư duy, thể hội thật kỹ. Đây là chân tướng sự thật. Phật nói tổng nguyên tắc cho chúng ta là: tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới, tất cả sự vật hiện tượng đều do nhiều duyên hòa hợp mà sinh ra, đều là duy tâm sở hiện, duy thức sở biến, đều là từ tâm tưởng sinh. Từ đó cho thấy, thật sự là cùng một thể sinh mạng. Trong Đại Kinh cũng thường nói: “Ba đời mười phương Phật cùng chung một pháp thân”, chính là cùng một thể sinh mạng. Thực vật đương nhiên cũng không ngoại lệ. Kinh Lăng Nghiêm nói hay hơn nữa: “Như Lai thường thuyết, chư pháp sở sanh, duy tâm sở hiện, nhất thiết nhân quả, thế giới vi trần, nhân tâm thành thể” (Đức Như Lai thường dạy: Các pháp sinh khởi đều do tâm hiển hiện, hết thảy nhân quả cho đến các thế giới nhiều như bụi nhỏ đều nhân nơi tâm mà thành tánh thể.) Có thể dùng mấy câu nói này để giải thích tám chữ trong Kinh Hoa Nghiêm: “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Cho nên hợp chung hai bộ Kinh này lại tham khảo thì ý nghĩa vô cùng rõ ràng. Trong Kinh Lăng Nghiêm còn nói vi tế hơn: “Kỳ trung nãi chí, thảo diệp lũ kết, cật kỳ căn nguyên, hàm hữu thể tánh” (Trong đó cho đến cỏ cây dây gút, xét đến cùng nguồn gốc đều hàm chứa tánh thể.) “Thảo diệp” là thực vật, “lũ kết” là hình tướng sự vật. Chúng ta cầm một sợi dây thừng, thắt cái gút, đây là sự tướng, đều có căn nguyên của nó, đều có thể tánh của nó. “Thể tánh” là pháp tánh, “căn nguyên” là tự tánh. Cho nên trước đây tôi đã từng nói: “Khẳng định tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới là chính mình”. Đây chính là Phật tri, Phật kiến.
Người nhập Phật tri kiến chính là cái mà Đại Sư Thiên Thai gọi là quả vị Phật phần chứng, trong Kinh Hoa Nghiêm gọi là 41 quả vị Pháp Thân Đại Sĩ. Kiến giải của họ chính là như vậy, đây gọi là nhập Phật tri kiến. Nếu chúng ta thật sự khẳng định rồi thì bạn chính là người thượng thượng căn, pháp thượng thượng thừa. Chúng ta từ địa vị phàm phu bỗng vượt đến địa vị Như Lai, bỗng vượt đến địa vị Pháp Thân Đại Sĩ. Sự việc này có thể làm được hay không, vấn đề là ở trong một niệm của chúng ta có thể chuyển lại được hay không.
Kinh giáo Đại Thừa huân tập lâu rồi, ánh sáng này giống như tia chớp vậy, tạm thời phóng ra. Thiện căn mỗi người không giống nhau. Người thiện căn sâu dày thì tần số phóng ánh sáng gia tăng, số lần tăng lên nhiều, nhưng đáng tiếc là không duy trì được, một niệm vừa giác ngộ thì niệm thứ hai lại quên mất. Đây là nguyên nhân gì? Tập khí phiền não quá nặng, chớp mắt là đã mê rồi. Nếu có thể duy trì được nguồn ánh sáng này thì bạn liền chứng quả, bạn liền nhập địa vị Phật, địa vị phần chứng Phật. Sự hành trì của bạn không khác gì với chư Phật Bồ-tát, bạn một lòng từ bi đối với tất cả động vật nhỏ, thực vật và đối với chư Phật Như Lai, đối với cha mẹ của mình nhất định không có khác nhau. Yêu thương muỗi, kiến, yêu thương hoa cỏ cũng giống chăm sóc cha mẹ, phụng sự chư Phật thì bạn chính là Pháp Thân Đại Sĩ. Nếu bạn còn có tâm phân biệt thì bạn là phàm phu.
Chúng ta đời này được thân người, được nghe Phật pháp, cái duyên này thù thắng không gì sánh bằng. Chúng ta thử xem trong quá khứ 2.000 năm qua ở Trung Quốc, các bậc Tổ sư Đại đức, thiện nam tử, thiện nữ nhân tại gia, người tu hành chứng quả không ít. Họ cũng là phàm phu, tại sao có thể chứng quả Thánh? Chính là nghe pháp liên tục, tu hành không gián đoạn, cho nên mới có thể thành tựu. Tại sao chúng ta không thể thành tựu? Vì trên hai phương diện nghe pháp và tu hành, chúng ta thường xuyên gián đoạn, gián đoạn thì sức mạnh liền yếu đi. Nếu lại cộng thêm tập khí phiền não ở bên trong, bên ngoài có ngũ dục lục trần cám dỗ thì công phu về hai phương diện “giải – hành” của chúng ta gần như bằng không. Không những không thể tiến bộ mà từng ngày đang thụt lùi, lùi mãi đến địa ngục A-tỳ. Hiện tượng này ở ngay trước mắt chúng ta cũng thấy rất nhiều.
Singapore được xem là một nơi tuyệt vời, mỗi ngày có hai giờ giảng Kinh. Trên thực tế giảng có đủ hay không vậy? Chắc chắn là không đủ! Hai giờ nghe Kinh, vẫn còn hai mươi hai giờ khởi vọng tưởng, cho nên Phật pháp không thắng nổi thế pháp, tâm thanh tịnh không thắng nổi ý nhiễm ô. Nguyên nhân không thể thành tựu của chúng ta là ở chỗ này. Các đồng học chúng ta, mỗi ngày ở trên Kinh giáo hạ công phu chí ít phải tám giờ đồng hồ mới có thể đem giải môn của chúng ta bảo toàn, củng cố được. Tám giờ nghiên cứu Kinh giáo, tám giờ niệm Phật, thật sự có thể thật thà cần mẫn làm được như vậy thì trong năm ba năm, chúng ta cũng không thua gì các Đại đức xưa. Sự việc này phải dựa vào chính mình, không nên dựa vào người khác đốc thúc. Thời đại hiện nay việc dạy học đốc thúc đã không thể làm được, thời đại trước thì làm được. Hiện nay là dân chủ, tự do mở cửa, bất kỳ người nào cũng không có quyền đốc thúc bạn, cũng không dám đốc thúc bạn. Ở Mỹ, cha mẹ đều không dám trách mắng, răn dạy con cái. Ngay cả trẻ con năm – sáu tuổi, nếu cha mẹ đánh nó, mắng nó thì hàng xóm sẽ đến báo với cục cảnh sát. Họ nói người cha mẹ đó ngược đãi trẻ con, họ còn xử tội ngồi tù. Bạn nói xem, có gay go hay không? Cha mẹ không dám quản con cái thì thầy làm sao dám quản học trò? Xã hội hiện nay như thế nào? Cha mẹ với con cái là bạn bè, thầy cô với học trò cũng là bạn bè. Thật sự làm được tiêu chuẩn của bạn bè thì cũng được xem là khá rồi. Chân thật mà nói, làm bạn bè cũng còn chưa được. Xã hội ngày nay là như vậy. Cho nên tu hành có thể thành tựu hay không, hoàn toàn dựa vào chính mình.
Chúng tôi khích lệ mọi người, khuyên mọi người một chút, chỉ là trong lúc giảng Kinh thuyết pháp mà thôi, chỉ làm một chút tăng thượng duyên như vậy với bạn. Bạn nghe xong, hoan hỷ, hiểu rõ rồi thì theo lời này mà làm. Bạn nghe xong, không hài lòng, thì buổi giảng sau bạn có thể không đến. Cho nên, tôi hiểu rõ tình trạng xã hội hiện nay của chúng ta. Thật sự có thể thành tựu hay không, phải dựa vào sự giác ngộ của mình, phải dựa vào công phu tự mình khắc phục chính mình.
Tôi thường nói, duyên ở nơi này vô cùng thù thắng, có thể ở nơi này tu học là sự thành tựu của thiện căn, phước đức, nhân duyên từ vô lượng kiếp. Ở nơi này có hộ pháp nhiệt tâm hộ trì, đời sống sinh hoạt không phải lo lắng một chút nào, cho nên có thể đem toàn bộ tinh thần, toàn tâm toàn lực để lo cho đạo, mong cầu “giải-hành” tương ưng. Nếu có thể nắm lấy cơ hội này, ra sức nỗ lực thì năm ba năm nhất định sẽ có thành tựu bất khả tư nghì. Chúng ta phải nghĩ đến, thế gian có biết bao nhiêu người muốn cầu cơ duyên này mà không cầu được. Khi tôi còn trẻ học tập ở Đài Trung, cảm thấy cơ duyên đó là tương đối tốt rồi, nhưng so với các bạn cùng lắm chỉ được một phần bảy. Một phần bảy là gì? Mỗi tuần một lần, chúng tôi cùng với thầy và đồng học lên lớp nghiên cứu thảo luận, còn các bạn hiện nay mỗi tuần bảy lần, cho nên duyên của tôi chỉ bằng một phần bảy của các bạn. Duyên của các bạn nhiều gấp sáu lần của tôi, vậy thành tựu của các bạn cũng phải cao hơn tôi gấp sáu lần mới đúng. Các bạn không thể vượt qua tôi, đó là do các bạn không dụng công, các bạn đem cơ hội vứt bỏ mất rồi. Tôi ở Đài Trung đã học mười năm. Các bạn ngày nay có cơ hội này, ở trong duyên phận này thì một năm của các bạn bằng với bảy năm của tôi, chỉ cần hai năm thì hơn tôi quá nhiều rồi. Chúng tôi vào thời đó, đồng học đều là cư sĩ tại gia, đều có gia đình, có sự nghiệp. Mỗi người phải bận bịu chăm lo cho gia đình, phải bận bịu công việc, cho nên một tuần chỉ trích ra thời gian ba giờ để cùng nghe giáo, học tập với thầy, một tuần lên lớp một lần. Chúng tôi học giảng Kinh cũng là một tuần lên lớp một lần, một buổi học này là ba giờ. Hằng ngày được lên lớp, chúng tôi đâu có số mạng tốt như vậy! Từ đó cho thấy, cơ hội này hiếm có. Cơ hội hiếm có mà chúng ta có được rồi, quả đúng như Phật ở trong Kinh thường nói: “Thân người khó được, nay đã được. Phật pháp khó nghe, nay đã nghe”.
Không những là nay đã được nghe, mà còn ngày ngày đều có thể nghe. Một cái đạo tràng nhỏ như vậy mà hết thảy kinh điển đều có đầy đủ, không thiếu một loại nào, cái thiếu chính là sự nhận biết của chúng ta đối với cơ duyên. Chỉ sợ khi có được cơ duyên tốt như vậy thì bạn lại không nhận ra, bạn không thể nắm bắt lấy được, bạn không thể tận dụng cho tốt. Đây là sự việc hết sức đáng tiếc. Tôi đã từng khuyên thầy Ngộ Đạo, thầy Ngộ Hạnh, và các các thầy có pháp danh chữ Ngộ khác ở Malaysia. Họ hiện nay đang đi giảng kinh thuyết pháp trên khắp thế giới. Đó là sự hy sinh to lớn. Đây là tu được một chút phước. Ở trên giải hành thì đó là sự hy sinh to lớn. Tôi cũng thường khuyến khích các thầy ấy phải chăm chỉ nỗ lực, nếu không mà nói, đồng học các vị ở nơi đây thì tinh tấn tu hành, các thầy ấy nhất định sẽ rơi lại phía sau các vị, thậm chí khoảng cách còn rất lớn. Các vị ở nơi đây ngày ngày miệt mài cặm cụi, các thầy ấy thì đi bôn ba tứ xứ, như vậy sự tiến bộ của giải hành sẽ rất chậm. Các vị ở nơi đây thì sự tiến bộ của giải và hành sẽ nhanh.
Phật pháp, thế pháp đều phải nhìn cho thật xa, nhìn cho thật sâu, nhìn quá gần thì sẽ không có thành tựu. Muốn thành tựu đích thực thì phước huệ phải song tu. Trong phước có huệ, trong huệ có phước. Phước – huệ là một, không phải hai. Các vị Pháp sư hoằng pháp lợi sanh trên toàn thế giới, phước – huệ là hai, không phải một, họ không thể hợp chung lại được, có thể nói là phước nhiều hơn huệ. Phước báo thì không thể thoát khỏi lục đạo. Đi hưởng phước trong đường nào ở lục đạo thì khó nói, phải xem công phu của bạn. Ngũ giới, thập thiện có thể đạt 90 điểm thì phước mà bạn tu ở nhân thiên. Ngũ giới, thập thiện không đạt đến tiêu chuẩn này, bạn đến đâu để hưởng phước là điều rất khó nói. Lời Phật nói ở trong Kinh từng câu đều là chân thật, không có một chữ nào lừa dối chúng sanh. Chúng ta phải có thể nghĩ được.
Phước huệ phải song tu. Ở trong phước không có tư tâm, ở trong phước duy trì tâm “thanh tịnh, bình đẳng, giác” là trong cái phước đó có huệ, có thể giải quyết vấn đề. Ở trong phước có tư tâm, không buông xả triệt để sự hưởng thụ danh vọng lợi dưỡng, ngũ dục lục trần thì không thể thoát khỏi lục đạo luân hồi. Trong đây nêu ra hai câu chuyện, quí vị hãy xem thật kỹ, rất đáng để chúng ta phản tỉnh.
Câu chuyện thứ nhất: Khi Phật thuyết pháp, có một con sò nhỏ ở bên cạnh cũng đang nghe Phật giảng Kinh, bất ngờ bị người ta vô ý giẫm chết. Do duyên cớ được nghe Kinh, nên sau khi mạng chung, nó sanh về Trời Đao-lợi, làm Vua Trời Đao-lợi. Về sau dùng thân phận Vua Trời Đao-lợi lại đến nghe Phật giảng Kinh thuyết pháp, chứng quả Tu-đà-hoàn. Câu chuyện này nói cho chúng ta biết, động vật nhỏ cũng có tánh linh, sao chúng ta có thể làm tổn thương chúng.
Câu chuyện thứ hai: Có một người xuất gia, lúc chưa khai đạo nhãn, thường tiếp nhận cúng dường của cha con vị thí chủ (vị thí chủ này là người ăn chay trường). Sau khi vị xuất gia chết thì phải trả nợ, liền hiện thân nấm rơm trong vườn rau của người thí chủ ấy. Cây nấm rơm đó chính là ông. Mỗi ngày cây nấm rơm này cúng dường cho cha con họ. Đây chứng tỏ thực vật cũng có tánh linh. Cha con này mỗi ngày ra vườn hái nấm rơm, không hề nghĩ đến trước đây mình cúng dường vị Pháp sư đó. Mỗi ngày hai cha con đi hái nấm rơm là mỗi ngày ông phải trả nợ. Trong Phật pháp thường nói: “Một hạt gạo thí chủ, lớn như núi Tu-di, đời này không liễu đạo, mang lông đội sừng trả”. Đó là biến thành súc sanh. Còn câu chuyện trên là biến thành thực vật, đều phải trả nợ.
Trong pháp thế xuất thế gian, chúng ta rất rõ ràng, rất minh bạch, nhất định không có chuyện chiếm phần hơn. Ai có thể chiếm của ai được chứ! Nhất định cũng không có chuyện chịu thiệt. Ai chịu thiệt, ai bị lừa? Không có! Nhân quả thông ba đời. Đời này người ta chiếm phần hơn của chúng ta, chúng ta chịu thiệt, không ngờ rằng đời sau người đó vẫn phải trả nợ, phải báo đền. Chúng ta phải hiểu được đạo lý này. Đương nhiên chúng ta cũng không cần người ta đến trả nợ, vì những thứ này là oan oan tương báo, trả tới trả lui không bao giờ dứt, không phải là việc thích thú gì. Khai ngộ quan trọng, chứng quả quan trọng, vãng sanh quan trọng, đây mới là liễu thoát rốt ráo. Sau đó quay trở lại giúp đỡ những chúng sanh có duyên này. Phật pháp nói rất hay: “Phật không độ người không có duyên”. Những người nào có duyên với chúng ta vậy? Trong đời quá khứ, đời đời kiếp kiếp oan thân trái chủ có duyên. Kết mà có ơn là duyên phận, kết mà có oán cũng là duyên phận. Cái chúng ta thiếu người khác là duyên phận, cái người khác thiếu chúng ta cũng là duyên phận. Cái gọi là duyên phận là báo ơn, báo oán, đòi nợ, trả nợ, vẫn là cái vòng như vậy. Chúng ta kết duyên rất nhiều, phải mau mau thành tựu để quay trở lại giúp đỡ những oan thân trái chủ này, thảy đều được độ. Cho nên bản thân nhất định phải chú trọng, coi trọng giải hành như nhau, định huệ học như nhau. Nhất là tình trạng xã hội hiện nay, nếu không cần mẫn nỗ lực thì chắc chắn sẽ đọa lạc, hơn nữa đọa lạc tốc độ nhanh, cho nên từng giây từng phút phải đề cao cảnh giác. Khi buông quyển Kinh xuống thì liền đề khởi câu Phật hiệu, liền niệm Phật. Khi buông Phật hiệu xuống, liền mở quyển Kinh ra. Mỗi ngày chúng ta có thể nghiên cứu giáo lý tám giờ, niệm Phật tám giờ thì vọng tưởng của chúng ta tự nhiên liền ít, không có thời gian để khởi vọng tưởng. Hy vọng các đồng học chúng ta cần mẫn nỗ lực, không nên phụ cái cơ duyên hy hữu khó gặp này.
“Căng cô tuất quả, kính lão hoài ấu, côn trùng thảo mộc, do bất khả thương”. (Thương xót con côi, cứu giúp quả phụ. Kính già thương trẻ. Côn trùng thảo mộc chớ nên thương tổn ). Ý của bốn câu này nói về “hành nhân”.