THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Mã AMTB: 19-012-0001 đến 19-012-0195
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN – Tập 184/195 (122B – bộ 128 đĩa)
Xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 112.
“Việt tỉnh việt táo. Khiêu thực khiêu nhân.” (Nhảy qua giếng và lò, nhảy qua thức ăn, nhảy qua người khác).
Những sự việc này thường nhìn thấy trong đời sống hằng ngày. “Việt” là vượt qua, “tỉnh” là giếng. Giếng ngày nay không giống với giếng ngày xưa, giếng hiện nay đa phần đều là giếng nước sâu, dùng bơm điện để bơm nước, đây là giếng của ngày nay, giếng ngày xưa tương đối cạn, chúng ta dùng thùng nước xách lên. Giếng nước là lợi ích cho chúng sanh. Trong dân gian ngày xưa cũng dùng nước ở những giếng này để cung phụng quỷ Thần, để cúng Phật Bồ-tát. Nói cách khác giếng là thọ dụng của chúng sanh, chúng ta đối với nó phải có tâm tôn trọng, không được bước qua giếng. Gặp nơi có giếng thì phải đi vòng qua, không được bước qua nó. Bước qua giếng là bất kính.
Bếp lò, bếp lò hiện nay cũng không giống với bếp lò ngày trước. Ngày xưa là dùng củi, dùng rơm cỏ, hiện nay ở Đại Lục có lẽ ở các làng quê có thể còn nhìn thấy. Việc bước qua, nhảy qua bếp lò tương đối ít, nhưng không phải không có. Những bếp lò nhỏ, đích thực là họ cũng bước qua nó, đây đều là bất kính. Chúng ta biết cung kính là tánh đức. Thánh Hiền thế xuất thế gian dạy người đều đem việc này làm thành bài học đầu tiên. Từ đây có thể thấy tính quan trọng của nó. Các vị xem nhà Nho dạy học, các vị mở Lễ Ký ra câu đầu tiên chính là: “Khúc Lễ viết, vô bất kính” (Khúc Lễ nói không được bất kính).
Cho nên học vấn thế xuất thế gian từ đâu mà bắt đầu? Bạn không có tâm cung kính thì cái gì bạn đều không thể thành tựu. Cho nên chúng tôi thường nói đối với người phải cung kính, đối với việc phải cung kính, đối với vật cũng phải cung kính. Đây là đối với sự vật. Con người nếu xem nhẹ tâm cung kính, không những đạo nghiệp không có hi vọng mà sự nghiệp thế gian cũng không thành trò trống gì. Các vị hãy xem phàm là người có thành tựu, không chỉ là người tu hành trong Phật pháp, mà ngay trong thế pháp những người có sự nghiệp, có thành tựu thì đều biết cung kính. Họ có thể kính người, người ta sẽ vì họ mà tận trung, sẽ vì họ mà làm việc có trách nhiệm. Nếu thường mang vẻ mặt tự cao tự đại, đối với cấp dưới đều là mệnh lệnh hà khắc thì phước báo của người này nhất định là không lâu. Vì sao vậy? Khi bạn có quyền thế, mọi người e sợ bạn. Sợ bạn, không thể không phục tùng, vì họ cần kiếm sống. Một khi quyền thế của bạn mà suy thì sẽ không ai đếm xỉa đến bạn nữa. Đặc biệt là trong xã hội hiện nay, đạo nghĩa không còn nữa, đây là tự chuốc lấy thất bại. Sự kết hợp giữa người với người là ân nghĩa. Chúng ta thường nhìn thấy một số người làm việc lớn tiếng, tỏ rõ uy đức, chỉ vào người ta, ra lệnh người ta đi làm việc, chúng tôi nhìn thấy thì biết loại người này là người bạc phước, không có phước báo. Người có phước báo sâu dày thì không như vậy, việc gì cũng phải tự đi làm, họ tự mình đi làm. Nếu chỉ thị người cấp dưới đi làm thì thái độ cũng vô cùng ôn hòa, hết sức khiêm hư. Trước đây một thế hệ, chúng ta nhìn thấy những trưởng quan (cấp trên) đối với cấp dưới của mình, sau khi viết văn kiện để giao phó xuống, họ sẽ viết là do “huynh” nào đó làm. Đối với thuộc hạ của mình họ gọi là “huynh”. Cha của tôi là nhân viên công vụ, chức vị không cao, khi trưởng quan của ông giao cho ông đi làm một việc gì đều viết là “huynh của tôi”, khách sáo đến như vậy. Thế nên những người [cấp dưới] làm việc sẽ cảm ơn, nhất định sẽ tận trung, làm hết trách nhiệm, làm tốt công việc. Nếu dùng quyền thế ép buộc người thì tâm họ sẽ không phục, làm việc qua loa cho xong chuyện. Xảy ra vấn đề thì bạn chịu trách nhiệm họ không chịu trách nhiệm. Cổ Thánh tiên Hiền dạy người là dạy cái gì? Chính là dạy bạn làm thế nào để xử thế, làm thế nào để đối người. Bạn có thể làm tốt mối quan hệ nhân tế (đối đãi xã giao) thì thế xuất thế pháp đều sẽ thành tựu. Cho nên đối người, đối việc, đối vật không được vô lễ. “Nhảy qua giếng, nhảy qua bếp lò” mở rộng ra là đối việc, đối vật không thể nào vô lễ.
“Nhảy qua thức ăn, nhảy qua người khác” đây đều là tội. Các vị đã đọc Lễ Ký, người ngày xưa nói lễ, người ngày nay không nói lễ nữa rồi. Tập quán của chúng ta thì ăn cơm là lúc mọi người quây quần, không giống như người phương Tây. Người phương Tây khi ăn cơm là chia mỗi người một phần, cũng có chỗ tốt. Chúng ta thì mọi người cùng nhau ăn. Từng đĩa thức ăn bày ra trên bàn, nếu bạn là người hiểu lễ thì bạn sẽ biết phải gắp thức ăn từ chỗ nào? Phải gắp phần gần mình nhất để ăn. Thức ăn để ở xa mình thì quyết không lấy, đó là lễ tiết. Ăn uống không chọn lựa, chọn lựa thức ăn thì cái gì thích ăn họ sẽ ăn nhiều một chút. Đặc biệt trong một đĩa thức ăn nhất định không được gắp ở giữa trước. Việc này rất không lễ phép, phải gắp phần ở gần mình nhất để ăn. Bạn ngồi bên nào thì gắp thức ăn phía bên đó, nhất định không gắp ở giữa. Những lễ tiết nhỏ nhặt này hiện nay không còn ai nói nữa, cũng không ai biết.
Bước qua người khác là có ý khinh mạn đối với người ta. Trong Phật pháp, hết thảy chúng sanh là bình đẳng. Chư Phật Bồ-tát nhìn hết thảy chúng sanh đều là chư Phật Như Lai. Cho nên những Bồ-tát thượng đẳng thì các Ngài tu hạnh Phổ Hiền. Hạnh Phổ Hiền không có phân biệt chấp trước, hạnh Phổ Hiền chính là hạnh bình đẳng. Bồ-tát Quyền Giáo, Thanh Văn, Duyên Giác cũng tu bình đẳng, nhưng vẫn chưa đạt đến bình đẳng chân thật. Vì sao vậy? Vọng tưởng chưa đoạn thì không thể đạt đến chân bình đẳng. Khi vọng tưởng đã đoạn tận rồi thì tâm bình đẳng mới hiện tiền. Cho nên hiện nay chúng ta học, vọng tưởng vẫn chưa đoạn nhưng vẫn học, tận hết sức mà học để tiến gần đến bình đẳng. Như vậy thì tốt, không thể không học. Học thì ít nhiều cũng có tiến bộ. Trong câu kinh văn này nói đến bốn sự việc. Tóm lại mà nói chính là chúng ta đã thất kính. Tâm kính, ý kính, đức kính của bạn đã mất rồi, không nên cho rằng đây là sự việc nhỏ. Bất kính nhỏ nhưng tai nạn lớn sẽ đến. Cho nên Thánh Hiền nhân đều thận trọng chú ý từ những chỗ vi tế nhất, từ những chỗ này mà tu.
Xem tiếp đoạn phía sau, đoạn 113:
“Tổn tử đọa thai, hành đa ẩn tích.” (Tổn hại con cái, phá thai. Làm nhiều chuyện ám muội). Đây là câu sau cùng trong đoạn lớn này của chúng ta. Đoạn này thuộc về những lỗi lầm trong đời sống gia đình.
“Phá thai” là giết người, không phải giết người khác mà là giết con của chính mình. Con cái là chỗ chí thân nên cái tội này cực nặng. Con người hiện nay luôn xem nhẹ việc này. Oan oan tương báo này không thể tưởng tượng được. Con cái đến nhà bạn đầu thai, trong nhà Phật nói rất rõ ràng, do 4 loại duyên mà đến: báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ. Nếu chúng là báo ân mà đến, bạn lại giết chúng thì biến thành kẻ thù trong tương lai, chúng sẽ lấy oán mà trả ơn. Nếu vì báo oán mà đến thì cái oán này sẽ càng nặng hơn, họa hại về sau thật không cách nào tưởng tượng được. Nếu chúng đến để trả nợ mà bạn giết chúng đi thì từ việc đến trả nợ lại kết thành oán thù. Chúng đến để đòi nợ mà bạn giết chúng thì trong oán lại tăng thêm mối thù giết hại. Thật khủng khiếp, hậu quả không thể tưởng tượng. Người thế gian không nhìn thấy được, không hiểu được nhân quả thông ba đời, không biết được những tội nghiệp mà mình nhất thời đã tạo sẽ gây ra hậu hoạn đời đời kiếp kiếp về sau. Những việc này sao có thể làm chứ?
“Làm nhiều chuyện ám muội”. Câu nói này phạm vi bao gồm của nó vô cùng rộng. “Ám muội” nghĩa là gì? Những sự việc mà bạn đã làm đều khiến chính mình không dám nhìn mặt ai. Thế nhưng người học Phật chúng ta biết, người tin Phật biết, có câu nói: “Trên đầu ba thước có thần linh”. Bạn chỉ có thể che giấu người ngu si ở thế gian, người có đức hạnh ở thế gian, người có trí huệ thì bạn không cách nào che giấu họ được, huống hồ là thiên địa quỷ thần. Dù bạn có che giấu giỏi đến đâu, có thể giữ gìn cả đời này không bị bại lộ, không ai biết, nhưng bạn phải nên biết là bạn không thể nào tránh được sự trừng phạt của ông trời. Kết quả của ác nhân ác báo này bạn không có cách nào trốn tránh được, bạn nhất định phải nhận lấy. Thiện nhân thì được thiện quả, ác nhân thì bị ác báo.
Cho nên Phật dạy người phát lồ sám hối. Phát lồ sám hối là gì? Là tuyệt không che giấu. Làm điều sai trái thì hướng về đại chúng mà sám hối, hướng về đại chúng mà xin lỗi. Cho nên chúng tôi mấy ngày trước nhìn thấy trên báo có đăng bài Đức Giáo Hoàng La Mã công khai sám hối với người trên toàn thế giới. Cầu Thượng Đế ân xá cho những tội lỗi mà các tín đồ Thiên Chúa giáo đã phạm phải, đặc biệt là những lỗi lầm đối với những tôn giáo khác. Đây là việc rất hiếm có. Người xưa từng nói: “Con người chẳng phải là Thánh Hiền, ai mà không có lỗi lầm, có lỗi mà có thể sửa thì chẳng việc thiện nào lớn hơn”. Hành động này của tôn giáo là vô lượng vô biên công đức. Dạy người không sợ phạm sai lầm, chỉ sợ khi phạm sai lầm lại không biết sám hối, không dám sám hối với đại chúng thì cái lỗi đó mới nặng. Trong tất cả tôn giáo dạy người tu hành, nếu bạn đem chúng quy nạp thành một tổng cương lĩnh thì chính là hai chữ “sám hối”. Là “sám trừ nghiệp chướng” trong “Phổ Hiền thập nguyện”. Sám hối lỗi lầm là bạn có thể nêu rõ với đại chúng, đại chúng trách mắng bạn, vậy thì đã bị báo ứng xong rồi, thường gọi là tội nặng mà báo nhẹ. Nếu làm những việc ác mà che giấu thì cái ác này càng tích càng dày, quả báo trong tương lai không thể nào tưởng tượng được.
Ngược lại, trong phần trước Cảm Ứng Thiên đã dạy chúng ta, tất cả những việc tốt mình làm được thì không nên để người khác biết, phải tích âm đức. Quả báo của âm đức rất dày. Việc tốt nếu đem tuyên dương, để cho người ta biết được, người ta nhìn thấy bạn liền tâng bốc bạn, khen ngợi bạn thì đã báo xong rồi. Người ngu của thế gian mới làm những việc như vậy, mới làm loại sự việc này. Người có trí huệ thì nhất định không có cách làm như vậy. Chúng ta ở Cư Sĩ Lâm, trong số đồng tu của chúng ta có không ít người làm việc tốt. Chân thật làm việc tốt thì nhất định không tuyên dương. Âm thầm mà làm, không ai biết. Nếu bạn muốn tuyên dương cho họ thì họ sẽ không làm nữa. Những người như vậy rất đáng mến, họ đã rõ lý. Vì vậy người chân thật hiểu được đạo lý, người chân thật tu hành thì hết thảy lỗi lầm nhất định sẽ để cho người khác biết. Người khác trách mắng bạn một câu rồi tha thứ, thứ lỗi cho bạn. Vậy thì đã báo hết rồi. Ác báo không nên để đến đời sau. Quả báo thiện thì tốt nhất là không nên để nó báo trong hiện tại. Nên để dành đến đời sau thì tiền đồ của bạn là một mảng quang minh xán lạn. Đây là cách làm của người thông minh. Đoạn này chú giải cũng không ít, do đây mà biết tính nghiêm trọng của lỗi lầm.
Các vị xem hai chữ “ẩn tịch” là “ám muội”, ở đây chú giải là: “chẳng phải chỉ là một chuyện. Như gian trá, trộm cắp, tà dâm v.v. phàm những gì không thể cho trời biết, chẳng thể nói với người khác thì đều là ám muội”. Những sự việc này thì quá nhiều rồi. Nói cách khác, đều là những việc tổn người lợi mình. “Tổn người lợi mình” là chúng tôi tùy thuận theo người thế gian mà nói, không phải là thật. Tổn người nhất định không thể lợi mình, như vậy mới là thật. Tổn người là hại mình, hại chính mình đọa tam đồ, hại chính mình đọa địa ngục. Vậy làm sao có lợi cho mình được chứ? Trước mắt thì được lợi ích gì? Đúng như câu nói “lợi như đầu móng tay”, “nếm mật trên lưỡi dao bén”. Đây là ví dụ mà kinh Phật thường nói. Họa hoạn là vô cùng tận. Ai biết chứ? Sự việc này chỉ có Phật biết. Phật từ bi vì chúng ta nói ra, khuyên bảo chúng ta nhất định không thể phạm những lỗi lầm này. Nếu đã lỡ phạm thì phải sám hối, phải sửa đổi. Chưa phạm thì nhất định không thể phạm. Phải biết được tính nghiêm trọng của sự việc này. Hiện tại cho dù lợi ích gì bày ra ở trước mắt đều không thể làm. Phải biết họa hoạn về sau sẽ nặng nề hơn lợi ích trước mắt này gấp nghìn tỷ lần. Vậy sao có thể tham muốn chút lợi ích nhỏ đó được, sao có thể làm những sự việc thiếu đức này, sao có thể làm những ác sự này.
Đoạn này chúng tôi chỉ giảng đến đây thôi. Kể từ đoạn sau trở đi là nói về lỗi lầm bất kính với thiên địa thần minh. Hôm nay thời gian đã hết chúng tôi chỉ giảng đến đây. A Di Đà Phật!