Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – Tập 183/195

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN –  Tập 183/195 (122A – bộ 128 đĩa)

Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Xin mời mở Cảm Ứng Thiên Vựng Biên ra, xem đoạn thứ 111.

 “Tự chú chú tha. Thiên tắng thiên ái. (Rủa mình, rủa người, yêu ghét thiên vị).

Những việc này đều là ác hạnh. Trong chú giải nói rất hay, chúng ta cùng đọc qua một lần. “Câu này nhằm nói đến chuyện nguyền rủa mà chẳng tìm được lý do nào chánh đáng”. Những sự việc này xưa nay trong ngoài nước đều thường có. Mình bị oan ức, không có cách nào phân tỏ được cho nên liền nguyền rủa, thề thốt nguyền rủa, “Hễ giận dữ thì tự nguyền rủa chính mình, lại còn nguyền rủa người khác”. Hiện tượng này chúng ta thường nhìn thấy. Loại hành vi này nhất định không phải là hành vi tốt. Trong kinh luận Phật nói với chúng ta: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Tâm tưởng không tốt thì sao có thể chiêu cảm được quả báo tốt? Người chân thật có học vấn, có đức hạnh, có tu trì, họ hiểu rõ ý niệm phải thanh tịnh, phải thiện lương, ngôn ngữ tâm thái phải nhu hòa. Việc này sẽ cảm ứng quả báo thiện.

Ở Singapore, tôi thường nhắc đến nữ tu Hứa Triết. Bà là tấm gương tốt nhất cho người tu hành chúng ta. Bà hiện nay vẫn còn sống, cả đời đều có thể giữ được tâm bình khí hòa, thế nên bà khỏe mạnh sống lâu. Khỏe mạnh sống lâu không phải từ cái gì khác, là do tự bạn giữ gìn mà được. Vì sao tâm chúng ta thường bất bình? Cái gốc của tâm bất bình là từ đâu? Do vọng tưởng phân biệt chấp trước mà ra, toàn là giả. Con người nếu chân thật hiểu rõ được những gì Phật nói: “Tất cả tướng đều là hư vọng”, “Tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn bọt bóng” thì tâm họ liền bình. Bạn tâng bốc tôi, tán thán tôi, [tôi] mỉm cười, A Di Đà Phật! Đó là giả. Bạn hủy báng, sỉ nhục, hãm hại tôi, A Di Đà Phật! Cũng là giả thôi. “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, bạn hà tất phải chấp trước, hà tất phải phân biệt. Phật Bồ-tát đã dạy chúng ta như vậy.

Chúng ta lại xem cư sĩ Hứa Triết. Bà đã làm thế nào để trong cả trăm năm giữ gìn được tâm bình khí hòa. Không có gì khác, bà hiểu được những cái này đều là giả. Bạn sỉ nhục tôi, mắng tôi, bạn sỉ nhục người khác, mắng người khác, vì sao tôi lại không nổi giận? Vì không có liên quan gì đến tôi. Vì mắng đó là mắng người ta. Vậy vì sao mắng tôi thì tôi lại nổi giận? Vì chấp trước có cái “tôi”. Đây là sai rồi. Phân biệt có cái tôi, chấp trước có cái tôi. Từ đó hiểu được, phân biệt chấp trước đều thuộc về vọng tưởng. Chúng ta học Phật phải giác ngộ từ chỗ này, hiểu rõ rồi thì được đại thọ dụng, liền buông xuống ý niệm được mất. Không có tâm được mất thì sẽ không phạm lỗi lầm này. Loại lỗi lầm này đều là từ được mất, phân biệt, chấp trước mà ra. Con người cuộc đời này sống ở thế gian vì sao lại không vui vẻ thoải mái? Tại sao chính mình phải làm khó chính mình? Thực tại mà nói đích thực là chính mình gây khó dễ cho chính mình, không phải do người khác mà chính bạn đã gây cản trở cho chính mình.

Chúng ta cùng nhau sống trong xã hội này, đặc biệt là Singapore, đất nước này được thành lập mới hơn 30 năm. Trước khi thành lập, người Hoa sống ở nơi này đều bị kỳ thị. Bạn hãy nghe lão tu nữ nói, làm việc ở nơi này tiền lương một tháng là bao nhiêu vậy? Hai đồng. Bà nói rất rõ, không phải mỗi một tuần có một ngày nghỉ mà một năm mới có một ngày nghỉ, không có ngày nghỉ ngơi. Hơn nữa tiền công hai đồng một tháng tự mình cũng không dám xài. Còn phải gửi về quê nhà ở Đại Lục để giúp đỡ những anh chị em nghèo khổ hơn. Đây là việc mà đích thân bà đã từng trải qua. Trong xã hội không có địa vị, đương nhiên là có tâm oán hận bất bình, nhưng bà có thể giữ cho tâm này được bình. Đây là học vấn gì, là công phu gì vậy? Bà nói với tôi, bà không có văn hóa, chưa từng đi học. Đây là sự thật. Ở vào thời đại đó, dường như không có việc phụ nữ được học hành. Khoảng 100 năm trước điều này là rất ít, trừ phi những nhà có chức quyền, những nhà giàu có mới mời được thầy về nhà để dạy học. Khoảng 100 năm trước vẫn chưa có trường học. Vậy bà học từ đâu vậy? Bà không phải là thiên tài, nhưng bà hiếu học, bà thường thưa hỏi người khác để học. Sau khi bà nghe rồi thì bà có thể thọ dụng, bà có thể ghi nhớ. Cuộc đời này của bà sở trường lớn nhất là nghe điều thiện không nghe việc ác, chỉ nhớ thiện không nhớ ác. Đây là chỗ thành công cả một đời của bà, cho nên bà có thể giữ được không có ác niệm trong tâm cả một đời. Chỉ có thiện niệm chứ không có ác niệm, nên hành vi cả cuộc đời chỉ có thiện hạnh, không có ác hạnh. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này, phải học tập cho tốt. Đây là chính mình được phước, chính mình được lợi.

Thiên vị bất công, sân hận, không ưa thích, chán ghét là từ đâu mà ra? Từ thiên kiến (cách nhìn thiên lệch). Yêu thích một ai, chán ghét một người nào thì tâm địa của bạn đã bất công rồi, thiên vị rồi. Trong chú giải nói: “Phạm vi của  yêu ghét thiên vị rất rộng”. Phía sau đưa ra vài ví dụ:  “Phàm vua đối với bầy tôi, cha đối với con, chồng đối với thê thiếp, chủ đối với tôi tớ, đều có chuyện yêu ghét thiên vị”. Đây cũng là chân tướng sự thật, cũng là những việc mà xưa nay trong ngoài nước chúng ta đều có thể thường nhìn thấy, thường nghe thấy. Cũng giống như chúng ta học Phật, trong một đạo tràng lão Hòa Thượng có rất nhiều đồ đệ, tín đồ rất nhiều thì sẽ có yêu ghét thiên vị. Có thể thấy cái phiền não tập khí này nặng biết bao. Bạn sẽ hỏi vì sao lại sinh ra hiện tượng này? Không công bằng, không có tâm bình đẳng, nên mới có hiện tượng này. Nếu bạn dùng tâm bình đẳng thì hiện tượng này sẽ không còn.

Bạn xem gần đây có vài đoàn đến từ Trung Quốc. Đoàn của Phúc Châu có hơn 30 người, hôm nay sẽ trở về. Đoàn của Bắc Kinh có hơn 50 người, vẫn còn ở lại đây thêm một tuần nữa. Ngày mai là mùng hai, lại có một đoàn ở Liêu Ninh sẽ đến. Còn có đoàn đến từ Đài Loan. Các đồng tu này sau khi đến Cư Sĩ Lâm, cảm xúc rất sâu. Cư Sĩ Lâm là một đoàn thể lớn, mỗi ngày hơn ngàn người đến đến đi đi. Cái mà họ cảm xúc được là mọi người ở nơi đây đều đoàn kết hòa khí, không nhìn thấy có sự phân biệt đối xử nào. Người lãnh đạo là cư sĩ Lý Mộc Nguyên, họ không nhìn thấy ông có sự thiên vị yêu ghét nào. Đây là việc khiến cho những người đến đây thăm đều khâm phục tận đáy lòng. Ở nơi đây không có người nào ồn ào ý kiến này nọ, không có người nào bất hòa với người nào, không có cãi nhau, không có chuyện ồn ào, một đoàn thể hòa khí. Lý Mộc Nguyên không có tâm riêng tư, bạn đến đây là để cúng dường tu công đức, bạn là vì Tam Bảo. Bạn không phải là vì tôi. Cho nên dù bạn cúng dường cho Cư sĩ Lâm nhiều hơn nữa, lớn hơn nữa thì nhất định cũng không nhận được sự tiếp đãi đặc biệt nào. Hoặc dù bạn không cúng dường một đồng xu nào [chúng tôi] cũng tuyệt đối không xem thường bạn. Hết thảy đều đối đãi bình đẳng, việc này không dễ dàng. Cư Sĩ Lâm có rất nhiều đại hộ pháp. Bạn xem lúc ăn cơm, họ cũng tự mình lấy một chút thức ăn rồi vào một góc nào đó để ăn. Nếu Lý Mộc Nguyên không chỉ cho chúng tôi xem thì chúng tôi cũng không biết. Chân thật là đại hộ pháp có công, có trạng, nhưng họ không có tranh giành gì cả, đều lui về phía sau, đều biết khiêm nhường. Đây đều là giáo huấn của Thánh Hiền. Cho nên các đồng tu Trung Quốc phải đặc biệt học tập. Đồng tu Trung Quốc chỉ biết chen lấn lên phía trước, nhất định không chịu nhường ai. Vì vậy khi họ mời tôi về nước, tôi nói các vị có thể học được sự khiêm nhường giống như Singapore thì tôi sẽ trở về. Người nào cũng muốn chen lên phía trước thì giao thông ách tắt, đường sẽ không thông. Tôi nói tôi không phải là không muốn trở về, tôi vô cùng muốn trở về, muốn về mấy mươi năm rồi, nhưng không dám trở về. Vì sao lại không dám? Sự nhiệt tình của các vị tôi rất cảm kích, nhưng nhiệt tình một cách thái quá rồi. Người nào cũng đều tranh trước giành sau để đến gặp tôi, tôi thật sự chịu không nổi. Tạo thành hỗn loạn mất trật tự, dẫn đến vấn đề về công an, vậy thì làm sao được chứ? Nếu giống như các đồng tu ở Cư Sĩ Lâm này, mỗi một người đều biết nhẫn nhường, mọi người đều mong muốn lùi về sau, không muốn đứng lên phía trước thì tôi đã về từ sớm rồi. Đây là thành tựu đức hạnh chân thật cho chính mình.

Bạn xem Thánh Hiền thế xuất thế gian dạy chúng ta tích đức, tích âm đức. Âm đức là gì? Làm việc tốt không nên để người khác biết. Không nên tạo thành địa vị đặc thù cho chính mình, không nên tạo thành mục tiêu rõ ràng của chính mình. Mọi người nhìn thấy bạn, cung kính bạn, tâng bốc bạn thì những công đức mà bạn tu tích được đều đã được báo hết rồi. Những người lùi về phía sau thì công đức họ tích được vẫn còn. Họ chưa được báo nhưng hậu báo thì không thể nghĩ bàn. Đó mới gọi là công đức chân thật, lợi ích chân thật. Cho nên chúng ta ở tại thế gian, xử sự đối người tiếp vật, tâm phải bình, tâm phải công. Tiếp cận với hết thảy người, việc, vật đều là đại công vô tư, đây mới là thành tựu đức hạnh. Nhất định không thể có lòng thiên vị, sự bất công, cho dù có đại phước báo thì thành tựu đó cũng không phải là chân thật. Đúng như đã nói, họ phát rất nhanh, nhưng họ bại thì cũng rất nhanh. Phàm là có sự bất công, những người tiếp xúc với họ, những người được họ thiên vị, những người đó đều là vì lợi ích mà đến. Có lợi với họ thì họ đến, không có lợi với họ thì họ sẽ quay đầu bỏ đi, quyết không phải bang giao vì đạo nghĩa. Chân thật có đạo nghĩa thì khi bạn thất bại họ vẫn đến chăm lo bạn, vẫn đến thăm viếng bạn. Mọi người đã xem qua Hồng Lâu Mộng. Trong Hồng Lâu Mộng có một người có đạo nghĩa tên là Lưu lão lão (già Lưu). Khi gia đình họ Giả suy vi thất bại, những người thấy sang bắt quàng làm họ trước kia không còn một ai, những kẻ bình thường đến nịnh nọt bợ đỡ hết thảy đều không có, không thấy một ai nữa. Chỉ có già Lưu mang đến một ít quần áo, giảm ăn giảm mặc để mang một ít tiền đến chăm lo cho họ. Đây là gì? Đây là đạo nghĩa. Những người này hiện nay gọi là người không có trình độ văn hóa, không được đi học, ở dưới quê là người chân chất, biết đạo nghĩa. Bà đến Đại Quan Viên để thăm người thân, quyết không phải là kẻ thấy sang bắt quàng làm họ. Vì có một chút quan hệ thân thuộc của bà con xa cho nên bà đến thăm viếng. Chúng ta phải nhận thức rõ ràng, đặc biệt là tương lai bạn có danh tiếng, có địa vị trong xã hội, được một chút đức cao vọng trọng, bạn phải nên biết những loại người [nịnh bợ] sẽ đến rất nhiều. Nếu tâm của bạn bất bình, bất công thì những người xung quanh này chính là nhân tố gây thất bại cho tương lai của bạn. Chúng ta nhất định phải rõ ràng, nhất định phải hiểu rõ. Bạn thất bại là ở chỗ nào vậy? Bại ở chỗ những người thân cận nhất. Xưa nay trong ngoài nước đều không thể tránh khỏi, chỉ có trí huệ chân thật, chân thật có học vấn thì mới có thể nhìn ra được. Phật nói với chúng ta trong tám khổ có “oán tắng hội” (gặp gỡ kẻ oán ghét). Vì vậy phàm là người rất thân cận, nhất định phải hiểu được “oán tắng hội” mà Phật đã nói, họ đều là oan gia đối đầu, đều đợi cơ hội để đến báo thù. Dùng phương pháp gì để có thể giải trừ được “oán tắng hội” đây. Công chánh, bình đẳng, liêm minh, liêm khiết. Những phẩm chất này có trí huệ, hoàn toàn dùng trí huệ để quan sát, dùng trí huệ để xử lý. Phải đặc biệt đề cao cảnh giác, tức là đối với những người thường xuyên tiếp cận phải đặc biệt đề cao cảnh giác. Người thường xuyên thân cận, chúng ta phải vô tư vô cầu đối với họ thì sự bất công thiên vị của chúng ta sẽ không còn. Dù họ có địa vị cao hơn đi nữa, nhiều hơn, giàu có hơn đi nữa thì chúng ta đối với họ là vô tư vô cầu, tâm bạn mới có thể giữ được bình. Nếu bạn thường xuyên ỷ lại vào sự hộ trì của họ, ỷ lại sự hộ pháp của họ, vậy thì bạn xong rồi. Trước mắt có được một chút lợi, sau cùng vẫn phải chịu thiệt thòi lớn. Ví dụ này rất nhiều. Trong chú giải cũng có nêu ra ví dụ, chúng ta tốt nhất là xem nhiều một chút để biết được sự lợi hại.

Phật Bồ-tát sở dĩ có thể thành tựu đạo nghiệp thì căn bản là do các Ngài vô tư, vô ngã. Kinh Kim Cang nói: “Vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”. Căn bản để thành tựu đạo nghiệp là ở chỗ này. Trong thế pháp nếu xây dựng đức hạnh, công lao, sự nghiệp bất hủ thì cũng lấy điều này làm nền tảng. Nếu có một mảy may tâm vì chính mình thì thành tựu của bạn không phải là chân thật. Vì sao vậy? Việc này rất dễ lý giải. Tự gạt mình lừa người. Những việc gạt mình lừa người thì không có chuyện không bị vạch trần. Cho dù bạn cả đời che giấu rất tốt không bị người vạch trần, nhưng sau khi chết vẫn sẽ bị người vạch trần. Sau khi bị người vạch trần rồi thì bạn không đáng một xu. Cho nên công đức, sự nghiệp chân thật là phải dùng tâm chân thành để làm, nhất định không thể dùng tâm hư ngụy. Tâm hư ngụy thì không thể thành đức hạnh thực sự, nhất định không thể thành tựu được công đức chân thật. Cho nên chúng tôi đọc hai câu này, cảm xúc rất sâu. Trong chú giải các vị tự mình xem qua, tự chính mình phản tỉnh. Đặc biệt quan sát tỉ mỉ xã hội hiện thực, những sự tình này đều ở xung quanh chúng ta, không khó phát hiện. Con người bất luận là người thiện hay người ác, chúng ta không thể nào không tiếp xúc. Hãy học Phật Bồ-tát, học Thánh Hiền nhân, đối với người thiện, đối với người ác chúng ta vẫn luôn dùng một tâm chân thành bình đẳng, nhất định không có thiên vị yêu ghét, vậy thì đúng.