THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Mã AMTB: 19-012-0001 đến 19-012-0195
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN – Tập 40/195 (19A – bộ 128 đĩa)
Các vị đồng học, xin chào mọi người!
Câu thứ 19 trong Cảm Ứng Thiên Vựng Biên là hai chữ “trung hiếu”. Hai chữ này thực ra là căn bản của cảm ứng của đức hạnh. Chú giải của phần này là đoạn phong phú nhất trong toàn văn. Bản chú giải mà tôi dùng thì khác với bản mà các vị dùng. Bản chú giải của tôi tổng cộng có 17 tờ, mỗi tờ có 2 mặt. Có thể thấy các bậc Cổ Đức rất xem trọng hai chữ này. “Trung hiếu”, “hiếu” là căn bản của thành kính. Phật pháp được xây dựng trên đạo hiếu. Trung Quốc từ xưa đến nay, giáo dục của nhà Nho cũng lấy “trung hiếu” làm trung tâm, đây là giáo dục. Thế nào là giáo dục? Chỉ hai chữ trung hiếu mà thôi. Đây là điều chúng ta không thể không biết. Tức là phải học trung, phải tận hiếu.
Cổ nhân dạy chúng ta: “Làm bề tôi phải tận trung, làm con phải tận hiếu, đây là thiên lý thường hằng, là cội gốc của nhân luân”. Chú giải mở đầu là bốn câu nói này. Phật dạy: “Y nghĩa bất y ngữ” (y theo nghĩa lý, không y theo ngôn ngữ văn tự), câu nói này rất hay, bạn cần hiểu được ý nghĩa của nó. Bởi vì ngôn ngữ thì thay đổi theo thời đại, còn ý nghĩa là nguyên tắc, là cương lĩnh, vĩnh viễn không thay đổi. Trước đây, vào thời còn vua chúa, “làm bề tôi phải tận trung”, là bề tôi đối với vua thì phải tận trung. Dùng cách nói hiện đại chính là người bị lãnh đạo phải biết tận trung với người lãnh đạo. Từ ý này suy ra chính là nói phải tận trung phục vụ nhân dân, vậy thì các vị dễ hiểu hơn. Chúng ta phục vụ, phục vụ có đối tượng. Đối tượng là người nào? Đối tượng là nhân dân. Chúng ta phục vụ nhân dân, phục vụ chúng sanh, phải biết tận trung.
“Làm con phải tận hiếu”, câu nói này thì dễ hiểu. Tận trung là dựa vào tận hiếu làm căn bản. Nếu một người không biết hiếu thì họ làm sao có thể tận trung được? Hiếu là lẽ thường của tự nhiên, là gốc của nhân luân. Trung là đại đạo lý của làm người. Bạn xem trong văn tự Trung Quốc chữ “trung” (忠) này là gồm chữ “trung” (中) và chữ “tâm” (心), tức là tâm của bạn phải chánh, phải ở giữa, không được lệch, không được tà. Cổ nhân giải thích cho chúng ta đó là “thành kính”, “thành kính” là tướng mạo bên ngoài. “Một niệm không sanh gọi là thành”, từ đó chúng ta lĩnh hội được tâm trung chính là nhất tâm, nhị tâm là bất trung rồi. Hai tâm thì tâm của bạn đã lệch rồi. Tâm trung là một niệm không sanh, sanh một niệm là bất trung. Từ đó cho thấy, cái chữ trung này là thành kính đến cực điểm, chân thành cung kính đến cực điểm mới gọi là trung.
Giáo dục của nhà Nho, giáo dục của nhà Phật chính là dạy điều này, đây là lẽ thường của tự nhiên. Thường là đạo thường, là vĩnh hằng bất biến. Trong Phật pháp gọi là “lẽ thường của pháp tánh”, “pháp vốn như vậy”. Người có thể thuận theo đạo thường thì được gọi là Phật, là Bồ-tát. Đánh mất đạo thường, trái ngược đạo thường, người này được gọi là chúng sanh, là phàm phu. Có thể thấy phàm, Thánh là khác biệt từ chỗ một niệm này. Cái gốc của nhân luân là căn bản của làm người. Hay nói cách khác, không còn trung hiếu nữa thì căn bản của nhân luân đã bị mất. Vẫn có hình tướng của con người nhưng trên thực tế có phải là người hay không? Không phải là người, chỉ là hình tướng con người mà thôi.
Đại sư Thiên Thai giảng Kinh Pháp Hoa đã triển khai mười pháp giới thành “bách giới thiên như” (một trăm cảnh giới, một ngàn như thị). “Bách giới” từ đâu mà có? Trong mỗi pháp giới đều có mười pháp giới. Thí dụ chúng ta là ở pháp giới người, trong pháp giới người này có Phật ở trong đó. Ai là Phật ở trong cõi người? Hai chữ trung hiếu này làm được rất viên mãn, không có một mảy may thiếu sót, đây chính là Phật ở trong cõi người. Hai chữ trung hiếu này làm được năm phần trở lên nhưng chưa làm được viên mãn, thì đây là Bồ-tát, là Duyên Giác, Thanh Văn ở trong cõi người. Hai chữ trung hiếu có thể làm được một, hai phần mười, đó mới là người ở trong cõi người. Có thể làm được bốn, năm phần thì là người trời ở trong cõi người. Nếu không làm được, hoặc làm trái ngược thì là súc sanh ở trong cõi người, ngạ quỷ ở trong cõi người. Hoàn toàn trái ngược, đại nghịch bất đạo là địa ngục ở trong cõi người.
Mỗi pháp giới đều có đủ mười pháp giới, cho nên gọi là một trăm pháp giới. Trong mỗi pháp giới đều có đủ “mười như thị”, cho nên gọi là “bách giới thiên như”. “Bách giới thiên như” nói cho chúng ta biết một nguyên tắc, một chân tướng sự thật. Triển khai tiếp như vậy, trong một trăm pháp giới, mỗi pháp giới lại có mười pháp giới, gọi là ngàn pháp giới. Cho nên pháp giới là vô lượng vô biên. Pháp giới từ đâu mà có? Là từ trong vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chúng ta mà biến hiện ra, vô lượng vô biên pháp giới, biến ảo vô cùng. Nhưng trong sự biến ảo có một nguyên tắc bất biến, nguyên tắc này chính là trung hiếu. Cho nên trong Cảm Ứng Thiên, phần chú giải hai chữ “trung hiếu” chiếm số trang lớn như vậy. Đây là sự từ bi yêu thương của các Đại Đức xưa, chỉ sợ chúng ta nhận thức không rõ ràng hai chữ này.
Học vấn thế xuất thế gian có thể thành tựu hay không, mấu chốt là ở hai chữ này. Tu hành có thể chứng quả hay không, mấu chốt cũng ở hai chữ này, bạn nói điều này quan trọng biết bao! Mấy câu tiếp theo có ý nghĩa sâu rộng vô tận. “Nếu làm bề tôi mà bất trung thì vua còn trông mong gì vào bề tôi nữa. Làm con mà bất hiếu thì cha còn trông mong gì vào con được, chẳng bằng súc sanh cầm thú. Sao có thể gọi là người được chứ?” Người hiện nay nghe thấy mấy câu nói này sẽ lắc đầu, nghe không lọt tai được. Người hiện nay không cho là như vậy, cho rằng nói như vậy là lạc hậu rồi, đây là văn hóa cũ rồi, cần phải bị đào thải hết. Chính vì nhiều người có kiểu quan niệm này, có loại hành vi này, nên mới chiêu đến tai nạn rất lớn cho thế gian. Người biết trung hiếu, hiểu được đạo lý này, người biết được chân tướng sự thật, không những không dám làm càn làm bậy, mà ngay cả một niệm tà cũng không cho phép, vậy thì làm sao tạo nghiệp được? Tạo tội nghiệp cực nặng thì càng không phải nói đến rồi.
Những ý nghĩa này, các đồng học chúng ta phải suy nghĩ thật nhiều, quan sát nhiều, lĩnh hội thật kỹ. Sau đó mới biết giáo huấn của Thánh nhân là chí chân chí thiện. Chúng ta quyết không bị mê vào thế tục, mê vào thế tục sẽ chiêu đến khổ báo không có cùng tận. Có lẽ các vị cũng biết, xưa nay trong ngoài nước có rất nhiều lời tiên tri, đều tập trung vào thời đại này, đều nói thế gian này sẽ có tai nạn. Người học Phật chúng ta không tin lời tiên tri. Người học Phật tin nhân quả, nhân như vậy thì quả như vậy, báo như vậy. Phật không nói lời tiên tri mà nói nhân quả. Nhân thiện nhất định được quả thiện, nhân ác nhất định được ác báo, nhân quả báo ứng tơ hào chẳng sai.
Trung hiếu là thiện, trung hiếu là đại căn đại bản của thiện. Không thể không nói nhiều hai chữ trung hiếu một chút, phải nhận biết nó rõ ràng. Hai chữ này, trong nguyên tắc chế tạo văn tự Trung Quốc đều là thuộc về hội ý. Văn tự là ký hiệu, bạn nhìn thấy cái ký hiệu này thì lĩnh hội được ý nghĩa ở trong ký hiệu. “Trung” (忠) gồm hai chữ trung (中) và tâm (心), ý nói tâm không thiên lệch về bên nào, dạy chúng ta dụng tâm như thế nào. “Trung” là chân tâm, thiên lệch thì chính là vọng tâm. Chữ “trung” này là dạy chúng ta dùng chân tâm. Chư Phật Bồ-tát dùng chân tâm, tâm mà Thanh Văn Duyên Giác dùng là gần giống chân tâm, vẫn chưa đạt đến thuần chân. Phàm phu trong sáu đường dùng vọng tâm, không phải chân. Cho nên cái ý nghĩa này rất là sâu xa.
Chữ “hiếu” (孝)là bảo chúng ta lĩnh hội chân tướng sự thật. Chân tướng sự thật là như thế nào? Các bạn thử xem hình dạng của chữ “hiếu”, phía trên là chữ “lão” (老), phía dưới là chữ “tử” (子). Ý nghĩa này rất rõ ràng, thế hệ trước và thế hệ sau là một thể, là hiếu. Thế hệ trước với thế hệ sau chia rẽ là bất hiếu. Từ ý nghĩa này suy ra tiếp, là thế hệ trước còn có thế hệ trước nữa, quá khứ vô thủy. Thế hệ sau còn có thế hệ sau nữa, vị lai vô chung, vô thủy vô chung là một thể. Đây là hiện tượng gì? Không phải là Phật ở trong kinh đã nói với chúng ta tình hình của “pháp thân”, “tự tánh” hay sao?
Trong kinh Đại Thừa thường nói: “Thập phương tam thế Phật, cộng đồng nhất pháp thân” (ba đời mười phương Phật cùng chung một pháp thân) chính là chú giải hay nhất cho chữ “hiếu”. “Hiếu” nghĩa là gì? Chính là “ba đời mười phương Phật cùng chung một pháp thân”. Tôi thường nói tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới là chính mình, đây chính là chữ “hiếu”. Cái ký hiệu này đã nói rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh, hiểu rõ chân tướng này là bạn đã nhận thức được đạo hiếu rồi. Hai chữ “trung hiếu” hợp chung lại chính là Phật pháp vô cùng viên mãn. Tất cả kinh mà Thích-ca Mâu-ni Phật đã nói trong 49 năm là nói điều gì? Hai chữ “trung hiếu” mà thôi. Không chỉ là tất cả pháp mà Thế Tôn đã nói không lìa hai chữ này, ngay cả pháp tàng vô tận mà mười phương ba đời tất cả chư Phật đã nói cũng là hai chữ này mà thôi. Làm sao nói cho hết được hai chữ này? Chư Phật Như Lai, đồng loạt nói, cùng nhau nói, nói vô lượng kiếp, thì vẫn nói không hết hai chữ này.
Chúng ta ngay cả ý nghĩa thô thiển của hai chữ này còn không lĩnh hội được thì chẳng trách công phu tu học không đắc lực, nghiên cứu kinh điển, nghe giáo lý không thể khai ngộ. Nghiên cứu kinh điển, nghe giáo lý không thể khai ngộ là do không hiểu biết hai chữ này. Niệm Phật, tu hành, công phu không đắc lực là do chưa làm được hai chữ này một chút nào cả. Bạn hiểu biết hai chữ này rồi thì bạn sẽ khai ngộ. Làm được hai chữ này rồi thì bạn sẽ có thể tu hành chứng quả. Cho nên chúng tôi phải dùng nhiều thời gian một chút để giới thiệu hai chữ này với các vị đồng tu. Trên thực tế, chỗ tôi biết cũng không nhiều, tôi có thể lĩnh hội được mấy phần, tôi cũng chỉ có thể làm được một hai phần mà thôi.
Chú giải tiếp theo nói: “Loài người tuy đáng dự vào tiên phẩm, [nhưng để thành tiên], ắt cần phải trải qua nhiều năm tháng! Chỉ có kẻ tột trung, tột hiếu, hôm nay tạ thế, ngày mai liền sanh cõi trời. Người biết làm bề tôi, làm con trung hiếu, tiết tháo cao cả, há có biết đây lại càng là cội gốc để được siêu độ ư!” Lời nói này rất hay, nói đúng, không sai. Đây là nói đến tu hành. Sách Cảm Ứng Thiên là của Đạo giáo. Mục đích tu hành của Đạo giáo là thăng thiên, bước vào câu lạc bộ của thần tiên, cũng rất là hiếm có rồi. Sanh thiên không đơn giản. Trong Phật pháp nói, trời Dục giới phải tu Thập Thiện, Tứ Vô Lượng Tâm. Trời Sắc giới phải tu Tứ Thiền, Bát Định. Nhưng người sanh ở đời có thể tận trung tận hiếu, không cần tu hành, sau khi chết rồi thì tự nhiên sẽ sanh thiên, lời nói này là sự thật. Người chí trung chí hiếu, phẩm vị sanh thiên cũng cao.
Hay nói cách khác, nếu bất trung bất hiếu, tuy tu Thập Thiện, Tứ Vô Lượng Tâm cũng không thể sanh thiên. Cùng một đạo lý như vậy, bất trung bất hiếu, niệm Phật cũng không thể vãng sanh thế giới Cực Lạc. Bạn ở niệm Phật đường thành tâm thành ý niệm, mỗi ngày niệm một trăm ngàn tiếng Phật hiệu vẫn không thể vãng sanh. Cho nên hai chữ này không những là căn bản của làm người mà còn là đại căn đại bản của tu hành, tuyệt đối không được lơ là. Chúng ta cần dùng nhiều thời gian một chút để nghiên cứu thảo luận hai chữ này.