Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – Tập 128/195

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN –  Tập 128/195 (73A – bộ 128 đĩa)

Các vị đồng tu, xin chào mọi người! Buổi giảng sáng nay của chúng ta đã dời từ lầu ba lên lầu tám, do nơi này thiết bị đầy đủ hơn lầu ba, hiệu quả đương nhiên sẽ tốt hơn. Đối với vấn đề của hai bên, chúng tôi gần đây đã cải thiện rồi, nghe nói lầu tám lại lắp thêm một đường dây điện thoại, vậy hai bên của chúng ta có thể khôi phục rồi. Các vị đồng tu ở Mỹ rất hi vọng có thể khôi phục lại liên lạc giữa hai bên, chúng tôi sẽ tận lực xử lý sớm vấn đề này.

Nội dung của chú giải trong Cảm Ứng Thiên Vựng Biên vô cùng phong phú, bởi vì vấn đề thời gian nên chúng tôi không thể chia sẻ với mọi người từng chỗ đặc sắc ở trong chú giải được. Tuy nhiên quyển sách này được lưu thông rất rộng rãi, hi vọng mọi người có thể tự mình nghiêm túc nỗ lực học tập. Đặc biệt là phải thường xuyên làm theo lời dạy bảo của cổ Thánh tiên Hiền, nghiêm túc phản tỉnh, sửa đổi làm mới chính mình thì chúng ta mới có thể giúp đỡ chính mình thoát ly khổ nạn. Không những là khổ nạn hiện tiền, người thông thường thường xem trọng việc trước mắt, sao biết được khổ nạn về sau còn nghiêm trọng hơn việc trước mắt biết bao nhiêu lần, điều này đáng để chúng ta cảnh giác.

Đoạn sau kết luận là “Sùng tín Thánh Hiền giả, vị hữu bất hoạch Thánh Hiền chi báo giả” (Những người kính trọng tin tưởng bậc  Thánh Hiền, chưa từng có ai lại không được quả báo làm Thánh làm Hiền), câu kết này rất hay, khích lệ chúng ta phải sùng kính lời dạy bảo của Thánh Hiền. Thế nào là sùng kính? Thế nào là tín ngưỡng? Đều ở y giáo phụng hành thì chúng ta mới có thể được quả báo chân thật mà Thánh Hiền đã nói.

Trong đoạn thứ 60:

Xâm lăng đạo đức” (Xâm hại hủy nhục người đạo đức.) Mở đầu chú giải đã nói với chúng ta về “người đạo đức trên thế gian”, ai mới là người đạo đức? “Như bậc Nho sĩ đọc sách hiểu đạo lý” là nói nhà Nho, và “Tăng đạo khắc khổ tu hành”, đây là những người có đạo đức. Nói cách khác, đạo là hiểu đạo lý, đức là có thể thực hành những đạo lý đã hiểu vào trong cuộc sống thì gọi là đức hạnh.

Phía dưới có nói “lời nói là pháp tắc, hành vi là tấm gương”, chính là câu mà chúng ta nói “học vi nhân sư, hành vi thế phạm” (học để làm thầy người khác, hành động để nêu gương cho đời) , người như vậy là người có đạo đức. Khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác của họ là vì xã hội, vì chúng sanh, không phải vì bản thân. Cho nên nói “siêu đẳng xuất luân” (siêu việt hơn tất cả), họ đã siêu việt người thông thường, siêu việt ở điểm nào? Người thông thường khởi tâm động niệm không cái nào không vì chính mình, tâm lượng nhỏ hẹp. Người có đạo đức, tâm lượng rộng lớn, trong Phật pháp nói là “phát Bồ-đề tâm, hành Bồ-tát đạo”. Cho dù hiện tại chúng ta có thân phận gì, làm ngành nghề nào, đều phải hiểu được đạo lý này, đều nên tu học. Cho nên tâm phải lớn, ngạn ngữ thường nói “lượng lớn phước lớn”. Người người đều mong cầu đại phước báo, đại phước báo từ đâu mà có? Không biết! Lời dạy bảo của người xưa rất nhiều mà chúng ta lại lơ là bỏ qua. Tuy cũng thường nghe thấy, thậm chí là chính mình cũng thường nói nhưng nói rồi nghe rồi đều không để ý. Không để ý là không thực sự đặt ở trong tâm, không thực sự đặt ở trên hành vi, cho nên chính mình không đạt được quả báo thù thắng.

Hôm qua tôi gặp phải hai sự việc, việc thứ nhất là Lý hội trưởng nói với tôi công việc ở Đường Thành đang được tiến hành, đây là một chuyện tốt. Tối qua họ đến thảo luận với chúng tôi, hai bên gặp mặt thảo luận. Chúng tôi đã bày tỏ thái độ của mình một cách rõ ràng minh bạch, chúng tôi không vì chính mình mà vì xã hội, vì đất nước này, vì cả thế giới, làm một tấm gương tốt, chung sống hòa bình, tôn trọng lẫn nhau, kính yêu lẫn nhau, hợp tác lẫn nhau. Cho nên công việc ở Đường Thành chúng tôi có thể tranh thủ được, chúng tôi sẽ rất vất vả, thế nhưng vất vả này rất xứng đáng, không phải vì chính mình mà là vì xã hội an định, thế giới hòa bình. Dân tộc khác nhau, tôn giáo khác nhau nhưng có thể tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình, chúng tôi là vì điều này. Nếu như không tranh thủ được thì cũng cảm ơn trời đất. Vì sao vậy? Chính chúng tôi vui vẻ vì không có nhiều chuyện phiền não như vậy. Cho nên đối phương nhất định phải hiểu được thái độ của chúng tôi, chúng tôi không phải là nhất định phải làm. Việc này đối với chúng tôi không có chút lợi ích gì mà là lợi ích của xã hội đại chúng, là lợi ích của hết thảy chúng sanh. Cho nên yêu cầu [của họ] đối với chúng tôi không thể quá đáng, quá đáng thì chúng tôi sẽ không đồng ý, chúng tôi không vì bản thân mà là vì chúng sanh. Nếu như chẳng may không có cơ hội, tôi nói với Lý Mộc Nguyên và mọi người, công đức của chúng ta đã viên mãn rồi. Vì sao vậy? Tâm chúng ta phát ra là chân tâm, chân tâm phục vụ cho chúng sanh, cho xã hội nhưng không có cơ hội! Mặc dù không có cơ hội nhưng công đức của chúng ta vẫn viên mãn, không làm được cũng là viên mãn. Nếu như có thể lấy được thì phải làm được mới viên mãn; thế nên cho dù không lấy được nhưng hễ chúng ta phát tâm thì không làm cũng viên mãn rồi. Tôi nói thái độ của chúng tôi rất rõ ràng, rất minh bạch, để đối phương nghĩ xem làm cách nào để xử lý.

Chuyện thứ hai là cư sĩ Thôi Ngọc Tinh ở đông bắc gọi điện thoại cho tôi. Bên chỗ bà ấy có xây một nhà máy sản xuất xe hơi, nhân viên có hơn 4000 người, hiện tại gặp phải một chút khó khăn, bà rất chán nản, không muốn làm nữa. Nhưng phía chính phủ, một số cán bộ cấp tỉnh yêu cầu bà, hi vọng bà có thể làm tiếp. Bà nói không làm, nhưng nhìn thấy cuộc sống của hơn 4000 người không được ổn định, bà vẫn còn chút tâm từ bi nhưng nếu làm tiếp thì bà gặp khó khăn rất nhiều, trong tình huống khó khăn này bà đã điện thoại cho tôi. Tôi nói: “Bà phải phát đại tâm, tuyệt đối không vì chính mình mà phải phát cái tâm này.” Bà ấy nói: “Con phát tâm không đủ.” Tôi nói: “Đúng vậy, bà cuối cùng cũng giác ngộ rồi, bà phát tâm không đủ, bà vì mọi người nhưng trong đó vẫn còn có chính mình, phần chính mình bà vẫn chưa gạt bỏ được, nhất định phải trừ bỏ suy nghĩ vì lợi ích chính mình, hết thảy vì chúng sanh thì việc làm của bà sẽ vô cùng hoan hỷ. Làm việc viên mãn, thành công là chúng sanh có phước, xã hội có phước, đất nước có phước; làm không thành công, vậy thì chúng sanh không có phước báo, công đức của chính bà đã viên mãn rồi.” Trong Kinh Lăng Nghiêm nói rất hay, con người phải phát chân tâm, chân tâm vừa phát thì công đức viên mãn.

Việc có thể làm được hay không đó là do duyên phận, dùng lời ngày nay mà nói duyên phận chính là rất nhiều điều kiện. Tất cả điều kiện đầy đủ rồi thì nguyện vọng của các vị thành hiện thực; điều kiện không đầy đủ thì nguyện vọng của các vị không thể thực hiện. Nguyện vọng mặc dù không thành hiện thực, nhưng nguyện vọng của các vị là thật, không phải là giả, cho nên công đức vẫn viên mãn. Nếu có người chướng ngại duyên phận của các vị, phá hoại duyên phận của các vị, nhân quả đó họ phải nhận, chúng ta không nhận, họ phải nhận. Chính là đoạn kinh văn phía trước mà chúng ta vừa đọc qua, “Ung tắc phương thuật”, ý này mở rộng ra chính là ngăn trở hết thảy những việc lợi ích xã hội, lợi ích chúng sanh. Vậy thì phải xem việc thiện đó của họ có tầm ảnh hưởng lớn bao nhiêu, thời gian bao lâu, phải từ chỗ này mà kết tội. Tầm ảnh hưởng càng lớn, thời gian ảnh hưởng càng dài thì tội chướng ngại này càng nặng, kết tội lớn nhỏ khác nhau là từ chỗ này mà nói.

Thánh Hiền thế xuất thế gian, không chỉ Thánh Hiền ở Trung Quốc mà các tôn giáo khác của nước ngoài, đại Thánh đại Hiền hầu như đều khác miệng đồng lời dạy chúng ta phải thành tựu việc tốt đẹp của người, không thành tựu việc xấu của người. Những việc mà người khác làm nếu bất lợi đối với xã hội chúng sanh thì chúng ta không nên giúp họ; nếu có lợi ích đối với xã hội chúng sanh thì chúng ta phải tận tâm tận lực mà giúp họ, tùy hỷ công đức. Công đức này cùng với việc họ làm, công đức tùy hỷ với công đức làm việc không có gì khác nhau. Vì sao vậy? Tâm của mọi người đều tương đồng. Họ có thể tự mình đi làm là do duyên phận đầy đủ; chúng ta không thể làm là vì duyên phận của chúng ta không đủ, nhưng tâm lượng của họ và chúng ta giống nhau, là bình đẳng, cho nên phước báo có được cũng giống nhau. Nếu nhìn thấy việc tốt của người khác, việc thù thắng của người khác mà đố kỵ chướng ngại, nói lời hủy báng, dùng các thủ đoạn không chính đáng để phá hoại thì tội này rất nặng.

Đồng tu học Phật đều biết, trong tội ngũ nghịch có tội phá hòa hợp tăng. Ý nghĩa này rất rộng, nhưng rất ít người hiểu được, cho rằng phá hòa hợp tăng là phá hoại tăng đoàn, đây chỉ là một ý rất hẹp. Ý nghĩa ban đầu của “hòa hợp tăng” là gì? “Tăng” là danh từ đại biểu cho đoàn thể, đoàn thể này hòa hợp, nên mới gọi là tăng đoàn. Không nhất định là chỉ đoàn thể của người xuất gia mà bất kỳ đoàn thể nào trên thế gian, chỉ cần lãnh đạo và các thành phần bị lãnh đạo một lòng hòa hợp thì đoàn thể này được gọi là tăng đoàn. Không nhất định là chỉ người xuất gia. Nếu người xuất gia ở cùng nhau không hòa hợp thì không gọi là tăng đoàn. Phật nói ý này, chúng ta nhất định phải hiểu.

 Nhà Phật nói sáu điều kiện hòa hợp, được gọi là “lục hòa kính”. Chúng ta cũng nhìn thấy trong các tôn giáo khác như đạo Thiên Chúa, đạo Hồi, họ đích thực là đầy đủ lục hòa kính. Đoàn thể này có cống hiến đối với xã hội, đối với chúng sanh, họ làm rất nhiều sự nghiệp phúc lợi. Nếu như chúng ta ác ý phê bình, ác ý hủy báng thì tội nghiệp này [là tội] đọa địa ngục. Tầng ý nghĩa này ít người biết được.

Trong Nho giáo, Đạo giáo, những người thực sự tu hành đều là tăng đoàn hòa hợp. Chúng ta nhìn xem các tôn giáo khác, chỉ cần họ chân thật tin tưởng tôn giáo [của mình], hiểu được giáo nghĩa, y giáo phụng hành, lợi mình lợi người thì không đâu không là tăng đoàn. Trong các tăng đoàn, tăng đoàn nhà Phật thù thắng hơn những tôn giáo khác, vì trong Phật giáo không có tự tư tự lợi. Lời dạy bảo của Phật là “vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”, điều này siêu việt hơn hết thảy tăng đoàn.

Thế nhưng chúng ta nghĩ xem, chúng ta học Phật, gia nhập tăng đoàn Phật giáo, chúng ta vẫn còn “ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng” thì chúng ta nhất định không có gì hơn các tôn giáo khác, thậm chí là không bằng các tôn giáo khác. Chúng ta phải dựa vào lương tâm mà nói, không thể tự khen mình mà hủy báng người, điểm tốt của người chính là điểm tốt, ưu điểm là ưu điểm, chúng ta nhìn thấy phải xưng tán, phải tán dương. Chỗ nào chúng ta không bằng người thì phải thừa nhận, phải sám hối, [thấy] Phật pháp là cao minh, là thù thắng mà chúng ta vẫn chưa làm được.

Đối với những người có đạo đức, nếu như xâm phạm họ thì tội này càng nặng. Các vị không những không tôn trọng họ, mà còn khinh thường, vô tình hữu ý nhục mạ họ, bắt nạt họ, chướng ngại họ. Thực tình mà nói, trong nhà Phật không phải định tội này của các vị là tội chướng ngại một người, vì các vị bắt nạt một người, nhục mạ một người, [mà cho rằng] đây là tội nhỏ. Nếu như học vấn, đạo đức, đức hạnh của người đó đối với xã hội có ảnh hưởng rất lớn, các vị phá hoại nhục mạ người đó là phá hoại tín tâm của xã hội đại chúng. Trong kinh điển Phật nói rằng, những thiện tri thức này là đôi mắt của chúng sanh, là ngọn đèn trong bóng tối. Những người này giáo hóa chúng sanh, là thiện nhân của xã hội, là tấm gương tốt của xã hội đại chúng. Các vị hủy báng họ, không phải là đối với họ, mà là nhục mạ hết thảy chúng sanh trong xã hội, hủy hoại tấm gương thiện lương của hết thảy chúng sanh, khiến cho xã hội đại chúng đánh mất đi tiêu chuẩn thiện ác, tội này rất lớn. Do sự định tội như vậy, họ mới đọa địa ngục A-tỳ.

Ngược lại, nếu các vị xưng tán, bảo hộ, giúp đỡ những người đạo đức thì công đức vô lượng vô biên. Kiết hung họa phước chỉ trong một niệm, cho nên người giác ngộ nhất định toàn tâm toàn lực tán thán hỗ trợ [những người đạo đức]. Sức lực của chúng ta tuy không đủ, duyên phận không đủ nhưng cái tâm hướng về [họ] của chúng ta là viên mãn, tâm tán thán là viên mãn thì vẫn được công đức viên mãn, vì sao lại không vui vẻ mà làm, vì sao phải tạo tội nghiệp?