Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – Tập 146/195

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN GIẢNG GIẢI

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Mã AMTB: 19-012-0001 đến 19-012-0195

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN –  Tập 146/195 (90B)

Các vị đồng tu!

Chúng ta giảng Cảm Ứng Thiên đến đoạn thứ 80, đoạn văn thứ 80 này có bốn câu “Kiến tha vinh quý, nguyện tha lưu biếm. Kiến tha phú hữu, nguyện tha phá tán.” (Thấy người khác vinh hiển, sang cả, mong họ bị lưu đày, biếm trích. Thấy người khác giàu có, mong họ tàn mạt), trong chú giải cũng đã nói rất tường tận, nói rất hay.

Tôi đã từng báo cáo qua với các quý vị một lần rồi, mấy câu văn này của Thái Thượng có thể nói từ xưa đến này trong và ngoài nước đều không khó thấy được. Quan niệm và hành vi này là từ cái tâm tham sân đố kỵ, tạo ra tội nghiệp cực nặng mà chính mình không biết. Trong chú giải nói với chúng ta, vinh hoa phú quý của một người trong cuộc đời này không phải là ngẫu nhiên, mà do đời trước vun trồng. Đạo lý này trong Liễu Phàm Tứ Huấn đã phát huy vô cùng thấu đáo. Cho nên con người sanh đến thế gian này, liệu chúng ta có bao giờ nghĩ đến, vì sao ta lại đến thế gian này? Ta đến thế gian này là để làm gì? Hết đời này rồi ta lại đi về đâu? Có thể nói đây là vấn đề lớn của nhân sanh. Nếu có thể nghĩ đến vấn đề này thì người này bắt đầu dần dần giác ngộ. Chỉ cần thường xuyên để vấn đề này trong tâm mình, nhà Phật gọi là “nghi tình”, tiểu nghi có tiểu ngộ, đại nghi có đại ngộ. Thường xuyên nghĩ đến vấn đề, không cần thiết đi tìm cầu đáp án, tìm cầu đáp án là vọng tưởng, mà lâu dần sẽ ngộ nhập, hốt nhiên đại ngộ, bạn liền sẽ hiểu rõ.

Trong Kinh Phật nói với chúng ta “Nhân sanh thù nghiệp”, chúng ta nghe câu nói này cảm thấy rất buồn, thế nhưng đó là sự thật. Năm 1977, tôi giảng Kinh ở Hồng Kông, tại giảng đường Quang Minh của lão pháp sư Thọ Dã, trên đại điện giảng đường của ông treo một câu đối. Trên câu đối viết là “Phu thê là duyên, có thiện duyên, có ác duyên, oan oan tương báo”, vế thứ hai viết “Con cái là nợ, có đòi nợ, có trả nợ, không nợ không đến”. Cặp câu đối này đã viết ra tường tận mối quan hệ giữa người với người trong thế gian, quan hệ giữa người với người là gì vậy? Là ân oán nợ nần. Nếu không có ân oán nợ nần thì sẽ không gặp nhau. Chúng ta hằng ngày đi lại trên đường nhìn thấy không có ai chào hỏi bạn, đó là vì không có duyên. Nếu họ gặp gỡ bạn, cười với bạn, gật đầu với bạn thì đó cũng là duyên, nếu họ trừng mắt nhìn bạn, nhìn thấy bạn không vui, đó cũng là duyên, cái duyên này cạn, đại khái trong đời bạn chỉ gặp một lần, sẽ không gặp lại nữa. Nếu như duyên sâu thì sẽ trở thành bạn bè, trở thành thân thuộc, trở thành người một nhà, đó chính là sự việc như vậy. Cho nên, Phật nói với chúng ta “Nhân sanh thù nghiệp”, bạn tạo nghiệp báo trong đời quá khứ thì đời này bạn đến thọ báo. Đây là nói về chúng sanh trong lục đạo, không một người nào tránh khỏi. Phật Bồ-tát trong lục đạo hiện thân thuyết pháp, hiện thân là tùy loại mà hiện, chúng sanh có cảm Phật liền có ứng. Phật hiện thân thuyết pháp là vì điều gì? Là vì giúp đỡ những chúng sanh này giác ngộ, giác ngộ được thì tốt rồi, đem thiện duyên và ác duyên của bạn đều chuyển hóa thành Pháp duyên. Thế nên học Phật không có gì khác, học Phật chính là khai trí huệ, trí huệ khai mở rồi thì hiểu được làm thế nào để chuyển biến, chuyển thành Pháp duyên. Điều này mới có thể giải quyết được vấn đề.

Thánh Hiền thế xuất thế gian dạy chúng ta cần phải tích công lũy đức, cải thiện một cách triệt để. Tiên sinh Viên Liễu Phàm là một tấm gương, từ xưa đến nay trong và ngoài nước những tấm gương như ông rất nhiều, chỉ là không ghi chép ra thôi, không được lưu thông. Chuyện của ông được viết thành văn tự, người đời sau xem được thấy hoan hỉ, cho lưu thông với số lượng lớn nên chúng ta mới biết được là có một chuyện như vậy. Kỳ thực người giống như tiên sinh Viên Liễu Phàm, giác ngộ, sửa lỗi, thành tựu như thế này thì rất nhiều. Chúng ta cần hiểu rõ, chúng ta cần học tập. Vận mạng là từ đâu mà có vậy? Vận mạng là do chính mình tạo ra. Trong đời quá khứ tạo nghiệp thiện, đời này đến hưởng phước, nếu trong đời quá khứ tạo nghiệp ác thì đời này phải chịu khổ chịu nạn rồi, không phải do người khác tạo cho mình, cũng không phải là Thượng Đế tạo cho mình, cũng không phải vua Diêm La tạo ra cho mình, mà là bản thân chúng ta trồng nhân thế như nào thì đời này sẽ kết thành quả báo như thế đó. Đó chính là tự làm tự chịu. Hiểu rõ chân tướng sự thật thì bất luận là chúng ta hưởng phước hay chịu tội, trong tâm chúng ta vẫn rất bình lặng, sẽ không oán trời trách người. Nhìn thấy người khác có vinh hoa phú quý thì cũng không ao ước, nhìn thấy người khác chịu khổ chịu nạn thì tâm thương xót tự nhiên sanh khởi. Biết được hết thảy sự việc đều là do có nhân nên mới có quả thì chúng ta biết được làm thế nào để cải thiện.

Tổng nguyên tắc, tổng cương lĩnh của việc cải thiện là đoạn ác tu thiện. Chư Phật Bồ-tát các Ngài thực hiện được còn thù thắng hơn chúng ta, cao minh hơn chúng ta. Các Ngài có thể lìa hết thảy tướng mà đoạn ác tu thiện. Chúng ta ngày nay đoạn ác tu thiện, rất tốt, nhưng không làm được việc lìa tướng. Phật nói cho chúng ta biết nhân quả bên trong, nếu lìa tướng đoạn ác tu thiện thì bạn liền chuyển phàm thành Thánh, bạn liền trở thành Bồ-tát, trở thành Phật. Nếu bạn không lìa tướng mà đoạn ác tu thiện bạn sẽ được quả báo trong lục đạo, nói cách khác, đó là việc cát hung họa phước của phàm phu không phải là của Thánh nhân. Sự khác nhau giữa Thánh nhân và phàm phu chính ở chỗ có thể lìa được hết thảy tướng hay không. Việc này chúng ta có thể làm được không? Thật thà mà nói là có thể làm được, chỉ xem bản thân chúng ta có chịu làm hay không mà thôi. Nếu sẵn lòng làm, chịu làm thì không có điều gì là không làm được. Điều này chính là đại phước tối cao, phước báo của người thế gian không thể so sánh được.

Phật đạo là viên mãn rốt ráo trong thập pháp giới, vì sao con người không học Phật? Tại sao không học làm Phật? Tại sao cam tâm tình nguyện làm hàm phu trong lục đạo. Phàm phu trong lục đạo rất khổ, tuy rằng tu được một chút phước, được một chút vinh hoa phú quý, bạn đạt được tài phú, quyền lực, địa vị, nhưng thời gian ngắn ngủi chớp mắt liền qua rồi. Khi hưởng thụ vinh hoa phú quý thì rất dễ tạo nghiệp, vô tri vô giác liền tạo nghiệp, tạo nghiệp gì vậy? Là nghiệp gây trở ngại cho người khác, làm tổn thương người khác. Ví dụ một ngày ăn ba bữa cơm, ăn thịt chính là tổn hại chúng sanh. Động vật cũng là một sanh mạng, trong kinh Phật nói rất hay “Người chết làm dê, dê chết làm người”, con người sau khi chết đọa lạc vào đường súc sanh. Mấy tháng trước đây cư sĩ Tề ở Đông Thiên Mục Sơn kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện xảy ra ở khu vực của bà mà chính bà tai nghe mắt thấy. Buổi tối nọ, một người nông dân lái máy cày về nhà, trên đường gặp năm người muốn ngồi nhờ máy cày của anh ấy, họ muốn nhờ anh đưa họ đến một thôn trang khác nhanh một chút, họ nói có việc rất gấp. Anh ấy nói được, tôi đưa các anh đi, hai mươi đồng một người, tổng cộng là một trăm nhân dân tệ, rồi đưa họ đi. Họ đưa một trăm đồng cho anh, sau khi trở về anh rất vui sướng nhưng kết quả khi xem lại thì đó là tiền giấy vàng mã, anh cho rằng mình bị lừa nên cả đêm không ngủ được. Ngày hôm sau khi trời chưa sáng anh liền lái máy cày đến chỗ hôm qua để tìm người, “sao anh lại đưa tiền giấy cho tôi?” Khi gõ cửa nhà người ta thì họ trả lời là “nhà chúng tôi không có ai đến cả”. “Tôi hôm qua rõ ràng nhìn thấy có năm người đi vào trong nhà anh, sao mà không có ai vào nhà được chứ?” Người chủ nhà nghĩ mãi rồi trả lời là không có ai, thật sự không có ai  đến. “Hôm qua con lợn nái già nhà tôi sanh được năm con lợn con”, anh ấy hết sức ngạc nhiên liền nói “vậy thì tôi phải đi xem mới được, người hôm qua đưa tiền cho tôi trên đầu có đội một cái mũ trắng”. Khi xem năm con lợn con thì quả nhiên có một con lợn con có mấy cái lông trắng trên đầu, nên anh mới vỡ lẽ là tối hôm qua anh gặp ma rồi. Đó là người đi đầu thai, người chết đi biến thành lợn, người ăn thịt lợn trong tương lai biến thành lợn bị người khác ăn lại.

Việc gần đây nhất là một bạn đồng tu ở Thiên Tân đến đây kể cho chúng tôi nghe chuyện người đầu thai làm chó, tôi đều yêu cầu họ ghi hình, băng ghi hình đó có ở đây không? Có thể tìm lại băng ghi hình đó rồi phát cho mọi người xem. Ở Thiên Tân có một bà lão, con trai bà đã mất được hai năm, kết quả đầu thai làm chó, canh cổng ở một ngôi chùa, đã báo mộng cho mẹ anh ấy biết. Mẹ anh ấy đến ngôi chùa đó nhìn thấy chó, chó nhìn thấy mẹ, người và chó ôm nhau mà khóc. Đây không phải là mê tín, hoàn toàn là sự thật. Cho nên hằng ngày ăn thịt động vật thì bạn đã gây tổn hại cho chúng sanh, đã tạo nghiệp rồi. Câu nói này chúng ta không thể nói, nếu nói người ta sẽ nói chúng tamê tín, gây phản cảm. Bình thường chúng ta không nói những lời này nhưng chúng ta hiểu rất rõ ràng rất minh bạch, động vật cũng là một sinh mạng. Chúng ta đời trước cũng từng là súc sanh, trong tương lai vẫn sẽ làm súc sanh. Chỉ cần bạn không thoát khỏi lục đạo luân hồi thì bạn nhất định không tránh khỏi làm súc sanh, làm ngạ quỷ và đọa địa ngục. Trong Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện nói rất tường tận, rất rõ ràng điều này.

Phật thường nói “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Chúng ta được thân người, được nghe Phật pháp là điều hiếm có vô cùng không gì sánh được, nhất định trong đời này làm một cuộc chuyển đổi, hạ quyết tâm không bao giờ tạo lục đạo luân hồi nữa. Vậy có phương pháp nào đạt được mục đích này không? Phương pháp khẳng định là có. Không chỉ là Thích-ca Mâu-ni Phật nói với chúng ta mà hết thảy chư Phật mười phương đều khuyên chúng ta niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tịnh Độ. Dùng pháp môn này thoát ly lục đạo luân hồi rất thỏa đáng, ổn thỏa nên gọi là “Vạn người tu vạn người đi”. Thế nhưng cần hiểu rõ ràng, minh bạch đối với lý luận của Tịnh Độ thì bạn mới không hoài nghi. Bạn hoài nghi thì bạn sẽ không thể xây dựng được lòng tin được. Sau khi hiểu rõ ràng, hiểu minh bạch rồi thì mới đoạn nghi sanh tín. Trong mười hai mươi năm gần đây, chúng tôi tận mắt nhìn thấy người vãng sanh, tận tai nghe thấy người vãng sanh, không bị bệnh mà vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, có người đứng mà vãng sanh, ngồi mà vãng sanh, hoan hỷ mà vãng sanh. Gần đây nguyên hội trưởng của Cư Sĩ Lâm trước đây là lão cư sĩ Trần Quang Biệt vãng sanh rồi, các bạn đồng tu ở đây đều nhìn thấy. Ông là đệ tử Phật lâu năm thế nhưng thật sự nghe kinh, hiểu rõ ràng đạo lý vãng sanh Phật pháp cũng chỉ là ba, bốn năm gần đây. Chúng tôi giảng Kinh ở nơi đây, khi ông sanh bệnh, những băng ghi hình giảng kinh của chúng tôi ông đều mang về nhà. Mỗi ngày xem tám giờ đồng hồ, ông đã xem qua bốn năm, lòng tin kiên cố, vạn duyên buông xuống, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Ông biết ngày giờ vãng sanh trước ba tháng. Ba tháng trước khi ông vãng sanh, người nhà ông nhìn thấy ông viết chữ, viết ngày mùng bảy tháng tám. Ông viết mười mấy chữ ngày mùng bảy tháng tám. Mọi người đều không hiểu được đây là ý nghĩa gì. Ngày mùng bảy tháng tám hôm đó, ông đã vãng sanh, trước đó ba tháng đã biết trước rồi. Khi vãng sanh tinh thần tỉnh táo. Trước khi ông vãng sanh một ngày tôi đi thăm ông, ông rất tỉnh táo. Điều này là chúng tôi tận mắt nhìn thấy, các bạn đồng học xuất gia chúng tôi thay phiên nhau trợ niệm, khi trở về Cư Sĩ Lâm thì oan gia trái chủ của lão cư sĩ Trần đi theo Pháp sư của chúng tôi về Cư Sĩ Lâm. Những oan gia trái chủ này nhìn thấy Lão cư sĩ vãng sanh thế giới Cực Lạc cũng không báo oán, cũng không đòi nợ, tất cả đều hoan hỉ. Họ đến Cư Sĩ Lâm làm gì vậy? Họ yêu cầu được quy y, oan gia trái chủ nhập vào một đồng tu ở Cư Sĩ Lâm, vong nhập vào thân và nói họ có bao nhiêu người, là oan gia trái chủ của lão cư sĩ, họ đến là có thiện ý không có ác ý nên thần Hộ pháp ở cửa cho phép họ vào. Họ đi vào cùng với Pháp sư và yêu cầu quy y nên chúng tôi quy y cho họ. Sau khi quy y xong họ yêu cầu nghe kinh nên chúng tôi giới thiệu giảng đường ở tầng năm ngày ngày giảng kinh, bảo họ đến tầng năm nghe kinh. Họ nói ánh sáng ở tầng năm quá mạnh, họ nói chúng tôi nghe kinh ở đó sẽ rất khó khăn nên yêu cầu nghe kinh ở tầng hai và tầng một ở Cư Sĩ Lâm. Chúng tôi hiện tại mở ti-vi hai mươi bốn giờ đồng hồ không gián đoạn, phát băng ghi hình giảng kinh. Việc mở phát băng ghi hình giảng kinh là để cho quỷ thần nghe. Vị cư sĩ bị vong nhập khuyên anh em trong nhà anh ấy phải nghe kinh, anh ấy nói các anh mà không nghe kinh thì ngay đến quỷ cũng không bằng, quỷ còn đòi nghe kinh. Đây là sự việc xảy ra gần đây của chúng tôi, một chút cũng không giả, không phải là bịa đặt, chúng ta nhất định phải hiểu được, phải minh bạch. Khi hiểu rõ rồi thì sẽ giác ngộ, cuộc đời này của chúng ta cần lợi dụng cái thân thể quý giá này để tu tích công đức chân thật của chính mình thì tiền đồ của chúng ta, kiếp sau của chúng ta sẽ tươi sáng.

Tôi trong bốn mươi năm nay nhìn thấy người vãng sanh rất nhiều. Điều này không phải là truyền thuyết, cũng không phải là ghi chép trên sách xưa mà là tận mắt nhìn thấy, tận tai nghe thấy, một chút cũng không giả. Những người này làm minh chứng cho chúng ta, tu hành chứng quả là có thật, là sự thật. Chúng ta nên chăm chỉ nỗ lực tu học. Hiện tại xã hội này rất động loạn, thời cuộc không yên, toàn thế giới đều như vậy, cần phải chăm chỉ nỗ lực.

Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng tôi giảng đến đây. A Di Đà Phật!