THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Mã AMTB: 19-012-0001 đến 19-012-0195
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN – Tập 12/195 (6B – bộ 128 đĩa)
Các vị đồng học, hôm qua chúng ta đã giảng đến: “Thiên địa hữu tư quá chi thần, y nhân sở phạm khinh trọng, dĩ đoạt nhân toán”. Sau đó nói ra sáu câu. Mỗi câu là một sự việc. “Toán giảm tắc bần hao, đa phùng ưu hoạn”. Hai sự việc này đã được giới thiệu. Hôm nay chúng ta xem việc thứ ba, “nhân giai ố chi”. “Ố” chính là chán ghét, hay nói cách khác, người tạo ác thì người thiện, người quân tử nhất định sẽ xa lánh họ, sẽ không thân cận họ. Trong Ngọc Xu Kinh của Đạo giáo có câu nói là nếu như có một người không tu thiện nghiệp thì chắc chắn có những quỷ thần đến quấy phá họ, khiến cho thần hồn họ điên đảo, thần trí không rõ ràng. Bất luận họ có địa vị cao thế nào, có tiền tài nhiều đến thế nào, bạn bình lặng mà quán sát thì thấy được họ không phải là người bình thường. Vào thời xưa, những đế vương hết thời, sắp bị mất nước, chúng ta xem thấy rất nhiều trong lịch sử, những người này lòng dạ bất thiện, hành vi bất lương, thiện thần cát tinh đều rời xa họ; ác thần ác quỷ thường hay tìm đến cửa, cho nên hành vi của họ bị người thế gian ghét bỏ. Những việc này đều là sự thật, nhất định không thể xem là mê tín.
Ngày nay khoa học kỹ thuật tuy tương đối phát triển, nhưng sự hiểu biết về thiên địa quỷ thần vẫn rất là mơ hồ. Phải đợi khi khoa học kỹ thuật nâng lên cao hơn, mới phát hiện được tình huống sự thật này, lúc đó cách nhìn của chúng ta, hành vi của chúng ta sẽ thay đổi. Nhưng trước khi khoa học đạt đến trình độ này thì chúng ta phải nên tin tưởng lời của Thánh Hiền. Chư Phật Bồ-tát, đại Thánh đại Hiền không lừa gạt chúng ta. Các Ngài giáo hóa chúng sanh là có trí tuệ, có phương tiện khéo léo, vì sao phải lừa gạt chúng sanh? Tất cả chúng sanh, nếu như phát hiện Thích-ca Mâu-ni Phật cả đời giảng kinh nói pháp, trong đó có một câu nào lừa dối chúng sanh thì những gì Ngài đã nói trong 49 năm, chúng ta có thể hoàn toàn phế bỏ, không tin tưởng Ngài. Vào thời xưa, bậc hiền nhân quân tử thế gian mà còn có thể giữ được cả đời không vọng ngữ, huống hồ là Phật Bồ-tát, đại Thánh đại Hiền. Chúng ta nhất định phải ghi nhớ phải hiểu tường tận. Chúng ta có thể tin tưởng lời của Thánh hiền nhân, đây là phước báo của chúng ta; có thể y giáo phụng hành thì chúng ta chắc chắn được đại thiện, đại lợi.
Từ những đạo lý này, cổ đức dạy bảo chúng ta: “Nếu chúng ta gặp phải người ôm lòng oán hận đối với chúng ta, ức hiếp chúng ta, trong những tình huống đó thì chúng ta phải nên làm thế nào?” Người rõ lý thì biết nhẫn nhường. Chúng ta dùng tâm thiện đối đãi với họ, thiên thần chắc chắn bảo hộ chúng ta. Đạo lý này rất sâu. Không hiểu rõ đạo lý này thì chúng ta không chịu làm, còn muốn phản kháng, phản kích. Người thế gian thường nói “đồng cảm với kẻ thế cô”. Người yếu thế luôn dễ dàng có được sự đồng cảm của đại chúng, thiên đạo cũng là như vậy. Người giữ tâm lương thiện, không so đo tính toán với người khác, cho dù bị ức hiếp, bị sỉ nhục, bị bức hại, cũng đều có thể nhẫn chịu, vẫn là dùng cái tâm lương thiện để đối đãi trở lại. Vậy nếu chúng ta bị người ta hại chết thì sao? Hại chết là tốt phước, hại chết thì sanh thiên, không còn ở nhân gian để chịu tội thêm nữa. Khi chúng ta chết thì thiên thần đến đón tiếp, vậy có gì là không tốt chứ? Thế nhưng người ức hiếp người, người hại người, trời sẽ trừng phạt họ.
Người xưa thường nói “thiên tâm nhân thuật” (lòng trời đầy nhân ái), đây là nói thiên thần, thông thường ở trong tôn giáo gọi là “Thượng Đế”. Những thiên thần của cõi trời, họ đều có lòng yêu thương, tuyệt đối sẽ không trừng phạt người biết hối cải. Một người làm sai phải biết hối cải, hối cải thì được chư Phật Bồ-tát hộ niệm, được thiên địa quỷ thần tha thứ, họ không tìm bạn để gây phiền phức. Ngày trước đã làm sai, không hề gì, con người không phải là Thánh Hiền thì làm gì không có lỗi? Có lỗi mà có thể sửa đổi thì không gì tốt bằng. Thế pháp, Phật pháp nói tu hành không gì khác hơn chính là sửa lỗi. Mỗi ngày chúng ta phản tỉnh kiểm điểm, biết lỗi phải sửa.
Biết được lỗi lầm, tôi thường đã nói trong rất nhiều năm, biết được lỗi lầm chính là khai ngộ, sửa đổi lỗi lầm thì gọi là tu hành, phải nỗ lực mà làm, phải thầm lặng mà làm thì bạn mới được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần ủng hộ, sau đó mới thật sự đạt được điều như ngày trước Đại Sư Chương Gia dạy tôi: “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng” (trong cửa Phật có cầu liền có ứng). Bạn liền chứng thực được sự cảm ứng đạo giao. Bất luận chúng ta có được thiên phú, khi sanh ra đã biết; hoặc là ngu si, phải nỗ lực cầu học mới biết, thì sự thành tựu đều là như nhau. Cho nên, chúng ta phải phấn đấu, phải nỗ lực.
Người thế gian thường nói “công đạo tự tại nhân tâm” (lẽ công bằng ở ngay trong lòng người), vậy đối với người làm ác, chúng ta hà tất phải tính toán nhiều với họ. Cho nên một niệm tâm từ bi, một niệm tâm yêu thương này không những phải vĩnh viễn gìn giữ mà còn phải làm cho nó thêm lớn. Giáo lý nền tảng trong Phật pháp dạy chúng ta phải đoạn tham-sân-si. Tham-sân-si là ba độc phiền não, ngạo mạn là đại phiền não vốn có sẵn nhiều đời, phía trước đã nói qua với các vị. Nếu chúng ta không đoạn ngã si, ngã mạn, ngã tham, ngã ái thì chắc chắn không ra khỏi ba cõi, nếu như không đoạn thì niệm Phật vãng sanh sẽ bị chướng ngại nghiêm trọng. Điều này chúng ta nhất định phải biết, nhất định phải cảnh giác. Con người ở thế gian chỉ mấy mươi năm nóng lạnh ngắn ngủi, tại vì sao không làm một người tốt?
Những năm gần đây chúng ta đề xướng “Phong trào bốn tốt” là Giữ Tâm Tốt, Làm Việc Tốt, Nói Lời Tốt, Làm Người Tốt. Làm được bốn điều này thì bạn nhất định được phước báo. Kiết hung họa phước là báo ứng do chính chúng ta tạo tác, không phải người khác mang đến cho chúng ta, chắc chắn là tự làm tự chịu. Làm ác thì có tai ương, có họa hại; làm phước thì nhất định có kiết, có thiện, có lợi. Thánh nhân thế xuất thế gian phân tích cho chúng ta rất nhiều, không nên thấy người khác tạo ác mà dường như là họ được phước, họ trải qua ngày tháng rất tốt. Chúng ta phải nên biết, đó là phước báo lớn mà đời quá khứ họ đã vun bồi. Họ làm ác thì chắc chắn tổn đi phước thọ của họ. Tuy là tổn giảm, nhưng họ vẫn còn dư phước nên họ vẫn tiếp tục hưởng phước. Nếu như họ không tạo ác thì phước của họ càng lớn, thọ mạng của họ càng dài. Chúng ta không có thiên nhãn thông, không có túc mạng thông nên không biết được quá khứ của họ. Người hành thiện tuy hiện tại đời sống rất nghèo khổ, dường như không có được quả báo tốt, đây là nguyên nhân gì? Do đời quá khứ tạo ác quá nhiều nên đời này họ chịu khổ báo. Đời này họ hành thiện, nên khổ báo của họ đã cải thiện được một ít. Loại tăng giảm cộng trừ này, mắt phàm phu chúng ta không thấy được. Thế nhưng nếu tỉ mỉ tư duy, quán sát, bạn cũng có thể thấy được.
Câu kế tiếp nói: “Hình họa tùy chi” (hình phạt và tai họa đeo bám theo kẻ ác). Câu phía trước là “nhân giai ố chi”(người đời đều chán ghét), cái báo này tương đối nhẹ một chút. Còn cái báo “hình họa tùy chi” này thì nặng. “Hình” là hình phạt. Bạn vi phạm pháp luật của quốc gia, quốc gia có hình phạt để trừng trị bạn. “Họa” là đại tai, đại hung. “Tùy” là không rời khỏi bạn. Thái Hư chân nhân nói, nếu người khác dùng tâm hạnh bất thiện để đối với ta, làm cho ta gặp phải những tai nạn thống khổ, ta không những phải tiếp nhận, hơn nữa còn phải dùng thiện tâm, thiện hạnh để đối đãi với họ thì phước đức của ta sẽ thường được sinh ra. Đây là cơ duyên tốt nhất cho mình tu phước, bồi phước.
Phải biết giữa người và người chung sống qua lại là duyên phận. Duyên phận thì có thiện duyên, có ác duyên. Năm xưa tôi giảng kinh ở giảng đường Quang Minh Hồng-Kông. Tôi ở bên đó hai tháng. Giảng đường này là do lão Hòa Thượng Thọ Dã xây dựng. Hiện tại lão Hòa Thượng có lẽ đã 90 tuổi rồi, vẫn còn sống ở New York. Trên giảng đường có một đôi liễn, tôi còn nhớ được rất rõ ràng, câu trên nói: “Vợ chồng là duyên, có thiện duyên, có ác duyên, oan oan tương báo”. Câu dưới viết: “Con cái là nợ, có đòi nợ, có trả nợ, không nợ không đến”.
Câu đối này đã nói ra hết tất cả những việc của nhân sanh, thảy đều nói rõ ràng. Quan hệ giữa người và người chính là bốn chữ này: “Ân, Oán, Đòi Nợ và Trả Nợ”. Chúng ta hiểu được những đạo lý, hiểu rõ những chân tướng sự thật này thì bất luận cùng ở chung với bất cứ người nào, chúng ta đều rất rõ ràng, rất tường tận, chính là những quan hệ như vậy. Nếu như có ân thì hy vọng cái ân này thêm sâu hơn. Nếu như có oán thì oán phải hóa giải. Đây là trí huệ, là thọ dụng chân thật. Chúng ta thiếu nợ người ta thì hân hoan vui vẻ mà trả cho người. Người khác thiếu ta, ta một mực xóa sạch, không nhớ đến nữa. Bạn nói xem, thật là bớt việc. Thường hay giữ cái tâm này, chính là giữ tâm tốt; thường hay làm những việc này, chính là làm việc tốt.
Do đây có thể biết, thiện phước là do chính mình tu, chính mình được thọ dụng; họa phước là do chính mình tạo. Chính mình không chịu tiếp nhận đạo lý này, không chịu tiếp nhận sự thật này, người có ân với ta, nhìn thấy họ có việc nho nhỏ không vừa ý thì liền vong ân bội nghĩa; người có oán đối với ta thì luôn luôn nhớ nghĩ, luôn muốn báo thù; thiếu nợ người ta thì không trả; người ta thiếu nợ mình thì nghĩ hết cách để đòi lại. Đây là tạo tội nghiệp. Cái tội nghiệp này nhất định là đọa ở ba đường. Bạn cùng với những oan gia trái chủ này đời đời kiếp kiếp không hề kết thúc. Đây là ngu si, trong Phật pháp gọi là “kẻ đáng thương xót”.
Chúng ta học Phật đã học được đến đâu rồi? Ngay đến những đạo lý chân tướng sự thật này mà còn không hiểu rõ thì chúng ta làm thế nào để tự cầu đa phước đây? Phước báo không phải Phật Bồ-tát cho chúng ta, không phải Thượng Đế cho chúng ta, cũng không phải thiên địa quỷ thần cho chúng ta, mà chính chúng ta phải cầu. Trồng nhân thiện, nhất định được quả thiện; bạn tạo nhân bất thiện, chắc chắn có quả báo bất thiện. Đây là Phật dạy chúng ta trong cuộc sống hằng ngày phải làm người như thế nào, làm thế nào đối nhân xử thế tiếp vật.
Trong kinh Hoa Nghiêm có nói thế gian này của chúng ta là ngũ trược ác thế. Hiện nay có thể nói là trược ác đến cùng tột. “Trược” nghĩa là ô nhiễm, không những hiện nay địa cầu bị ô nhiễm nghiêm trọng, đây là việc mà mọi người đều biết. Có rất nhiều người đang nghiên cứu thảo luận làm thế nào phòng ngừa ô nhiễm, cải thiện môi trường sinh hoạt, họ nghĩ được cũng không tệ. Thế nhưng sự việc này có thể làm được viên mãn hay không? Khẳng định là không thể! Vì sao chúng tôi khẳng định họ không thể làm được? Bởi vì trong kinh Phật nói rất rõ ràng: “Y báo tùy theo chánh báo mà chuyển”. Chánh báo là gì vậy? Chánh báo là lòng người, chánh báo đã bị ô nhiễm rồi, hiện nay rất ít người nhắc đến. Ngày nay tư tưởng chúng ta bị ô nhiễm, kiến giải bị ô nhiễm, đây là tất cả cội gốc của ô nhiễm, mê hoặc điên đảo. Tinh thần của chúng ta bị ô nhiễm đã đến giai đoạn rất nghiêm trọng mà vẫn chưa được mọi người phát hiện một cách rộng rãi, vẫn chưa được xã hội xem trọng, đây là điều rất bất hạnh.
Giáo huấn của Phật-đà, giáo huấn của Thánh nhân, việc lớn thứ nhất chính là dạy chúng ta tu tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì thân liền thanh tịnh. Thân tâm thanh tịnh thì hoàn cảnh đời sống của chúng ta liền thanh tịnh. Nhiều đồng tu nhìn thấy tôi, đều ngưỡng mộ tôi về sự khỏe mạnh, dường như không nhìn thấy sự già yếu, họ hỏi tôi do nguyên nhân gì? Không có nguyên nhân. Đời sống của tôi giống y mọi người, trải qua rất đơn giản. Thế nhưng tôi hiểu được một đạo lý là “tâm thanh tịnh thì thân liền thanh tịnh”. Làm thế nào tu tâm thanh tịnh? Đọc kinh, niệm Phật, giảng kinh. Các vị phải nên biết, đọc kinh, niệm Phật, giảng kinh là thân cận Phật Bồ-tát; ngày ngày thân cận Phật Bồ-tát. Một ngày không đọc kinh, một ngày không niệm Phật, một ngày không giảng kinh thì đã rời xa với Phật Bồ-tát, cúng tượng Phật ở ngay trước mặt cũng không ích gì. Chúng ta phải tâm tâm tương ứng với Phật Bồ-tát, tinh thần kết hợp lại với nhau thì mới được chư Phật hộ niệm. Tự nhiên liền buông xả danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần, “tham-sân-si-mạn” của thế gian. Vấn đề là bạn mỗi ngày làm bạn với ai, cùng ở chung với những người nào? Tôi phần lớn thời gian cùng ở chung với Phật Bồ-tát.
Các vị đồng tu đều biết, ngày trước khi Hàn Quán trưởng còn sống, tôi cảm cái ân của bà nên dùng một phần thời gian để lo cho bà. Bà thích đi chỗ nào thì tôi nhất định sẽ cùng bà đến nơi đó. Đưa bà đi chơi mà tôi vẫn dụng công không gián đoạn, tôi niệm Phật, trên người tôi vẫn mang theo một quyển kinh, có rất nhiều đồng tu ở chung với tôi đều biết. Hiện nay Hàn Quán Trưởng vãng sanh rồi, tôi dùng toàn bộ tinh thần vào đọc kinh, bởi vì tôi còn phải giảng kinh. Tuy giảng được rất thuần thục, nhưng vẫn phải đọc. Không đọc thì làm sao có thể thâm nhập? Nghĩa kinh thì không cùng tận, sâu rộng vô tận.
Người xưa nói “đọc trăm lần không chán”, đó là nói sách vở thế gian, còn kinh Phật thì từ sơ phát tâm đến quả địa Như Lai đều đọc không chán, đều đọc không mệt mỏi. Đọc một lần thì có chỗ ngộ của một lần, có thọ dụng của một lần, siêu phàm nhập Thánh. Đọc kinh như vậy là một pháp môn, một phương pháp. Chúng ta nên biết, người nào có phước nhất trên thế gian? Người ngày ngày đọc kinh là có phước, người ngày ngày thân cận với Phật Bồ-tát là người có phước báo. Phật Bồ-tát đối với mọi người là bình đẳng, vì sao chúng ta không thân cận? Phật Bồ-tát trước giờ chưa từng cự tuyệt một người nào, cho dù là người tạo tác ngũ nghịch thập ác, Phật Bồ-tát cũng không trách cứ họ. Hễ họ chịu thân cận Phật Bồ-tát thì quay đầu là bờ. Chúng ta hiểu rõ đạo lý này, biết được chân tướng sự thật này thì phải nên phấn đấu; phải nên mau quay đầu, làm bạn với Phật Bồ-tát gia nhập vào câu lạc bộ Phật Bồ-tát. Bạn nói xem việc này thật là tự tại.
Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ học đến đây.
A Di Đà Phật!