THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Mã AMTB: 19-012-0001 đến 19-012-0195
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN – Tập 82/195 (45A – bộ 128 đĩa)
Mời xem hai đoạn 33, và đoạn 34:
“Sở vị thiện nhân, nhân giai kính chi, thiên đạo hựu chi, phước lộc tùy chi, chúng tà viễn chi, thần linh vệ chi”. (Người được coi là thiện nhân ai cũng đều kính trọng, đạo trời giúp đỡ họ, phước lộc thuận theo, các thứ tà quái tránh xa, do họ được thần linh hộ vệ.)
Tiêu chuẩn làm người thiện rất nhiều, tiêu chuẩn cao nhất đó là đại Thánh đại Hiền, trong Kinh Vãng Sanh gọi là “nơi các bậc thượng thiện cùng hội tụ”. Câu nói này không phải là Phật tùy tiện nói, mà thật sự là Phật đã lập ra tiêu chuẩn cho chúng ta. Tiêu chuẩn này chính là “Tịnh Nghiệp Tam Phước” ở trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Ba điều mười một câu đều làm được thì đó chính là thượng thiện. Nếu như làm được hai điều phía trước, một điều phía sau chưa làm được thì đó là trung thiện. Nếu chỉ có thể làm được điều thứ nhất, còn điều thứ hai và điều thứ ba chưa làm được thì là hạ thiện. Thế nhưng điều thứ nhất người làm được không nhiều, cho nên người niệm Phật nhiều, mà người vãng sanh ít. Tại sao vậy? Sanh về Thế giới Tây Phương Cực Lạc nhất định phải là người thiện.
Ở trong điều thứ nhất có bốn câu; câu thứ nhất là “hiếu dưỡng phụ mẫu”, câu thứ hai là “phụng sự sư trưởng”, câu thứ ba là “từ tâm bất sát”, câu thứ tư là “tu thập thiện nghiệp”. Bốn câu này chúng ta có làm được hay chưa? Nếu như bốn câu này bạn chưa làm được thì cho dù bạn niệm Phật ngày đêm không gián đoạn, cổ nhân gọi là bạn niệm đến mức giống như tường đồng vách sắt, nhưng vẫn không thể vãng sanh. Tại sao vậy? Vì bạn không phải người thiện. Thế giới Cực Lạc là nơi người thiện tụ hội, không những là người thiện, mà là người thượng thiện tụ hội, vậy bạn sao có thể đến đó được? Trong Kinh Vô Lượng Thọ nói điều kiện với chúng ta là “phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”.
Câu “phát Bồ-đề tâm” này là ở chỗ nào vậy? Trong Tam Phước, câu đầu tiên của điều thứ ba: “Phát Bồ-đề tâm, thâm tín nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”, đây là thượng thiện. Cho nên, người phát tâm Bồ-đề chính là người thượng thiện. Thế nào gọi là tâm Bồ Đề? Tâm Bồ-đề là tâm giác ngộ chân chánh. Bồ-đề là tiếng Phạn, ý nghĩa là giác ngộ, thật sự giác ngộ rồi. Tiêu chuẩn của giác ngộ là gì? Trong Kinh Kim Cang nói “phàm cái gì có tướng đều là hư vọng”, đây chính là tiêu chuẩn của giác ngộ. Nếu như bạn đối với câu nói này thật sự giác ngộ rồi, thì cái gì bạn cũng buông xả hết, làm gì còn có cái không thể buông xả chứ? Là hư vọng mà, không có gì mà không buông được! Buông xả được thì không còn là phàm phu, mà là đại Thánh. Đại Thánh đã buông xả triệt để rồi. Câu Kinh văn này chúng ta đọc rất quen thuộc, nhưng mà đạo lý bên trong vẫn chưa có thấu. Chúng ta chưa buông xả là chúng ta chưa có giác ngộ. Phật dùng ví dụ nói cho chúng ta biết, chân tướng của vũ trụ nhân sinh “như mộng huyễn bọt bóng, như sương như điện chớp”, bảo chúng ta “nên quán sát như thế”. Cách nhìn như vậy là cách nhìn của chư Phật Như Lai, là cách nhìn chân thật nhất, không hề thấy sai tí nào cả. Thật sự thấy tất cả pháp rõ ràng, thấy minh bạch rồi, bạn vẫn còn có lo buồn, còn có phiền não sao? Trong tâm bạn còn có vướng bận sao? Không có, không lo nghĩ gì nữa. Đó chính là chỗ mà Đại Sư Huệ Năng đã nói: “Xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi dơ”. Tại sao Ngài có thể làm được? Đối với hai câu nói của Phật, Ngài thật sự hiểu rõ rồi, đây chính là tâm Bồ-đề. Tâm Bồ-đề hiện tiền, thực hiện vào trong đời sống thì hiếu dưỡng phụ mẫu mới có thể làm viên mãn.
Sao gọi là hiếu? Phần trước đã nói với quí vị rất nhiều rồi, cổ nhân nói rất hay, chữ “hiếu” này là gộp cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái thành một người, đây là hiếu. Nó không phải phân chia ra, mà nó là một chỉnh thể. Cha con, anh em, vợ chồng, con cái là một chỉnh thể. Chúng ta xem ra cũng khá, nói thật là có mấy phần giống, là tiểu hiếu. Bạn thử xem chư Phật Như Lai, Pháp Thân Đại Sĩ, các Ngài gộp hư không pháp giới tất cả chúng sanh thành một thể, cái hiếu này mới viên mãn. Nếu chúng ta đối với cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái, “anh là anh, tôi là tôi”, thì là đại bất hiếu. Ý nghĩa của chữ “hiếu” bạn cũng không hiểu thì bạn làm sao thực hiện được? Chư Phật Như Lai, chư đại Bồ-tát, các Ngài đương nhiên là như ở đây đã nói: “Nhân giai kính chi, thiên đạo hựu chi”. Chữ thiên đạo đó là thiên thần phù hộ họ, bảo vệ họ. Họ gộp tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới thành một thể, cho nên mới có cảm ứng như vậy, đó mới gọi là người thiện chân thật. Chúng ta tự mình thử nghĩ, đến khi nào mới có thể đạt đến trình độ này? Nói ở trên lý, chỉ trong khoảng một niệm, chỉ cần bạn đem ý nghĩ chuyển trở lại, bạn liền chuyển phàm thành Thánh, liền chuyển mê thành ngộ. Ý nghĩ không chuyển lại được thì vĩnh viễn trầm luân trong sinh tử của phàm phu. Ý nghĩ chuyển trở lại rồi, liền siêu phàm nhập Thánh.
Chúng ta phải bắt đầu chuyển từ đâu? Chính là đem vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chuyển trở lại. Những thứ này hại chúng ta vô lượng kiếp đến nay, đời đời kiếp kiếp tạo lục đạo luân hồi, kết vô lượng vô biên ân oán nợ nần với tất cả chúng sanh. Có thể trả hết không? Không thể. Cái ân oán nợ nần này chỉ có từng đời từng đời tăng lên thêm, chắc chắn tiêu trừ không nổi. Quí vị thử nghĩ, có phải là tình trạng này hay không? May mà Phật đem chân tướng sự thật này nói rõ cho chúng ta biết, những ân oán nợ nần này giống như bóng đen vậy, tuy đời đời kiếp kiếp đang tích lũy, đang tăng thêm, tuy nó là một vùng đen tối nhưng một ngọn đèn liền phá tan nó, cũng như căn phòng tối suốt ngàn năm, một ngọn đèn thì có thể phá trừ nó. Đây là nói điều gì vậy? Quay đầu là không còn nữa. Đọa lạc ở bên trong thì đền trả không có ngày dứt, điều đáng quý là biết quay đầu. Ân đức của Phật đối với chúng ta là ở chỗ này, không có lời dạy của Phật thì chúng ta đâu biết những chân tướng sự thật này, làm sao biết quay đầu? Đây là đại ân đại đức của Phật đối với chúng ta. Quay đầu trở lại, đây mới gọi là người thiện thật sự. Chúng ta biết bản thân mình có vô lượng vô biên tội lỗi, điều này đâu phải là giả. Bản thân ta có vô lượng vô biên tội lỗi, tất cả chúng sanh cũng có vô lượng vô biên tội lỗi, không khác gì với chúng ta. Ta có thể thứ lỗi cho mình, có thể tha thứ cho mình thì tại sao không thể tha thứ người khác, thứ lỗi người khác? Cổ nhân dạy người rất hay, dạy chúng ta lấy cái tâm tha thứ mình để tha thứ cho người thì oan kết với người liền có thể hóa giải, dùng cái tâm chỉ trích người khác để chỉ trích mình thì mới có thể sửa chữa lỗi lầm. Đây là những lời dạy rất hay, chúng ta cần nhớ kỹ, cần nên y giáo phụng hành.
Hiếu dưỡng phụ mẫu là dưỡng cái thân của cha mẹ, dưỡng tâm của cha mẹ, dưỡng chí của cha mẹ, đem tâm lượng hiếu dưỡng cha mẹ mở rộng đến tất cả chúng sanh, xem tất cả chúng sanh đều là cha mẹ ta, tất cả chúng sanh đều là chư Phật Như Lai, hiếu dưỡng, phụng sự đạt đến hư không pháp giới thì thiện hạnh này mới viên mãn. Phật làm được rồi, Pháp Thân Đại Sĩ làm được rồi, tại sao chúng ta làm không được? Chính là do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước làm hại chúng ta, hại chúng ta không làm được, hại chúng ta vĩnh viễn làm người ác. Với tiêu chuẩn đó của người thiện ở trong Phật pháp, chúng ta ngoài rìa cũng còn chưa chạm được. Đây là điểm khó của Phật pháp. Nhưng điểm khó này không phải không thể khắc phục, nếu bạn có quyết tâm, có nghị lực, có trí huệ thì bạn có thể khắc phục. Trí huệ là hiểu rõ chân tướng sự thật. Quyết tâm, nghị lực khắc phục vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của mình, cảnh giới của bạn liền được nâng cao, nâng cao với biên độ rất lớn.
Chúng ta ngày nay tuy nói là phát tâm rồi, học Phật rồi, muốn giúp đỡ chúng sanh, thực ra là có ý nghĩ như vậy, nhưng ý nghĩ này là vô cùng yếu ớt, hay nói cách khác, không coi chúng sanh ra gì, coi trọng bản thân mình, coi mình lúc nào cũng 99%, chúng sanh chỉ chiếm 1%, không hề suy nghĩ thay người khác, không có ý nghĩ thật sự giúp đỡ người khác, cho nên trí huệ không khai. Người khác không có lỗi, lỗi đều ở chính mình.
Thật sự muốn tu thiện, Phật pháp dạy học có ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là đoạn ác tu thiện. Tiêu chuẩn thấp nhất của thiện ác chính là thập ác nghiệp, thập thiện nghiệp. Tiêu chuẩn thấp nhất này vẫn chưa đạt đến ngũ giới. Phật giáo hóa chúng sanh, tiêu chuẩn thấp nhất chúng ta có làm được chưa? Môn học này thật sự làm tốt rồi, học tập viên mãn rồi thì từ đây mới nâng lên đến năm giới, nâng lên đến mười giới. Nếu các bạn nghĩ đến được chỗ này thì sao có thể không hổ thẹn? Bạn thọ giới gì chứ? Mười thiện của người thế gian còn làm không được thì nói gì đến giới? Hiện nay mọi người cùng nhau sống lay lất qua ngày, không có cần mẫn làm. Nếu thật sự cần mẫn làm thì chắc chắn không được mơ mộng viễn vông. Bạn xuất gia, người ta gọi bạn một tiếng “sư phụ”, một tiếng “sư phụ” này là đưa bạn đi đến địa ngục A-tỳ rồi. Tại sao vậy? Bạn có phải là sư phụ không? Bạn có xứng làm sư phụ không? Sư phụ, mức tối thiểu là ngũ giới, thập thiện phải làm được. Làm được thập thiện mà chưa làm được ngũ giới vẫn không thể gọi là sư phụ. Đây là chúng ta đem tiêu chuẩn hạ thấp đến mức không thể thấp hơn rồi, còn thấp hơn tiêu chuẩn của Phật. Tiêu chuẩn của Phật gọi bạn là tiểu sư. Tiểu sư là gì? Là Sa-di. Thử hỏi xem, “Mười giới Sa-di”, “Hai mươi bốn oai nghi” bạn có làm được chưa? Làm được rồi mới gọi là tiểu sư. Người ta xưng hô bạn, danh không phù hợp với thực là bạn phải đọa lạc. Cái danh xưng này dễ xưng hô sao? Thế mà còn xưng là Đại Sư, vậy thì nguy to. Người thế nào mới được xưng Đại Sư? Pháp Thân Đại Sĩ mới được xưng Đại Sư. Ở trong cửa Phật chúng ta, quí vị thử xem Cao Tăng Truyện, có người nào dám xưng là Đại Sư? Bồ-tát Văn Thù, Bồ-tát Phổ Hiền, Bồ-tát Quan Âm đều không dám xưng, các Ngài xưng là Đại Sĩ, không dám xưng Đại Sư. Ai xưng Đại Sư vậy? Chỉ có Phật mới xưng là Đại Sư. Danh xưng này dám tùy tiện gọi sao? Bạn không phải Phật, người ta gọi bạn là Đại Sư, đó là bạn giả mạo Phật, mạo xưng Phật thì nguy to! Bạn đi ra ngoài giả mạo tổng thống, lập tức người ta bắt giam bạn vào tù rồi, xử tội bạn rồi, vậy bạn giả mạo Phật thì có nguy không? Cho nên chúng ta phải luôn hiểu rõ, học Phật chính là học làm một người sáng suốt, không nên học thành một người mơ hồ. Người thật thà vẫn còn được rất nhiều người tôn kính. Tại sao vậy? Vì bạn là người thật thà, bạn là người yên phận. Thật thà, yên phận, nhất định không thể cuồng vọng, không thể hư ngụy, không thể kiêu mạn. Cần mẫn nỗ lực học tập theo Phật, nhất định phải đoạn tập khí. Tập khí phiền não của chúng ta quá nặng, quá nặng. Tập khí xấu nhất chính là ưa thích nghe ngóng chuyện của người khác, trong đầu đầy thị phi nhân ngã, đây là tập khí xấu nhất, dễ dàng tạo nghiệp nhất. Nếu làm việc phá hoại Tam Bảo thì tội nghiệp này là nặng rồi, trong Kinh Phát Khởi Bồ-tát Chí Nhạo, Phật nói tội nghiệp này là đọa ở địa ngục A-tỳ, vậy tại sao bạn phải tạo nghiệp? Bạn có cái miệng này, tại sao không khuyên người làm việc tốt nhiều hơn, mà lại muốn nói lỗi lầm của người ta, muốn tạo vô lượng vô biên tội nghiệp? Một người thông minh hay hồ đồ sẽ bộc lộ ra vô cùng rõ rệt ở chỗ này, người thiện người ác cũng ở chỗ này mà phân biệt ra được.
Đọc Kinh, dạy học chẳng qua là để rõ lý. Thế xuất thế gian việc đại thiện hàng đầu chính là dạy học. Khổng Lão Phu Tử cả đời dạy học, Thích-ca Mâu-ni Phật cả đời dạy học, bản thân các Ngài dạy người chính là hai sự việc, thứ nhất là dạy học, thứ hai là sửa lỗi. “Học rồi mà không chịu dạy, có lỗi mà không chịu sửa”, đây là hai sự việc mà Khổng Lão Phu Tử cả đời lo buồn. Học rồi mà không chịu dạy, bạn học rồi thì phải giảng, bạn hiểu ý nghĩa này không? Học rồi thì phải giảng, giảng nhiều cho người khác nghe, đến khắp nơi khuyên bảo mọi người. Có lỗi thì phải sửa. Bạn học rồi không chịu giảng, chính là lỗi lầm lớn nhất của bạn. Bạn nói: “Tôi không có cơ hội giảng thì sao?”. Từ sáng đến tối, bạn không có gặp được một người nào sao? Gặp được một người thì giảng với một người, gặp được hai người thì giảng với hai người. Nếu thật sự không gặp được ai, thì làm giống như Sanh Công vậy, giảng cho đá nghe. Ưa thích giảng, ưa thích độ chúng sanh, ưa thích giúp đỡ người khác. Bạn nên biết, khuyên người khác cũng là khuyên mình. Số lần khuyên nhiều rồi, thời gian lâu rồi như mưa dầm thấm sâu, trong vô hình trung, mình đã thay đổi, chính mình thật sự tỉnh ngộ trở lại. Có thể thấy hiệu quả dạy học lớn biết bao, sao có thể không giảng được? Hiện nay thuận tiện hơn nhiều so với trước đây. Bạn mua máy ghi âm, mua máy ghi hình, không có người giảng thì giảng với máy. Sau khi giảng xong khi mở ra, thử nghe lại. Bạn giảng cho máy nghe, máy giảng lại cho bạn nghe. Điều này ở thời đại ngày nay, lợi dụng khoa học kỹ thuật cao tu học, ngăn lỗi, khuyến thiện. Chúng ta dùng phương pháp này để giúp đỡ mình, có cơ hội phải giúp đỡ người khác, nhất định không được bỏ lỡ cơ hội. Ta biết bao nhiêu thì giảng bấy nhiêu, cái gì không biết thì không giảng, vậy thì tránh phải giảng sai. Cái gì biết thì cần nên giảng, có gì nghi ngờ nhất định phải hỏi, thỉnh giáo người khác, lắng nghe sự hướng dẫn của người khác nhiều. Khi có những ý kiến bất đồng thì cần phải có trí huệ năng lực phân biệt, cần có tâm lượng bao dung rộng lớn, chúng ta mới có thể khai trí huệ, như vậy đạo nghiệp mới có sự tiến bộ.
Mấy câu tiếp theo đều dễ hiểu, không cần nói nhiều.
“Nhân giai kính chi”. Đây là điều rõ ràng dễ thấy, như Khổng Lão Phu Tử, Thích-ca Mâu-ni Phật, chư Bồ-tát là người của mấy ngàn năm trước, người hiện nay nhắc đến vẫn là tôn kính các Ngài.
“Thiên đạo hựu chi”, thiên thần phù hộ họ.
“Phước lộc tùy chi”. Bạn thật sự có tâm thiện, ý thiện, hạnh thiện, thì không có phước báo bạn cũng được phước báo. Phước từ đâu mà có vậy? Phước từ thiện mà có. Cảm ứng của thiện chính là phước lộc.
“Chúng tà viễn chi” (“tà” là chỉ yêu ma quỷ quái), yêu ma quỷ quái tự nhiên sẽ tránh xa bạn.
“Thần linh vệ chi”, thần hộ pháp bảo vệ bạn. Đây là nói quả đức, bạn nhất định đạt được.