THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Mã AMTB: 19-012-0001 đến 19-012-0195
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN – Tập 136/195 (79A – bộ 128 đĩa)
Các vị đồng tu, xin chào mọi người!
Xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn kinh văn thứ 69:
“Sính chí tác uy, nhục nhân cầu thắng” (Phô trương oai thế cho thỏa chí. Làm nhục người khác để giành phần thắng).
Câu tiếp theo: “Bại nhân miêu giá. Phá nhân hôn nhân.” (Hủy hoại mùa màng của người khác. Phá hoại hôn nhân của người khác).
Chúng ta xem hai câu này trước. Chú giải của Vựng Biên có nói một đoạn nhỏ như sau: “Bậc quân tử chánh trực, nghiêm khắc với chính mình, đối đãi ôn hòa, gia ân cho người khác; người khác tuy sợ nhưng yêu mến”. Đây là cổ Thánh tiên Hiền dạy chúng ta nguyên tắc làm người, cũng là bổn phận làm người.
Nhà Nho chia người đọc sách, người có đức hạnh làm ba cấp độ: Thánh nhân, Hiền nhân và Quân tử. Danh xưng Quân tử chính là nói học vấn của bạn đã có thành tựu, giống như ngày nay học tập tại trường đã được bằng cấp, học vị. Do đó, Quân tử chính là học vị đầu tiên, giống như học vị cử nhân hay đã tốt nghiệp đại học. Người thời xưa gọi đây là Quân tử. Tiêu chuẩn làm người của họ là chánh trực, đoan chánh. Tâm chánh trực, hành vi chánh trực. Hai chữ này trong Phật pháp chúng ta thường nói là: như lý như pháp. Hợp với lý luận, hợp với đạo lý, hợp với phép tắc, hợp với nhân tình. Tình, lý, pháp đều có thể làm được rất viên dung. Đó chính là đối đãi với chính mình thì nghiêm khắc, đối đãi với người khác thì hòa huệ. Hòa là hòa bình, huệ là ân huệ. Chung sống với người khác nhất định phải hòa thuận, nhất định phải bình đẳng, nhất định phải giúp đỡ người khác. Chữ “huệ” ở đây chính là giúp đỡ người khác, có thể thành tựu cho người khác. Đó chính là đức hạnh của Quân tử.
Tiêu chuẩn của nhà Nho là như vậy. Tiêu chuẩn của nhà Phật cũng như vậy. Trong Phật pháp nói càng rõ ràng hơn. Đó là tam phước, lục hòa, tam học, lục độ. Các khoa mục của nhà Phật đều không xa rời bốn chữ này: Chánh, Trực, Hòa, Huệ.
Các bạn đồng tu học Phật chúng ta đặc biệt cần chú ý, nếu như người còn không làm được thì làm sao có thể thành Phật được chứ? Hai câu này của Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, ý nghĩa trên thực tế là khuyên chúng ta đối nhân xử thế phải khiêm tốn, cung kính. Mặc dù có tranh chấp, chúng ta có lý và dùng lý lẽ thuyết phục người khác, nhưng e rằng có thể khiến người khác khởi lòng oán hận. Huống hồ nếu như lý do của chúng ta không đầy đủ thì sẽ tạo tội nghiệp. Đó gọi là ỷ thế ức hiếp người khác.
Phạm vi chữ “thế” ở đây rất rộng. Người ngày nay thông thường đa phần đều tự cho rằng mình đúng. Cho nên, họ phô trương thanh thế, thỏa thích làm hùm làm hổ. “Làm nhục người khác để dành phần thắng” thì càng không thể chấp nhận được, đó là cố ý sỉ nhục người khác. Vì sao họ muốn làm như vậy? Là vì họ muốn đề cao bản thân. Chúng ta đã từng nghe nói: có một số người gặp những người có địa vị tương đương họ hoặc là cao hơn họ, họ phê bình, làm nhục những người đó trước đại chúng. Mục đích của họ là gì? Là để cho người khác thấy bản thân họ cao hơn những người đó. Cách làm này trên thực tế chỉ là tự dối mình gạt người. Người chân thật có đức hạnh, có học vấn, có tu dưỡng nhìn thấy, nghe thấy rồi sẽ hiểu rõ ngay. Tiền đồ tương lai của bạn thế nào họ nhìn thấy rất rõ ràng, rất minh bạch. Nhưng thật ra mà nói điều này chính là tự làm nhục bản thân mình. Người khác có bị tổn hại không? Không hề!
Trong chú giải nói tiếp: “Nếu hở ra liền phô trương oai thế, ỷ thế bức hiếp người khác thì dẫu được kẻ khác nín chịu, nhưng người ta chẳng mến mộ đức, làm sao có thể cao hơn kẻ khác cho được”. Đối với hành vi này, người khác tuy bề ngoài có vẻ bị khuất phục bởi uy đức của bạn nhưng kỳ thực tâm họ không phục. Như vậy, bạn làm sao có thể lãnh đạo người khác được? Làm sao có thể lãnh đạo quần chúng được? Một nhà lãnh đạo thành công nhất định sẽ hết sức khiêm tốn, biết nhịn nhường, lấy lễ đối người.
Chú giải chỗ này nói rất hay, “lấy chánh trực đối đãi bản thân, lấy ôn hòa, ân huệ đối đãi người khác”. Người như vậy bất luận trong thế pháp hay Phật pháp nhất định sẽ thành tựu. Nhà Nho nói “chánh tâm, thành ý”, tuân thủ giáo huấn của Thánh hiền. Giáo huấn cơ bản của Thánh Hiền nhân đối với hết thảy chúng sanh hầu như đều tương đồng. Nhà Nho dạy người giữ lễ, nói năm chữ: “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”. Đây chính là nền tảng để làm người, căn bản để làm người. Nếu có thể tuân thủ theo thì chính là chánh trực đối đãi với bản thân mình.
Nhà Phật nói ngũ giới, Thiên Chúa giáo, Cơ Đốc giáo nói mười điều răn trong kinh Tân Cựu Ước. Trong mười điều răn đó, ba điều răn đầu tiên nói về “phụng thờ đức Chúa Trời”. Tôi đã đọc rồi, nếu so với trong nhà Phật thì chúng ta thường nói là “Không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn” chính là ý này. Chỉ có điều đối tượng họ hướng đến là Thượng Đế. Đối với Thượng Đế không hoài nghi, tâm kính ngưỡng đối với Thượng Đế không xen tạp, không gián đoạn. Điều thứ tư trong mười điều răn là “hiếu thuận cha mẹ”, những điều răn tiếp theo chính là năm giới mà nhà Phật nói đến. Trong năm giới nhà Phật chúng ta nói không sát sinh, bên họ nói không được giết người. Đây là điều khác biệt, phạm vi nói đến của nhà Phật rộng hơn. Phạm vi nói đến của họ nhỏ, chỉ là cấm không được giết người. Những điều răn còn lại như: không tà dâm, không trộm cắp, không uống rượu, bên họ đều có. Bên họ cho phép uống rượu nhưng nhất quyết cấm không được nát rượu, cấm không được say rượu, bạn có thể uống rượu nhưng không được uống say.
Vì vậy, chúng ta thấy trong thế xuất thế gian các vị Thánh Hiền giáo hóa chúng sanh trên tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc là tương đồng. Nếu làm trái những nguyên tắc trên thì là đại ác. Phải ôn hòa, ân huệ đối đãi người khác. Phật chế định cho chúng ta, khi đối đãi với hết thảy chúng sanh phải dùng “lục hòa, lục độ” mà đối đãi. Nhà Phật nói rất cụ thể, đặc biệt là lấy “lục hòa” làm cơ bản. Vì sao chúng ta ngày nay không làm được điều này? Nguyên nhân làm không được chính là không làm được “kiến hòa đồng giải”. Do không làm được điều này nên những điều tiếp theo cũng đều không làm được.
Vì sao chư Phật Bồ-tát có thể làm được hoàn thiện như vậy? Đó là vì các Ngài đã làm được điều đầu tiên, điều đầu tiên rất khó làm, đó là kiến giải của bạn, cách nghĩ, cách nhìn của bạn phải tương đồng. Tương đồng với ai? Tương đồng với chư Phật Bồ-tát. Cách nhìn, cách nghĩ của chư Phật Bồ-tát về hết thảy chúng sanh trong vũ trụ là một thể đồng nhất. Người ngày nay thường nói là cùng chung một thể sanh mạng. Do đó, hết thảy chúng sanh trong hư không pháp giới chính là pháp thân thanh tịnh của các Ngài. Chúng ta thì không có quan niệm này, mà mỗi người có cách nghĩ riêng, mỗi người có cách nhìn riêng, luôn không thể nào tương đồng được. Người thực sự giác ngộ thì “kiến” mới có thể đồng giải.
Tuy nhiên, khi dạy Phật pháp sơ học, thì [người học] cần nhận được sự giáo dục tốt. Vậy sơ học là dạy lúc nào? Đó là lúc vẫn còn nhỏ. Sau khi trưởng thành thì không có cách nào dạy được. Người xưa hiểu rõ đạo lý này, cho nên dạy người nhất định là dạy họ khi còn là trẻ nhỏ. Tại thời điểm này cắm gốc cho chúng, chúng hồn nhiên ngây thơ, chúng nghe lời, bạn có thể áp đặt chúng, làm hình mẫu cho chúng rất dễ dàng. Người trưởng thành rồi thì họ có cách nghĩ riêng, có cách nhìn riêng. Họ sẽ không tiếp nhận ý kiến của người khác, nên không có cách gì dạy được nữa.
Trước đây khi chúng tôi theo học với lão sư Lý, thầy thường nói: thời gian chân thật dạy học là khi trẻ còn nhỏ, trước hai mươi tuổi. Đó mới là giáo dục chính quy. Từ hai mươi tuổi đến bốn mươi tuổi, giai đoạn này gọi là giáo dục bổ túc, sau bốn mươi tuổi thì không thể dạy được nữa. Người này đã định hình rồi, bất cứ điều gì cũng tùy thuận họ. Tuy rằng họ có ác nghiệp, ác hạnh, chúng ta cũng đành phải tùy thuận họ, không thể kết oán thù với họ. Trước bốn mươi tuổi chúng ta còn có thể khuyên nhủ họ, sau bốn mươi tuổi thì không thể được, sẽ kết oán thù với họ. Nếu người có thể tiếp thu sự khuyên nhủ của người khác thì đó là người có thiện căn vô cùng sâu dày. Nếu người không có thiện căn sâu dày thì sau bốn mươi tuổi họ còn có thể nghe bạn khuyên hay không? Đó là điều không thể. Những đạo lý này chúng ta cần hiểu rõ. Họ làm việc ác, họ làm việc sai, ta không nói họ, không để ý đến họ, mà ta ở đó tu hạnh nhẫn nhục ba-la-mật của chính mình. Đây đều là những kinh nghiệm của người xưa.
Do đó khi chúng ta đối xử với người, hãy yêu thương người, đặc biệt là trẻ nhỏ thì cần khuyên dạy chúng cho tốt. Đây mới thực sự là yêu thương, thực sự là từ bi. Nhưng xã hội ngày nay vô cùng phức tạp, sáu căn của chúng tiếp xúc với cảnh giới sáu trần đều là bất thiện. Cho nên, dạy một người học tốt thực sự còn khó hơn lên trời. Giáo dục của gia đình bạn có tốt thế nào thì trẻ nhỏ của bạn khi vừa ra đường tiếp xúc với xã hội, mà xã hội thì là một lò nhuộm lớn, nếu chúng không bị ô nhiễm thì người đó chính là Phật Bồ-tát tái lai, nhất định không phải là phàm phu. Phàm phu mà không chịu sự ô nhiễm của xã hội thì là điều không thể.
Giáo dục của xã hội đã bị đổ vỡ rồi, hơn nữa giáo dục gia đình ngày nay cũng không còn nữa. Vì vậy từ xưa đến nay, những lời tiên tri của phương Tây và phương Đông đều nói thời đại chúng ta đang sống sẽ gặp kiếp nạn. Tôi tin, tôi hoàn toàn khẳng định. Không phải tôi tin vào những lời tiên tri của họ, mà tôi nhìn vào thực trạng giáo dục của xã hội hiện tại. Bạn hãy xem những người trẻ tuổi hiện nay, những điều họ nghĩ là gì, những điều họ nói là gì, những điều họ biểu hiện là gì? Chúng ta sẽ rất rõ ràng, sẽ hiểu rõ. Đây là điềm báo vô cùng xấu. Người hiện nay không nhìn ra là do không đọc sách xưa. Vì sao nói những người đọc sách xưa có thể nhìn ra điều này? Là vì đọc sách xưa có thể hấp thu những kinh nghiệm quý báu của người xưa. Nói cách khác, kinh nghiệm một đời của người xưa sẽ tăng trưởng kiến thức của chúng ta. Khi bạn nhìn một sự việc thì có thể nhìn thấy xa, nhìn thấy sâu, nhìn thấy rộng. Chúng ta gọi điều này là dựa vào sự thật trong lịch sử.
Đọc sách lịch sử tức là hấp thu kinh nghiệm thường thức của người xưa. Đọc kinh là tăng trưởng học vấn, là trí huệ, là định huệ. Đọc lịch sử là tăng trưởng kiến thức, vậy căn cứ của kiến thức là gì? Căn cứ chính là nhân quả. Vì vậy bộ Nhị Thập Ngũ Sử của Trung Quốc chính là nói về nhân quả báo ứng. Bạn xem ghi chép của mấy ngàn năm lịch sử chính là “gieo nhân thiện được thiện quả, gieo nhân ác gặt ác báo”. Nếu bạn có thể thực sự thông đạt rõ ràng rồi, bạn xem người ngày nay đang tạo những nghiệp gì? Những thứ họ nghĩ là gì? Là ý nghiệp. Những thứ họ nói là gì? Khẩu nghiệp. Nhất cử nhất động là thân nghiệp. Thân ngữ ý, tam nghiệp đều bất thiện vậy mà muốn có quả báo tốt. Điều này trong kinh Phật thường nói là “không thể có chuyện này”. Điều này không mê tín một chút nào.
Những lời tiên tri đó cho chúng ta làm tham khảo, nhắc nhở chúng ta cảnh giác cao độ. Chúng ta dùng nhãn quang bình tĩnh mà quan sát kỹ hiện tượng xã hội này thì sẽ hiểu rõ ngay. Đại kiếp nạn này không thể tránh khỏi. Vậy làm thế nào để tránh khỏi ? Trừ phi tất cả chúng sanh đều có thể giác ngộ, đều có thể quay đầu, đoạn ác tu thiện thì tai nạn này liền được hóa giải. Thế nhưng việc này là điều không thể, làm không được. Vì vậy, Phật Bồ-tát dạy chúng ta phải tự độ. Chúng ta không giúp đỡ được người khác thì phải giúp đỡ cho chính mình. Một người hồi đầu là một người được độ, mười người hồi đầu là mười người được độ. Phật độ người có duyên. Người nào chịu nghe lời giáo huấn của Phật, người nào chịu y giáo phụng hành thì người này được độ rồi. Cho nên chúng ta không nên nhìn thấy xã hội loạn như vậy, xã hội này sẽ gặp đại kiếp nạn, bản thân chúng ta rất bất hạnh khi chịu cộng nghiệp trong đó.
Thế nhưng nếu bạn nhìn từ một khía cạnh khác thì chúng ta đang sống trong thế gian hiện nay cũng không hẳn là việc không tốt, mà việc này khiến chúng ta có tâm cảnh giác cao độ, ép buộc chúng ta không thể không dụng công, không thể không thành tựu. Đây là tăng thượng duyên tốt, là nghịch tăng thượng duyên. Nếu không ở vào trong hoàn cảnh này thì tính cảnh giác của chúng ta sẽ không cao như vậy. Sinh trong hoàn cảnh này mới biết được không thể không thành tựu, nhất định phải nhanh chóng thành tựu. Nếu chậm thì sẽ bị cuốn vào vòng xoáy này, phải nhanh chóng thoát ra ngoài, nhanh chóng rời xa nó. Điều này chính là sự lựa chọn của trí huệ, là lợi ích chân thật, chúng ta mới thể hội được ân đức của Phật Bồ-tát đối với hết thảy chúng sanh.
Nếu không có giáo huấn của Phật Bồ-tát, nói thật ra chúng ta không có năng lực thoát khỏi khổ nạn này. Chúng ta có được giáo huấn của Phật Bồ-tát, giáo huấn của Phật Bồ-tát là bình đẳng. Nếu có người vui vẻ tiếp nhận, họ liền đạt được, nếu có người vẫn chưa chịu tiếp nhận, vẫn còn ở đó suy nghĩ, do dự không quyết, vậy thì họ không được thọ dụng rồi. Cho nên tâm Phật là thanh tịnh, tâm Phật là bình đẳng, còn tùy chúng ta có thiện căn phước đức hay không . Nhân duyên chúng ta ngày nay đã có đủ, đã gặp được rồi, vậy chỉ xem chúng ta có thiện căn, phước đức hay không?
Chính mình có thiện căn chính là có thể tin, có thể giải. Bản thân có phước đức chính là chịu làm, chịu y giáo phụng hành. Đây chính là có phước báo, biết được bản thân làm thế nào tu học, làm thế nào giúp đỡ người khác. Vì vậy cho dù bạn chung sống với bất cứ ai, khi chung sống với hết thảy chúng sanh thì nhất định không được làm trái với lục hòa, lục độ. Lục hòa và lục độ ở đoạn này chính là nói “đối đãi hòa nhã, ân huệ với người khác”.
Chữ “hòa” ở đây nếu dùng nhãn quang của nhà Phật để xem thì chính là lục hòa, chữ “huệ” chính là lục độ. Mọi nơi đều cần học khiêm tốn, học nhẫn nhường, không được tranh giành với người khác. Xã hội ngày nay đề xướng tất cả đều “cạnh tranh”. Hai chữ này thật là đáng sợ. Chúng tôi nghe đến âm thanh này, nhìn thấy hai chữ này cảm thấy rất hoảng sợ. Hai bên cạnh tranh với nhau, không chịu nhẫn nhường thì thế giới này sẽ đi đến hủy diệt. Cho nên trong sách cổ Trung Quốc không tìm thấy hai chữ này.