Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – Tập 11/195

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN –  Tập 11/195 (6A – bộ 128 đĩa)

Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Xin mời xem câu thứ tư phần chánh văn của Cảm Ứng Thiên: “Toán giảm tắc bần hao, đa phùng ưu hoạn” (giảm thọ thì nghèo khó hao tổn, gặp nhiều buồn lo hoạn nạn), đây là một câu, cũng là nói đến một sự việc. Từ câu này đến câu thứ chín: “Toán tận tắc tử” (tuổi thọ hết thì phải chết) đều là nói rõ một cách tỉ mỉ chân tướng sự thật này. Thế nào gọi là “toán”? “Toán” là tính toán, cũng chính là chúng ta thường nói tăng giảm cộng trừ. Vận mệnh đương nhiên là có, do nghiệp đời trước đã tạo mà cảm đến quả báo. Nếu trong đời này không làm việc đại thiện đại ác thì đại khái vận mạng của cả đời sẽ diễn ra theo số mạng đã định. Đây chính là thông thường người ta gọi là số phận, ngạn ngữ gọi là“Nhất sanh giai thị mạng, bán điểm bất do nhân (cả đời đều do số mạng, không có một chút nào do con người quyết định). Đây là nói không có làm những việc đại thiện đại ác.

Nhưng nếu bạn phát tâm hành thiện thì cái thiện trong số mạng của bạn sẽ tăng thêm. Nếu như bạn tạo ác thì phước báo đời trước mà bạn đã tu sẽ bị giảm đi, cho nên ngày ngày đều có tăng giảm cộng trừ. Chúng ta khởi tâm động niệm lời nói việc làm, mỗi ngày đều có tăng giảm cộng trừ. Nếu mức độ tăng giảm cộng trừ không lớn thì vận mạng của bạn vẫn sẽ bị người khác tính ra được rất chính xác. Vận mạng cá nhân như vậy, vận mạng gia đình cũng như vậy, là gia vận, đoàn thể cũng không là ngoại lệ, thậm chí đến quốc gia, thế giới. Trên thế giới có rất nhiều nhà tiên tri nói về kiết hung họa phước của thế giới. Đây là nói cái lớn, nó đều có một định số.

Định số không phải Phật Bồ-tát định cho bạn, cũng không phải thần linh định cho bạn. Ai định cho bạn vậy? Vận mạng cá nhân là do chính mình tạo tác; gia vận của bạn là tạo tác của người cả nhà, là cộng nghiệp của người cả nhà; quốc vận là cộng nghiệp của người cả một nước; thế vận là cộng nghiệp của tất cả người trên thế giới. Xem bạn tạo tác như thế nào thì biết được sẽ có quả báo như thế nào. Nhân thiện nhất định được quả thiện, nhân ác nhất định cảm ác báo, đây là chân lý. Chư Phật Bồ-tát xuất hiện ở thế gian thuần thiện vô ác, vẫn không rời khỏi chân lý của nhân quả.

Kinh Pháp Hoa nói: “Nhất thừa nhân quả”, kinh Hoa Nghiêm nói: “Ngũ châu nhân quả”. Đều không rời khỏi định luật của nhân quả. Cho nên, Phật pháp mới nói “vạn pháp giai không, nhân quả bất không”. Nhân quả vì sao bất không? Nhân quả chuyển biến bất không, nhân sẽ biến thành quả, quả lại biến thành cái nhân mới; nhân quả vĩnh viễn tuần hoàn, vĩnh viễn luân chuyển, đây gọi là nhân quả bất không. Những nghiệp nhân quả báo, kiết hung họa phước này vĩnh viễn tuần hoàn, đây chính là tương tục bất không. Đây là đại đạo lý, là chân tướng sự thật.

Phật dạy chúng ta lìa tướng. Không thể chấp trước tướng thế gian, cũng không thể chấp trước tướng Phật pháp. Trong kinh Kim Cang nói rất hay: “Pháp còn nên xả, huống hồ phi pháp”. Cái pháp đó là Phật pháp, “Pháp còn nên xả”, chính bởi vì Phật pháp là do duyên sanh. Pháp do duyên sanh không có tự tánh, “đương thể giai không, liễu bất khả đắc” (bản thể đều là không, không thể nào nắm lấy được). Thế pháp, Phật pháp đều không ngoại lệ, cho nên đều không thể chấp trước; phân biệt chấp trước thì sai. Quả thật có thể làm được không phân biệt, không chấp trước thì thế pháp và Phật pháp không có gì khác biệt. Những đạo lý này trong kinh điển Đại thừa nói rất nhiều. Phải tỉ mỉ mà quan sát hết thảy hiện tượng thì chúng ta mới có thể thật sự có được thọ dụng, phá mê khai ngộ lìa khổ được vui.

Chúng ta quan sát hoàn cảnh sinh hoạt hiện nay, cả thế giới đều đang động loạn. Đáng sợ nhất là chúng sanh tạo nghiệp. Nghiệp tạo tràn đầy thì quả báo sẽ hiện tiền. Người xưa nói, người làm ác mà hiện tại vẫn chưa nhận lấy ác báo, không phải là không báo, chỉ là thời giờ chưa đến. Những sự thật này, trong lịch sử có ghi chép, toàn bộ lịch sử đều là dựa theo nhân duyên quả báo mà ghi chép. Những hiện tượng ngày nay bày ra trước mắt chúng ta, chúng ta xem người hiện nay họ đang nghĩ gì, họ nói gì, họ làm gì, quả báo tương lai là thiện, là ác; là kiết, là hung; là họa, là phước, chẳng phải đã rõ ràng rồi hay sao?

Người trong đời quá khứ tu phước, đến đời này không biết tiếp tục tu phước, mà chỉ chuyên môn tạo ác thì phước của họ dần dần bị giảm đi. Đây chính là “Toán giảm”“Bần” là tiền tài bị mất hết. “Hao” là hao tổn. Hao tổn đến mức nghiêm trọng là nhà tan người mất, thậm chí đến quốc gia diệt vong. “Đa phùng ưu hoạn”. Ngày nay chúng ta sống ở thế gian này, hai câu nói này đích thực là miêu tả đời sống hiện tại của chính chúng ta. Chúng ta trong đời quá khứ cũng xem là có tu được chút phước báo, đời này tạo ác, ác báo vẫn chưa hiện tiền, vẫn còn dư phước để hưởng, phước báo trong đời quá khứ đã tu không nhỏ. Do đây có thể biết, trong đời này của chúng ta, nếu như không làm ác mà còn nỗ lực làm thiện thì phước báo trong đời này của chúng ta chắc chắn là vượt hơn hiện nay rất nhiều.

Những đạo lý này, nếu như không phải là người thật sự hiểu thấu đáo thì dù bạn nói cho họ nghe, họ sẽ không tin tưởng. Vì sao họ không tin tưởng? Vì họ mê rồi, mê quá sâu. Loại mê hoặc này không phải là không có nguyên nhân. Hiện tại những gì họ thấy được, tiếp xúc được, dường như không giống như người xưa đã nói. Lời của người xưa dường như là một loại lý tưởng, không phải là sự thật. Những sự thật mà họ thấy được không phải là như vậy, họ tin tưởng những chân tướng sự thật mà họ thấy được. Kỳ thật, họ thấy sai rồi, chúng ta có thể khẳng định là họ thấy sai, vì sao có thể nói khẳng định như vậy? Tâm của người xưa là trạng thái tịnh, còn người hiện nay tâm khí xốc nổi, tâm là động. Giống như mặt nước, mặt nước khi bình lặng thì giống như tấm gương, mọi thứ chiếu vào đều thấy được rất rõ ràng; nếu như trên nước khởi lên sóng thì đương nhiên không thể thấy được hình ảnh rõ ràng.

Từ đạo lý này các vị hãy tỉ mỉ mà suy nghĩ, tâm người thanh tịnh thì nhìn cái gì cũng thấy được rõ ràng, tâm người lăng xăng thì nhìn cái gì cũng nhất định sẽ thấy sai. Cho nên chúng ta tin tưởng giáo huấn của Phật Bồ-tát, tin tưởng giáo huấn của cổ Thánh tiên Hiền. Chúng ta dựa vào cái gì mà tin tưởng? Tâm của các Ngài thanh tịnh, các Ngài ô nhiễm ít hơn so với chúng ta. Tâm tư hiện tại của chúng ta là sóng to gió lớn, việc này chúng ta phải rõ ràng. Tâm của chúng ta bị ô nhiễm nghiêm trọng. Một ngày từ sớm đến tối, thị phi nhân ngã, tham-sân-si-mạn ngày càng tăng trưởng, vậy thì chúng ta đối với sự lý của vũ trụ nhân sanh làm sao có thể nhìn được rõ ràng? Y theo vọng tưởng, chấp trước của chính mình mà làm việc thì có lý nào mà không tạo ác nghiệp?

Ngày nay học Phật, nếu muốn có thành tựu, nếu muốn có được một chút thọ dụng thì nhất định phải buông xả thành kiến của chính mình. Phải thừa nhận thành kiến của chính mình là sai lầm; phải mau quay đầu, quay đầu là bờ; y theo giáo huấn của Phật Bồ-tát mà tu học, bắt đầu làm từ căn bản. Tam Phước của Quán Kinh dạy chúng ta, làm từ “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”. Cái gì gọi là hiếu, cái gì gọi là dưỡng, không có ai biết. Thế nào gọi là phụng sự, cũng không có ai biết. Hiện nay mọi người xem thấy những chữ này, tự cho rằng ta đều đã làm được. Họ đều làm được, làm được rất tốt, đều làm được rất viên mãn, vậy thì họ thành Phật Bồ-tát rồi! Hiện nay họ tự tuyên xưng là Phật gì đó tái lai, Bồ-tát gì đó tái lai. Việc này không thể trách họ. Họ tự cho rằng mình thành Phật rồi. Trong kinh Phật nói với chúng ta, người trời Tứ Thiền, người trời Tứ Không cho rằng chính mình thành Phật, thành Bồ-tát rồi. Hiện tại không cần phải đến trời Tứ Không, chính ngay hiện tiền họ đã thành Phật, thành Bồ-tát rồi! Họ hiểu sai rồi! “Hiếu”, “Dưỡng”, những chữ này ý nghĩa rất sâu rộng, sâu rộng không có bờ mé. Chúng ta có thể hiểu được bao nhiêu?

Bồ-tát Đẳng Giác vẫn còn một phẩm sanh tướng vô minh chưa phá, hai chữ “hiếu, dưỡng” này vẫn còn kém khuyết một phần, vẫn chưa viên mãn, đạo lý này ai hiểu? Chứng được quả vị Như Lai cứu cánh viên mãn, thì “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng” mới làm được viên mãn. Do đây có thể biết, nếu thật sự làm được hiếu dưỡng, phụng sự đắc lực thì bạn liền vào quả vị của Thánh nhân, mức độ thấp nhất là Bồ-tát Sơ Tín Vị của Viên Giáo. Lấy tiêu chuẩn này để nói, khi 88 phẩm kiến hoặc của tam giới chưa đoạn thì bạn không có phần hiếu dưỡng, phụng sự mà Phật đã nói. Cái hiếu dưỡng, phụng sự đó của bạn là pháp thế gian, là việc của sáu cõi luân hồi. Tám mươi tám phẩm kiến hoặc đoạn rồi thì hiếu dưỡng, phụng sự của bạn mới là tiêu chuẩn mà Phật đã nói. Chúng ta có thể làm được tiêu chuẩn thấp nhất hay không? Niệm Phật vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, thật sự vãng sanh rồi thì việc hiếu dưỡng, phụng sự của bạn có thể nói là làm đến được một nửa, đây là theo tiêu chuẩn của Phật. Thế nhưng bạn niệm Phật, một lòng cầu sanh Tịnh Độ, có thể vãng sanh Tịnh Độ hay không? Phải thật vãng sanh thì mới được, niệm Phật mà không thể vãng sanh thì không được. Vì sao không thể vãng sanh? Bạn phải suy nghĩ, nhất định phải tìm ra nguyên nhân không thể vãng sanh và đem loại bỏ đi.

Đại sư Trí Giả dạy cho chúng ta phương pháp, chúng ta tỉ mỉ mà suy nghĩ, Phật Bồ-tát thật là từ bi đến tột đỉnh, dùng phương pháp Ngũ Đình Tâm Quán để giúp chúng ta, làm trợ tu, giúp chúng ta phá trừ những thứ phiền não “thị-phi-nhân-ngã”, “tham-sân-si-mạn”. Phật thật sự có phương pháp tốt, thế nhưng chúng ta không chịu làm theo những phương pháp này. Nếu như y theo phương pháp này mà làm thì sẽ có hiệu quả, cho dù không thể đoạn được ba độc phiền não, nhưng chắc chắn có thể hàng phục được, cũng chính là làm cho phiền não giảm nhẹ đi. Phiền não nhẹ thì trí tuệ tăng trưởng. Bạn không chịu chăm chỉ nỗ lực tu học, vậy thì không còn cách nào.

Chúng ta vãng sanh phải đạt đến trình độ nào? Phẩm vị thứ năm là mức độ thấp nhất! Đại sư Trí Giả thị hiện cho chúng ta thấy, khi Ngài vãng sanh, đệ tử hỏi Ngài phẩm vị vãng sanh ra sao, Ngài nói là vãng sanh phẩm vị thứ năm. Phẩm vị thứ năm là cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Ngũ Đình Tâm Quán hay phẩm vị thứ năm này, thành thật mà nói, tất cả chúng sanh đều có thể làm được. Đại sư Trí Giả dạy cho chúng ta phương pháp này và cũng chính Ngài làm ra tấm gương điển hình. Thật là từ bi đến cùng cực!

Chúng ta bình lặng mà quan sát thế gian này, quan sát hoàn cảnh đời sống của chính mình, ngày nay chúng ta đích thực là “đa phùng ưu hoạn”. Có mấy người ở thế gian này mà thân tâm có được cảm giác an toàn? Sống ở thế gian này không có cảm giác an toàn, bạn nói xem đáng thương biết bao, thống khổ cỡ nào! Đây là chúng ta bất hạnh sanh vào thế gian động loạn này. Thế gian đại loạn, chúng ta có thể đạt được thân tâm an ổn hay không? Có thể. Chỉ có ở trong Phật pháp, chỉ có ở trong giáo học của Thánh Hiền thì chúng ta có thể đạt được. Đó chính là nhất định phải hiểu rõ những chân tướng sự thật này. Biết được chính mình từ đâu đến, biết được chính mình sẽ đi về đâu, biết được thế gian này trùng trùng nghiệp nhân quả báo thì tâm của chúng ta mới có thể an, gọi là “lý đắc tâm an”. Hiểu tường tận đạo lý thì tâm liền an, bạn không hiểu tường tận những đạo lý này thì tâm của bạn làm sao có thể an được? Những sự việc này chúng ta không thể không biết, không thể không rõ ràng, không thể không học tập. Nếu bạn muốn biết tường tận mà không học tập thì làm sao được? Học còn phải tập; tập là phải thật làm thì bạn mới có thể thật sự lĩnh hội.