THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Mã AMTB: 19-012-0001 đến 19-012-0195
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN – Tập 134/195 (77B – bộ 128 đĩa)
Các vị đồng tu!
Mời xem Thái Thượng Cảm ứng Thiên đoạn thứ 67:
“Hao nhân hóa tài.” (Làm cho người khác hao tốn tài vật”,
Và đoạn thứ 68: “Ly nhân cốt nhục, xâm nhân sở ái, trợ nhân vi phi.” (Chia rẽ cốt nhục của người khác. Xâm phạm thứ người khác yêu thích. Giúp người khác làm điều quấy).
Hôm nay chúng ta đọc đến bốn câu này. Những lỗi lầm này ở trong xã hội hiện tại vô cùng phổ biến, trong Phật môn cũng thường xuyên nhìn thấy. Câu “Làm cho người khác hao tốn tài vật”, trong sách chú giải đã giải thích nhiều rồi, các bạn có thể tự mình tham khảo. Nói chung điều này chính là không biết trân quý vật lực, đặc biệt là trong các xã hội phát triển tương đối giàu có, không phải trải qua những ngày tháng khổ cực, không biết được sự khó khăn để có được tài vật và cũng không có người dạy dỗ. Đây là việc làm rất tổn phước.
Những người học Phật ít nhiều còn biết một chút. Có câu: “Nhất ẩm nhất trác mạc phi tiền định” (miếng ăn, ngụm nước đều do tiền định), tất cả những thọ dụng một đời này của chúng ta đều là phước báo tu tích được từ quá khứ. Nhưng phước báo dù sao cũng có hạn, nếu như không biết tiếc phước (quý trọng, tiết kiệm phước), tùy ý lãng phí, tùy tiện lạm dụng, phước báo của bạn sẽ hết rất sớm.
Vì vậy chúng ta thấy trong xã hội có rất nhiều người sau khi về già thì sống cuộc sống nghèo khổ. Nói thực ra lúc về già họ nên được hưởng phước chứ không phải chịu khổ báo như vậy. Vì sao họ lại chịu khổ báo như vậy? Là do khi họ còn trẻ không hiểu biết, đã làm tổn hao hết phước báo của mình rồi. Cho nên đến khi về già phải cầu sự cứu tế của người khác. Thế giới ngày nay rất nhiều quốc gia có phúc lợi chăm sóc người cao tuổi. Một số nước làm rất tốt, nói thật là chữa ngọn chứ không chữa gốc. Làm sao có thể chăm sóc phúc lợi cho người già từ căn gốc vấn đề. Đó chính là dạy họ từ nhỏ biết tiếc phước, dạy họ tiết kiệm.
Đạo lý này hầu như tất cả các tôn giáo đều nói đến: cần tiết kiệm, cần tiếc phước, cần tạo phước để đến khi bạn về già mới có phước báo, tài dụng của bạn mới không bị thiếu thốn, bạn sẽ có rất nhiều người trẻ tuổi chăm sóc. Nhân quả của điều này chúng ta cần nắm rõ. Khi bản thân chúng ta có năng lực nếu chúng ta không biết chăm sóc người già thì đến khi chúng ta già rồi sẽ không có ai chăm sóc chúng ta. Đó là nhân duyên quả báo thôi. Nếu chúng ta chịu dùng tài lực giúp đỡ người khác, đến khi bản thân già rồi sẽ có người khác dùng tài lực để giúp đỡ bạn. Đó là hồi báo, nhân duyên quả báo tơ hào không sai.
Đặc biệt là vật dụng thường trụ của đạo tràng, trong kinh luận Phật đã nói rất nhiều, nếu không biết trân quý vật thường trụ, việc này so với bình thường tổn phước không biết gấp bao nhiêu lần. Vì vậy Phật trong kinh luận thường xuyên nói: Tội nặng như thế nào Phật cũng có cách giúp đỡ bạn, duy chỉ có tội ăn trộm của thường trụ thì hết thảy chư Phật trong mười phương đều không có cách gì cứu bạn, không có cách nào giúp bạn được. Vì sao vậy? Những vật dụng bị trộm cắp đều có chủ nhân. Bạn ăn trộm đồ vật của một người, tương lai bạn phải trả nợ cho một người. Nợ này dễ trả, không khó. Nếu người nợ này phóng khoáng đại lượng nói “thôi miễn nợ” thì bạn sẽ không sao, hết nợ rồi. Nếu chủ nợ là một đoàn thể thì tài vật này thuộc quyền sở hữu của cả đoàn thể đó. Bạn ăn trộm tài vật của đoàn thể đó thì thứ mà bạn nợ sẽ rất phiền phức. Vì đoàn thể đó có bao nhiêu người thì bấy nhiêu người là chủ nợ của bạn. Do vậy chúng ta cần hiểu rõ đạo lý này để càng thêm trân quý tài vật công cộng, công đức này rất lớn.
Nếu đây là tài vật công cộng của cả một thành phố mà bạn ăn trộm thì khi kết tội, dân cư của cả thành phố này đều là chủ nợ của bạn. Nếu đó là tài vật của quốc gia thì lại càng phiền phức hơn nữa. Nếu bạn ăn trộm, quốc gia đó có bao nhiêu người thì bấy nhiêu người đều là chủ nợ của bạn. Như Trung Quốc là nước lớn, dân số hơn một tỷ người, nếu bạn ăn trộm tài vật của quốc gia này thì chủ nợ của bạn là hơn một tỷ người. Trả nợ không hết được. Thế nhưng hơn một tỷ chủ nợ vẫn là con số hữu hạn. Phật Bồ-tát vẫn có thể giúp đỡ bạn, vẫn cứu bạn được. Nhưng nếu là vật thường trụ của chùa chiền thì Phật không cứu bạn được, vì sao vậy? Vì vật thường trụ của chùa chiền là của thông mười phương ba đời. Phiền phức này lớn rồi. Tội này bị kết là vô lượng vô biên, do vậy quả báo là địa ngục.
Tôi thấy Cư Sĩ Lâm và Tịnh Tông Học Hội ở đây thường dán một đoạn kinh văn trong Kinh Địa Tạng để cảnh giác mọi người đối với vật thường trụ tuyệt đối không được xâm phạm. Cảnh báo này làm rất tốt vì rất nhiều người bỏ qua không để ý. Tiết kiệm vật thường trụ, phước báo này không thể nghĩ bàn. Nếu lãng phí của thường trụ thì việc tổn phước cũng không thể nghĩ bàn. Điều này chúng ta phải hiểu rõ để tập thành thói quen tiết kiệm, tập thành thói quen trân quý đối với nhân lực và vật lực. Được như vậy thì đây là người có phước.
Câu tiếp theo “Chia rẽ tình cốt nhục của người khác”, đây là tạo nghiệp. Xã hội hiện nay tỷ lệ ly hôn rất cao, rất nhiều luật sư chuyên môn tư vấn giúp người ly hôn thì sẽ phạm phải lỗi này, quả báo không tốt. Trong tương lai quả báo của những luật sư này cũng là gia đình ly tán. Tạo nhân như thế nào (bới móc chuyện thị phi, phá hoại gia đình người khác, phá hoại một đoàn thể) thì sẽ nhận quả báo như thế đó. Một trong năm tội ngũ nghịch trong Phật pháp là phá hòa hợp tăng.
Do đó ba câu trong đoạn thứ 68 với điều này có liên quan vô cùng mật thiết. Bạn thấy tình yêu của người khác thì tỏ ra đố kỵ, bất chấp thủ đoạn để phân ly, phá hoại họ. Nếu giúp người khác làm điều sai quấy, các Đại Đức thời xưa dạy chúng ta: “Thành nhân chi mỹ chứ không thành nhân chi ác” (thành tựu việc tốt cho người, không thành tựu việc xấu của người). “Trợ nhân vi phi” chính là “thành nhân chi ác”. Điều này đều thuộc về đại ác, quả báo đều ở địa ngục.
Địa ngục cũng rất phức tạp, hình thức, chủng loại chịu tội khổ trong đó cũng khác nhau, thời gian ít hay nhiều cũng không tương đồng, là do mức độ nặng hay nhẹ của tội nghiệp tạo tác. Nếu như sự phá hoại của họ, bất luận là một gia đình, một đoàn thể, thì cần xem xét phương diện ảnh hưởng. Nếu phương diện ảnh hưởng lớn, thời gian ảnh hưởng lâu dài thì tội nghiệp này nặng. Xem người bị phá hoại là người như thế nào? Sự ảnh hưởng của người này đối với xã hội, đối với chúng sanh là lớn hay nhỏ, có dài lâu hay không?
Trong Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh, Thế Tôn lấy thí dụ cho chúng ta xem: có hai vị tỳ-kheo thuyết pháp lợi sanh bị người khác đố kỵ. Những việc thế này trong thế xuất thế pháp chúng ta thường thấy. Bạn làm việc tốt, người xuất gia giảng kinh thuyết pháp, nếu như pháp duyên rất tốt, thính chúng rất nhiều, người quy y đông, người cúng dường cũng đông, như vậy sự đố kỵ sẽ càng nhiều. Họ nghĩ đủ cách để phá hoại, khiến những thính chúng này mất lòng tin đối với Pháp sư. Họ phá hoại đạo tràng. Điều này chính là đoạn pháp thân huệ mạng của hết thảy chúng sanh. Quả báo là ở địa ngục A-tỳ.
Cảm nhận thọ khổ trong địa ngục thời gian ngắn hay dài so với thời gian của nhân gian chúng ta không giống nhau. Ngày nay chúng ta gọi là chênh lệch thời gian. Phật nói nếu lấy thời gian nhân gian của chúng ta để tính thì [thời gian] họ đọa vào địa ngục là một ngàn tám trăm vạn năm (mười tám triệu năm). Nhưng trên thực tế cảm nhận của họ trong địa ngục về thời gian là vô lượng kiếp. Chúng ta thường nói “một ngày dài như cả năm”. Cho nên tạo tội nghiệp thì rất dễ dàng, thời gian tạo tội rất ngắn, bới móc chuyện thị phi chỉ mất vài phút, vài giờ đồng hồ thì có thể phá hoại mối quan hệ rất tốt của người khác. Đó là tạo khẩu nghiệp.
Trong ba nghiệp thì khẩu nghiệp là dễ phạm nhất mà không biết được sự nặng nhẹ của tội này. Cho nên Thế Tôn trong Kinh Vô Lượng Thọ khuyên dạy chúng ta khéo giữ ba nghiệp, trong đó khẩu nghiệp được đặt lên hàng đầu. Câu thứ nhất Ngài dạy: “Khéo giữ khẩu nghiệp không nói lỗi người”. Người khác không có lỗi này mà bạn tạo ra tin đồn vô căn cứ, phá hoại họ, tội này rất nặng. Cho dù người khác có lỗi lầm, liệu bạn có khả năng biết được đó có thật là lỗi lầm không? Họ chân thật có lỗi hay không? Bồ-tát và thiện tri thức tiếp dẫn chúng sanh là dùng nhiều cách thức phương tiện, đường về nguồn không phân hai lối.
Trong Kinh Hoa Nghiêm chúng ta thấy Cam Lộ Hỏa Vương dường như có lỗi, tâm sân hận rất lớn, Ngài dùng hình phạt nghiêm khắc để xử phạt chúng sanh. Nhưng ngài là Bồ-tát, ngài dùng cách thức đó để độ loại chúng sanh đó. Chúng ta là phàm phu không thể hiểu được nên thấy đó là tội lỗi. Hay sự ngu si của Thắng Nhiệt bà-la- môn, sự tham ái của Phạt-tô-mật-đa Nữ. Chúng ta thấy trong Kinh Hoa Nghiêm các vị Bồ-tát dùng phương pháp Tham Sân Si để độ chúng sanh. Chúng ta không có trí huệ, không có pháp nhãn nên không nhìn ra dụng ý của Bồ-tát mà tùy tiện tạo tác khẩu nghiệp, tùy tiện phê bình ác ý, ly gián làm tổn thương, tạo vô lượng vô biên tội nghiệp. Cho nên trong các Kinh Phật khuyên bảo, nhắc nhở chúng ta, khi chúng ta chưa chứng đắc quả vị A-la-hán, kiến tư phiền não chưa đoạn thì nhất định không được tin vào suy nghĩ của chính mình, không được tin vào cách nhìn của chính mình, không được tin vào phán đoán của chính mình. Chân thật là đối với đúng sai, thiện ác chúng ta không có cách gì hiểu rõ được. Chúng ta nhìn thấy hình tượng bên ngoài nhưng không hiểu được dụng ý của các Ngài.
Vậy người học Phật nên dùng phương thức gì để đối nhân xử thế tiếp vật? Khi chúng ta chưa có năng lực này nhìn thấy người khác làm việc ác thì chúng ta chắp tay niệm A Di Đà Phật. Đây là cách làm đúng. Vì vậy nguyên tắc mà Phổ Hiền Bồ-tát dạy chúng ta, chúng ta cần ghi nhớ: “Lễ kính chư Phật, xưng tán Như Lai”. Nếu họ hành thiện pháp, đối với xã hội, đối với chúng sanh có ảnh hưởng tích cực thì chúng ta tích cực tán thán. Nếu họ hành ác pháp, đối với xã hội, đối với chúng sanh có ảnh hưởng tiêu cực, nhưng ta không biết dụng ý của họ thì ta không tán thán nhưng vẫn lễ kính. Đây là Phật dạy chúng ta có thái độ như vậy, chúng ta cần phải học được thái độ này.
Cho nên khi Thiện Tài Đồng Tử tham học thiện tri thức, đối với Thắng Nhiệt bà-la-môn, Cam Lộ Hỏa Vương, hành vi của những vị này dường như là tiêu cực nhưng Ngài vẫn lễ kính mà không tán thán. Ngài đã dạy chúng ta, thị hiện cho chúng ta xem rồi. Những hành vi tạo tác của họ được chư Phật Như Lai tán thán. Thủ pháp rất cao minh. Điều này chính là “đồng sự nhiếp” (cùng chung công việc để thu nhiếp giáo hóa) trong Tứ nhiếp pháp. Phàm phu chúng ta làm không được. Phương pháp các Ngài dùng dường như không đúng nhưng dụng ý rất tốt, hiệu quả rất tốt. Các Ngài có thể dạy người hồi đầu giác ngộ trong lúc chịu khổ nạn, để cho họ chịu khổ. Đây là điều mà phàm phu chúng ta không làm được. Phàm phu chúng ta không những không làm được mà nghĩ cũng không nghĩ ra được. Căn tánh của chúng sanh không giống nhau, tập khí cũng không tương đồng, vì vậy phương thức Bồ-tát tiếp dẫn chúng sanh cũng không như nhau, cách thức cũng không như nhau. Các Ngài có thể làm như vậy còn chúng ta thì không thể.
Đạo Cơ Đốc nói Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập tự giá, trong Phập pháp chúng ta nhìn thấy rất rõ ràng đây là sự bố thí thay cho chúng sanh khổ nạn, sự cúng dường thay cho chúng sanh khổ nạn. Người hại Chúa Giê-su, người khép tội Chúa, người hành hình Chúa, chúng ta thấy đều là người ác. Phật Bồ-tát thì xem đó là những người thiện. Chúng ta làm sao hiểu được chứ? Không ai không phải là người thiện. Giống như chúng ta đọc trong kinh điển thấy vua Ca Lợi dùng hình phạt tùng xẻo đối với Nhẫn Nhục tiên nhân. Hình phạt này so với Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập tự giá còn tàn khốc hơn nhiều. Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập tự giá vẫn không thể khổ bằng, chỉ là bốn cái đinh đóng trên thập tự giá mà thôi. Nhẫn Nhục tiên nhân bị vua Ca-lợi dùng dao cắt từng miếng từng miếng thịt cho đến chết, đó là hình phạt lăng trì nên so với hình phạt của Chúa Giê-su thì tàn khốc hơn nhiều. Nhẫn Nhục tiên nhân thành Phật rồi, Ngài phát nguyện tương lai thành Phật người đầu tiên Ngài độ là vua Ca-lợi. Ngài là ai vậy? Đó là tiền kiếp của Thích-ca Mâu-ni Phật. Vậy vua Ca-lợi là ai? Chính là vị đệ tử đắc độ đầu tiên của Đức Phật, tôn giả Kiều-trần-như. Tất cả đều là Bồ-tát thị hiện, chúng ta làm sao biết được chứ? Nếu không có sự trợ duyên của vua Ca-lợi thì Bồ-tát Tiên nhân không thể tu viên mãn được nhẫn nhục ba-la-mật. Do đó vua Ca-lợi giúp Bồ-tát tu thành tựu nhẫn nhục ba-la-mật, đây là đại công đức. Điều này phàm phu chúng ta làm sao hiểu được.
Hết thảy pháp thế xuất thế gian có vô lượng nhân duyên. Lý rất sâu xa, sự tình rất phức tạp, đây không phải là điều mà trí huệ phàm phu chúng ta có thể hiểu được. Do vậy chúng ta tín phụng giáo huấn của Phật-đà, thật thà y giáo phụng hành thì nhất định sẽ tránh xa được hết thảy nghiệp ác, tích công lũy đức, thành tựu pháp thân huệ mạng của chính mình. Những việc mà người khác làm, chúng ta không biết họ có phải là Bồ-tát tái lai hay không, có phải đến độ chúng sanh hay không? Bản thân chúng ta là phàm phu nhất định không được làm theo. Nếu chúng ta làm theo thì nhất định đọa địa ngục. Điều này phải ngàn vạn lần nhớ kỹ. Nội dung phần chú giải vô cùng phong phú, các bạn có thể tự mình đọc tham khảo.
Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta học đến đây. A Di Đà Phật!