Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – Tập 38/195


THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN –  Tập 38/195 (18A – bộ 128 đĩa)

Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Tùy duyên giúp người” gồm có mười điều, đã giới thiệu tám điều rồi. Sau đây còn hai điều, điều thứ chín là “kính trọng bậc tôn trưởng”, thứ mười là “yêu quý sinh mạng chúng sanh”. Phật dạy chúng ta phải tùy duyên chứ không phan duyên. Bản thân Phật Bồ-tát đã làm được rất viên mãn rồi, làm nên tấm gương cho chúng ta thấy. “Kính trọng bậc tôn trưởng”, đặc biệt là người ngày nay đã xem nhẹ điều này. Vì sao phải kính trọng? Bậc tôn trưởng là đối tượng để chúng ta học tập kính trọng. Hơn nữa, trên thực tế, ý của Phật là muốn chúng ta tôn kính tất cả. Vì sao? Vì tôn kính là tánh đức. Chúng ta học Phật mục đích là muốn làm Phật. Làm thế nào mới có thể làm Phật? Nhất định phải phục hồi tánh đức một cách viên mãn thì liền tự nhiên thành Phật. Phật không phải miễn cưỡng mà thành tựu được, là tự nhiên thành tựu. Phật ở trong đại kinh nói cho chúng ta biết: “Tất cả chúng sanh vốn dĩ thành Phật”. Vốn dĩ chúng ta đều là Phật, hiện tại thì không phải. Nguyên nhân vì sao mà không phải? Tư tưởng, kiến giải, hành vi của chúng ta đã đi ngược với tánh đức, cho nên không phải là Phật. Nếu như thuận theo tánh đức, đó chính là Phật, cùng với hết thảy chư Phật Như Lai không hai không khác.

Từ đó cho thấy, Phật giáo hóa chúng sanh, chẳng qua là giáo hóa người thuận theo tánh đức mà thôi. Thuận theo tánh đức là tự nhiên, trái ngược với tánh đức chính là phá hoại tự nhiên. Trong Phật pháp, có khi không dùng từ “tự nhiên”, vì sợ mọi người có chấp trước, có hiểu lầm đối với từ này, mà dùng “Pháp nhĩ”. “Pháp nhĩ” nghĩa là gì? Là giống như ý nghĩa của chữ “tự nhiên”. “Pháp” là tất cả các pháp. “Nhĩ” tức là như vậy, vốn dĩ chính là như vậy.

Nói thật ra, hiện nay chúng ta muốn lĩnh hội những ý nghĩa này thì cần phải có độ sâu suy nghĩ. Vì sao vậy? Mọi người thường nói môi trường tự nhiên bị phá hoại rồi. Môi trường tự nhiên chính là môi trường sống của chúng ta, môi trường tự nhiên bị phá hoại, chính là môi trường sống của chúng ta bị phá hoại. Chúng ta hiện nay cảm thấy sống rất là đau khổ. Không những ở trong thức ăn nước uống có chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh, khiến cho người khi ăn uống cảm thấy thấp thỏm lo âu mà ở trong nước cũng chứa chất độc, thậm chí là ở trong không khí cũng chứa chất độc.

Thời đại này của chúng ta, nước để uống, không khí để hít thở không bằng thời đại ngày xưa. Thời đại ngày xưa, quả thật nước uống là suối trong, hít thở là không khí trong lành, đây là nói môi trường sống của chúng ta thua xa với người xưa. Bị ai phá hoại vậy? Bản thân chúng ta phá hoại, thật sự là tự làm tự chịu. Nhưng không phải toàn thể loài người chúng ta đều đang phá hoại, chỉ thiểu số người làm mà đa số người phải chịu liên lụy. Thiểu số người phát minh, đa số người ham muốn một chút tiện ích nhỏ, ham muốn một chút lợi nhỏ, không biết là về sau sẽ có tai nạn lớn đang chờ, đây là ngu si, đây đích thực là vô tri.

Cho nên Phật dạy người không có gì khác ngoài việc hồi phục tánh đức mà thôi. Tánh đức là cái vốn có của bạn, bạn hiện tại đã mê rồi, vô lượng trí huệ đức năng không thể hiện tiền, Phật hết lòng hết dạ khuyên bảo chúng ta. Vì sao trí huệ đức năng không thể hiện tiền? Vì mê hoặc, ngu si. Từ trong si mê sanh khởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, đúng sai, nhân ngã, tham sân si mạn, các thứ này đang tạo nghiệp, đây chính là phá hoại môi trường tự nhiên, khiến đức năng vốn có trong tự tánh chúng ta bị chướng ngại, không thể hiện tiền. Vào lúc này, Phật gọi những người này là phàm phu. Chỉ cần trừ sạch những chướng ngại này thì trí huệ đức năng sẽ hồi phục lại ngay, thì người này gọi là Phật Bồ-tát. Phật Bồ-tát khác biệt với chúng sanh là ở chỗ này. Chúng ta hễ tin lời của Phật, hiểu rõ lời của Phật, nương theo lời của Phật mà làm thì có thể hồi phục tánh đức.

Trong Kinh Hoa Nghiêm, Bồ-tát Phổ Hiền đã nêu ra mười cương lĩnh tu học cho chúng ta. Điều thứ nhất là “lễ kính chư Phật”, cũng chính là nói tu hành chân chánh phải bắt đầu từ “lễ kính chư Phật”. Tiên sinh Liễu Phàm ở chỗ này dạy chúng ta “kính trọng tôn trưởng” chính là thực hành “lễ kính chư Phật”. Đây là bước đầu thực hiện, bồi dưỡng tâm kính trọng, kính yêu tôn trọng, đây là tánh đức. Sau đó dùng sự kính yêu này, kính yêu một cách chân thành, tôn trọng một cách chân thành để đối đãi với tất cả chúng sanh, không còn phân biệt, không còn chấp trước nữa, đây chính là sự lưu lộ của tánh đức, đây chính là “lễ kính chư Phật” mà Bồ-tát Phổ Hiền thật sự đã thực hành.

Hễ một điều này có thể thực hiện được thì chín điều còn lại sẽ dễ làm thôi, sẽ không khó. Đời sống của bạn, công việc của bạn, bạn đối nhân xử thế tiếp vật, tư tưởng ngôn ngữ hành vi của bạn đều là hạnh Phổ Hiền, cũng chính là bạn đã đạt được phương pháp tu hành của Bồ-tát Phổ Hiền rồi. Trong Phật pháp Đại Thừa, hạnh Phổ Hiền là phương pháp tu hành thù thắng nhất, phương pháp này có thể thành Phật. Nói cách khác, phương pháp này có thể minh tâm kiến tánh, cái gọi là thành Phật chính là minh tâm kiến tánh.

Chúng ta hãy suy nghĩ thật kỹ, chúng ta đã đọc những kinh luận này rất nhiều, khi nói đến chúng ta đều thấy rất quen chứ không xa lạ. Nhưng vẫn không thể thực hiện. Nguyên nhân do đâu? Nguyên nhân là do thực hành không đủ lực. Nói lời thành thật, là hoàn toàn không muốn thực hành. Không chỉ là thực hành chưa đủ lực mà căn bản là không làm. Cho nên chúng ta không có cách gì khế nhập cảnh giới của Phật Bồ-tát. Nói lời thành thật, chúng ta hiểu chưa được thấu triệt nghĩa chân thật của thập đại nguyện vương, hoàn toàn chưa thật sự hiểu rõ. Thật sự hiểu rõ rồi thì làm gì có đạo lý không làm theo chứ? Các bậc cổ Thánh tiên Hiền dùng phương pháp này để bồi dưỡng tánh đức.

Con người nếu có thể kính trọng cha mẹ, kính trọng sư trưởng, kính trọng trưởng bối, bắt đầu làm từ chỗ này thì dễ dàng. Thế nhưng ngày nay thì khó rồi. Xã hội ngày nay phổ biến việc tôn sùng sự tự tôn, không biết tôn trọng người khác, tự đại, cho nên tập khí ngạo mạn không ngừng tăng trưởng. Luôn là ức hiếp người khác, tâm trạng như vậy là tạo tội nghiệp cực nặng, là hoàn toàn trái ngược với tánh đức. Không học Phật thì đã đành rồi, học Phật mà vẫn muốn làm như vậy thì đâu có đạo lý nào không đọa lạc chứ? Chúng ta phải hiểu được cái ý nghĩa này. Vì sao Phật phải dạy chúng ta như vậy? Không phải Ngài sáng tạo phương pháp dạy học này, không phải do Ngài thiết kế, hoàn toàn là thuận theo tự nhiên, hoàn toàn là thuận theo tánh đức. Nếu như chúng ta hiểu rõ, sáng tỏ rồi thì tự nhiên có thể y giáo phụng hành một cách rất hoan hỷ, cố gắng học tập, học tập ở trong đời sống, học tập ở trong đối nhân xử thế tiếp vật.

Điều sau cùng là “yêu quý sinh mạng chúng sanh”, điều này trên thực tế là khuyên bảo chúng ta phải tiếc phước. Ở trong tự tánh có vô lượng phước đức. Chúng ta xem thấy ở trong đại kinh, ở trong Kinh Hoa Nghiêm nói là y chánh trang nghiêm của Tỳ-lô-giá-na Phật, ở trong Kinh Vãng Sanh nói y chánh trang nghiêm của A Di Đà Phật ở thế giới Cực Lạc. Phước báo đó không phải do tu mà có, mà là xứng tánh, cũng chính là nói hoàn toàn là tự nhiên. Sinh thái tự nhiên chưa bị phá hoại một chút nào, bất luận là hoàn cảnh vật chất, hoàn cảnh nhân sự đều tốt đẹp đến cực điểm, cho nên gọi đó là thế giới Cực Lạc. Trong môi trường này, Phật Bồ-tát vẫn vì chúng ta mà thị hiện “yêu quý sinh mạng chúng sanh”, huống hồ phàm phu chúng ta chưa kiến tánh, phước báo của tự tánh không hưởng thụ được một chút nào cả.

Phước báo chúng ta ngày nay hưởng là gì? Từ đâu mà có? Là từ tu đức mà có. Bạn có phước báo giống như bạn có của cải, bạn có tiền muôn bạc vạn nhưng đều ở trong ngân hàng, trên người một xu cũng không có. Đi trên đường muốn ăn thứ gì, đành chịu đói, không có người nào cho bạn thức ăn. Làm sao đây? Đành phải tạm thời làm thuê, kiếm chút tiền để có một bữa cơm, đó là tu đức. Tuy tánh đức có phước báo mà không lấy ra được, phàm phu là giống như loại tình trạng này. Chúng ta tu được một chút phước đức, nếu bạn không quý trọng thì sẽ hưởng hết phước này rất nhanh. Người xưa có một câu nói rất hay: “Lộc tận nhân vong”. Lộc là gì? Là phước báo. Người có tuổi thọ rất dài, thọ 80-90 tuổi, nhưng phước báo đó mới 50-60 tuổi, do không biết tiếc phước, đã hưởng hết rồi. Hưởng hết phước rồi, tuy còn tuổi thọ cũng phải chết, vì phước không còn nữa. Từ đó cho thấy, tiếc phước rất quan trọng. Người biết tiếc phước, tuy tuổi thọ đã đến rồi mà phước chưa hưởng hết thì họ sẽ chưa chết, tuổi thọ của họ tự nhiên kéo dài. Vì sao vậy? Phước chưa hưởng hết, họ còn có dư phước. Chúng ta thường nói thêm phước thêm thọ.

Có hai phương pháp để thêm phước, một cái là tự mình biết tu phước, một cái là tự mình biết tiếc phước. Vừa biết tu phước vừa biết tiếc phước thì tuổi thọ đương nhiên sẽ kéo dài, đây là đạo lý nhất định. Nho, Phật đều dạy chúng ta phải biết tiết kiệm, yêu quý vật mạng, cái vật mạng này đặc biệt là chỉ động vật. Điều này có nghĩa là không sát sanh, tiến thêm một bước là không ăn thịt chúng sanh. Không ăn thịt chúng sanh là tiếc phước. Không nên cho rằng việc ăn thịt chúng sanh là rất bình thường, mọi người trong xã hội đều ăn mà! Phật ở trong kinh nói rất rõ ràng, bạn ăn nó tám lạng, tương lai phải trả nó nửa cân, không phải nói ăn rồi thì hết việc, mà ăn rồi thì rất phiền phức.

Bạn đời này đã ăn thịt của biết bao nhiêu động vật, bạn phải bao nhiêu đời mới có thể trả hết. Cho nên thân người khó được mà dễ mất, mất thân người rồi mà lại được thân người là việc không dễ dàng. Nói đơn giản nhất, bạn đời này đã ăn bao nhiêu thịt chúng sanh, đời sau lại biến thành súc sanh, đời đời kiếp kiếp biến thành súc sanh để trả nợ, trả hết rồi thì mới có thể được lại thân người. Bạn thử nghĩ việc này phiền phức biết bao! Người thế gian không biết điều lợi hại này. Phật Bồ-tát biết, người chân chánh tu hành biết, không kết oán thù với chúng sanh, không vướng víu nợ nần với bất kỳ người nào.

Nợ mà người khác thiếu thì ta không cần nữa, cái này tốt. Nếu còn cần nữa, bạn còn muốn đi đòi nợ thì đời sau bạn sẽ còn phải đi gặp lại họ. Nếu không cần nữa thì hết nợ rồi. Thiếu nợ người thì phải nhanh chóng trả, trả thật vui vẻ, trên đường Bồ-đề chúng ta sẽ không còn chướng ngại, sẽ đi vãng sanh rất thảnh thơi, đi rất tự tại, oan gia chủ nợ sẽ không đến gây khó dễ, chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần bảo hộ. Bạn không biết tiếc phước thì biết làm sao bây giờ? Phải tiếc phước. Từng li từng tí đều phải quý trọng, phải tập thành thói quen.

Lần đầu tiên tôi đến Vancouver, Canada để giảng kinh, đồng tu bên đó nói với tôi, ở Vancouver có một vị đại hộ pháp đã cúng dường cho Pháp sư Tuyên Hóa một tòa nhà lớn, lúc đó tòa nhà có trị giá đến một triệu đô-la Mỹ, tôi có đi tham quan rồi. Nguyên nhân gì mà cúng dường vậy? Trong một bữa cơm, vị đại hộ pháp đó nhìn thấy Pháp sư Tuyên Hóa chỉ dùng một tờ giấy ăn, tức là dùng một tờ giấy để lau chùi mà đã dùng đến tám lần, dùng xong một lần thì gấp lại, dùng đến tám lần. Ông ấy đã cảm động, đã cúng dường một triệu đô, là quả báo của tiếc phước. Pháp sư Tuyên Hóa ở Mỹ, trong rất nhiều thành phố lớn đều có đạo tràng, phước báo lớn. Phước báo từ đâu mà có vậy? Do tiếc phước. Ngài chân thật tiết kiệm, chân thật tiếc phước, đời sống bản thân thật sự tiết kiệm, người khác không làm được. Ngài ngày ăn một bữa, ngủ ngồi không nằm, trong phòng không có giường, giữ giới rất nghiêm, những chỗ này đáng để chúng ta tán thán, đáng để chúng ta học tập. Ngài nói về những thần thông, việc này thì chúng tôi không tán thán, nhưng về phương diện giữ giới, tiếc phước, chúng ta cần phải hướng về Ngài mà học tập. Chúng tôi chỉ giới thiệu đơn giản với các vị đồng tu mười điều này, trong chú giải nói vô cùng tường tận, mọi người có thể tự mình tham khảo.