THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Mã AMTB: 19-012-0001 đến 19-012-0195
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN – Tập 2/195 (1B – bộ 128 đĩa)
Các vị đồng học! Hôm nay, chúng ta bắt đầu cùng nhau học tập Thái Thượng Cảm Ứng Thiên. Thiên văn chương này cũng không dài lắm, chỉ có hơn một ngàn ba trăm chữ. Tựa đề gọi là Thái Thượng Cảm Ứng Thiên.
“Thái Thượng”, hai chữ này là tôn xưng, hàm ý rất sâu. Phật Bồ-tát vì chúng ta giảng kinh nói pháp hoàn toàn là lưu xuất từ tự tánh, cho nên không phải là một người nào đó nói. Nếu chúng ta cho rằng kinh Phật là do Thích-ca Mâu-ni Phật nói thì sai rồi! Trong rất nhiều kinh luận chúng ta xem thấy, Phật tự mình nói là Ngài cả đời chưa từng giảng kinh, Ngài cả đời chưa từng nói qua một chữ. Lời nói này là lời thật, không phải khiêm tốn, cũng không phải là nói tùy tiện. Phàm phu chấp trước có “ngã”, cho nên khi nói pháp thì nói: “tôi nói”, “anh nói” hoặc “ông ấy nói”. Chư Phật Bồ-tát là vô ngã, trong kinh Kim Cang nói rất rõ ràng, không những là vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng, mà ngay đến ý niệm cũng không có, gọi là vô ngã kiến, vô nhân kiến, vô chúng sanh kiến, vô thọ giả kiến. Kiến là kiến giải, không những không chấp trước ý niệm, mà ngay cả ý niệm cũng không có. Ngài từ nơi nào mà nói vậy? Là lưu xuất từ chân tánh. Chân tánh không phải là chân tánh của người khác, mà là chân tánh của chính chúng ta, chúng ta nhất định phải hiểu đạo lý này. Lưu xuất từ tự tánh, đây là chân thật, còn nếu như từ tâm ý thức thì lời nói này không thể tin. Thánh nhân xuất thế gian, trong Phật pháp thường nói: “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Thế gian cũng có thánh nhân, những người này có kiến tánh hay không, có thành Phật hay không? Phật dùng lời phương tiện mà nói, thánh nhân thế gian chưa thể kiến tánh. Đây là lời nói phương tiện. Nói lời chân thật, trong kinh luận Đại Thừa đã nói rất nhiều, chư Phật Như Lai ứng hóa ở thế gian là tùy loại mà hóa thân, tùy căn cơ mà nói pháp. Làm thế nào biết họ không phải là chư Phật Như Lai hóa thân thị hiện? Lúc trước có người nói Khổng Tử là Đồng Nho Bồ-tát. Có người đến hỏi tôi lời nói này có đáng tin hay không? Chúng ta y theo cách trả lời thường lệ của tổ sư, không thể nói là có hay không, bởi vì bạn nói Ngài ấy là Bồ-tát nhưng tìm không ra chứng cứ thì chúng ta không thể nói tùy tiện. Nếu bạn nói Ngài không phải là Bồ-tát thì từ trên nguyên lý mà nói, cũng có khả năng Bồ-tát ứng hóa ở thế gian. Nếu như thật sự khế nhập cảnh giới thì tất cả chúng sanh, người nào không phải là Bồ-tát, người nào không phải là Như Lai? Đề tựa này cũng là như vậy, văn gốc cũng là như vậy, vừa mở đầu đã đề lên hai chữ “Thái Thượng”. Các vị đồng tu học Phật chúng ta phải nên hiểu rõ, hai chữ này là lưu lộ của tự tánh, tánh đức, là chí cao vô thượng. Nói cách khác, chúng ta có thể lý giải, có thể phụng hành chính là thuận theo tánh đức. Thuận theo tánh đức chính là chân thiện, trái với tánh đức gọi là ác. Đây là tiêu chuẩn tối cao của thiện và ác, là tiêu chuẩn tuyệt đối của thiện và ác. Hai chữ này đề lên ở đây để chúng ta phải cảnh giác, không thể lơ là, dụng ý là ở chỗ này.
Kế tiếp là “Cảm” và “Ứng”. “Cảm”, người xưa ví dụ giống như trồng trọt, “Ứng” là khai hoa kết quả. Dùng hai chữ này làm tên gọi cho một tác phẩm văn chương, chính là nói có cảm tất nhiên có ứng. Đây là đạo lý gì? Cảm ứng đều là y theo tự tánh mà sanh khởi. Tự tánh hiện khắp tất cả mọi nơi, tất cả mọi lúc, ngày nay chúng ta nói thời gian và không gian. Trong tự tánh không có phân ra, thời gian và không gian là một mảng, cho nên có cảm ắt sẽ có ứng. Trên thân thể chúng ta, chúng ta nói là “nhổ một sợi tóc, làm động toàn thân”. Một sợi tóc bé nhỏ không đáng kể, nếu như chúng ta kéo căng nó thì toàn thân liền cảm thấy khó chịu. Bạn động đến một sợi tóc, đây là cảm; toàn thân khó chịu, đó là ứng. Do đây có thể biết, không nên cho rằng khởi tâm động niệm, lời nói, hành động của chúng ta là chuyện nhỏ, không hề gì. Một ý niệm nhỏ nhất đều có thể chấn động hư không pháp giới, nhưng chúng ta không biết, không nhận ra. Giống như một sợi lông tơ trên thân chúng ta vậy, chúng ta nhổ một sợi lông tơ thì toàn thân đều có thể cảm nhận được, việc này mọi người đều biết, đây là thân thể chúng ta. Thế nhưng bạn không thể hiểu được hư không pháp giới, tất cả chúng sanh là pháp thân thanh tịnh của chính mình, đều là một thể. Bởi vì nó là một thể, cho nên cảm ứng là không thể nghĩ bàn. Có cảm ắt có ứng, tùy cảm tùy ứng. Cảm ứng cũng có thể nói là quan hệ của nhân quả. Chúng sanh có cảm là nhân; chư Phật, Bồ-tát, long thiên, quỷ thần liền có ứng là quả. Hiểu rõ đạo lý, hiểu rõ chân tướng sự thật này, bạn mới hiểu được lời cổ đức đã nói: “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”. Thí dụ này ý nghĩa rất sâu, nói với chúng ta rằng “trồng nhân thiện nhất định được quả thiện, trồng nhân ác nhất định không thể tránh khỏi ác báo”. Tất cả chúng sanh từ vô thỉ kiếp đến nay đã tạo tác nhân thiện thì ít, nhân ác thì nhiều. Trong đời này, nếu chúng ta bình lặng mà tư duy, tỉ mỉ mà quán sát thì thấy ở chung quanh chúng ta ác duyên nhiều, thiện duyên ít. Thiện duyên thì thúc đẩy đạo nghiệp, thúc đẩy hạnh thiện của chúng ta, còn ác duyên thì làm tăng trưởng ác niệm, tăng trưởng ác hạnh của chúng ta. Tương lai có quả báo thế nào thì tự mình chẳng phải thấu hiểu rất rõ ràng, minh bạch hay sao? Đây đều là đạo lý của cảm ứng. Cổ nhân thường nói: “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó thoát”. Câu nói này cũng là đạo lý của cảm ứng. Đây là chân lý, là chân tướng sự thật.
Tổng cương lĩnh của tác phẩm này chính là bốn câu mở đầu:
Họa phước vô môn,
Duy nhân tự chiêu;
Thiện ác chi báo,
Như ảnh tùy hình.
(Họa, phước vốn không cửa,
Lòng người chiêu cảm thôi.
Quả báo thiện hay ác
Như bóng theo sát hình)
Những lời văn phía sau đều là từ bốn câu này mà nói cặn kẽ tỉ mỉ hơn mà thôi. Chúng ta học tập phải nắm được cương lĩnh của bốn câu này. Khởi tâm động niệm, lời nói tạo tác có tương ưng với tánh đức hay không? Nếu tương ưng với tánh đức thì chúng ta có thể nghĩ như vậy, có thể làm như vậy; còn nếu trái với tánh đức, chúng ta phải biết không thể nghĩ như vậy, không thể nói như vậy, cũng không thể làm như vậy.
Phật ở trong tất cả kinh luận dạy bảo chúng ta, đặc biệt là chúng sanh thời mạt pháp, nếu muốn đạo nghiệp thành tựu, điều kiện thứ nhất là thân cận thiện hữu (bạn lành), điều này xếp ở hàng thứ nhất. Trong kinh Tiểu Thừa cũng không là ngoại lệ. Trước đây chúng ta đã đọc qua kinh A-nan Vấn Sự Phật Kiết Hung, câu đầu tiên trong kinh này là Phật dạy bảo chúng ta phải “thân cận minh sư”. Thân cận minh sư chính là thân cận thiện hữu, thiện tri thức mà trong kinh Đại Thừa đã nói. Kinh Địa Tạng nói, phàm phu trong lục đạo tánh thức bất định, cũng giống như trong ngạn ngữ thường nói “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Câu này ý nói phàm phu chúng ta nhất định bị ảnh hưởng của hoàn cảnh, bị ảnh hưởng bởi thế giới bên ngoài. Chúng ta làm không được “cảnh tùy tâm chuyển”. Thực tế mà nói, chúng ta là “tâm theo cảnh mà chuyển”. Vì vậy, hoàn cảnh đối với chúng ta rất quan trọng.
Từ xưa đến nay, các tổ sư đại đức, những người chân thật tu hành, có công phu của định huệ, họ có thể chuyển cảnh giới, họ không bị cảnh giới chuyển. Thế nhưng họ dạy học trò, dạy đồ đệ vẫn phải lựa chọn hoàn cảnh. Tại sao vậy? Vì những người này là phàm phu, không thể chuyển được cảnh giới, nhất định họ sẽ bị ngoại cảnh làm ảnh hưởng, cho nên không thể không chọn lựa hoàn cảnh. Trong việc lựa chọn hoàn cảnh tu học, thiện hữu là điều kiện thứ nhất. Bạn có thể thường xuyên thân cận thiện tri thức, thân cận lão sư tốt, thân cận đồng tham đạo hữu tốt, điều này nhất định có sự giúp đỡ cho đạo nghiệp của bạn.
Chúng ta thấy được trong Cao Tăng Truyện hoặc trong Cư Sĩ Truyện, từ xưa đến nay, những vị đại đức thân cận thiện hữu mười mấy năm, hai hay ba mươi năm, có khi cả đời không rời khỏi. Họ học xong rồi thì có thể rời khỏi lão sư, nhưng vì sao họ vẫn không chịu rời khỏi? Đó là làm tấm gương tốt cho đời sau, hầu bên cạnh lão sư, làm trợ giáo cho lão sư, tiếp dẫn các bạn đồng học đến sau. Đến khi lão sư vãng sanh, viên tịch rồi, họ mới rời khỏi và đi giáo hóa một phương. Chúng ta xem, từ xưa đến nay, tổ sư đại đức, rất nhiều người làm theo cách này, cũng là thật sự thực hiện lời dạy bảo của Thế Tôn, trừ khi là duyên không đủ, vậy thì không phải bàn. Thế nhưng, đạo nghiệp của chính mình phải thật sự có thành tựu thì mới có thể rời khỏi.
Như thế nào gọi là thành tựu? Trong Phật pháp có một tiêu chuẩn, từ giải môn trí huệ mà nói, bạn có thể phân biệt chân-vọng, tà-chánh, thị-phi, thiện-ác, lợi-hại, xác thực có năng lực nhận biết. Điều kiện thứ hai, bạn có định công, không bị quấy nhiễu bởi ngoại cảnh, cũng chính là nói không bị dụ hoặc bởi ngoại cảnh, “ngoài không dính tướng, trong không động tâm”. Đầy đủ hai điều kiện này thì mới có thể rời khỏi lão sư; không đầy đủ hai điều kiện này, rời khỏi lão sư thì rất nguy hiểm, bởi vì bên trong bạn có phiền não, bên ngoài có dụ hoặc, bạn chống không lại dụ hoặc, bạn sẽ bị đọa lạc. Thế nhưng ngày nay sư đạo đã không còn nữa, chúng ta muốn thân cận thiện tri thức, nhưng thế gian này không còn thiện tri thức thì làm thế nào đây? Nếu như có thể tìm được một vài đạo hữu chí đồng đạo hợp, mọi người có thể cùng nhau học tập, khích lệ lẫn nhau, lấy đại đức xưa làm thiện tri thức. Tôi giới thiệu cho các vị, lấy A Di Đà Phật làm thiện tri thức. A Di Đà Phật ở đâu vậy? Trong kinh Vô Lượng Thọ, trong Tịnh Độ Ngũ Kinh. Mỗi ngày đọc tụng, giảng giải, mỗi ngày cùng nhau học tập, như vậy là chúng ta không rời khỏi thiện tri thức. Tôi ở nơi đây dùng Internet kết duyên với các vị đồng học, đối với mọi người cũng có được một chút lợi ích. Khoảng cách chúng ta tuy xa nhưng lợi dụng phương tiện khoa học kỹ thuật hiện nay làm cho chúng ta không còn khoảng cách nữa, chúng ta có thể mỗi ngày cùng nhau học tập.
Phải thường xuyên ghi nhớ bốn câu nói mở đầu này ở trong lòng để đề cao cảnh giác. Mỗi người có báo ứng của mỗi người, gia đình có báo ứng của gia đình, xã hội quốc gia cho đến thế giới đều trốn không khỏi định luật này. Ngày nay xã hội động loạn, thế giới bất an, chúng ta biết là do cộng nghiệp chiêu cảm. Làm thế nào hóa giải kiếp nạn này? Chỉ cần mọi người giác ngộ, hiểu rõ những chân tướng sự lý này thì kiên quyết quay đầu trở lại, đoạn tất cả ác, tu tất cả thiện, buông bỏ tự tư tự lợi của chính mình, tất cả đều vì xã hội, vì chúng sanh, kiếp nạn này liền được hóa giải. Thiên tai nhân họa đều do ác nghiệp chiêu cảm mà ra. Từ bỏ ác nghiệp, không những tai nạn do con người làm ra không còn nữa, mà tai họa của thiên nhiên cũng không còn. Vì sao nói tai họa thiên nhiên không còn? Vì trong kinh Đại Thừa thường nói là “cảnh tùy tâm chuyển”. Chỉ khi thấu hiểu sâu sắc thấu đáo đạo lý này thì mọi người mới chịu tin tưởng, mới chịu làm.
Bài văn này được chia thành các phần, đoạn rất rõ ràng, cổ nhân phân thành mấy đoạn lớn. Trong sách Trực Giải được phân làm mười đoạn. Chúng ta ở đây cùng nhau học tập, chúng ta cũng đem nó phân đoạn, giống như phân khoa phán giáo trong kinh điển. Tương lai khi chúng tôi giảng đến chỗ nào, tôi sẽ đưa ra từng đoạn nhỏ, nói với các vị rõ ràng, dặn dò minh bạch, để các vị biết rõ đoạn này là nói sự việc gì. Bốn câu mở đầu là tổng cương lĩnh của toàn kinh, là tổng cương lĩnh của toàn thiên văn chương.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng tôi chỉ giảng đến đây.