THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Mã AMTB: 19-012-0001 đến 19-012-0195
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN – Tập 96/195 (52A – bộ 128 đĩa)
Các vị đồng học xin chào mọi người.
Phần sau cùng của “Vựng Biên” có mấy đoạn giáo huấn của Đại đức xưa rất hay. Hoàng Lỗ Trực có một bài kệ:
“ Ta ăn thịt chúng sanh.
Danh khác, Thể chẳng khác!
Vốn cùng một chủng tánh,
Chỉ là khác hình hài.
Khổ não chúng đành chịu,
Ngon béo ta hưởng riêng.
Đừng để Diêm Vương xử,
Hãy tự nghĩ xem sao?”.
Người và cầm thú tuy tên gọi không như nhau, nhưng nhục thể linh tánh là như nhau. Linh tánh của động vật, chỉ cần tâm tỉ mỉ một chút thì bạn liền có thể thấy được rất rõ ràng, chúng không khác gì với người, cũng là tham sống sợ chết. Mạnh được yếu thua, đây là hiện tượng của sinh thái. Nếu như chúng ta từ ngay chỗ này mà kiến lập nên quan niệm lý luận thì sai rồi. Con người không bằng cầm thú. Hổ, báo, sư tử sau khi ăn no, những động vật nhỏ vây quanh bên cạnh chúng, chúng không thèm để ý đến, quyết không có ý tổn hại, thế nhưng con người không như vậy, không ăn cũng muốn giết chúng. Con người nếu như không nhận qua giáo dục, không biết được nghĩa lý, người xưa có câu rằng: “Nhân dữ cầm thú cơ hi?”, ý nói là “người cùng cầm thú có gì khác biệt đâu?”. Chúng ta phải suy nghĩ nhiều. Chúng ta giết chúng sanh, ăn thịt chúng sanh, tiên sinh Hoàng nói không cần phải đợi Diêm La Vương đến xử án, chính mình nghĩ xem phải nên xử lý thế nào. Lữ Động Tân (thời triều Đường) nói rất hay: “Nếu bạn muốn trường thọ, bạn cần phải phóng sanh. Đây là chân lý của tuần hoàn. Khi chúng chết, bạn đi cứu chúng, đến khi bạn chết thì trời sẽ cứu bạn”. Người thế gian luôn cầu trường thọ, cầu nhiều con cái. Có phương pháp hay không? Có! Giới sát phóng sanh mà thôi. Đây là Lữ Động Tân nói. Những người này đều là người chân thật có trí tuệ, chân thật có đức hạnh, đối với sự lý nhân quả, họ thấy được rõ ràng, thấy được thấu triệt. Chúng ta phải tin sâu không nghi.
Nhà Phật thường nói, làm Phật, làm Bồ-tát hay đọa ba đường, biến thành súc sanh thảy đều là ở chính mình, không liên quan gì với người khác. Chúng ta chính mình phải nên sâu sắc phản tỉnh, tự cầu đa phước, không nên tự đâm đầu vào chỗ chết. Kết luận sau cùng của thiên này dẫn dùng thiên văn chương của Kì Khê Độ. Đoạn văn chương này của ông được phân thành mấy đoạn, viết được rất hay. Chúng ta vừa xem thì biết con người này là đệ tử của nhà Phật, vì ông nói ra toàn là giáo huấn của Phật Bồ-tát. Mở đầu ông nói: “Mỗi Thể đều là cái Thể vốn trọn đủ các Thể, chúng sanh sanh ngay trong tâm ta”. Đây là cảnh giới của Phật và đại Bồ-tát, biết được hư không pháp giới là một thể, chúng ta thường nói là cùng đồng một thể sinh mạng, cho nên tất cả chúng sanh là chính mình. Ông nói, việc ăn uống của người thế gian là “bát Trân bày la liệt trước mặt, toàn là kêu gào oán nghiệp”. Việc này chúng ta thường hay xem thấy. Khi yến tiệc, trên bàn bày rượu thịt, những gà vịt cá thịt này chân thật là oan nghiệp. Chúng bị giết, không phải chúng cam tâm tình nguyện cúng dường bạn, mà sức mạnh của chúng không thể chống lại bạn. Chúng bị giết rồi, bạn ăn chúng, có thể ngay khi bạn đang ăn, những oan hồn này đều đang bao vây xung quanh bạn, đều đang ở sau lưng bạn. Hiện tại bạn còn đang may mắn, khí vượng của bạn chưa suy nên chúng không dám hại bạn. Khi khí vượng của bạn vừa suy thì những oan gia đối đầu này liền tìm đến.
Ở Đài Loan, trong Phật môn chúng ta có một vị Pháp sư Quảng Hóa (có rất nhiều người biết ông, ông cũng là bạn của tôi), trước khi ông chưa xuất gia, ông là quân nhân, quản quân nhu (quân nhu là quản lý tài vật), cho nên ông dùng tiền rất thuận tiện. Ông nói với tôi, khi ông làm việc ở trong quân đội, mỗi ngày ông ăn một con gà, không biết là đã ăn bao nhiêu con. Sau khi học Phật thì ông xuất gia (ông xuất gia sớm hơn tôi hai năm). Ông là người xuất gia không tệ, trì giới rất nghiêm, là một vị pháp sư tốt, rất khó được. Khi ở Đài Trung, ông dạy tại Phật học viện. Vốn Hán học của ông rất tốt, có thể viết văn chương, có thể làm câu đối. Ông nói, có một hôm khi ông đang tắm, ông thấy trong phòng tắm đầy gà, chúng bay nhảy tứ tung, ông liền né tránh thì bị té ngã, chân bị gãy lìa, cho nên ông bị tàn phế. Về sau ông phải chống gậy, đến sau cùng thì phải dùng xe lăn. Ông nói với tôi, đây là tội nặng báo nhẹ, đây là nhân quả báo ứng do ngày trước ông đã ăn gà quá nhiều. Ông đi đứng rất là khó khăn. Khi bệnh nặng, ông tìm tôi, vì ông muốn đem đạo tràng tặng cho tôi. Tôi đi thăm ông, ông đã không còn cách nào nói chuyện được, ngồi trên xe lăn miệng chảy nước dãi, rất là đáng thương. Tôi và Hàn Quán trưởng cùng đi thăm ông. Xem thấy bên cạnh ông còn có một số đệ tử, cho nên tôi liền cảm tạ ông, nhưng tôi không tiếp nhận.
Chúng ta xem đoạn văn chương này, một chút cũng không giả. Những món ăn này bày lên trên bàn, oan gia du hồn, người sáng mắt vừa nhìn làm sao dám nuốt? Nhà Phật là “đồng thể đại bi”, thấy tất cả chúng sanh đều là “cha mẹ quá khứ, chư Phật vị lai”, phổ độ, cứu giúp chúng sanh còn không kịp thì làm sao có thể giết hại chúng, làm sao có thể ăn thịt chúng sanh? Chỉ cần chúng ta vừa chuyển đổi ý niệm thì liền giác ngộ rồi, loại tập khí ăn thịt này không khó đoạn trừ, động cơ giết hại chúng sanh cũng có thể đoạn trừ, hồi phục tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm từ bi, đó chính là tự cầu đa phước. Không những không thể giết hại chúng sanh, mà khiến chúng sanh sanh phiền não là chúng ta đã có tội lỗi rồi.
Ngạn ngữ thường nói: “Con người ở đời, việc không vừa ý thường đến tám, chín phần mười”. Tại vì sao việc không vừa ý nhiều đến như vậy? Quả báo! Ngày trước ta không đối đãi tốt với người khác, ngày nay gặp phải loại quả báo này. Nếu như chúng ta có thể dùng thiện tâm, thiện ý, thiện hạnh để đối đãi tất cả người việc và vật, thì chúng ta ngay đời này mọi việc liền như ý; mọi lúc, mọi nơi, tự nhiên liền được quý nhân giúp đỡ. Chúng ta chịu giúp đỡ người khác, tự nhiên liền được người khác giúp đỡ. Nghiệp nhân quả báo không hề sai chạy. Chúng ta kính người khác, người khác kính chúng ta. Chúng ta có thể yêu tất cả động vật, thiên địa quỷ thần cũng yêu thương chúng ta. Chúng ta khinh mạn người khác, người khác nhất định khinh mạn chúng ta, đúng như đã nói “tự làm tự chịu”, không phải có thiên thần quỷ thần gì đó đến an bài. Tất cả pháp thế xuất thế gian chính là nhân duyên quả báo mà thôi. Phật pháp cũng không ngoại lệ.
Học Phật, mục đích ở đâu? Là phải vì chứng đắc pháp thân thanh tịnh. Nếu bạn muốn chứng được pháp thân thanh tịnh, một chút ô nhiễm cũng đều không thể có, đến lúc nào bạn có thể đem phải quấy nhân ngã, tham sân si mạn, những phiền não tập khí này đoạn trừ hết. Phương pháp lý luận để đoạn trừ thì Thánh Hiền thế xuất thế gian đã nói rất nhiều, chúng ta phải tỉ mỉ mà đọc tụng, phải tỉ mỉ mà nghiên cứu thảo luận, làm cho rõ ràng, làm cho tường tận, y giáo phụng hành, vậy mới được cứu. Nếu như không thể tín thọ phụng hành, không cách nào làm đến tín-giải-hành-chứng, thì luân hồi, khổ báo chắc chắn không cách nào tránh được.
Sanh tử có nghiệp nhân. Chúng ta hiện tiền thân thể khỏe mạnh trường thọ hay là nhiều bệnh, nhiều phiền não, đoản mạng, không có thứ nào không phải là nghiệp báo. Chúng ta phải tin tưởng giáo huấn chân thật của Phật Bồ-tát. Trồng nhân thiện chắc chắn được quả thiện. Nhân thiện phải từ nơi tâm địa mà kiến lập. Hạnh thiện, khẩu thiện, ngôn thiện mà tâm không thiện thì không thể chuyển được y báo. Tâm thiện thì không có thứ nào mà không thiện, ngôn ngữ, hành vi có làm ác thì cũng là thiện. Nếu như tâm không thiện, ngôn thiện, thân thiện thì là giả thôi, không phải thật. Họ nói lời hay với bạn, giúp bạn làm việc tốt, họ có mục đích, có ý đồ, đó là bất thiện. Người có tâm thiện, lời nói ra không dễ nghe, làm việc rất khó coi, thế nhưng lại là thiện, quả báo là thiện. Họ là lợi ích chúng sanh, lợi ích cho bạn, họ không hại bạn. Tâm không thiện, ngôn ngữ dễ nghe thì chỉ là thêu dệt.
Thế gian có một số người không có trí tuệ, luôn luôn bị lừa, luôn luôn bị gạt. Bị gạt bị nhiều rồi dần dần sẽ giác ngộ, vậy vẫn xem là không tệ. Có người bị gạt chịu thiệt, cả đời cũng không giác ngộ, đó là ngu muội đến tột đỉnh. Cho nên, học Phật nếu muốn được phước báo, điều thứ nhất chắc chắn không nên kết oán với tất cả chúng sanh, “oan gia nên giải không nên kết”. Oan nghiệp luôn phải hóa trừ, nợ mạng thì phải trả mạng, thiếu tiền thì phải trả tiền.
Chúng ta cam tâm tình nguyện, bất luận gặp phải nghiệp duyên gì cũng không oán trời, không trách người. Biết được đó là nghiệp báo của chính mình đã hiện tiền, muốn hóa giải những ác báo này thì từ ngay trong tâm địa phải làm một cuộc chuyển biến, chuyển ác thành thiện, chuyển mê thành ngộ, thì cho dù có định nghiệp, quả báo cũng sẽ giảm nhẹ. Ý niệm của chúng ta chuyển rồi, cho nên nói trọng báo chuyển thành khi báo, báo nhẹ thì đã hóa giải rồi. Sự việc này, quan trọng nhất chính là một niệm tâm chân thành. Tâm chân thành có thể cảm ứng tương thông với Phật Bồ-tát, chân thành có thể cảm động thiên địa quỷ thần. Cho nên, chúng ta ngày trước tạo tác tội nghiệp, làm sai sự việc cũng không sợ, sợ là bạn không hồi đầu, sợ là bạn không giác ngộ.
Người xưa nói rất hay: “Con người không phải Thánh Hiền, ai mà không có lỗi?”. Ngày trước không đọc sách Thánh Hiền, không hiểu giáo huấn của Thánh Hiền, cha mẹ ở nhà không dạy bảo chúng ta, đi học thầy giáo không dạy bảo chúng ta, chúng ta tạo tác ác nghiệp, vậy thì có thể lượng thứ, trong Kinh Vô Lượng Thọ, Phật nói “không đáng trách vậy”. Thế nhưng ngày nay chúng ta đọc được sách Thánh Hiền, nghe được Phật pháp, nhất định phải hối cải, nhất định phải giác ngộ. Nếu như đọc sách Thánh Hiền, nghe Phật Bồ-tát giảng Kinh mà vẫn không chịu quay đầu, còn tiếp tục tạo ác nghiệp, vậy thì bạn hết cứu, bạn là tội chồng thêm tội. Nhất là người xuất gia, chúng ta chính mình khoác lên cái hình tướng này, nếu làm được không giống thì tội lỗi càng nặng, ở trong xã hội này so với bất cứ nghề nghiệp nào cũng đều nghiêm trọng hơn, bởi vì sự thành tựu là thù thắng không gì bằng, cho nên đắc tội thì cũng nghiêm trọng không gì bằng. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này, phải hiểu rõ chân tướng sự thật, cần phải đoạn ác được sạch sẽ, tu thiện, luôn hy vọng thiện tâm này có thể viên mãn, chúng ta mới xứng đáng được với Phật, xứng được với Bồ-tát, xứng được với những thiện tri thức truyền pháp nhiều đời. Niệm niệm chúng ta phải giữ tâm báo ân. Làm thế nào để báo ân? “Thọ trì đọc tụng, vì người diễn nói”, vậy mới chân thật thực tiễn “trên đền bốn ân nặng, dưới cứu khổ ba đường”, chân thật báo ân. Chúng ta học không tốt, làm không giống thì đắc tội. Chính mình luôn phải nên biết, vạn nhất không nên sơ suất, chân thật như câu nói mà thế tục thường nói: “Trước cửa địa ngục tăng đạo nhiều”. Nếu như chúng ta là một phần tử ở trong đó thì sai rồi, đặc biệt sai lầm.