Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – Tập 143/195

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN –  Tập 143/195 (85B – bộ 128 đĩa)

Các vị đồng tu

Xin mời xem đoạn thứ 78 của Cảm Ứng Thiên. Đoạn này có bốn câu :

 Phá nhân chi gia, thủ kỳ tài bảo. Quyết thủy phóng hỏa, dĩ hại dân cư (Phá hoại nhà người chiếm tài sản quý. Gây lụt, đốt lửa làm hại dân cư)

 Tiêu đề trong Khoa Phán chính là “Hiển hoành chi ác”. Chữ ‘Hiển’ có nghĩa là rõ ràng, chữ ‘Hoành’ có nghĩa là hoành hành ngang ngược, bắt nạt người khác. Trong chú giải nói cũng rất hay là « Sự xuất vô tâm », nghĩa là ngẫu nhiên làm những việc phá hoại, tổn hại người khác nhưng không lợi ích cho chính mình. Điều này cũng là lỗi lầm. Nếu vì cướp đoạt tài phú của người khác mà khiến cho gia đình đó tan nhà nát cửa thì tội này vô cùng nghiêm trọng. Chú giải nói rất hay:  « Hoặc là rõ ràng cậy thế bức hiếp người khác, hoặc là dùng âm mưu quỷ kế, tuy rằng có thể trốn thoát được sự trừng phạt của pháp luật nhưng không thể thoát khỏi sự trừng phạt của quỷ thần và cũng không thoát được sự oan oan tương báo. »

Nạn nước, nạn lửa, nạn nước lửa vô tình những năm gần đây chúng ta thường thấy trên truyền thông có rất nhiều khu vực xảy ra nạn lụt, hoả hoạn. Một số tai hoạ do thiên nhiên hoặc do sự bất cẩn của con người gây nên hoả hoạn, đây cũng là rất bất hạnh rồi. Nếu như có người cố ý tháo nước đê điều, ví dụ như nước của sông Trường Giang hay sông Hoàng Hà, cố tình phá hoại đê sông; phóng hoả đốt phá nơi cư trú của người khác, tội lỗi này phàm phu chúng ta không biết, thế nhưng trong Kinh Địa Tạng nói rất rõ ràng: phóng hoả đốt núi rừng là việc làm tổn đức nghiêm trọng nhất. Bạn thử nghĩ xem những động vật hoang dã sống trong núi rừng đó, những loài côn trùng nhỏ không biết là có bao nhiêu. Một ngọn lửa này đã thiêu chết bao nhiêu sanh mạng rồi. Tội này thật là khủng khiếp, so với phát động một cuộc chiến tranh giết chết mấy ngàn vạn người còn nghiêm trọng hơn. Người thế gian không hiểu biết, không hiểu đạo lý này, chỉ vì lợi ích nhỏ nhoi mà phóng hoả đốt rừng. Người  như vậy tuy có thể đạt được chút lợi ích nhỏ trước mắt nhưng sau khi chết thì nhất định sẽ bị đọa ba đường ác. Sau khi thọ hết tội báo ở tam đồ thì vẫn là oan oan tương báo. Trong Phật pháp nói nợ mạng thì phải trả mạng, nợ tiền thì phải trả tiền, vậy thì đến bao giờ bạn mới có thể trả hết được đây?

Chúng ta học Phật, giáo huấn của chư Phật Bồ-tát, cổ Thánh tiên Hiền về những điều này đã nghe quá nhiều rồi, cần phải ghi nhớ, cần thời thời khắc khắc suy nghĩ nhiều, nghĩ thông suốt những đạo lý này, quan sát rõ ràng sự thật về nhân duyên quả báo rồi thì sau này cho dù lợi nhuận đặt trước mặt mình có lớn thế nào đi nữa bạn cũng không dám làm những việc như vậy, bạn liền có tâm cảnh giác. Chỉ cần bạn quan sát tỉ mỉ một chút người thế gian bạn sẽ thấy đông đảo chúng sanh, hoàn cảnh của mỗi người đều không giống nhau, nghiệp báo không như nhau. Một số người cả đời họ sống rất hạnh phúc, gia đình sự nghiệp rất mỹ mãn, một số người khác thì cả đời đều không như ý, tai nạn triền miên không dứt, cả một đời khốn khổ lao đao. Đều là người thì tại sao hoàn cảnh lại không bình đẳng như vậy? Phật Bồ-tát nói với chúng ta: Nghiệp mỗi người tạo không như nhau. Không bình đẳng không phải là do người khác gây ra. Tuy bị một số người đến chướng ngại nhưng đó là duyên, không phải nghiệp nhân, đó thuộc về ngoại duyên, nhất định là nghiệp do chính mình tạo ra.

Phật nói vì sao con người sanh đến thế gian này? Câu trả lời của  Phật chỉ có bốn chữ ‘Nhân sanh thù nghiệp’. Bạn đến thế gian này làm gì vậy? Là bạn đến chịu quả báo. Trong kiếp trước bạn tạo thiện nghiệp thì kiếp này bạn hưởng thiện quả. Kiếp trước bạn tạo ác nghiệp thì kiếp này bạn chịu ác báo. Người sanh đến thế gian này chính là vì điều này, thế nhưng con người mê hoặc điên đảo, khi chịu quả báo họ lại tạo nghiệp cho nên nhân quả triền miên không dứt. Trong cả cuộc đời của chúng ta, khi vẫn chưa triệt để giác ngộ thì ác nghiệp nhiều, thiện nghiệp ít. Chỉ có sau khi triệt để giác ngộ rồi mới có thể đoạn dứt ác nghiệp, chăm chỉ nỗ lực tu thiện. Cần phải triệt để giác ngộ, thật sự giác ngộ rồi thì mới có thể chuyển trở lại được. Hoàn cảnh cả đời bất hạnh, việc như vậy từ xưa đến nay trong ngoài nước nơi đâu cũng có, chúng ta nhìn thấy nhưng mắt không có cảm xúc, chân thật là tê liệt mất cảm giác, ngu si đến cùng cực rồi. Người thông minh, người lợi căn nhìn thấy liền giác ngộ ngay. Tại sao hết thảy chúng sanh có nhiều loại khác nhau, hình dáng khác nhau, cảnh ngộ khác nhau như vậy? Người lợi căn khi vừa quan sát họ liền giác ngộ, họ liền hiểu rõ. Người độn căn, người ngu si họ không hiểu. Người lợi căn thông minh sau khi nhìn thấy họ liền quay đầu, đặc biệt là khi có cơ duyên thù thắng nghe được giáo huấn của Thánh Hiền.

Thế nào gọi là Thánh Hiền? Thế nào gọi là Thần minh? Thế nào gọi là Thượng Đế? Thế nào gọi là Phật Bồ-tát? Mặc dù tên gọi không giống nhau nhưng cảnh giới hoàn toàn là như nhau. Đối với chân tướng vũ trụ nhân sanh, sự thật về nhân duyên quả báo các Ngài đều thông đạt minh liễu, quan sát tinh tế cho nên chúng ta tôn xưng các Ngài là Thánh Hiền. Chúng ta không hiểu rõ nhưng các Ngài hiểu rõ. Các Ngài nói với chúng ta đều là chân tướng sự thật nhưng những người mê hoặc điên đảo như chúng ta lại lấy tri kiến phàm phu của mình để đo lường kiến giải của Thánh Hiền nhân. Đối với giáo huấn chân thành, từ bi của các Ngài chúng ta còn phê bình, không thể tiếp nhận, cho rằng các Ngài như vậy là lừa người, dùng mọi thủ đoạn chẳng qua là khuyên người hành thiện mà thôi. Chúng ta dùng thái độ này đối với Thánh Hiền thì đây là tội lỗi rất lớn. Người như vậy không có phước báo. Người chân thật có phước báo thâm sâu, khi tiếp xúc với giáo huấn của Thánh Hiền tuyệt đối không hoài nghi mà sẽ sanh khởi lòng tôn kính, y giáo phụng hành.

 Hiểu rõ những ác hạnh này rồi, bản thân chúng ta cần chăm chỉ phản tỉnh, chúng ta có hay không? Đại khái lỗi lớn thì chúng ta không mắc phải, thế nhưng những việc nhỏ trong cuộc sống hằng ngày thật khó tránh khỏi như: cố tình hay vô tình chướng ngại người khác, lừa gạt người khác. Không những chúng ta lừa gạt người khác mà còn lừa gạt cha mẹ, lừa gạt sư trưởng, lừa gạt cả chư Phật Bồ-tát. Thường xuyên mắc phải lỗi lầm này mà chúng ta lại mong muốn hằng ngày chính mình có thể tích công luỹ đức. Nếu những lỗi nhỏ này không thể phòng tránh, không thể ngăn chặn thì việc chúng ta tích công luỹ đức chỉ là một lời nói rỗng không, nhất định không có sự thật.

Người thế gian bất luận là trong hay ngoài nước từ xưa đến nay có ai mà không mong cầu phước báo? Có ai mà không mong cầu tránh khỏi tai nạn? Thế nhưng sự thật là phước đức cầu không được, tai nạn lại thường xuyên gặp phải. Vậy thì điều này rốt cuộc là lý do gì? Là vì không chịu nghiêm túc suy nghĩ. Nguyện vọng này có thể nói là không phân biệt chủng tộc, không phân biệt tôn giáo, thậm chí không phân biệt chủng loài, súc sanh cũng có mong cầu này, quỷ thần vẫn có cái mong cầu này. Nếu muốn tất cả mong cầu đều có thể mãn nguyện mà không nghe theo giáo huấn của Thánh Hiền thì nhất định làm không được. Vì vậy Phật dạy chúng ta khởi tâm động niệm, hành vi trong cuộc sống hằng ngày, mỗi giờ mỗi phút đều nghĩ đến lợi ích của hết thảy chúng sanh, nhất định không nên làm những việc thất đức phá hoại.

Trong nhà Phật, đặc biệt chúng ta nhìn thấy người xuất gia có những hành trì không như pháp. Chúng ta có thể phê bình họ không? Nhất định là không được, họ có xấu có ác thế nào đi chăng nữa thì trong tương lai chính họ phải chịu quả báo. Chúng ta phê bình họ thì tội lỗi của chúng ta không biết là nặng bao nhiêu. Là nguyên nhân gì? Thật ra mà nói rất ít người hiểu được. Hình tượng của người xuất gia, hình tượng mặc lên chiếc áo cà-sa này, bạn nghĩ xem ở bên ngoài đi một vòng sẽ có bao nhiêu người nhìn thấy, hạt giống Phật đã được trồng vào trong A-lại-da thức. Họ vừa nhìn thấy liền biết đây là Phật, ý niệm về Phật của họ liền sanh khởi. Tất cả những việc ác của họ chúng ta không nói. Hình tượng này của họ sẽ khiến cho vô số chúng sanh trồng thiện căn. Mặc dù họ có hành vi xấu ác, nhưng nếu chúng ta lại đi khắp nơi tuyên truyền về họ, khiến cho đại chúng trong xã hội nhìn thấy tất cả người xuất gia đều cho rằng đây là những người không tốt thì chúng ta tạo nghiệp hủy báng rồi, tội lỗi này bạn phải tự chịu trách nhiệm.

Cho nên chúng ta thường hay tạo nhân ác này mà chính mình hoàn toàn không biết, chính mình cho là chuyện rất nhỏ mà không nghĩ là điều này ảnh hưởng rất lớn. Bất luận là thiện hay là ác, chúng ta nhất định phải quan sát được, thể hội được sức ảnh hưởng của nó lớn như thế nào, ảnh hưởng sâu sắc ra sao, thời gian ảnh hưởng dài bao lâu? Khi bạn vừa suy xét đến phương diện này thì tự nhiên sẽ biết thâu liễm. Chúng ta tạo ra ảnh hưởng về mặt thiện, mặt bất thiện thì nhất định không dám làm. Đặc biệt là xã hội hiện nay, hoàn cảnh chúng ta sinh sống hiện nay, sự báo ứng thiện ác diễn ra nhanh chóng vô cùng, rất rõ ràng. Một niệm thiện tâm thiện hạnh thì quả báo thiện lập tức hiện tiền, một niệm ác tâm ác hạnh thì lập tức gặp tai hoạ ngay. Do đó làm sao mà không thận trọng, không cẩn thận được chứ ? Đặc biệt phải lưu ý thận trọng ý niệm khi ở một mình.

Tôi thường xuyên khuyên các đồng tu, chúng ta là đệ tử Phật, sống một ngày tại thế gian thì phải làm trọn trách nhiệm của một ngày. Trách nhiệm của người đệ tử Phật là gì? Là sự nghiệp của Như Lai, mức độ thấp nhất của sự nghiệp Như Lai là khuyên xã hội đại chúng sửa lỗi và khuyến thiện. Đây là trách nhiệm của chúng ta. Không những chúng ta thường khuyên bảo mọi người mà chính chúng ta cần làm một tấm gương tốt cho người khác xem, hay ít nhất chúng ta phải làm được một tấm gương là cả đời không nói lỗi của bất kỳ ai. Chúng ta phải đi đầu trong việc này, nhìn thấy người và người chung sống trong xã hội đều là nói chuyện đúng sai hay dở của người khác, xã hội ngày nay vì sao lại động loạn và bất an đến như vậy? Là đều xuất phát từ miệng lưỡi mà ra. Chúng ta nhìn thấy căn bệnh này liền có thể tự mình phản tỉnh, có thể tự kiểm điểm quay đầu, từ chính bản thân mình sửa đổi trở lại, đó chính là khuyên bảo đại chúng xã hội. Sống một ngày thì làm một ngày, nhất định không sống lãng phí một ngày nào ở thế gian này. Lãng phí một ngày thì chúng ta tạo tội nghiệp một ngày. Việc tốt có người làm chúng ta phải hoan hỉ tán thán, lập tức nhường cho họ làm. Lão Tử của Đạo gia từng nói “Công thành thân thoái” (thành công rồi thì rút lui), chúng ta cần phải hiểu đạo lý này, tuyệt đối không kể công.

Hôm qua chúng tôi nghe cư sỹ Lý nói với chúng tôi về việc tổ chức đêm liên hoan ấm áp đón năm mới. Năm ngoái chúng tôi tổ chức một lần rồi, năm nay sẽ tổ chức mở rộng hơn, nghe nói lễ tổng kết Phật sự cũng làm rồi, do các Pháp sư tiểu thừa làm, tôi nghe được vô cùng hoan hỉ. Tôi nói với cư sĩ Lý là mọi người đều đã nhiệt tâm đến làm rồi thì sang năm chúng ta không cần làm nữa, hãy để cho họ tổ chức còn chúng ta thì tuỳ hỉ, sẽ rất nhẹ nhàng cho chúng ta. Cho nên chúng ta cần ghi nhớ lời giáo huấn của Thánh Hiền “phát động phong khí, chớ làm thầy người”. Chỉ cần chúng ta đi đầu, phát động phong trào được rồi thì chúng ta lập tức rút lui trở về, chúng ta đi làm những việc mà họ không làm, những việc có người khác làm rồi thì chúng ta không làm nữa, việc không có người làm thì chúng ta sẽ làm. Điều này vô cùng có ý nghĩa.

 Việc như thế nào không có người làm vậy? Việc giảng Kinh Hoa Nghiêm không có người làm, chúng ta có thể toàn tâm toàn sức làm việc này, những việc khác đều nhường cho người khác làm, như vậy thì tốt, chúng ta tu tùy hỉ công đức. Phật dạy chúng ta ở thế gian là hết thảy tùy duyên mà không phan duyên. Đại sư Chương Gia từng nói : người chân thật phát tâm học Phật thì cả đời do Phật Bồ-tát sắp xếp, chính mình một chút lo lắng cũng không cần. Cho nên tâm của bạn là tâm thanh tịnh, tâm được định, thường sanh trí huệ, không sanh phiền não. Tuyệt đối không làm những việc tổn người lợi mình, chỉ có hy sinh bản thân để thành tựu cho người khác, chúng ta hãy làm những việc này. Chúng ta đến thế gian này chính là để giúp đỡ chúng sanh, chính là làm lợi ích cho xã hội, quyết không cầu tự tư tự lợi. Điều này chính là giáo huấn của Phật Bồ-tát và cổ Thánh tiên Hiền đã nói với chúng ta. Vì vậy những ác hạnh trong Cảm Ứng Thiên nói đến, chúng ta cần phải ghi nhớ, tuyệt đối không được phạm phải.

Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta dừng tại đây. A Di Đà Phật !