THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Mã AMTB: 19-012-0001 đến 19-012-0195
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN – Tập 36/195 (17A – bộ 128 đĩa)
Các vị đồng học, xin chào mọi người!
Hôm qua đã nói đến “tích đức lũy công”, trong phần trích dẫn sách Liễu Phàm Tứ Huấn, chúng ta nói đến mục “cứu người trong cơn nguy cấp” của việc “tùy duyên giúp người”. Hôm nay giảng đến mục tiếp theo là “hưng kiến đại lợi” (khởi xướng, xây dựng những việc lợi ích lớn). Phàm là có ích cho xã hội, có lợi ích cho chúng sanh, đây đều là lợi ích chân thật. Nhưng thế nào gọi là đại lợi? Điều này có quan hệ mật thiết với mục “cứu người trong cơn nguy cấp” đã nói ở phía trước. Hay nói cách khác, có thể cứu giúp chúng sanh nguy cấp là đại lợi, có thể phòng ngừa đủ thứ tai họa, đó là đại lợi. Giúp đỡ chúng sanh, nhất định phải biết phòng ngừa khi họa chưa xảy ra. Làm thế nào mới thật sự biết phòng họa? Cần phải có trí tuệ, cần có sự hiểu biết phong phú. Thế là chúng ta liền nghĩ đến giáo dục mới là lợi ích lớn nhất.
Hãy nhìn từ thành quả của nó, ở Trung Quốc vào thời xưa, Khổng Lão Phu Tử dùng thân phận bình dân để làm giáo dục. Tuy là đời sống vật chất của cả đời Ngài tương đối thanh bần, nhưng việc Ngài làm thì chân thật là việc tốt, không những ảnh hưởng đến thời đại đó, ảnh hưởng đến lịch sử, mãi cho đến ngày nay sức ảnh hưởng của nó vẫn còn tồn tại. Không những ảnh hưởng không bị mất đi, mà có vẻ như dần dần mở rộng. Các vị thử nghĩ, lợi ích như thế nào mà có thể ảnh hưởng đến muôn đời như vậy? Cũng không thấy cách thức nào khác, chỉ có giáo dục mới tạo ra sự ảnh hưởng sâu xa như vậy.
Ở Ấn Độ xưa, Thích-ca Mâu-ni Phật là một tấm gương tốt, cũng dấn thân vào công tác giáo dục xã hội. Việc mà Khổng Tử và Phật-đà làm là sự việc giống nhau, sức ảnh hưởng không thể nghĩ bàn như nhau. Sự việc này thật sự có thể giúp người đoạn ác tu thiện, phá mê khai ngộ, có thể tránh được hết thảy tai nạn cho chúng sanh, có thể ngăn ngừa thiên tai nhân họa. Có thể phòng ngừa tai nạn do con người tạo ra, mọi người đều đồng ý, đều tin, nhưng tai họa tự nhiên, chúng ta thường gọi là thiên tai cũng có thể phòng ngừa được sao? Nhà Phật nói là có thể. Vì sao vậy? “Y báo chuyển theo chánh báo”. Tâm người đoan chánh, hành vi đoan chánh thì hoàn cảnh sống của chúng ta cũng theo đó mà đoan chánh, đây chính là nói rõ, thiên tai sẽ tùy theo tâm người mà sanh ra biến đổi. Chúng sanh không hiểu rõ đạo lý này, trong tâm suy nghĩ là niệm ác, việc làm là hạnh ác thì sẽ chiêu cảm đến biết bao thiên tai nhân họa. Cho nên muốn khiến tất cả chúng sanh lìa khổ được vui thì biện pháp duy nhất chính là giúp chúng sanh phá mê khai ngộ.
Vậy là chúng ta biết được, việc “hưng kiến đại lợi”, điều quan trọng nhất là giáo dục. Nền giáo dục này, chúng ta dùng cách nói của người nước ngoài để nói, vì người Trung Quốc thường hay mê tín là “mặt trăng ở nước ngoài thì sáng hơn”. Vào thập niên 70, Tiến sĩ Arnold J. Toynbee nước Anh đã nói: “Có thể giải quyết vấn đề của thế kỷ 21, chỉ có Phật pháp Đại Thừa và học thuyết Khổng Mạnh mà thôi”, đây là người nước ngoài nói. Chúng ta từ đây lĩnh hội được chỉ có nền giáo dục của Phật-đà và nền giáo dục của nhà Nho mới có thể tạo nên lợi ích lớn nhất trong việc giúp đỡ tất cả những chúng sanh khổ nạn.
Ai đi làm vậy? Người giác ngộ phải đi làm. Không có năng lực để làm, nếu có mấy người chí đồng đạo hợp muốn học thì dạy ba người, dạy năm người, dạy tám người, mười người đều được. Chỉ cần bản thân thật sự hiểu rõ rồi, toàn tâm toàn lực mà làm, quyết không cầu danh vọng lợi dưỡng, nhất định không cầu tự tư tự lợi. Chúng ta nên biết, Thích-Ca Mâu-Ni Phật năm xưa tại vườn Lộc Uyển, cũng chỉ dạy có năm người, khởi nghiệp từ năm Tỳ-kheo. Thật sự vì người khác mà làm thiện, thật sự thành tựu việc tốt của người thì tự nhiên có những người chí đồng đạo hợp đến cùng nhau học tập. Thế Tôn năm xưa giáo hóa, số người càng ngày càng nhiều. Chúng ta đọc thấy ở trong kinh điển, 1.255 người, đây là lúc Thế Tôn dạy học, lúc học trò đông nhất là có nhiều đến như vậy. Chúng ta thử xem ở Trung Quốc, nhiều đời Tổ sư dạy học, đều là tấm gương tốt nhất cho chúng ta. Địa điểm dạy học không nhất định là phải xây một cái đạo tràng, xây một ngôi trường học rồi mới có thể dạy học, vậy thì quá chậm rồi, sẽ không kịp rồi. Tùy lúc tùy nơi nhiệt tâm chỉ dạy, còn xây đạo tràng, xây trường học thì tùy duyên. Người thật sự hiểu biết, người thật sự giác ngộ thì không ai mà không cả đời tùy duyên qua ngày. Cho nên tâm trạng của họ thanh tịnh tự tại, điểm này rất quan trọng, hơi có một chút xíu tâm phan duyên, có một mảy may tâm tự tư tự lợi thì bạn liền có lo nghĩ ngay.
Các vị phải biết, lo nghĩ là tạo nghiệp, ý niệm cực kỳ vi tế cũng là tạo nghiệp chứ không chỉ là ở hành vi. Chúng ta ở phần trước đã học qua câu chuyện Vệ Trọng Đạt, ý niệm cực kỳ vi tế thì đã tạo nghiệp rồi. Nhất định trừ bỏ ý niệm tự tư tự lợi tận gốc, thuần túy chỉ có một ý niệm làm lợi ích cho chúng sanh, lợi ích cho xã hội, như vậy mới tốt. Sự tu học của chúng ta trong đời này mới có thành tựu. Tương lai khi ra đi, khi vãng sanh mới tự tại, mới thanh thản, bản thân mới thật sự là làm chủ được. Chúng ta phải hiểu cái đạo lý này, đây mới là đại lợi ích, phải hiểu rõ.
Mục thứ bảy là “xả tài làm phước”. Người thế gian không ai mà không ưa thích giàu có, đối với sự giàu có này, luôn luôn cảm thấy càng nhiều càng tốt, chưa có lúc nào biết chán. Tiền của tích chứa ở đó, nếu không biết dùng nó, đó là tạo nghiệp, chính là tội lỗi. Ngày nay ở thế gian này còn có biết bao nhiêu nơi, có những người dân vùng biên giới xa xôi vẫn đang đói khát, không có quần áo và thức ăn. Chúng ta ở nơi đây thì cứ tích chứa, người khác thì đang chịu đói. Bạn nói thử xem bạn đang tu đó là phước hay là đang tạo ác? Tài vật, cổ Thánh tiên Hiền dạy chúng ta là phải lưu thông thì mới có thể làm lợi ích cho tất cả chúng sanh. Cho nên tuyệt đối không nên tích chứa tiền của, dùng hết rồi thì tốt, dùng hết rồi, không còn nữa là tốt nhất. Không có thì sao? Thanh tịnh rồi, hết việc rồi. Bạn nói thử điều đó tự tại biết bao! Dùng tiền của là nhân quả, càng xả thì càng được nhiều, càng được nhiều thì càng phải xả.
“Xả và được”, ý nghĩa của hai chữ này, chúng ta nhất định phải hiểu cho rõ, hai chữ này có hai tầng ý nghĩa ở trong đó. Ý nghĩa thứ nhất là nói nhân quả, xả tiền của là nhân, được tiền của là quả báo. Thế nhưng sau khi được tiền của rồi vẫn phải xả, phải đem cái mà bạn có được xả sạch, trí huệ của bạn liền khai mở. Cho nên xả pháp thì được thông minh trí huệ, xả cái gì sẽ được cái đó, nhân quả báo ứng không mảy may sai chạy. Cho nên chư Phật Bồ-tát vì chúng ta mà làm đủ dạng thị hiện. Việc thị hiện nhiều nhất, rõ ràng nhất chính là bố thí, chính là xả. Trong chương thứ sáu của Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Thập Hồi Hướng, chúng ta thử xem không có cái gì mà không xả, mọi thứ đều có thể thí xả, xả thật sạch sẽ, đó gọi là Phật, đó gọi là Bồ-tát, đó gọi là người chân thật giác ngộ triệt để.
Người mê thì lo được lo mất, sống rất đáng thương, cả đời cứ sống trong cái vòng lẩn quẩn của được và mất, bạn nói đáng thương biết bao! Phật Bồ-tát thì không còn ý niệm được mất nữa, mỗi niệm chỉ vì tất cả chúng sanh. Tôi thường nói, giúp đỡ tất cả chúng sanh, phục vụ tất cả chúng sanh. Nhưng bạn vẫn chưa buông xả tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, bạn vẫn chưa từ bỏ thì cái bạn tu được là phước báo thế gian, không ra khỏi lục đạo luân hồi. Nếu bạn xả hết bốn tướng rồi, như trong Kinh Kim Cang nói, không ngã tướng, không nhân tướng, không chúng sanh tướng, không thọ giả tướng, phát tâm phục vụ tất cả chúng sanh, giúp đỡ tất cả chúng sanh khổ nạn một cách vô điều kiện, đây là đại Thánh xuất thế gian, người này chính là Phật Bồ-tát. Bất luận thân phận mà họ thị hiện là nam nữ già trẻ, là thuộc loại ngành nghề nào, đều là hóa thân của Bồ-tát. Phải biết xả tiền của để làm phước, tiền của không nên tích chứa, không nên sợ. Tiền của của tôi xả hết rồi, ngày mai tôi sống như thế nào đây? Đời sống ngày mai nhất định tốt hơn hôm nay. Bạn không tin thì biết làm sao bây giờ? Bạn phải biết đạo lý này, phải biết cách làm như thế nào.
Điều thứ 8 là “hộ trì chánh pháp”. Chánh với tà là đối lập nhau. Tiêu chuẩn trong Phật pháp, nếu tương ưng với chân tướng vũ trụ nhân sanh thì gọi là chánh pháp, trái ngược lại với chân tướng sự thật thì là tà pháp. Nhưng chân tướng sự thật này không dễ hiểu. Điều mà ở trong tất cả kinh luận Đại Thừa nói đều là chân tướng sự thật của vũ trụ nhân sanh, phải thường xuyên đọc tụng. Sự tuy là phức tạp nhưng cũng có cương lĩnh, cũng có thể tìm ra đầu mối. Kinh Kim Cang là bộ kinh điển mà người Trung Quốc yêu thích nhất, lời tuy ít mà ý nhiều, tiện cho việc thọ trì đọc tụng, mọi người ưa thích, nhà nhà đều hiểu. Trong Kinh Kim Cang nói với chúng ta, chân tướng sự thật là gì? Chân tướng là không có bốn tướng; không ngã tướng, không nhân tướng, không chúng sanh tướng, không thọ giả tướng. Nếu bạn chấp trước “nhân, ngã, chúng sanh, thọ giả”, vậy thì sai rồi! Tư tưởng sai lầm, kiến giải sai lầm chính là nguồn gốc của tất cả tà vạy. Phật nói với chúng ta chân tướng sự thật là “mộng huyễn bào ảnh”, sự tồn tại của hiện tượng “như sương, như điện chớp”, bạn phải hiểu một cách thấu triệt. Bạn thật sự hiểu rõ ràng, hiểu sáng tỏ rồi thì liền được đại tự tại. Vì sao vậy? Hiểu rõ lý rồi thì tâm liền an ngay. Chúng ta thường nói “tâm an lý đắc”. Tâm tại vì sao an vậy? Đạo lý đã hiểu rõ ràng minh bạch rồi. Trong Tâm Kinh, vừa mở đầu: “Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời”. Chữ “hành” đó là gì? Hành là hành vi đời sống, hành vi đời sống ở trong trí huệ thậm sâu. Chúng ta nói cách khác, đời sống mà Bồ-tát trải qua là đời sống trí huệ cao độ, chính là ý nghĩa câu thứ nhất trong Tâm Kinh. Cho nên “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, đây là hiểu thấu đáo chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Tiếp theo là “độ nhất thiết khổ ách”. Đời sống của người thế gian có khổ, có tai, có nạn. Phật Bồ-tát không có khổ, không có tai, không có nạn. Từ đó cho thấy, đau khổ, tai nạn là từ trong mê hoặc mà sanh ra. Tự tại chân lạc là có được từ trong giác ngộ. Từ chỗ này chúng ta liền lĩnh hội được ý nghĩa của việc hộ trì chánh pháp rất sâu. Chúng tôi cần phải dùng nhiều thời gian một chút để nói rõ. Việc này quan hệ rất lớn đối với việc đối nhân xử thế tiếp vật trong đời sống và sự tu hành chứng quả của chúng ta.