Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – Tập 153/195

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN –  Tập 153/195 (99B – bộ 128 đĩa)

Các vị đồng học, ngày hôm qua tôi đã giảng đến đoạn thứ 86 trong Cảm Ứng Thiên.

Cưỡng thủ cưỡng cầu. Hiếu xâm hiếu đoạt.” (Đoạt ngang, cướp cạn, thích xâm lấn, chiếm đoạt). Những loại ác hạnh ác nghiệp này đều sản sinh từ trên quan niệm sai lầm, quan niệm sai lầm này chính là “ngã chấp” mà trong kinh Phật đã nói.

Trong kinh Phật thường nói nếu không thể trừ bỏ chấp trước thì vĩnh viễn không thể nào thoát ly lục đạo luân hồi, bất luận là dụng công như thế nào, tu học pháp môn gì đi nữa, vẫn cứ trầm luân trong lục đạo, không ngày ra khỏi. Ranh giới giữa phàm và Thánh là ở chỗ này, phá được ngã chấp thì chính là Thánh nhân, chưa phá được ngã chấp thì là phàm phu. Vì sao “ngã chấp” lại khó phá như vậy? Là do quan niệm sai lầm thâm căn cố đế tạo thành. Phàm phu lục đạo khởi tâm động niệm đều chấp trước cái thân này là ta, đây là kiến giải sai lầm. “Kiến hoặc” chính là kiến giải sai lầm, bạn đã nhìn sai rồi, thân thể không phải là ta? Vậy ta ở đâu? Ta là gì? Thực tại mà nói chân lý chính là ở ngay trước mắt chúng ta, đáng tiếc là chúng ta không giác ngộ. Chúng ta đưa bàn tay ra, tay của ta, chân của ta, mắt của ta, lỗ tai của ta, còn thân thể này thì là thân của ta. Mở rộng ra bên ngoài thì gia đình của ta, cha mẹ của ta, anh em của ta, bạn bè của ta, thành phố của ta, đất nước của ta, thế giới này của ta, lại mở rộng thêm là hư không của ta. Vậy ta ở đâu? Tôi nói nhiều như vậy, chư Phật Bồ-tát cũng là cách nói như vậy, chúng ta có hiểu hay không? Chỉ cần đem chữ “của” trong “của ta” trừ bỏ đi thì “ta” liền hiện tiền. Bạn chân thật tìm ra được cái “ta” thì bạn chính là thành Phật làm Tổ. Phàm phu chính là mê mất trong cái “của ta” này, chỉ khi giác ngộ rồi thì mới biết được tận hư không khắp pháp giới hết thảy chúng sanh chính là ta, trong nhà Phật nói “tam đức mật tạng”, trong “tam đức mật tạng” có “thường lạc ngã tịnh”, chân thật có ta, không phải là không có ta.

“Ta” có nghĩa là gì? Ở trong kinh Phật giải thích rất nhiều, thông thường có 8 loại ý nghĩa, trong 8 loại ý nghĩa này quan trọng nhất có hai loại: chủ tể và tự tại. Chủ tể chính là Đấng sáng tạo mà trong các tôn giáo nói đến, còn tự tại là Kinh Hoa Nghiêm đã nói “lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”, đó chính là ý nghĩa của từ “ta”. Chư Phật Bồ-tát có, người giác ngộ có, chúng sanh mê hoặc điên đảo như chúng ta thì có hay không? Có, nó không hề mất đi, chỉ là bị mê mờ mà thôi, tuy là có, nhưng không giác ngộ được. Phật nói “Tam đức”: Pháp thân là thể của ta, Bát-nhã là tướng của ta, Giải thoát là dụng của ta. Phật lại nói “Tam thân”: Pháp thân là thể của ta, Báo thân là tướng của ta, Ứng hóa thân là dụng của ta. Chúng ta cũng có thể nói giống như vậy. Đây là ba pháp. Nói theo Đại sư Huệ Năng thì nhị pháp thì không phải là Phật pháp, Phật pháp là pháp bất nhị. Thế nào gọi là Phật pháp? Phật pháp là pháp giác ngộ, nếu bạn kẹt vào trong “pháp thân, báo thân, ứng hóa thân” ba cái thân này, bạn phân biệt có ba cái thân, bạn chấp trước có ba cái thân thì bạn là mê mờ bất giác. Người giác ngộ thì hiểu được ba thân là một thân, một mà ba, ba mà một. Tuy nói có ba nhưng sự thật là một. Cái “một” đó là gì? Một đó là ta. Ba là gì? Ba là cái của ta, của ta thì có tới ba nhưng ta thì chỉ có một. Cửa ải nút thắt này cần phải đột phá, sau khi đột phá rồi thì mới thật sự như trong Kinh Kim Cang đã nói: “Vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”.

Chúng ta sẽ hỏi bốn tướng này rốt cuộc là có hay không? Có. “Ngã tướng”, là ý Phật chỉ những chúng sanh ngộ nhận thân này là ta. Còn “nhân tướng” là chỉ hết thảy những chúng sanh hữu tình khác với ta. “Chúng sanh tướng”, bao gồm thập pháp giới y chánh trang nghiêm. Hết thảy chư pháp đều là duyên sanh, pháp duyên sanh thì gọi là chúng sanh, làm sao lại không có tướng? “Thọ giả tướng” là ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai. Cho nên bốn tướng đã bao gồm hết thảy pháp thế xuất thế gian trong đó, không thiếu một cái nào, hết thảy pháp tướng này đều là nhân duyên sanh. Pháp là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến” (do tâm hiện, do thức biến), có chướng ngại hay không vậy? Không chướng ngại gì, không những lý vô ngại, sự vô ngại, mà trên thực tế là lý sự vô ngại, sự sự vô ngại. Tất cả những chướng ngại này là từ đâu mà đến vậy? Chướng ngại là từ chấp trước mà đến, bốn tướng rõ ràng bày ra ở trước mắt chúng ta, chúng ta cùng với bốn tướng là một thể, là một không phải hai. Nếu bạn chấp trước cái tướng này, bạn khởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước ở trên pháp tướng, pháp tánh thì đây gọi là trước tướng, trước tướng một cách nghiêm trọng. Nếu có thể lìa xa được sự trước tướng, buông bỏ sự chấp tướng này, vẫn còn có phân biệt thì đây cũng là chấp tướng, mức độ của chấp tướng tương đối nhẹ một chút. Phân biệt không còn nữa nhưng vẫn còn vọng tưởng. Vọng tưởng và phân biệt là có sự sai khác, phân biệt là có ý thức, vọng tưởng là vô ý thức, vẫn còn một chút chấp trước rất nhẹ, một sự chấp trước cực kỳ nhỏ, đều gọi là mê. Ở trong kinh Phật nói: “Vô ngã tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”. Chữ “vô” đó là không có vọng tưởng, không có vọng tưởng của bốn tướng, không có phân biệt của bốn tướng, không có chấp trước của bốn tướng thì bạn chứng được Tam đức là: “Pháp thân, Bát nhã, Giải thoát”. Pháp thân có “thường lạc ngã tịnh”, Bát-nhã có “thường lạc ngã tịnh”, trong Giải thoát cũng có “thường lạc ngã tịnh”. Bạn có biết không? Biết rồi thì phá mê khai ngộ, chuyển phàm thành Thánh.

Chúng ta học Phật, không những học Phật pháp, trong quá khứ nhà Nho dạy học cũng đều nói cầu có “chỗ ngộ”. Chúng ta thường nghe người già nói “ngộ tánh”, sáu căn chúng ta tiếp xúc với cảnh giới sáu trần bên ngoài, có chỗ ngộ hay không? Bạn có thể ngộ được bao sâu? Bạn có thể ngộ được rộng bao nhiêu? Chúng ta ngày nay vì sao không ngộ được? Chính là không có công phu. Thế nào là công phu? Buông bỏ phân biệt, chấp trước là công phu, đọc kinh nhiều cũng không tác dụng gì, niệm Phật nhiều vẫn là không tác dụng, niệm chú nhiều vẫn là không tác dụng gì. Vậy cái gì mới có tác dụng? Nhìn thấu, buông xuống mới có tác dụng, nhìn thấu là chân học vấn, chân trí huệ. Buông xuống là chân công phu, điều đầu tiên là buông xuống chấp trước cái “ta” này. Nhìn thấu là chân thực nhận biết cái thân thể này là gì? Là công cụ của ta, là công cụ gì vậy? Là công cụ phục vụ cho ta, những lời này của tôi nói mọi người nghe không dễ hiểu, tôi lại thêm một chữ vào, các vị nghe sẽ dễ hiểu hơn, là công cụ phục vụ cho cái “của ta”, như vậy thì dễ hiểu hơn một chút phải không? Vì gia đình của ta, vì đất nước của ta, vì thế giới này của ta, vì hết thảy chúng sanh của ta, vì họ mà phục vụ, đây là công cụ. Nói “của ta” thì trong đây có năng có sở (đối tượng phục vụ và đối tượng được phục vụ), đây là nghĩa thứ hai, không phải là nghĩa thứ nhất. Bỏ chữ “của” trong “của ta” đi thì nó sẽ trở thành nghĩa thứ nhất. Nói cách khác cái công cụ này là vì hết thảy chúng sanh hư không pháp giới mà phục vụ. Hư không pháp giới hết thảy chúng sanh chính là ta. Ai hiểu được chứ? Chư Phật Như Lai hiểu được, Chư Phật Như Lai chứng đắc. Phật dạy chúng ta không gì khác, cũng là muốn dạy chúng ta chứng đắc. Làm thế nào để chứng đắc? Buông bỏ thì liền chứng đắc. Cho nên các vị phải nên hiểu: “Pháp Thân, Bát-nhã, Giải Thoát”, “Pháp thân, Báo thân, Ứng hóa thân” là đức năng vốn có trong tự tánh. Trong phẩm “Xuất hiện” của Kinh Hoa Nghiêm nói rất hay: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ đức tướng của Như Lai”. Như Lai là Pháp thân, trí huệ là Bát-nhã, đức tướng là Giải thoát. Nếu dùng Tam thân để nói thì Như Lai là Pháp Thân, Bát-nhã là Báo thân, Giải thoát là Ứng hóa thân. Hết thảy chúng sanh đều có, nhưng vì vọng tưởng, chấp trước mà không thể chứng đắc. Tuy là không thể chứng đắc nhưng bạn không thể nói họ không phải Như Lai, bạn không thể nói họ không có Tam đức mật tạng, họ không có Tam thân, không thể nói như vậy. Họ hết thảy đều có đủ, chỉ là hiện tại bị mê mà không giác thôi, một khi đã giác ngộ rồi thì họ cùng với chư Phật Như Lai là một không phải hai, nhất định là không có sai biệt. Đây chính là chân tướng của vũ trụ nhân sanh, nhìn thấu rồi thì bạn phá mê khai ngộ, chuyển phàm thành Thánh.

Trong kinh Phật nói “Phiền não tức Bồ-đề”, “Sanh tử tức Niết-bàn”. Bạn nghe xong rồi hiểu ra ý nghĩa mà cười to, chúng ta ngày nay không cách gì để đột phá ở chỗ này. Nhưng các vị cũng nên biết cửa ải này không thể đột phá thì không những không thể tự độ mà cũng không cách nào độ người khác. Nếu muốn tự độ độ người, tự độ là tự mình giác ngộ, còn độ người là giúp người khác giác ngộ, bạn phải nắm lấy cái điểm này. Vô lượng trí huệ, vô lượng đức năng là tùy niệm mà sanh, bạn được đại tự tại thì hiện tại. Chúng ta muốn hỏi, “Tôi cũng rất muốn ngộ nhập cảnh giới của Như Lai, cảnh giới này là cảnh giới của chư Phật, là cảnh giới trên quả địa Như Lai, từ đâu mà bắt đầu vậy?” Là từ buông bỏ tự tư tự lợi, buông bỏ danh văn lợi dưỡng, buông bỏ tham sân si mạn, một lòng một dạ vì hết thảy chúng sanh mà phục vụ, chỉ cần nhìn thấy chúng sanh có nhu cầu thì tận tâm tận lực giúp đỡ. Dùng thái độ gì để giúp đỡ vậy? Chúng sanh là chủ nhân, còn chúng ta là người hầu hạ. Phải dùng thái độ này mà làm, phải dùng tâm hiếu thuận, tâm cung kính vì xã hội mà phục vụ, vì nhân dân mà phục vụ, vì hết thảy chúng sanh mà phục vụ thì người này chính là Phật Bồ-tát tái lai.

Hôm nay thời gian đã hết rồi, tôi giảng về đoạn này là vô cùng, vô cùng quan trọng. Đoạn này các Đại đức xưa đều không chịu giảng, không phải vì họ không biết giảng. Vì sao họ không giảng vậy? Vì Đại từ đại bi, sau khi giảng xong rồi thì đã bịt kín cái cửa ngộ của bạn, cho nên các Ngài không giảng. Các Ngài dùng đủ các loại phương pháp ám thị để khiến cho bạn hoát nhiên đại ngộ, còn tôi ngày nay là bị ép nên đành bất đắc dĩ, không cách nào để không giảng. Vì sao vậy? Vì nhìn thấy bạn không ngộ nổi, không cách nào ngộ nhậ. Chúng tôi có quay phim lại, hy vọng những lời này mọi người hãy xem nhiều một chút, nghe nhiều một chút, suy nghĩ nhiều một chút. Mấu chốt là ở buông xuống, buông xuống thì liền đột phá được. Sau khi buông xuống rồi thì phải dùng chân thành, từ bi. Chúng tôi thường nói là dùng 100% sự nhiệt thành vì xã hội đại chúng mà phục vụ. Buông xuống quyết không phải là tiêu cực, sau khi buông được rồi thì tích cực hơn bất cứ thứ gì, đó là chân thật buông xuống. Nếu buông xuống mà tiêu cực thì đó là giả, người đó chưa hiểu được ý nghĩa chân thật ở đây. Nhất định là không “ngộ nhập”, đây là “ngộ nhận” chứ không phải “ngộ nhập”. Người “ngộ nhập” nhất định là tích cực, người “ngộ nhận” thì tiêu cực.

Được rồi, hôm nay chỉ giảng đến chỗ này. A Di Đà Phật.