Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 93/149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 93/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười lăm, hàng thứ ba từ dưới lên: 

Tâm hỷ trang nghiêm nên thấy người tu thiện mà lòng không đố kị.

Đoạn này là nói thực hành thập thiện nghiệp đạo vào trong tâm hỷ của tứ vô lượng tâm, lợi ích thù thắng mà họ đạt được là nhìn thấy người tu thiện nhưng trong tâm không sanh đố kỵ. Không những không có tâm đố kỵ, mà còn có thể sanh tâm tùy hỷ, gọi là “tùy hỷ công đức” trong mười nguyện Phổ Hiền, điều này vô cùng quan trọng. Ngạo mạn, đố kỵ là phiền não vô cùng nghiêm trọng, Thế Tôn đem chúng xếp ở sau tham sân si. Đố kỵ là thuộc về hiện tượng được sanh ra từ trong sân giận và ngạo mạn, phiền não này chướng ngại vô cùng nghiêm trọng đối với sự tu hành của chúng ta, không những bạn không thể thành tựu trong pháp xuất thế, mà ngay cả pháp thế gian cũng luôn bị phiền não này phá hoại sạch. Nếu muốn thành tựu pháp thế xuất thế gian thì điều này quan trọng hơn tất cả. 

Giữa người với người có thể đối xử bình đẳng, chung sống hòa thuận, đây là đại học vấn, là chân lý, chúng ta cần phải làm như vậy. Nếu không thể làm như vậy, tức là chúng ta sai lầm, đây chính là nghiệp chướng, nhà Phật gọi là tạo nghiệp. Vì sao chúng ta nhất định phải đối xử bình đẳng, chung sống hòa thuận? Trong kinh Đại thừa nói với chúng ta, tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới đều là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, nếu chúng ta gọi là cùng chung một thể thì đã cách biệt một tầng rồi, nhưng cách nói này người sơ học vẫn có thể thể hội được, nói lời thật thì họ sẽ không thể hội được. Lời thật là gì vậy? Đó chính là một thể, không phải là cùng chung một thể, mà nó chính là một thể, thế nhưng chúng ta đã mê mất tự tánh, đã mê mất một thể, mê hay ngộ chính ở chỗ này, chánh hay tà cũng ở chỗ này, trong kinh thường nói là “điên đảo hỗn loạn”. Bạn điên đảo ở chỗ nào vậy? Chính ngay chỗ này. Bạn có thể nhìn thấy sự thật này, nhìn thấy chân tướng này, đây gọi là “địa vị thấy đạo”. “Thấy đạo” là Bồ-tát ở địa vị nào? Là Bồ-tát Sơ trụ của Viên giáo, Bồ-tát Sơ trụ thấy đạo, nhìn thấy chân tướng sự thật, họ thật sự hiểu rõ, thật sự sáng tỏ rồi; sau đó là “địa vị tu đạo”. Chúng ta ngày nay sở dĩ tu như thế nào cũng tu không giống là do nguyên nhân gì? Do chưa thấy đạo, khởi tu khi chưa thấy đạo thì đương nhiên là tu mù luyện đui. 

Trong kinh Cô-ran của Hồi giáo nói cũng vô cùng hay: Loài người trên địa cầu này của chúng ta là cùng một tổ tiên, loài người trên toàn thế giới đều là con cháu của A-đam và Ê-va, chúng ta vốn dĩ là anh chị em, là người một nhà. Đây là nói từ trên sự, Phật pháp là nói từ trên lý nên nói viên mãn hơn điều này. Anh chị em tranh chấp với nhau, anh chị em tàn sát lẫn nhau, đây là sự việc bi ai biết bao! Trên thế giới này, loài người sinh sống trong mỗi khu vực đều là con cái do một tổ tiên sinh ra, họ phân bố ra các khu vực, hình thành các chi phái khác nhau, dân tộc khác nhau. Kinh Cô-ran nhắc nhở chúng ta nhận thức, mục đích là hy vọng mọi người có thể thật sự đạt đến đối xử bình đẳng, chung sống hòa thuận, tôn trọng lẫn nhau, kính yêu lẫn nhau, hỗ trợ hợp tác, đây là mục đích của kinh Cô-ran, lại còn hy vọng đạt đến chí thiện; giáo nghĩa của họ là phản đối chiến tranh, ưa chuộng tự do và hòa bình. Kinh điển của nhà Phật thì nói sâu sắc hơn, đích thực có lý luận viên mãn, có phương pháp tu học chu đáo tường tận, từ lý đến sự, đây mới là đại viên mãn chân thật. 

Trong kinh luận, Phật thường dạy người phải thường sanh tâm hoan hỷ, vậy hỏi làm thế nào để sanh tâm hoan hỷ? Chúng ta đều mong muốn hoan hỷ, nhưng vì sao tâm hoan hỷ không sanh ra được? Vì tâm hoan hỷ này bị che đậy, bị chướng ngại rồi, trong Phật pháp gọi là sở tri chướng và phiền não chướng. Hoan hỷ là tánh đức. Luận Ngữ là điển tịch của nhà Nho, câu nói đầu tiên là: “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ!” (Học mà thường làm được, chẳng phải vui lắm sao!) Chữ “duyệt” đó chính là chữ “hỷ” ở đây. Vì sao vậy? Hỷ này không phải niềm vui do thú vui bên ngoài kích thích, không phải từ bên ngoài đến, mà là từ nội tâm sản sanh ra, cho nên gọi là duyệt; duyệt là từ nội tâm sanh ra, lạc là do hoàn cảnh bên ngoài kích thích. Chữ “hỷ” ở đây là hỷ duyệt, không phải hỷ lạc. Hỷ duyệt từ đâu mà có vậy? Học mà thường làm được. Trong Tam Tự Kinh cũng nói: “Người không học, không biết nghĩa.” “Nghĩa” là gì? Là đạo lý làm người, đạo lý sinh sống, đạo lý đối nhân xử thế tiếp vật. Bạn không học thì làm sao biết được? Có thể thấy việc học rất quan trọng. 

Học ở đâu? Nhất định là tiếp nhận giáo huấn của thánh hiền. Bậc thánh hiền là người chân thật từng trải, họ là người học tập có thành tựu viên mãn, tiêu chuẩn trong Phật pháp là minh tâm kiến tánh, đây là đại thánh đại hiền. Chúng ta là phàm phu sát đất, tư tưởng, kiến giải, hành vi đều có lỗi lầm, không thể không có lỗi lầm; người không có lỗi lầm đều là thánh nhân, nếu là phàm phu thì đâu có lý nào mà không có lỗi lầm? Chúng ta thông thường nói, người có thiện căn sâu dày là người thông minh, người có trí tuệ thì thừa nhận mình có lỗi lầm, đây là người có thiện căn; thừa nhận chính mình có lỗi lầm thì mới chịu học. Tiến thêm một bước nữa là họ hiếu học, thích học tập theo các bậc thánh hiền, thích noi theo bậc thánh hiền, không xa rời giáo huấn của thánh hiền, đây là người có thiện căn sâu dày, là người thông minh, người có trí tuệ. Nghe đến giáo huấn thánh hiền liền muốn tránh xa, sợ hãi, ngao ngán, đây là hiện tượng của nghiệp chướng sâu nặng. Bản thân chúng ta trong quá trình học tập, xung quanh có không ít đồng học, chỉ cần mình lưu ý thật kỹ thì chúng ta có thể nhìn thấy những hiện tượng này rất rõ ràng, rất sáng tỏ. Phàm là người hiếu học, cho dù tư chất chậm lụt một chút cũng đều có thành tựu; phàm là người nghiệp chướng nặng, không thích học, không muốn học, nghe thấy giáo huấn của thánh hiền thì liền chán ngán mệt mỏi, những người này cả đời đọa lạc, trong pháp thế xuất thế gian đều không có thành tựu, chúng ta đã thấy rất nhiều trường hợp như vậy rồi. 

Nhìn thấy chỗ hay của người khác thì trong tâm sanh đố kỵ, phiền não này có từ lúc mới sanh ra. Chúng ta quan sát tỉ mỉ thì thấy trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ hiện nay thông minh, những đứa trẻ từ sáu tháng đến một tuổi, hai đứa trẻ ở cùng nhau, một đứa trên tay đang cầm kẹo, một đứa không có gì cả, bạn thấy đứa trẻ đó liền đố kỵ, liền sân giận, đều biểu hiện ở trên nét mặt, trên động tác của nó. Ai dạy nó vậy? Không có ai dạy nó cả. Cho nên chúng ta biết được đây là phiền não có từ lúc mới sanh ra. Nếu như không học, không hiểu được đạo lý này, để mặc tập khí dần dần hình thành thì phiền phức lớn. Cổ đức thường nói: “Từ nhỏ thành như thiên tánh, thói quen thành tự nhiên.” Khi trở thành tập khí rồi thì khó sửa đổi. Loại tập khí này còn tùy theo phước báo của họ, nếu họ không có phước báo, tuy tạo nghiệp nhưng vẫn không tạo nghiệp lớn được; nếu họ có phước báo lớn thì chuyện phiền phức sẽ lớn, họ sẽ hại người, họ sẽ làm tổn hại xã hội, thậm chí là làm tổn hại cả một quốc gia dân tộc, tội nghiệp này kết quả chắc chắn là đọa tam đồ địa ngục. 

Vì vậy, con người sao có thể không tiếp nhận giáo dục? Trong giáo dục thì giáo dục thánh hiền là quan trọng hơn cả, dứt khoát không được lơ là. Người Trung Quốc thời xưa đối với điều này vô cùng coi trọng, xem điều này là việc lớn hàng đầu của đời người. Ngược lại, vào thời đại này của chúng ta đã lơ là nó, tuy coi trọng giáo dục, nhưng coi trọng giáo dục khoa học kỹ thuật, coi trọng về mặt phát triển kinh tế công thương nghiệp, đã lơ là giáo dục nhân văn, lơ là giáo dục luân lý đạo đức. Cho nên, ngày nay tuy khoa học kỹ thuật phát triển, công thương nghiệp phát triển, nhưng tạo ra kết quả mà chính bản thân chúng ta cảm nhận là lòng người trên toàn thế giới lo sợ bất an, nguyên nhân này rốt cuộc do đâu? Sáng hôm nay tôi thấy có một bản photocopy của báo Express đặt ở trên bàn tôi, trong đó nói vi-rút Ebola đại khái là đã bùng phát ở châu Phi rồi. Hiện nay, nhà khoa học đành phải bó tay đối với loại vi-rút này, cũng không biết nó từ đâu ra, có khi nó biến mất cũng không biết nó biến đi đâu, thật sự là đến đi không để lại dấu vết. Trong mắt người học Phật chúng ta nhìn thấy đây là quả báo gì? Con người sao lại gặp phải khổ nạn lớn như vậy? Chúng ta nhìn thấy những hiện tượng này thì càng khiến chúng ta cảm thấy tầm quan trọng của giáo dục. Ngày nay muốn cứu vãn kiếp nạn của thế gian, đây thuộc về một trong các kiếp nạn, ngoài giáo dục ra thì không còn cách nào khác. Trong giáo dục thì điều quan trọng nhất là giáo dục nhân quả, giáo dục luân lý, giáo dục đạo đức, luân lý đạo đức đều xây dựng trên nền tảng của nhân quả. 

Chúng ta hiểu rõ rồi, chúng ta cũng mong muốn đại chúng xã hội hiểu rõ, nhất định phải đoạn ác tu thiện. Phật thường khuyên chúng ta tích lũy công đức, trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo nói rất hay, dạy chúng ta ngày đêm thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp, không để mảy may bất thiện xen tạp. Đây chính là “đạt đến chí thiện” trong lý tưởng của nhà Nho. Thật sự tâm thiện, hạnh thiện thì tai nạn sẽ không còn, đây đích thực là giải quyết vấn đề từ căn bản; chữa trị là từ trên cành lá, còn căn bản là từ trên tâm địa mà chuyển ác thành thiện, chuyển mê thành ngộ. Phải đoạn sạch ý niệm tự tư tự lợi, ý niệm mong cầu danh văn lợi dưỡng, ý niệm ham muốn hưởng thụ ngũ dục lục trần, những thứ này chắc chắn không phải là việc tốt. Tham sân si sẽ chiêu cảm đến rất nhiều tai họa mà bạn không sao ngờ đến, thế nên Phật gọi nó là tam độc phiền não, tất cả mọi vi-rút đều từ đây mà sanh ra. Nếu trừ bỏ tam độc tham sân si trong tâm của chúng ta thì vi-rút bên ngoài sẽ không còn. Lời nói này người học khoa học không tin, nhưng người học Phật chúng ta tin sâu không nghi, phải loại bỏ hết căn bản phiền não thì tâm hoan hỷ mới có thể thường luôn sanh khởi.

“Học mà thường làm được”, chúng ta ngày nay học thập thiện nghiệp đạo thì phải “làm được”, tức là từng giây từng phút thực hành thập thiện nghiệp vào trong đời sống của chúng ta thì chính là làm được, vậy tâm hoan hỷ mới có thể sanh khởi được. Tâm lượng rộng lớn, đối đãi từ bi hỷ xả với tất cả chúng sanh, không chỉ là chúng sanh hữu tình, mà chúng sanh vô tình đều bao gồm trong đó. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.