Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 65/149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 65/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười, kinh văn hàng thứ ba từ dưới lên: “Lại nữa, long vương! Nếu lìa sân giận thì được tám loại tâm pháp hỷ duyệt.” Đây là loại thứ hai của tam độc phiền não. Cái hại của tham dục phía trước tôi đã nói sơ lược qua rồi. Tai hại của sân giận thì vô cùng mãnh liệt, mang lại tổn hại lớn nhất đối với thân tâm của chính mình, hơn nữa bị tổn hại vô cùng mau chóng. Tổn hại của tham dục thì chậm rãi, thời gian dài; tổn hại của sân giận thì thời gian ngắn mà vô cùng mãnh liệt. Chúng ta xem thấy trong Ấn Quang Đại Sư Văn Sao, một số phụ nữ thiếu hiểu biết ở nông thôn sau khi tức giận rồi cho trẻ nhỏ bú sữa, sau khi trẻ nhỏ bú rồi thì trúng độc tử vong. Do đây có thể biết, sân giận có thể biến sữa thành độc tố, bạn nói xem đáng sợ dường nào! Chúng ta biết được sữa có thể biến thành độc tố, máu huyết cũng có thể biến thành độc tố. 

Vì sao người Hồi giáo ăn thịt bò, ăn thịt dê, họ không ăn máu, họ nhất định sẽ rửa thật sạch máu, tôi nghĩ họ hiểu được đạo lý này. Động vật khi bị giết hại thì không thể nào không khởi tâm sân giận, tâm sân giận này sẽ biến máu huyết thành độc tố, đây là việc rất rõ ràng. Cho nên Phật nói với chúng ta, sân giận là nhân tố thứ nhất của cõi địa ngục. Đương nhiên, bị đọa địa ngục thông thường mà nói là mười ác nghiệp thảy đều có đủ, tạo mười ác bất thiện mới đọa vào địa ngục, thế nhưng điều kiện thứ nhất chính là sân giận. Nếu như phạm mười ác nghiệp mà sân giận không nghiêm trọng thì không đến nỗi đọa địa ngục, quả báo của ngạ quỷ, súc sanh nhẹ hơn so với địa ngục. Cho nên sân giận, thực tế mà nói là quá đáng sợ, tổn hại cực kỳ nghiêm trọng đối với thân tâm của chúng ta, sức phá hoại cực lớn. 

Nhà Phật nói: “Một niệm tâm sân khởi, trăm vạn cửa chướng ngại mở.” Chúng ta tỉ mỉ mà suy xét câu nói này của nhà Phật không hề quá đáng. Đồng tu học Phật cũng thường nghe câu “lửa thiêu rừng công đức”, lửa là sân giận, nổi tức giận. Cho nên, một người tích lũy công đức vô cùng gian nan, bạn tu tích công đức, tu tích được rất nhiều năm rồi, hôm nào bạn cảm thấy không vui, một cơn giận nổi lên thì công đức của bạn mất hết, cho nên không dễ gì thành tựu được công đức. Chúng ta phải nghĩ xem, chính mình tích công lũy đức rốt cuộc đã tích được bao nhiêu công đức? Phải nghĩ xem, tính từ sau ngày nổi giận trở đi, nếu ngày hôm qua đã nổi trận lôi đình, vậy thì công đức không còn nữa, công đức của bạn nhiều nhất là mấy giờ đồng hồ; sáng sớm sau khi nổi giận, công đức hoàn toàn mất hết. Vì sao vậy? Công đức là tâm thanh tịnh, công đức là giới định tuệ, bạn vừa khởi tâm tức giận thì tâm thanh tịnh của bạn không còn nữa. 

Bạn xem lời của bà Hứa Triết, bà nói khởi tức giận một phút, cần phải mất ba ngày thì tâm này mới có thể hồi phục bình thường. Thế là chúng ta bèn liên tưởng đến, nổi tức giận mười phút, hai mươi phút thì một tuần lễ cũng chưa thể hồi phục; huống hồ thường xuyên sân giận thì phiền phức lớn rồi, chắc chắn là nghiệp nhân của đường địa ngục. Cho nên, người tu đạo tại sao lại tự gây chướng ngại cho chính mình? Bạn giận người khác, người khác có bị hại chăng? Chưa chắc! Nếu đối phương có tu dưỡng thì không bị chút tổn hại nào, nhưng đối với chính mình thì có tổn hại nghiêm trọng. Chúng ta phải tỉ mỉ tư duy những lời giáo huấn của Phật trong kinh điển, bình lặng mà quán sát hành vi của chính mình và người khác, hành vi của người khác có thể dùng làm tham khảo cho chính mình. Con người phần nhiều không thể thấy lỗi của chính mình, nhưng rất dễ thấy lỗi lầm của người khác; từ lỗi lầm của người khác, chúng ta dùng nó để phản tỉnh, xem người khác là tấm gương phản chiếu của chính mình, sửa ác hướng thiện.

Nếu chúng ta thường khởi tức giận, thường có tâm sân giận thì tám loại tâm pháp hỷ duyệt mà đoạn tiếp theo nói, bạn hoàn toàn không có được. Tám loại tâm pháp hỷ duyệt này, nhà Phật thường nói là “thường sanh tâm hoan hỷ”, triển khai ra là tám câu này. Chúng ta chính mình phải trắc nghiệm chính mình xem có còn ý niệm sân giận hay không, dùng tám câu này kiểm điểm thì rất thích hợp. Nếu như đều có đủ tám câu này thì có thể chứng minh bạn không có tâm sân giận, bạn chân thật đã lìa tâm sân giận. Nếu bạn không có tám câu này thì tâm phiền não sân giận của bạn cùng lắm là tạm thời không khởi hiện hành mà thôi, chưa hề lìa khỏi sân giận, gặp duyên bèn khởi tác dụng. 

Cho nên, trong pháp môn Tịnh độ sợ nhất chính là khi lâm chung khởi lên sân giận; lúc này chính là thời khắc then chốt, con người sau cùng khi trút hơi thở rồi, tiếp đó họ đi đến cõi nào để đầu thai; nếu ý niệm sau cùng là sân giận thì phần nhiều đều rơi vào đường địa ngục. Trong sách “Sức chung tân lương” và “Sức chung tu tri” vì sao xem trọng việc lúc người lâm chung không được xúc chạm đến họ như vậy? Tình hình thần thức rời khỏi thân thể, phàm phu chúng ta không biết. Trong kinh Phật nói với chúng ta, đây là lúc họ thống khổ nhất, trong kinh điển thí dụ cho sự thống khổ “như lột mai rùa sống vậy”, cho nên nếu bạn đụng vào họ, sờ chạm đến họ thì rất dễ dẫn khởi tâm sân giận của họ, đây là bất lợi cực lớn đối với người mất. Có một số người nghe nói sau khi người qua đời bèn xem hơi ấm còn lại ở chỗ nào, kiểm tra xem là họ đến đường thiện hay là đến đường ác. Tốt nhất đều không được sờ chạm, chúng ta muốn thăm dò một chút, nhưng không biết thần thức của họ đã ra khỏi hay chưa. Nếu thần thức ra khỏi rồi thì không vấn đề gì; nếu thần thức chưa ra khỏi, vậy thì bất lợi cho họ. Thế nên không nhẫn tâm làm việc này.

Thông thường nói thần thức ra khỏi thân thể từ 8 giờ đến 12 giờ đồng hồ; cũng chính là nói trong vòng 8 giờ đồng hồ nhất định không được đụng chạm đến họ, họ nằm ở trên giường cũng không được đụng vào giường, đây mới là chân thật ái hộ, chân thật giúp đỡ. Sau 8 giờ đồng hồ, bạn muốn thử nghiệm thăm dò thì được, thế nhưng an toàn nhất là sau 12 giờ đồng hồ, sau khi dứt hơi 12 giờ đồng hồ thì an toàn. Chúng ta phải biết thường thức này, chúng ta phải giúp đỡ người, thành tựu cho người, không được hại người. Do đây có thể biết, người niệm Phật cho dù khi còn sống công phu niệm Phật không tệ, nhưng lúc vãng sanh người thân quyến thuộc trong nhà không hiểu được đạo lý này, ở bên cạnh vừa khóc vừa kêu thì dễ khiến họ sanh khởi cảm tình, lại còn sờ chạm đến họ, đẩy đẩy họ, vậy thì càng nguy. Có được mấy người đến lúc lâm chung có thể gặp được thiện tri thức, hiểu được những đạo lý này, biết được những chân tướng sự thật này, chân thật đến giúp đỡ họ? Thân bằng quyến thuộc nhìn thấy người già qua đời thì khó mà phân ly buông bỏ, hãy cách ly họ, không để họ nghe được âm thanh tiếng khóc của thân bằng quyến thuộc, giờ khắc then chốt này quan trọng hơn bất cứ thứ gì. Phải phòng hộ chu đáo, như lý như pháp mà trợ niệm thì đích thực có đại lợi ích đối với họ. Vào lúc này trong lòng họ chánh niệm phân minh, đề khởi một câu Phật hiệu thì chắc chắn được vãng sanh; khi lâm chung mười niệm hay một niệm đều chắc chắn được vãng sanh, đây chính là nguyện thứ 18 trong 48 nguyện. 

Từ những chỗ này chúng ta hiểu rõ, trợ niệm vô cùng quan trọng, trợ niệm là công đức lợi ích chân thật. Đại Từ Bồ-tát nói rất hay: Bạn có thể giúp cho hai người vãng sanh thì hơn chính mình tinh tấn; bạn có thể giúp cho mười mấy người vãng sanh thì phước báo của bạn là vô lượng, bản thân tương lai vãng sanh, đích thực trong tâm bạn đã nắm chắc rồi. Nếu bạn có thể giúp trên một trăm người vãng sanh, Bồ-tát Đại Từ nói, bạn chính là Bồ-tát thật sự. Cho nên có rất nhiều đoàn thể niệm Phật, họ đều có tổ chức đoàn trợ niệm, đây là việc tốt, đáng được đề xướng, việc này đối với người niệm Phật công phu không thuần thục thì có lợi ích lớn, có giúp đỡ lớn. Thế nhưng chúng ta sanh vào thời đại này, thời đại này phước rất mỏng, chướng duyên quá nhiều. Xã hội này mỗi bước đều là cạm bẫy, nơi nơi đều là địa ngục, hơi không cẩn trọng một chút thì chắc chắn đọa lạc, sức dụ hoặc bên ngoài quá lớn. Phiền não tập khí bên trong nặng, sức mạnh dụ hoặc bên ngoài quá lớn, bạn làm sao mà không đọa lạc? Học Phật cũng khó giữ không đọa lạc. Ngày nay, chúng ta có được thành tựu nhỏ, nhờ vào đâu mà đắc lực vậy? Nhờ vào ngày ngày đọc kinh, ngày ngày nghe pháp, dùng việc này để huân tập. 

Sức mạnh huân tập nếu có thể cân bằng với phiền não tập khí thì vẫn không thể bảo đảm được vãng sanh. Sức mạnh huân tập cần phải vượt hơn phiền não tập khí, cũng chính là nói, xác thực bạn có thể phục được phiền não tập khí, gọi là “phục phiền não”. Mọi lúc mọi nơi, phiền não tập khí đều không khởi hiện hành, những ngoại duyên bên ngoài, bất luận là thuận cảnh hay nghịch cảnh, thiện duyên hay ác duyên, sáu căn đối mặt đều có thể không bị ảnh hưởng thì bạn có thể nắm chắc phần vãng sanh, công phu này cần phải được giữ gìn. Chân thật muốn giữ gìn, hay nói cách khác, đối với duyên đời nhất định phải lạnh nhạt thì mới giữ gìn được, chân thật có thể làm được nhìn thấu, buông xuống, đối với việc tu học của một đời này là cầu sanh Tịnh độ thì đây mới xem là có thành tựu. Nếu như không thể giữ được, vẫn bị cảnh giới bên ngoài dao động, phiền não trong nội tâm vẫn thường khởi hiện hành, việc này chính mình phải cảnh giác, đối với việc cầu sanh Tịnh độ không hề nắm chắc chút nào, đối với tương lai đọa ba đường ác thì tỉ lệ rất lớn, có thể từ chỗ này mà cảnh giác, đây mới xem là bạn đã giác ngộ. 

Nếu như đối với những cảnh giới hiện tiền vẫn là mờ mịt, vẫn là nước chảy bèo trôi thì chúng ta phải cảnh giác, đời sau ta vẫn sẽ luân hồi trong sáu cõi, vẫn sẽ đọa lạc, đời sau còn khổ hơn đời này. Chúng ta suy ngẫm kỹ xem, chúng ta đời sau có thể được thân người hay không? Thập thiện nghiệp đạo ta có thể làm được bao nhiêu? Ngày trước trong lúc giảng dạy tôi thường nói, nếu có thể làm được 80% thập thiện nghiệp đạo thì có thể miễn cưỡng giữ được thân người. Nếu bạn nói tôi làm được 60%, vẫn còn 40% chưa làm được thì hoàn toàn không thể tin cậy, vì vậy chúng ta không thể không hết lòng, không thể không nỗ lực. Tám loại pháp ở đây, mỗi một điều pháp, chúng ta chính mình đều rất nghiêm túc kiểm điểm, học tập.

“Một, không có tâm tổn não”, tổn là tổn người lợi mình, não là làm cho người khác phiền não. Chúng ta có làm hay không? “Không có, không có làm việc này.” Chưa chắc! Hành vi việc làm của chính mình khiến người khác nhìn thấy chán ghét thì chính là “tâm tổn não”. Chúng ta hằng ngày đang làm, ngày đêm đang làm nhưng đều không biết. Khó, khó vô cùng! Chúng ta biết phải làm thế nào mới chân thật làm được “không có tâm tổn não”? Cần phải trì giới, tuân thủ pháp tắc, giữ quy củ, mọi người nhìn thấy bạn đều sẽ hoan hỉ, sẽ không khiến người chán ghét. Cho nên điều đầu tiên, chúng ta làm người đâu có thể làm được thập toàn thập mỹ, nhưng phải tận sức mà làm, thật sự làm được cúi đầu ngẩng đầu không hổ thẹn thì tâm của chúng ta mới có thể an. Chúng ta ở trong đoàn thể mà không giữ quy củ của đoàn thể, tuy là người ta ngại không nói ra với bạn, nhưng trong lòng họ đều thấy không vui, vậy thì bạn đã tổn não mọi người rồi. Giới tướng ở trong đây rất là vi tế, chúng ta nhất định phải biết được. Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.