Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 62/149


Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 62/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười, chúng ta bắt đầu xem từ hàng thứ nhất: “Lại nữa, long vương! Nếu lìa tham dục thì được thành tựu năm loại tự tại. Những gì là năm? Một, ba nghiệp tự tại, các căn đầy đủ. Hai, tài vật tự tại, tất cả oán tặc không thể cướp đoạt. Ba, phước đức tự tại, tùy tâm mong muốn, vật dụng đầy đủ.” Ba điều này phần trước đã giới thiệu rồi, hôm nay chúng ta xem điều tiếp theo:

“Bốn, vương vị tự tại, đồ vật trân quý hiếm lạ đều được dâng tặng.” Bắt đầu xem từ đây, đây là Thế Tôn nói với long vương. Phần trước đã báo cáo với quý vị về ý nghĩa biểu pháp của long vương rồi. Trong các giai cấp xã hội, người ở địa vị lãnh đạo đều có nghĩa là vương. Nói “vương vị tự tại” chính là địa vị xã hội của bạn, là địa vị lãnh đạo trong quần chúng, bạn vĩnh viễn được quần chúng ủng hộ, đây gọi là tự tại. Quần chúng đều có thể nghe theo bạn, bạn có thể tùy ý ra lệnh, nguyên nhân là vì bạn không có tham dục. Bạn không có tham dục thì phước đức của bạn nhất định là thấm nhuần tất cả chúng sanh, vậy có lý nào chúng sanh không ủng hộ, có lý nào không yêu quý bạn cho được? Chúng ta phải hiểu đạo lý này, phải biết học tập. Bất luận chúng ta ở trong xã hội có thân phận như thế nào, địa vị như thế nào, sống đời sống như thế nào, nhất định phải đoạn tham sân si thì chúng ta mới có thể được đại tự tại.

Hai câu tiếp theo là: “Đồ vật trân quý hiếm lạ đều được dâng tặng.” Vì bạn được quần chúng yêu quý, nên quần chúng có những vật quý lạ đều sẽ đem cúng dường bạn, “đều được dâng tặng”. Cúng dường cho bạn, bạn có hưởng thụ hay không? Không hưởng thụ. Vì sao biết sẽ không hưởng thụ vậy? Bởi vì bạn không có tham dục, cho nên vật cúng dường của mọi người, nói theo hiện nay thì bạn nhất định sẽ tặng lại cho xã hội, bạn nhất định sẽ bố thí cúng dường tất cả chúng sanh giống như vậy. Nhân quả là tuần hoàn, bạn có thể cúng dường tất cả chúng sanh thì tất cả chúng sanh nhất định cũng cúng dường bạn, quả báo này thù thắng không gì bằng. Nếu như bạn làm một người lãnh đạo, bạn có tham dục, bạn muốn được vật báu quý lạ để riêng mình hưởng thụ, không chịu cúng dường người khác, tất cả vật báu quý lạ của quần chúng bạn cũng đều cất giấu cho riêng mình, không biết đem ra phụng hiến, khiến cho báu vật quý lạ của thế gian này đều bị chôn giấu, không thể phát huy đức dụng của nó, điều này trong Phật pháp nói đều là tội nghiệp. Tội nghiệp gì vậy? Không phát huy hết tác dụng của vật. Xã hội thật sự hướng đến phồn vinh hưng vượng, an hòa lợi lạc thì phải nhất định là “người dùng hết tài năng, vật dùng hết công dụng”, hai câu nói này là chân lý vĩnh viễn bất biến. 

Chúng ta phải xem trọng nhân tài, phải tạo mọi điều kiện để họ phát huy, dứt khoát không được gây chướng ngại. Trong Phật pháp nói quả báo của chướng ngại là ngu si. Bản thân chúng ta có năng lực, có trí tuệ mà không muốn dạy người khác, đây gọi là keo pháp; nhìn thấy người khác có tài năng, có trí tuệ mà gây chướng ngại cho họ, không để họ phát huy viên mãn, tội lỗi này còn nghiêm trọng hơn là chính mình keo kiệt pháp. Phật nói với chúng ta, bố thí pháp được thông minh trí tuệ; hay nói cách khác, chướng ngại bố thí pháp sẽ bị quả báo ngu si. Định luật nhân quả là thật, là chân tướng sự thật. Như nhà Phật thường nói: “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không.” Nhân quả vì sao bất không? Do chuyển biến bất không; nhân sẽ biến thành quả, quả lại sẽ biến thành nhân, nhân quả vĩnh viễn đang chuyển biến, vĩnh viễn đang tuần hoàn, vĩnh viễn đang tiếp nối. Cho nên từ chuyển biến, từ tiếp nối, từ tuần hoàn nên nó chẳng phải là không, chúng ta phải hiểu được đạo lý này. 

Chúng ta làm thế nào khiến chính mình càng chuyển càng thù thắng, điều này ai cũng kỳ vọng. Nhưng bạn không ngờ rằng nếu bạn chỉ chăm chăm vào quả báo thù thắng cho mình thì sẽ rất khó đạt được. Phải chuyển đổi lại ý niệm giống như chư Phật Bồ-tát vậy, niệm niệm mong cầu tất cả chúng sanh càng chuyển càng thù thắng. Quên đi bản thân mình, chỉ có chúng sanh không có chính mình, đây chính là cảnh giới của chư Phật Bồ-tát; trong những tôn giáo khác, đây là cảnh giới của tất cả thần minh. Người Trung Quốc luận về thần: “Thông minh chánh trực chính là thần.” Nhà Phật nói “chúng sanh và Phật bình đẳng”, cổ đức Trung Quốc nói “thiên địa hợp nhất”. Người có phải là Phật, có phải là thần hay không? Phải, thông minh chánh trực chính là thần, thông minh là đầy đủ trí tuệ, chánh trực là đầy đủ tánh đức. Đây là từ trong nhân quả tuần hoàn mà chúng ta nhìn thấy quả đức thù thắng vô song.

Loại tự tại thứ năm: “Năm, được nhiều vật thù thắng gấp trăm lần mong cầu.” “Được” là bạn có được, không phải bạn cầu được, mà có được một cách rất tự nhiên, hơn hẳn cái mà bản thân bạn mong cầu, hơn hẳn rất nhiều. Chữ “trăm” này không phải là con số, mà là hình dung từ. Phước báo mà bạn có được nhất định tương ưng với công đức mà bạn tu học. Công đức của Phật lớn, ngài diệt độ đến nay đã 3.000 năm, nhưng bạn xem sự phụng hiến của người thế gian hiện nay đối với Phật Bồ-tát khi không còn ở đời như thế nào, nếu Phật Bồ-tát còn ở đời vậy thì còn gì bằng? Nguyên nhân là gì? “Vì thuở xưa không keo kiệt, ganh ghét”, keo kiệt là tham lam keo kiệt, các ngài không có tâm tham, không có keo kiệt, đối với người khác dứt khoát không có đố kỵ chướng ngại. Bồ-tát niệm niệm đều thành tựu việc tốt cho người, đây là điều chúng ta nên học.

Trên thế giới ngày nay, nhìn lại lòng người trong xã hội, đại đa số chấp trước kiên cố và tham dục, thế nhưng chúng ta nhìn thấy một số người vẫn được đại phú đại quý. Bạn suy nghĩ kỹ xem, đó là nguyên nhân gì? Là trong đời quá khứ đã tu tập quá sâu dày. Nếu họ có thể từ bỏ tham dục, từ bỏ tham lam, keo kiệt, đố kỵ thì giống như những gì chúng ta nhìn thấy trong lịch sử cổ đại Trung Quốc, họ chí ít phải truyền được mười đời, hai mươi đời. Vô cùng đáng tiếc, đời quá khứ tu phước, nhưng do đời này tham sân si, mê mất tự tánh nên một đời là hưởng hết rồi, đời kế tiếp sẽ không còn nữa. Quý vị đặc biệt chú ý, người lãnh đạo mỗi giai cấp, không những là trong giới chính trị, mà người lãnh đạo trong giới công thương, họ có thể truyền mấy đời? Trong lịch sử ghi chép rất rõ ràng là các đế vương Trung Quốc trước đây đều có thể truyền mười mấy đời. Khi họ đang làm đế vương, họ cũng tu đức, họ tích đức tu thiện, tiếp nhận giáo huấn của thánh hiền; người làm bề tôi cũng hiểu đạo lý này.

Trong đồng tu chúng ta, pháp sư Pháp Long vừa mới từ Tô Châu trở về. Ở Tô Châu mọi người đều biết nhà họ Phạm của Phạm Trọng Yêm, ông ấy làm bề tôi. Ông biết xa lìa tam độc phiền não, ông biết xa lìa keo kiệt tật đố, cả một đời vì nước vì dân. Truyền cho con cháu nhiều đời của ông, đều noi gương tổ tiên. Nhà của họ mãi đến ngày nay vẫn không suy, đời đời có hiền nhân ra đời, cho nên đại sư Ấn Quang vô cùng tán thán nhà họ Phạm. Người làm công thương nghiệp, chúng ta nhìn thấy những cửa hiệu lâu đời cũng truyền được mấy trăm năm, họ buôn bán thịnh vượng, họ không thất bại. Nguyên nhân ở đâu vậy? Không có tam độc phiền não, họ vì xã hội, vì chúng sanh phục vụ, không phải vì tham lợi, tham tài, không phải vì thứ này, mà là phục vụ cho chúng sanh. Đời sống của mình có thể sống qua ngày thì rất thỏa mãn rồi, nếu có dư nhiều thì đều trả về cho xã hội; cho nên việc buôn bán này của họ có thể kéo dài, cũng sẽ kéo dài rất nhiều đời. Phàm làm trái lời giáo huấn của bậc thánh hiền, làm ác, không biết tu thiện thì phước báo đời trước dù có nhiều đến đâu nhưng một đời là hưởng hết, thậm chí ngay cả đời này còn không giữ nổi, đến tuổi xế chiều thì suy bại. Như chúng ta hiện nay nhìn thấy công ty vỡ nợ, phá sản, đó là người phước mỏng; người phước dày có thể giữ được một đời của họ, nhưng không giữ nổi cho con cháu. Đạo lý này, nếu chúng ta quan sát tỉ mỉ thì sẽ hiểu rõ, thế mới biết pháp thế gian hay xuất thế gian đều không rời nhân quả. Đây là năm loại tự tại, lìa tham dục có lợi ích nhiều như vậy, vì sao chúng ta cứ phải làm sự việc này? 

Đoạn sau cùng: “Nếu có thể hồi hướng đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác, tương lai thành Phật sẽ được ba cõi đặc biệt tôn kính, thảy đều cung kính, cúng dường.” Việc này người học Phật hiểu được. Người không học Phật, họ cầu mong phước đức của họ được con cháu đời đời có thể gìn giữ dài lâu, đây là quan niệm của người thế gian. Quan niệm của người học Phật thì hoài bão càng lớn hơn, họ hồi hướng cho pháp giới, cho nên loại thiện hạnh này đã biến thành tánh đức. Tánh đức thì không có bờ mé, không có cùng tận, cho nên đến khi bản thân mình thành Phật thì đều giống như những chư Phật Như Lai khác. Ba cõi là Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới. Trong ba cõi giáo hóa chúng sanh, đều được tất cả đại chúng tôn kính. “Đặc biệt tôn kính” là rất tôn kính. “Thảy đều cung kính, cúng dường” tức là tất cả chúng sanh tôn kính bạn, cúng dường bạn, đây là phước lớn cứu cánh viên mãn.

Chúng ta hiện nay muốn hỏi thế nào gọi là hồi hướng, thế nào gọi là Bồ-đề? Bởi vì câu này là nhân. “Ba cõi đặc biệt tôn kính, thảy đều cung kính, cúng dường”, đây là quả báo. Phải tu nhân như thế nào? Việc này có quan hệ vô cùng mật thiết với chúng ta hiện nay. “Hồi” là xoay chuyển trở lại. Vốn dĩ công đức tu học của bản thân chúng ta nhất định là chính mình nhận được quả báo, chúng ta hiện nay chuyển tất cả thiện hạnh, nghiệp nhân mà ta đã tu tập, ta không cầu quả báo cho cá nhân, mà mong muốn đem quả báo này cho tất cả chúng sanh, đây gọi là hồi hướng. Nếu vẫn không thể hiểu rõ ý nghĩa này, chúng tôi sẽ nêu một ví dụ để nói, như người nông dân trồng cây nông nghiệp, trồng lúa, mỗi ngày vất vả cần cù cày cấy gieo trồng, đến khi thu hoạch thì bản thân không cần đến, đem cho tất cả những chúng sanh nghèo khổ không có lương thực ăn, cúng dường toàn bộ, thu hoạch về đều đem cho họ, đây chính là ý nghĩa của hồi hướng. Người thông thường luôn giữ lại một chút cho mình, dư nhiều mới đem bố thí, đây không gọi là hồi hướng, mà chúng ta thông thường gọi là “bố thí cúng dường”. Hồi hướng là bản thân hoàn toàn không cần, đem toàn bộ cúng dường đại chúng. 

Như vậy thì mình không có gì cả, phải làm sao đây? Bản thân tự nhiên có người khác cúng dường cho bạn, hơn nữa cái mà bạn nhận được hơn hẳn cái mà bạn cần. Bạn có thể bố thí cho người khác, quả báo sẽ lập tức hiện tiền, cho nên không được có tâm tham. Phụng hiến 100%, đây là chư Phật Bồ-tát, cho nên các ngài được ba cõi đặc biệt tôn kính, không ai không tôn kính, không ai không cúng dường. Bản thân còn muốn giữ lại một chút, giữ 1%, bố thí 99% thì vẫn chưa sạch sẽ. Ở phần trước bộ kinh này, Phật nói: “Chẳng để mảy may bất thiện xen tạp.” Bạn nói: “Tôi bố thí cúng dường hết 99%, còn giữ lại 1% để bản thân thọ dụng”, đây là đã xen tạp mảy may bất thiện rồi. Đạo lý này rất sâu, người thế gian nghĩ không ra, tham không thấu, cho nên người thế gian không làm được. Người thế gian tu thiện không thuần, chúng ta thường nói thiện ác lẫn lộn, họ không phải là thuần thiện. Những gì chư Phật Bồ-tát đã tu là thuần thiện, các tổ sư đại đức hiểu rõ đạo lý này, những gì các ngài tu cũng là thuần thiện, cho nên quả báo thù thắng không gì bằng. Đây là điều chúng ta phải giác ngộ, chúng ta phải học tập. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết.