Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 2/149


Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 2/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Hôm nay vẫn còn có mấy vấn đề cần phải giải đáp, có một số đồng học hai ngày nữa thì phải trở về Trung Quốc, phải rời khỏi nơi đây.

Vấn đề thứ nhất, họ hỏi: “Sau khi sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc có phải là lập tức có thể trở lại độ chúng sanh hay không? Hay là phải đợi đến “hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh” thì mới được?”

Vấn đề này trong kinh Vô Lượng Thọ đã nói rất rõ ràng, Di-đà vô cùng từ bi, đối với người có tâm từ bi lớn, pháp duyên thù thắng thì có gia trì đặc biệt. Nếu như họ phát nguyện muốn độ chúng sanh trước, sau đó thành tựu chính mình, Phật cũng giúp cho họ, chỉ cần gặp được A-di-đà Phật thì sẽ được bổn nguyện của Di-đà gia trì, bất luận thọ sanh ở cõi nào đều sẽ không mê mất tự tánh. Cho nên đây là pháp môn không thể nghĩ bàn, cũng là từ xưa đến nay rất nhiều tổ sư đại đức gọi là “pháp khó tin”. Pháp này, Phật ở trong tất cả kinh từ trước đến giờ chưa từng nói qua, tất cả cõi nước chư Phật từ trước đến giờ cũng không có những sự việc này, chỉ thế giới Tây Phương có. Lý này rất sâu, sự rất rõ ràng, chúng ta phải tin tưởng.

Phật pháp là giáo dục, không phải tôn giáo, chúng ta đã nhận biết điều này một cách rõ ràng. Giáo học của Phật-đà cùng tinh thần của Khổng lão phu tử là hoàn toàn như nhau, “giáo dục không phân biệt”, cũng chính là bình đẳng giáo hóa đối với tất cả chúng sanh. Thế nhưng đích thực phạm vi giáo học của Phu tử là ở thế gian, hơn nữa chỉ ở cõi người, còn đối với cõi trời và quỷ thần thì Phu tử thường nói “kính quỷ thần, nhưng tránh xa”, chúng ta cúng tế họ, thế nhưng không được thân cận học tập. “Tránh xa” là ý này, chính là không học tập với họ. Còn phạm vi giáo học của Thích-ca Mâu-ni Phật rất lớn, [dành cho] tất cả chúng sanh trong tận hư không khắp pháp giới, phạm vi này rộng lớn mà không có biên giới. Ở đây nói mười pháp giới, hiện nay nhà khoa học gọi là sinh vật của các chiều không gian khác nhau. Rốt cuộc có bao nhiêu chiều không gian khác nhau? Không có người nào biết. Trên lý luận mà nói thì đó là con số vô lượng, Phật đều giáo hóa tất cả.

Phật có năng lực gì vậy? Phật không hề nói ngài có năng lực, Phật nói đó là bản năng của tự tánh mỗi người. Chúng ta tỉ mỉ mà tư duy thì thấy lý luận này có thể đứng vững, chúng ta sẽ gật đầu, tin tưởng. Tự tánh là gì vậy? Là chân tâm. Chân tâm của chúng ta, bổn tánh của chúng ta vốn dĩ đầy đủ vô lượng trí tuệ, vô lượng đức năng, vô lượng tài nghệ, vô lượng tướng hảo. Chúng ta thường nói Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp; nhưng trên thực tế thì trong kinh Đại thừa nói “Phật có vô lượng tướng, tướng có vô lượng vẻ đẹp”, bạn vốn dĩ cũng có. Cho nên, Phật nói ngài không có thứ gì để dạy cho người, thứ mà ngài dạy cho người đều là bản năng của tất cả chúng sanh. Thế nhưng bản năng của ngài hồi phục được rồi, ngài nói bản năng của chúng sanh là bị ẩn tàng mất, có thứ làm cho bạn bị che mất, khiến cho bản năng của bạn không thể hiển lộ, không khởi tác dụng; không phải nó không có, đích thực là có. Cho nên, Phật thấy tất cả chúng sanh là bình đẳng, không có cao thấp. Không chỉ là “pháp môn bình đẳng, không có cao thấp”, mà Phật thường nói “sanh Phật bình đẳng”, sanh là chúng sanh, Phật là chư Phật Như Lai, chúng sanh và Phật bình đẳng, tánh tướng là một, lý sự không hai. Đây là nghĩa kinh mà trong kinh Đại thừa nói, đây là chân tướng sự thật.

Vì sao thế gian có người thông minh, có người ngu dốt vậy? Đó chính là do bị phiền não che lấp có nặng nhẹ, dày mỏng khác nhau. Người phiền não nhẹ thì trí tuệ sẽ cao một chút, người phiền não nặng thì trí tuệ thấp một chút; người tạo thiện nghiệp nhiều thì tướng mạo đoan nghiêm, người tạo ác nghiệp nhiều thì tướng mạo sẽ xấu xí, cảnh giới này không nhất định, mà là thiên biến vạn hóa. Cũng giống như thân thể của chúng ta vậy, thân thể cũng thuộc về cảnh giới, đây là tướng hiện tiền, “tướng chuyển theo tâm”. Cho nên một người tu hành nỗ lực đoạn ác tu thiện, vài năm sau thì bạn thấy tướng mạo của họ thay đổi, tướng mạo chuyển đổi tốt, trở nên rất hiền hậu, nói rõ họ tu hành công phu đã đắc lực. Tướng chuyển theo tâm, cảnh giới cũng chuyển theo tâm. Nếu như một người cả đời đều bị cảnh giới bên ngoài xoay chuyển, đây chính là nói bạn bị cảnh giới bên ngoài ảnh hưởng, vậy bạn là phàm phu, chính bạn không thể làm chủ được. Nếu bạn có thể chuyển được cảnh giới, bạn không bị cảnh giới ảnh hưởng, bạn có thể ảnh hưởng cảnh giới, thì người này chính là Phật, kinh Lăng-nghiêm nói: “Nếu có thể chuyển cảnh thì đồng với Như Lai.” Thế nên vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, sau khi thấy được A-di-đà Phật, bất luận đến nơi nào để độ chúng sanh, đừng nói đến nhân gian này, cõi súc sanh, cõi ngạ quỷ, cõi địa ngục, cõi nào họ cũng đến được. Họ hoàn toàn đột phá được các chiều không gian, họ không bị hoàn cảnh bên ngoài ảnh hưởng, đây là có công phu. Công phu này, đương nhiên một mặt là chính mình tu, phương diện lớn hơn là bổn nguyện của A-di-đà Phật gia trì, khiến bạn hằng trụ niệm Phật tam-muội, bạn mới có được công phu này. 

Chúng ta muốn hỏi, có cần phải đến thế giới Tây Phương Cực Lạc gặp A-di-đà Phật hay không? Tuyệt đối phải như vậy. Cho nên, chúng ta khẳng định thế giới Tây Phương Cực Lạc là có thật, A-di-đà Phật là có thật. Cuối nhà Minh, đầu nhà Thanh, biệt hiệu của đại sư Ngẫu Ích là “Tây Hữu Đạo Nhân”, ngài thật tin có cõi Tây Phương! Ngài nói thế giới Cực Lạc là có thật, đích thực có A-di-đà Phật, cho nên ngài được gọi là Tây Hữu Đạo Nhân, việc này chúng ta phải khẳng định. Thế giới Tây Phương Cực Lạc cùng thế giới chúng ta chắc chắn là chiều không gian khác nhau, ngài là chiều không gian cao, cực cao vô thượng, ngài đã đột phá hết thảy tất cả các chiều không gian khác nhau. Cho nên, Thế Tôn tán thán ngài là “ánh sáng tôn quý nhất, vua trong các vị Phật”, “ánh sáng tôn quý nhất” là tán thán trí tuệ năng lực của ngài, toàn bộ các chiều không gian đều đột phá; “vua trong các vị Phật” là tán thán đức hạnh của ngài. Chúng ta phải tin tưởng đối với việc này, Thích-ca Mâu-ni Phật tuyệt đối không nói lời giả dối.

Chư Phật Bồ-tát thị hiện ở thế gian, chúng ta hãy ghi nhớ một nguyên tắc, các ngài nhất định là nhắm vào nhu cầu của xã hội hiện tại mà đưa ra phương pháp giải quyết cứu giúp, như vậy đối với chúng ta mới chân thật có lợi ích. Những phương pháp lý luận không thích hợp với xã hội hiện tại thì ngài nhất định không nói. Xã hội chúng ta ngày nay đã xảy ra nguy cơ nghiêm trọng, chúng ta phải biết nguy cơ này là giáo dục bị thất bại triệt để, ngày xưa thế giới còn có thể duy trì được một mảng bình yên, nguyên nhân này do đâu? Toàn thế giới đã lơ là đối với giáo dục luân lý đạo đức, còn người Trung Quốc thì xem trọng. Lời tựa của kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo nói, một phần mười người có thể tiếp nhận giáo dục tốt đẹp thì chín phần mười người còn lại sẽ được hưởng ké. Nhân khẩu của Trung Quốc chúng ta so với toàn thế giới không chỉ là một phần mười, mà là một phần năm, trong một phần năm này, nếu một nửa dân số tiếp nhận giáo dục của nhà Nho, giáo dục của Phật pháp thì thế giới này có thể được an định, có thể duy trì. Ở ngay trong thế kỷ này, nửa thế kỷ trước của thế kỷ này vẫn tốt, tôi còn nhận được một chút giáo dục này. Kháng chiến là một mốc thời gian, trước khi kháng chiến thắng lợi, cha mẹ trong gia đình, thầy giáo trong trường học còn nói một chút về luân thường đạo đức cho chúng tôi, chúng tôi còn nhận được một chút huân tập; sau khi kháng chiến thắng lợi thì không có người nói nữa.

Cho nên, người hiện nay không hiểu được cách làm người. Chúng ta xem thấy trẻ nhỏ, tư tưởng của chúng, ngôn hạnh của chúng, tỉ mỉ mà quán sát thì cảm thấy rất đáng sợ. Trẻ nhỏ ba bốn tuổi xem truyền hình, mỗi ngày đều ôm lấy tivi, phòng khách trong nhà có tivi lớn, phòng ngủ có tivi nhỏ, nếu cha mẹ chúng muốn xem tiết mục không giống như chúng, cha mẹ bảo chúng: “Con vào phòng con xem tivi nhỏ của con đi.” “Không! Người nhỏ xem tivi lớn, người lớn xem tivi nhỏ.” Loại tư tưởng ngôn hạnh này, sau khi chúng ta nghe rồi trong lòng vô cùng lo lắng, trong mắt chúng không có người lớn. Sau khi chúng lớn lên thì làm sao đây? Cho nên bạn nghĩ thử xem, từ nhỏ đã nuôi chúng thành ra như vậy! Trẻ nhỏ rất đáng yêu, hiện tại thì đáng yêu, lớn rồi thì không đáng yêu, đây là do lơ là đối với giáo dục. Cho nên, hai mươi năm sau, ba mươi năm sau, tôn giáo nước ngoài gọi là “ngày tàn của thế giới”, tôi rất tin tưởng. Vấn đề này nếu hiện tại không xem trọng, nếu không nỗ lực nghĩ biện pháp để cứu vãn, đến hai mươi, ba mươi năm sau thì thế giới này hết cứu nổi. Do vì ngày nay giáo dục trong trường học không nói đến, nên xã hội hiện tại mới ra như thế này, bạn mở truyền hình, mở các trang mạng ra xem, nội dung trong đó là gì? Giết, trộm, dâm, dối. Trong đầu của chúng sanh toàn thế giới đều nghĩ đến những thứ này, vậy có nguy không? Nghiệp do mọi người chiêu cảm, mọi người đều tạo ác nghiệp, ác nghiệp ngày càng thêm lớn thì quả báo không thể nào thu dọn nổi, ngày tàn của thế giới thật sự phải đến thôi. Ki-tô giáo gọi là ngày tàn của thế giới, kinh Cô-ran của Hồi giáo cũng gọi là ngày tàn của thế giới, tuy nhiên Phật giáo không gọi là ngày tận thế, Phật nói có thời kỳ mạt pháp, có thời kỳ diệt pháp. Nhà Phật nói về quả báo thiện ác, trồng nhân thiện được quả thiện, tạo nhân ác nhất định có ác báo. 

Người thông minh, người có trí tuệ, trong một đời ngắn ngủi này phải biết tu phước. Thế nào là thiện? Thế nào là ác? Chúng ta cần phải có năng lực, có trí tuệ để phân biệt. Phàm là lợi ích tất cả chúng sanh, giúp đỡ xã hội an định, thế giới hòa bình, đây là thiện. Phàm là lợi ích chính mình, lợi ích đoàn thể của chính mình, tổn hại người khác, lừa gạt người khác, đó là ác. Quả báo ác ở ba đường ác, vậy có đáng hay không? Con người ở thế gian, bạn có thể sống được bao nhiêu ngày? Cho dù bạn sống đến 100 tuổi, cũng chẳng qua là 36.000 ngày, nghĩ thử xem, nó quá ngắn ngủi. Thời gian ngắn ngủi như vậy mà tạo tác tội nghiệp, đọa lạc ba đường ác, thời gian đó thì quá dài, thật không đáng! Vì vậy ở thế gian này đọc sách thánh hiền, nhận được giáo dục tốt, nhất định phải khắc phục phiền não của chính mình, khắc phục dục vọng của chính mình, chân thật phát tâm lợi ích chúng sanh. 

Bạn nói, bạn muốn trở lại độ chúng sanh, tôi thường nói muốn độ chúng sanh thì phải độ chính mình trước, bạn chính mình chưa được độ thì bạn làm sao có thể độ được chúng sanh? Làm thế nào độ chính mình? Sửa đổi toàn bộ phiền não tập khí của chính mình thì chính là độ chính mình. Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo chính là tiêu chuẩn, sát sanh là tập khí, là phiền não, ta từ nay về sau không còn sát sanh nữa. Khi không hiểu đạo lý này, chúng ta thường thấy ruồi, muỗi, kiến, những con vật nhỏ này gây phiền phức trong phòng chúng ta, cố ý hay vô ý liền giết chết chúng; sau khi học Phật rồi không còn giết nữa, chúng cũng là một sinh mạng. Kiến đến chỗ này là tìm thứ gì đó để ăn, tìm thức ăn để mưu sinh, chúng không phạm tội chết, vì sao chúng ta muốn giết chúng? Nhất định không thể được! Chúng ta dùng phương pháp gì để đối đãi với chúng? Dùng tâm từ bi đối với chúng, chúng ta phải bố thí cúng dường chúng, chúng tìm thức ăn, chúng ta lấy một ít thức ăn để ở ngoài cửa, trong sân, dần dần chúng sẽ đi đến đó, về sau sẽ không còn đến quấy nhiễu bạn nữa. Không cần phải giết chúng, không cần phải phòng bị, không cần phải dùng thuốc diệt côn trùng, không cần bất cứ thứ gì, chúng ta có thể câu thông với chúng, chúng có linh tánh. Phàm là có linh tánh mà bạn giết chúng thì lẽ nào chúng không có tâm báo thù hay sao? Tương lai chúng được thân người, chúng ta biến thành kiến, chúng lại giết hại chúng ta, “oan oan tương báo, không ngừng không dứt”, cho nên nhất định không được làm sự việc này.

Trộm cắp là dễ phạm nhất, phàm làm những việc tổn người, lợi mình đều là thuộc về trộm cắp. Có một số người nói, không tổn người làm sao có thể lợi mình? Quan niệm này chính là sai lầm, chính là mê hoặc. Họ không biết, lợi người mới là chân thật lợi mình, dùng tâm chân thành làm lợi ích chúng sanh. Phật dạy chúng ta “quảng tu cúng dường”, quảng là quảng đại, không có biên giới, đối với tất cả chúng sanh, chúng ta tận tâm tận lực cúng dường họ, bố thí cho họ, quả báo không thể nghĩ bàn. Chúng ta bố thí cho nhân dân của một nước, nếu bạn không cầu vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, quả báo tương lai của bạn nhất định sẽ làm quốc vương ở quốc gia đó. Vì sao vậy? Bạn có ân huệ đối với họ. Nếu như bạn bố thí cho toàn thế giới, vậy thì bạn làm Luân vương. Trong kinh Phật nói là đại vương thống trị toàn thế giới, minh chủ của thế giới, rất nhiều quốc gia đều tình nguyện nghe theo giáo huấn của bạn, đều phục tùng hiệu lệnh của bạn, đó là từ bố thí mà được. Ngày nay bạn kiếm được rất nhiều tiền là do đời trước bạn tu bố thí tài; ngày nay bạn có trí tuệ là do bạn trong đời quá khứ tu bố thí pháp; bạn được khỏe mạnh sống lâu là do bạn tu bố thí vô úy. Tu nhân gì thì được quả đó. Không có tu nhân, ngày nay nghĩ hết phương cách để được quả báo cũng không thể có được, không hề có việc này. 

Cho nên, làm nghề nghiệp nào đó có thể kiếm được tiền, tôi không tin! Nghề nghiệp nào cũng không thể kiếm được tiền. Trong mạng của bạn chân thật có, do bố thí nhiều nên bất luận làm việc gì cũng đều kiếm được tiền, bởi trong mạng của bạn có! Bạn làm sự nghiệp đó, đó là duyên, bạn có nhân, nhân kết với duyên thì quả liền hiện tiền. Bạn không có nhân, dẫu duyên có thù thắng đến đâu thì bạn cũng không có được thứ gì. Những đạo lý và chân tướng sự thật này chỉ có Phật nói được thấu triệt, nói được tường tận. Cho nên độ chúng sanh thì trước tiên phải độ chính mình, độ chính mình thì trước hết phải sửa đổi phiền não tập khí của chính mình. Việc đầu tiên phải thay đổi là sửa đổi tâm tự tư tự lợi, học theo Phật Bồ-tát. Phật Bồ-tát không có chính mình, kinh Kim Cang nói rất hay: “Bồ-tát không tướng ta, không tướng người, không tướng chúng sanh, không tướng thọ giả”, tùy loại hóa thân. Ta đến thế gian này chính là hành Bồ-tát đạo, chính là đến độ chúng sanh, độ chính mình chính là độ chúng sanh. Bởi vì độ chính mình thì làm ra một tấm gương tốt, bạn là mô phạm của xã hội đại chúng, là tấm gương của xã hội đại chúng, để người ta nhìn thấy bạn, tôn trọng bạn, noi gương bạn, học tập theo bạn thì bạn độ được họ rồi. Bạn không thể độ chính mình thì nhất định bạn không thể độ được người khác, bạn nói hay đến đâu, người ta nhìn thấy bạn không giống như vậy thì làm sao được? Bạn thấy Thích-ca Mâu-ni Phật, chư đại Bồ-tát, tổ sư đại đức các đời, các ngài làm ra tấm gương cho chúng ta xem, cả đời chỉ có tu thiện, quyết không làm ác. Chỉ có lợi ích chúng sanh, nhất quyết không lợi ích chính mình, chúng sanh chính là chính mình, lợi ích chúng sanh là chân thật lợi ích chính mình. Cho nên tâm lượng phải lớn, ngạn ngữ nói rất hay: “Lượng lớn phước lớn, lượng nhỏ phước nhỏ.” Việc thiện dù rất nhỏ, nếu như tâm lượng lớn thì việc thiện này của họ liền rộng lớn, liền biến thành lớn; tâm lượng nhỏ, dù làm nhiều việc thiện đến đâu thì quả báo vẫn là rất nhỏ, nó sẽ không vượt hơn tâm lượng của bạn. Cho nên, việc đầu tiên là phải mở rộng tâm lượng, “tâm bao thái hư, lượng chu sa giới”, tuân thủ giáo huấn của Phật Bồ-tát. Ngày nay, chúng tôi đem thánh giáo quy nạp thành năm cương lĩnh, chúng ta rất dễ nhớ, rất dễ học tập, nhất định phải chăm chỉ nỗ lực, hằng ngày đi làm.

Vấn đề thứ hai: “Thích-ca Mâu-ni Phật thị hiện có quả báo ăn lúa ngựa và đau đầu ba ngày. A-di-đà Phật nếu như thị hiện ở nơi đây có phải là cũng có hiện tượng này xuất hiện hay không?”

Có! Đây là giáo hóa chúng sanh, nói với chúng sanh nhân quả đáng sợ. Thành Phật rồi không thể nói là không có quả báo, việc ác đã tạo trong quá khứ chưa có ác báo thì khi thành Phật rồi ác báo sẽ hiện tiền. Hiện tiền nhưng các ngài không hề gì, các ngài biết được đây là trả nợ, trả sạch tất cả, rất hoan hỷ tiếp nhận quả báo. Người thế gian mê hoặc, tiếp nhận quả báo nhưng họ không cam tâm, họ oán trời trách người. Phật Bồ-tát biết được nghiệp nhân quả báo, gọi là “người đại tu hành không mê nhân quả”, không phải không có nhân quả, không mê chính là đối với nhân quả rất rõ ràng, rất sáng tỏ. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến chỗ này.