Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 123/149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 123/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười sáu, hàng thứ hai từ dưới lên:

Giác chi trang nghiêm nên thường khéo giác ngộ tất cả các pháp.

Đoạn này là nói về thất bồ-đề phần trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo, “thất giác chi”. Thất giác chi tổng cộng có bảy điều: điều thứ nhất là niệm, điều thứ hai là trạch pháp, điều thứ ba là tinh tấn, điều thứ tư là hỷ, điều thứ năm là khinh an, điều thứ sáu là định, điều thứ bảy là xả. Từ trong những phẩm trợ đạo này, chúng ta có thể lĩnh hội được danh tướng mà Phật nói, ví dụ nói tinh tấn, nói niệm thì nó xuất hiện trong rất nhiều khoa mục, danh xưng là như nhau nhưng ý nghĩa khác nhau. Cho nên, chúng ta bình thường đọc kinh, đặc biệt là giảng kinh, nhất định phải biết danh tướng này dùng trong hạng mục nào, nhất định phải rõ ràng thì mới không hiểu sai ý nghĩa của nó. Thí dụ như “niệm” trong thất giác chi, trong tứ thần túc có niệm, trong ngũ căn, ngũ lực đều có niệm, ở chỗ này lại có niệm, danh từ này ở trong bốn khoa đều giống nhau, thế nhưng ý nghĩa giảng pháp của nó hoàn toàn khác nhau. Tình hình này ở trong kinh Phật rất nhiều, không thể nào không lưu ý.

Tác dụng của thất giác chi và hiệu quả của nó, một câu nói này ở trong kinh đã điểm tỉnh cho chúng ta: “Khéo giác ngộ tất cả các pháp.” Không chỉ là giác ngộ tất cả các pháp, mà là khéo giác ngộ. Thông thường chúng ta dùng nó để đối trị hôn trầm và trạo cử của chúng ta, chúng ta chọn dùng phương pháp này. Đối với người tu hành, xưa nay trong và ngoài nước thì hai loại này có thể gọi là bệnh chung, ai ai cũng có. Loại thứ nhất là “hôn trầm”, không thể đề khởi tinh thần, ngồi ở đó, thậm chí đứng ở đó cũng có thể ngủ gật. Trong lúc giảng kinh, chúng tôi thường thấy trong số thính chúng có người ngáy, ngủ gật ngáy ra tiếng. Trong lúc tu Phật thất cũng thường có người như vậy, đến khi chỉ tịnh thì thật sự là có người ngủ gật, thậm chí lúc đang đi kinh hành, họ cũng đi, thế nhưng họ vừa đi vừa ngáy, đây là thuộc về hiện tượng hôn trầm. Đây là chướng ngại, là phiền não rất nghiêm trọng. Loại thứ hai là “trạo cử”, trạo cử là trong tâm vọng niệm quá nhiều, bình thường chúng ta không phát hiện ra, dường như không có vọng niệm, nhưng khi chỉ tịnh, vừa tĩnh lặng thì không biết nhiều vọng niệm như vậy ở đâu ra. Cho nên, có người nói với tôi: “Khi không ngồi tĩnh tọa thì không có vọng niệm, khi tĩnh tọa thì nhiều vọng niệm đến như vậy.” Kỳ thật, khi không ngồi tĩnh tọa thì vọng niệm cũng nhiều như vậy, nhưng bạn không hề phát giác, đến khi bạn muốn tĩnh lặng thì mới phát hiện vọng niệm của bạn nhiều như vậy.

Phải biết được phương pháp đối trị. Thông thường chúng tôi cũng không nói “thất giác chi”, vì thất giác chi nói ra quá phiền phức, phải là người thật sự có khế nhập tương đối về Phật pháp thì mới biết dùng những nguyên lý nguyên tắc này trong kinh điển. Thông thường chúng ta sử dụng phương pháp là nếu vọng niệm quá nhiều thì nhất định phải tĩnh lặng, đừng để ý đến vọng niệm; càng sợ vọng niệm nhiều thì vọng niệm sẽ càng nhiều, chắc chắn không thể dừng được. Khi vọng niệm khởi lên thì dùng phương pháp gì? Không để ý đến nó, khi niệm Phật thì đem ý chí chuyên chú vào câu Phật hiệu, bất luận là thiện niệm hay ác niệm, thảy đều không để ý đến, chuyển đổi ý niệm, chuyên chú vào Phật hiệu thì lâu ngày chầy tháng vọng niệm tự nhiên sẽ ít đi. Thông thường chúng ta dùng phương pháp này rất có hiệu quả. Nếu là hôn trầm, hôn trầm nhẹ, không phải là rất nghiêm trọng thì kinh hành, nhiễu Phật; mọi người đang chỉ tịnh cũng không hề gì, chỉ cần bạn không chướng ngại đại chúng thì bạn có thể đứng dậy nhiễu Phật; thậm chí ở niệm Phật đường không lớn lắm, không có chỗ để bạn nhiễu Phật, bạn có thể đứng dậy ra bên ngoài niệm Phật đường nhiễu Phật, đây là phương pháp đối trị. Nếu hôn trầm tương đối nghiêm trọng một chút thì tốt nhất là lạy Phật. Nếu lạy Phật mà cũng ngủ, vậy thì hết cách, rất khó làm. Cho nên, nhất định phải đề khởi tinh thần, đương nhiên tinh thần và nguyện lực của chính mình có quan hệ rất lớn, nhất định phải phát đại nguyện, “nguyện độ chúng sanh, nguyện dứt sanh tử, nguyện thành Phật đạo”. Phàm là người có thành tựu, không gì khác là do nguyện lực đang thúc đẩy họ, cho nên họ mới có thể dũng mãnh tinh tấn.

Điều thứ nhất trong thất giác chi là “niệm giác chi”. Chú giải trong phần tiểu chú là cách nói thông thường, đây là cách nói thông dụng, ở bất cứ nơi nào đều có thể dùng cách nói này. Niệm giác chi: “Khi tâm hôn trầm”, đây là tâm hôn trầm, không thể đề khởi tinh thần, “thì dùng trạch – tấn – hỷ để đề khởi”. Đây là dạy cho chúng ta phương pháp. Khi hôn trầm thì dùng cách nào? Dùng “trạch pháp”. Như vừa rồi chúng tôi đã nói, chọn kinh hành, chọn lạy Phật, chọn chỉ tịnh, chọn lấy cách chuyên chú vào Phật hiệu, đây là thuộc về trạch pháp, bạn phải biết chọn lựa phương pháp để đối trị. Nếu không biết dùng phương pháp để đối trị thì công phu của bạn không thể nâng lên. Hơn nữa, phương pháp thì vô lượng vô biên, không phải chỉ có một phương pháp. Phương pháp mà người khác dùng, chưa chắc ta dùng đắc lực; phương pháp mà ta dùng, chưa chắc người khác dùng đắc lực. Phương pháp nhất định phải khế cơ, không phải khế cơ của mọi người, mà là khế cơ của cá nhân ta. 

Căn cơ có quan hệ đến tập khí, cũng chính là nói, pháp môn mà trong đời quá khứ bạn đã tu học. Nếu pháp môn hiện tại bạn đang tu học cùng với pháp môn quá khứ bạn đã tu học là như nhau, vậy thì bạn học rất thoải mái, rất thuận lợi, lại tiếp tục học tiếp; nếu pháp môn đang học hiện nay hoàn toàn trái ngược với pháp môn trong quá khứ thì sẽ học rất vất vả, rất là gian nan, không quen. Cho nên, căn cơ của mỗi người và sự tu hành trong đời quá khứ của họ có quan hệ mật thiết. Phật, Bồ-tát và A-la-hán, các ngài giáo hóa chúng sanh vì sao được dễ dàng? Các ngài có thể thấy được quá khứ của bạn, cho nên phương pháp vô cùng khế cơ, biết được trong đời quá khứ bạn đã tu học những gì. Còn phàm phu chúng ta, những thiện hữu này thì không có năng lực này. Không có năng lực này thì phải tỉ mỉ mà quán sát, từ trong kinh nghiệm mà nghiền ngẫm, mà quán sát, sau đó làm thực nghiệm. Thí dụ nói kinh giáo, căn tánh của chúng ta, trong tám tông phái của pháp Đại thừa, chúng ta thích hợp tu học pháp môn nào thì đều có liên quan mật thiết đến đời quá khứ. Nếu khế hợp căn tánh thì bạn học pháp môn này sẽ rất dễ dàng, rất thuận buồm xuôi gió; nếu không tương ưng với pháp mà đời quá khứ đã tu thì bạn học sẽ rất vất vả, không dễ dàng thành tựu, rất dễ thoái chuyển. Cho nên quán cơ vô cùng quan trọng. Thế nhưng chính mình cũng phải giúp chính mình, khi mới học thì có thể lướt qua một số pháp môn để hiểu rõ. Sau khi hiểu rõ, chính mình hãy tỉ mỉ suy xét mà chọn lựa.

Tôi lấy chính mình làm ví dụ. Ban đầu tiên sinh Phương Đông Mỹ giới thiệu cho tôi kinh Hoa Nghiêm, tôi đọc qua Sớ Sao của đại sư Thanh Lương rất là hoan hỷ, thế nhưng không dám học, vì sao vậy? Bộ kinh này quá lớn, tôi học không nổi. Cho nên, khi đó theo lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, tôi một lòng một dạ muốn học kinh Pháp Hoa, tôi đã sưu tập mười mấy loại chú giải của kinh Pháp Hoa. Tôi sưu tập mười mấy loại, mang đến Đài Trung, thưa với thầy là tôi muốn học kinh Pháp Hoa. Vào lúc đó, đúng lúc thầy khai giảng kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng-nghiêm, thầy liền hỏi tôi: “Vì sao anh muốn chọn học bộ kinh này?” Tôi nói, ngày trước tôi theo thầy học, đây là việc trước khi xuất gia, tôi ở Đài Trung một năm ba tháng, [tức là] 15 tháng, tôi học với thầy 13 bộ kinh nhỏ. Bộ đầu tiên mà tôi học là kinh A-nan Vấn Sự Phật Cát Hung. Tiến độ của chúng tôi khi đó là một tháng học một bộ, tiêu chuẩn là phải biết giảng, lên bục có thể giảng được. Một tháng học một bộ, chí khí ngất trời, có cảm giác thành tựu, một tháng thì biết giảng một bộ, cho nên tâm học tập, chí khí học tập rất là hưng vượng, việc này ở Phật học viện thông thường không học được. Tôi ở nơi thầy học được 13 bộ kinh, sau này tôi xuất gia đi dạy ở Phật học viện, một học kỳ dạy một bộ, Phật học viện thì 3 năm tốt nghiệp tôi mới dạy 6 bộ, 13 bộ kinh của tôi phân nửa chưa được dùng đến. Ở nơi thầy học tập hiệu quả rất là cao, phong khí học tập rất nồng hậu. Cho nên học bộ kinh nhỏ thì tôi chính mình đã nắm chắc rồi, nhưng tôi muốn học một bộ kinh lớn, thầy nói: “Mục đích của anh là đây sao? Rất tốt, hiện tại tôi giảng kinh Lăng-nghiêm, phân lượng của Lăng-nghiêm cũng tương đương với Pháp Hoa, vậy anh hãy học Lăng-nghiêm là được, anh hãy học cùng, tôi đỡ phải tìm thời gian khác để dạy cho anh.” Tôi cũng biết thời gian của thầy rất là quý giá, cho nên tôi liền nghe theo giáo huấn của thầy, buông xuống kinh Pháp Hoa, theo thầy học Lăng-nghiêm. 

Kinh Lăng-nghiêm, trên tay tôi chỉ có một loại chú giải, do pháp sư Viên Anh giảng nghĩa. Cho nên, vì để học kinh Lăng-nghiêm, tôi vội liên hệ với nơi lưu thông kinh Phật ở Hồng Kông, do pháp sư Chí Khai phụ trách. Tôi chưa hề gặp mặt ông, cho nên tôi gọi ông là lão pháp sư, tôi viết thư cho ông rất là cung kính, xin ông giúp tôi sưu tập chú giải của kinh Lăng-nghiêm. Đại khái không đến nửa năm, ông tìm được cho tôi hơn 20 loại chú giải, đều là sách buộc chỉ, rất quý báu. Pháp sư Chí Khai giúp đỡ tôi rất nhiều. Khi tôi mới xuất gia thì rất nghèo, không có tiền, không mua nổi sách, pháp sư Chí Khai hễ tìm được sách là gửi ngay cho tôi, khi nào có tiền thì tôi gửi trả cho ông sau. Lúc đó, có một số cư sĩ tại gia hộ trì, họ nói: “Thưa pháp sư, chúng con muốn cúng dường ngài.” Tôi nói: “Tốt! Hiện tại tôi đã mua mấy quyển sách này, bao nhiêu tiền, hãy mau giúp tôi gửi trả đi, mọi người cúng dường cho tôi như vậy là được rồi.” 

Tôi ở Đài Trung nghiêm túc dụng công phu ba năm, theo thầy Lý học Lăng-nghiêm. Lão nhân gia ngài mỗi tuần giảng một lần, thầy giảng thứ tư thì thứ năm tôi phúc giảng, giảng tòa nhỏ. Chúng tôi ở Đài Trung, sau khi lớp học kinh dừng rồi, lớp học kinh chỉ học hai năm, bồi dưỡng hơn 20 học sinh, đại khái có khoảng 27, 28 học sinh, họ đều có thể giảng kinh được, mỗi người đều có thể giảng kinh. Cho nên, miền Trung Bắc của Đài Loan, Liên xã Đài Trung xây dựng 17 nơi giảng pháp, những học trò này sẽ luân phiên đến các nơi đó giảng kinh, việc này có ảnh hưởng rất lớn đối với Phật giáo Đài Loan, lớp này trong hai năm đã thành tựu nhiều người như vậy. Sau khi lớp này ngưng rồi, tính luôn cả tôi là bảy người, bảy người bạn học chúng tôi không giải tán; mỗi tuần lễ, tự chúng tôi cùng nhau nghiên cứu thảo luận ba tiếng đồng hồ, do một bạn học phúc giảng. Trong ba năm này họ rất từ bi, dành toàn bộ thời gian cho tôi, để tôi phúc giảng kinh Lăng-nghiêm. Cho nên, thầy Lý giảng qua một lần, tôi cũng giảng được một lần. Tôi giảng một lần cho sáu bạn học nghe, sáu bạn học này cũng đều là người giảng kinh, đều là người trong nghề, nên họ giúp đỡ tôi rất nhiều. Tôi giảng có khuyết điểm, có sai sót, có chỗ dùng từ không rõ ý, họ đều nêu ra để giúp tôi chỉnh sửa. 

Cho nên cầu học, bất luận pháp thế xuất thế gian thì phải có thầy, phải có bạn. Nếu chỉ có thầy mà không có bạn thì rất khó thành tựu. Thầy giáo là chỉ đường, bạn học là giúp đỡ trong lúc đi đường. Giống như chúng ta đi du lịch, kết bạn cùng đi, chăm sóc lẫn nhau. Cho nên bạn rất là quan trọng, ân đức của thầy và bạn học đều sâu dày! Bảy người chúng tôi cùng nhau học mười năm, mười năm như một ngày. Họ đều là người tu tại gia, đều có gia đình, đều có nghề nghiệp, mỗi tuần tụ hội một lần vào thứ năm. Mỗi thứ năm chúng tôi tụ họp lại, do tôi phúc giảng, sáu bạn học này đến giúp đỡ tôi. Nếu chúng tôi có vấn đề không giải quyết được thì đi thỉnh giáo thầy, nếu tự mình có thể giải quyết thì không cần làm phiền thầy, sự tiến bộ này rất lớn. Trong ba năm thì tôi giảng xong bộ kinh Lăng-nghiêm này. Khi tôi học giảng kinh đã đắp vững nền tảng rồi, về sau học tiếp bộ kinh lớn khác thì dễ như trở bàn tay. Kinh Pháp Hoa tôi chưa học qua, chưa nghe qua, thế nhưng thầy Lý từng giảng kinh Pháp Hoa còn để lại bút ký, các vị thấy trong “Hoằng hộ tiểu phẩm” có đấy, còn lại bút ký. Tôi lấy bút ký đó của thầy, tôi có thể giảng kinh Pháp Hoa. Tôi đã từng dùng 60 tiếng đồng hồ để giảng đại ý của Pháp Hoa, bộ này có băng ghi âm. Kinh Hoa Nghiêm, tôi đến Đài Trung nghe qua quyển thứ nhất, tôi nghe qua cách giảng của thầy thế nào. Sau khi nghe xong quyển thứ nhất thì tôi ở Đài Bắc giảng kinh Hoa Nghiêm, phần phía sau tôi đều biết rồi. 

Quý vị học giáo, nhất định phải biết được bí quyết này. Người xưa nói: “Một kinh thông, tất cả kinh thông”, lời nói này không sai chút nào. Cho nên, nếu bạn muốn có thành tựu thì nhất định phải “nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”. Vì vậy, chúng tôi không dám nói là khai ngộ, mà gọi là thông suốt, bạn tìm được bí quyết rồi, bạn hiểu được rồi. Cho nên, khi bất kỳ kinh điển nào đến tay đều không còn khó khăn, đều sẽ không có chướng ngại, cùng lắm gặp chỗ khó trong phần kinh văn thì tham khảo chú giải của cổ đức; chú giải của vị này xem chưa hiểu lắm thì tìm chú giải của vị khác. Cho nên tôi sưu tập sách tham khảo rất nhiều, hiện tại những sách tham khảo này đều đã gửi đến Úc. Tôi thu thập Đại tạng kinh, những bản khác nhau của Đại tạng kinh tổng cộng có mười loại, hiện tại mười loại này cùng Tứ khố toàn thư thảy đều gửi đến Úc. 

Phải có năng lực đọc sách xưa. Cho nên hiện tại tôi yêu cầu các đồng học ở Úc, rất nhiều người các vị đều quen, những thầy thế hệ chữ “ngộ” đều qua đó, họ ở bên đó tu học khổ cực hơn chúng ta bên đây. Vì sao vậy? Tôi yêu cầu các thầy ấy nhiều hơn so với các vị bên đây, họ đã theo tôi mười mấy năm, nếu không có thành tựu thì có lỗi với tôi. Đây là vì họ theo tôi trong thời gian dài, tôi yêu cầu họ mỗi tuần học thuộc hai thiên cổ văn. Trong một năm phải thuộc một trăm thiên cổ văn, phải thuộc được, giảng được, viết được. Vì sao vậy? Đây là chìa khóa của Đại tạng kinh và Tứ khố toàn thư, bạn không có chiếc chìa khóa này thì bạn không có cửa để bước vào Tứ khố toàn thư, sách bày ra nhưng xem không hiểu! Sách xưa ngay đến dấu chấm câu cũng không có, ngay đến câu mà bạn cũng không thể ngắt được. Cho nên, phải dùng thời gian một năm để học cổ văn. Cổ văn thì tôi từ trong Cổ văn quán chỉ chọn ra một trăm thiên, mời cô Dương dạy. Bởi các thầy ấy ở nước ngoài nên tiếng Anh rất quan trọng, cho nên tôi mời pháp sư Ngộ Lâm cùng cư sĩ Lưu từ Hoa Kỳ đến, hai vị này phụ trách dạy Anh văn. Công khóa bên đó, thứ hai, tư, sáu thì học Anh văn; thứ ba, năm, bảy thì học Trung văn. Trong năm năm, tôi quy định bảy môn công khóa, cộng với một trăm thiên cổ văn, tám thứ này nhất định phải hoàn thành, cho nên họ vùi đầu vào học. 

Mấy ngày nay, để kỷ niệm tròn bốn năm quán trưởng Hàn vãng sanh, ở dưới núi đều tu Phật thất, người trên núi đều xuống dưới. Tôi gọi điện hỏi Ngộ Đạo: “Có phải các vị tu Phật thất là vì người trong Phật đường không đủ phải không?” Thầy ấy nói: “Người đủ mà.” Tôi nói: “Người đủ rồi tại sao để những người ở trên núi phải xuống núi?” Ngộ Đạo không nói được gì. “Phải mau bảo họ quay trở về đọc sách, không được nhân cơ hội này mà nghỉ!” Làm gì có loại đạo lý này? Đọc sách quan trọng! Phật thất là hình thức, chân thật báo ân Phật thì hãy thành tựu đức hạnh của chính mình, thành tựu học vấn của chính mình, dùng điều này để báo đáp quán trưởng Hàn. Chúng ta phải có hành vi thực tế, tu hành thực tế, như vậy mới được. Cho nên, việc lựa chọn pháp môn có quan hệ đến sự thành bại của cả đời chúng ta. 

Điều này trước tiên trong “niệm giác chi” đã nêu ra cho chúng ta, tâm hôn trầm thì bạn hãy dùng trạch pháp, tinh tấn, hỷ để đề khởi. “Khi tâm trôi nổi”, trôi nổi chính là trạo cử, tâm không an, vọng niệm quá nhiều thì làm thế nào? Dùng khinh an, định, xả, dùng ba loại phương pháp này để nhiếp tâm, “niệm giác chi khiến cho định và tuệ đồng đều”. Nhất định phải đạt đến định tuệ đều nhau thì đây là bình thường. Định nhiều, tuệ ít thì hôn trầm; tuệ nhiều, định ít thì trạo cử, thì nghĩ tưởng lung tung. Ý nghĩa về định và tuệ mà chỗ này nói rất cạn. Cho nên phải biết, danh từ giống nhau nhưng cách nói không như nhau. [Hôn trầm, trạo cử] thì phàm phu chúng ta thảy đều có, định tuệ ở đây cùng với “giới định tuệ” trong kinh Phật là hoàn toàn không giống nhau. Định tuệ ở đây hoàn toàn là trong lúc dụng công bình thường, nhiếp tâm là một loại phương pháp để hàng phục hôn trầm, chúng ta phải nên biết. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.