Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 103/149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 103/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười sáu, hàng thứ nhất: “Niệm xứ trang nghiêm nên khéo tu tập quán tứ niệm xứ.” Tứ niệm xứ có bốn điều, ba điều trước tôi đã giới thiệu qua, hôm nay tôi tiếp tục nói điều sau cùng là “quán pháp vô ngã”. Bốn điều này của tứ niệm xứ đều là trí tuệ, quán sát trí tuệ, cũng chính là nhân sinh quan và vũ trụ quan mà triết học hiện đại nói đến, trong bốn điều này thì ba điều phía trước thuộc về nhân sinh quan, điều cuối cùng “quán pháp vô ngã” là thuộc về vũ trụ quan. Pháp quán này là chính xác, xác thực nhìn thấy chân tướng của vũ trụ nhân sinh cùng với những gì mà Tâm Kinh nói: “Khi Quán Tự Tại Bồ-tát hành trì pháp bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu liền soi thấy năm uẩn đều không”, là cùng một ý nghĩa. Nếu như bảo chúng ta làm thế nào giống như Bồ-tát soi thấy năm uẩn đều không thì tứ niệm xứ chính là phương tiện thực hiện tốt nhất, bạn hãy quán sát từ chỗ này, bạn quán thân, bạn quán thọ, thọ là tất cả sự hưởng thụ, cảm thọ hiện tiền của chúng ta; bạn quán tâm, tâm này chính là ý niệm, khởi tâm động niệm; cuối cùng dạy chúng ta quán pháp, pháp là tất cả các pháp. Ba điều phía trước là thuộc về nhân sinh quan, còn điều sau cùng thì dạy chúng ta nhìn muôn sự muôn pháp trong vũ trụ. Bạn thấy rõ ràng, thấy sáng tỏ rồi thì tư tưởng, kiến giải của bạn ngang bằng với chư Phật Bồ-tát, bình đẳng với các ngài, giống như các ngài. Rồi sau đó bạn mới có thể thể hội được việc chư Phật Bồ-tát du hí thần thông trong mười pháp giới, còn chúng ta là thọ nghiệp báo ở trong sáu cõi, tạo nghiệp thiện thì thọ phước báo, tạo các nghiệp ác thì thọ khổ báo.

Chúng sanh trong sáu cõi là thân nghiệp báo, bản thân không có cách gì làm chủ tể. Hơn nữa, trong nghiệp báo lại vô cùng phức tạp, chúng ta lắng lòng tư duy thì có thể nghĩ ra được, có chúng sanh nào trong một đời này đều tạo nghiệp thiện, không tạo nghiệp ác hay không? Không thể nào, một người cũng không tìm ra. Cùng đạo lý như vậy, bạn cũng không tìm ra một chúng sanh nào mà cả đời đều tạo nghiệp ác, không hề tạo chút nghiệp thiện nào. Cho nên, chúng sanh trong sáu cõi khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều là thiện ác lẫn lộn, vậy thì xem thiện nhiều hay là ác nhiều. Thiện nhiều, ác ít thì bạn có thể hưởng phước báo trời người, tuy hưởng phước nhưng việc không như ý vẫn thường chiếm tám, chín phần, tại sao vẫn còn việc không như ý vậy? Vì ở trong thiện có xen tạp ác báo. Trong tạo tác nghiệp ác cũng có nghiệp thiện, cho dù đó là chúng sanh đọa trong địa ngục, vì sao đọa địa ngục? Trong hành vi hiện đời đã tạo tác ngũ nghịch thập ác cho nên đọa địa ngục. Thế nhưng chúng sanh đọa địa ngục cũng tạo một số nghiệp thiện, hoặc là tạo ở đời trước, hoặc là tạo trong nhiều đời nhiều kiếp trước đây, cho nên Phật Bồ-tát thị hiện vào địa ngục thì cũng có thể giúp đỡ họ.

Nhưng quý vị phải biết, trong bốn loại duyên thì sự giúp đỡ của Phật Bồ-tát thuộc về tăng thượng duyên, đây là sức mạnh bên ngoài có thể giúp đỡ bạn, đây là duyên. Thế nhưng bản thân bạn phải có nhân thiện, nếu không có nhân thiện thì duyên thiện cũng không thể giúp nổi. Nhân thiện là thân nhân duyên, sở duyên duyên và vô gián duyên, ba cái này là nhân thiện, nhân thiện cộng thêm duyên thiện thì quả thiện sẽ hiện tiền. Giống như ai vậy? Chúng ta thấy trong kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện, mẹ của cô Bà-la-môn tạo tác nghiệp ác đọa địa ngục, bà có nhân thiện hay không? Có. Sao biết là có? Con gái của bà học Phật, con gái tu hành, con gái niệm Phật, tuy bà không tin nhưng mắt bà thấy, tai bà nghe, gọi là “một phen lọt vào tai, vĩnh viễn thành hạt giống đạo”, trong a-lại-da thức của bà có hạt giống này, đây chính là nhân thiện. Vì vậy mà con gái của bà nỗ lực tu hành, do bởi bà đọa lạc mà cô ấy tu hành chứng quả, nên bà có thể thoát khỏi địa ngục, đạo lý này rất trọn vẹn, không phải mê tín. Nếu trong a-lại-da thức của bà ngay cả ý niệm cũng không có, hình ảnh cũng không có thì dù Phật Bồ-tát có thị hiện cũng chẳng thể giúp nổi, đạo lý này chúng ta luôn phải hiểu được. Thế là chúng ta liền hiểu rõ, trong tất cả pháp thì quả thật đúng như điều mà Bồ-tát Phổ Hiền nói: Cúng dường pháp là đệ nhất. Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện trong kinh Hoa Nghiêm, nói về sự so sánh của bố thí cúng dường thì cúng dường pháp là đệ nhất. Chúng ta phải có tâm tu cúng dường pháp, giúp đỡ tất cả chúng sanh trồng thiện căn. 

Cho nên tôi thường nói, người xuất gia mặc trên người áo rộng cổ tròn này, cho dù là tỳ-kheo phá giới thì họ cũng trồng xuống thiện căn với rất nhiều chúng sanh rồi, họ đi lại trên đường, bất luận hành vi của họ như thế nào, người ta vừa nhìn thấy hòa thượng này thì liền nghĩ đến Phật, vậy trong a-lại-da đã trồng thiện căn. Trong kinh Công Đức Xuất Gia nói, công đức xuất gia vô cùng thù thắng, thù thắng như thế nào? Phá giới cũng thù thắng, vì bạn giúp người khác trồng thiện căn Phật vào trong a-lại-da thức, hạt giống Phật được gieo xuống rồi. Bản thân bạn phá giới, phạm qui, bạn sẽ đọa địa ngục A-tỳ, nhưng bạn đã giúp rất nhiều người trồng thiện căn, đây là sự thật, bất kỳ ngành nghề nào cũng không thể sánh bằng. Chúng ta từ trên đạo lý này mà quan sát, phân tích thật kỹ thì bạn mới thật sự hiểu được. Chỉ cần a-lại-da thức có thiện căn này thì cuối cùng một ngày nào đó họ sẽ tu hành chứng quả, nếu không có thiện căn này thì khó rồi, quá khó quá khó. Bởi vậy, chư Phật Bồ-tát thị hiện trong mười pháp giới là tùy loại hóa thân, tùy cơ thuyết pháp, trong mọi loại thị hiện thì lấy thị hiện Phật bảo, tăng bảo làm chủ, lấy điều này làm chủ, còn những thị hiện khác là phụ. Bạn đọc phẩm Phổ Môn, vị Bồ-tát thứ nhất hiện thân Phật, hiện thân tỳ-kheo. Mở 53 lần tham vấn trong kinh Hoa Nghiêm, ba vị phía trước đại biểu cho tam bảo Phật pháp tăng, đạo lý là ở chỗ này. Bản thân chúng ta nhất định phải hiểu rõ, nhất định phải sáng tỏ.

Bốn loại chánh quán này là sự quán sát chính xác, không có mảy may sai lầm. Phía trước nói quán tâm vô thường, chính là “ba tâm không thể được” trong kinh Kim Cang nói. Quán pháp vô ngã chính là vạn pháp giai không, trong kinh Kim Cang nói: “Tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn bọt bóng”, lại nói: “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng.” Kinh văn này chúng ta đọc rất thuộc, chúng ta cũng nhớ rất rõ ràng, nhưng không thể dùng vào trước mắt. Trước mắt khi sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần liền bị mê hoặc, không biết những tướng này là huyễn tướng, hoàn toàn chẳng thể đạt được. Các pháp đều do duyên sanh, duyên sanh thì vô tánh, không có tự tánh. Hiện tượng của tất cả pháp, chân tướng của nó chính là duyên tụ, duyên tan. Duyên tụ thì hiện tượng này hiện ra, duyên tan thì hiện tượng này liền biến mất. Bạn thật sự thấy rõ ràng rồi, duyên tụ nhưng các pháp không sanh; duyên tiêu mất rồi nhưng các pháp không diệt. Nó không có sanh thì làm gì có diệt? Có sanh thì mới có diệt, đã không sanh thì chỗ nào có diệt? Chúng ta nhất định phải hiểu đạo lý này. Nếu bạn thật sự thông đạt rồi thì trong tâm bạn sẽ thanh tịnh, thân tâm thế giới thảy đều buông xuống, không còn đem nó để ở trong tâm nữa, tất cả đều buông xuống. 

Tất cả đều buông xuống rồi thì người hiện nay gọi là thân tâm thư thái, trong Phật pháp gọi là được đại tự tại, bạn nhập cảnh giới được đại tự tại là tự thọ dụng, bạn tự mình hưởng thụ, tâm địa thanh tịnh, mảy trần không nhiễm. Chúng ta ngày nay không làm được, do nguyên nhân gì không làm được? Thường xuyên đọc những câu này mà không thâm nhập để lĩnh hội, nên không khế nhập cảnh giới. Trong kinh Hoa Nghiêm, đại sư Thanh Lương chia ra bốn khoa cho chúng ta, đó là tín – giải – hành – chứng, chúng ta ngày nay mới dừng ở tín giải, chưa có hành chứng, cho nên không có được thọ dụng chân thật, nhất định phải thật sự hành. Hành điều gì? Thay đổi quan niệm của chúng ta, quan niệm thay đổi rồi thì hành vi của chúng ta sẽ thay đổi, lời nói hành vi đều thay đổi. Sau khi thay đổi rồi thì như thế nào? Đó chính là nhà Phật thường nói: “Từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa”; sau khi đại triệt đại ngộ thì nhập cảnh giới Phật, kinh Pháp Hoa gọi là nhập tri kiến Phật, sau khi nhập tri kiến Phật thì dáng vẻ sẽ biểu hiện ra. Ở trong mười pháp giới, bất luận họ hiện thân phận thế nào thì dáng vẻ biểu hiện ra chắc chắn là đại từ đại bi. Phật thị hiện ở thế gian làm gì vậy? Nhất định là mở rộng cửa phương tiện, giúp đỡ tất cả chúng sanh chưa giác ngộ được giác ngộ. Chúng ta ngày nay không có cách gì khế nhập cảnh giới, chính là không biết ba tâm không thể được, không biết muôn pháp đều là không, tứ niệm xứ nói về “quán pháp vô ngã”, vô ngã chính là không. 

Định nghĩa của chữ “ngã” này, ở trong Phật pháp nói rất nhiều, nhưng nó có hai ý nghĩa quan trọng nhất. Ý nghĩa thứ nhất là chủ tể, tất cả các pháp không có chủ tể, chính mình không làm chủ được, kể cả thân thể của chúng ta, bản thân chúng ta không làm chủ được thân thể của mình. Nếu tự mình làm chủ thì năm nào cũng là 18 tuổi, vậy tốt biết bao, vì sao nó phải già? Vì sao phải bệnh? Vì tự mình không làm chủ được. Ý nghĩa thứ hai là tự tại, đối với tất cả các pháp, chính mình không thể làm chủ, nên bản thân không được tự tại. Ngày nay chúng ta gọi tự tại là tự do, chúng ta không tự do, mà bị đủ mọi điều kiện hạn chế. Bất kỳ một pháp nào cũng đều không thoát khỏi định nghĩa này, chúng ta phải tỉ mỉ quan sát.

Trung Quán Luận vừa mở đầu nói rất hay: “Các pháp không tự sanh”, không những tự nó chẳng thể sanh, mà cũng không thể cộng sanh. Chúng ta ngày nay phương tiện nói, nói tất cả các pháp đều do rất nhiều nhân duyên mà sanh ra, đây là phương tiện nói, không phải chân thật nói. Trong Trung Quán mới là chân thật nói. “Không cùng sanh, không phải không có nguyên nhân, thế nên nói vô sanh”, đó mới là chân thật. Chư Phật Bồ-tát hiểu rõ ràng tường tận, cho nên mới thật sự được đại tự tại, chứng được pháp thân, bát-nhã, giải thoát, ở trong tam đức này đều có “thường, lạc, ngã, tịnh”, quán thân bất tịnh, họ tịnh được rồi; quán thọ là khổ, họ là lạc, tâm đó là chân tâm thường trụ, các pháp thật sự có ngã, thật sự có chủ tể, thật sự được tự tại. Phàm phu không có điều này, xin nói với quý vị, phàm phu nào không có vậy? Phàm phu ở trong lục đạo không có, ở trong thập pháp giới cũng không có, đến nhất chân pháp giới mới có thường, lạc, ngã, tịnh. Chư Phật Bồ-tát thị hiện ở thế gian, khải thị cho chúng ta, giúp đỡ chúng ta, hướng dẫn chúng ta buông xuống lục đạo, buông xuống mười pháp giới, khế nhập nhất chân pháp giới. Nhất chân pháp giới, chân ở chỗ nào? Pháp thân là chân, bát-nhã là chân, giải thoát là chân. Pháp thân là thể, bát-nhã là trí tuệ có thể chứng được tánh thể, giải thoát là thọ dụng. Đây là tâm từ bi vô tận của Phật đối với tất cả chúng sanh.

Trước đây tôi giảng ba mươi bảy phẩm trợ đạo, tôi đã làm một tổng kết cho tứ niệm xứ, đó chính là câu “nhìn thấu được” mà thầy đã dạy tôi, tứ niệm xứ là nhìn thấu được, tứ như ý túc là “buông xuống được”. Nếu bạn không biết thế nào là nhìn thấu, thế nào là buông xuống thì bạn hãy nghiên cứu hai mục này thật kỹ. Thế Tôn dạy về hai khoa mục này trong kinh luận Đại, Tiểu thừa, chúng ta có thể thường xem thấy. Cho nên cổ đại đức nói, chư Phật Bồ-tát xuất hiện ở thế gian giảng kinh thuyết pháp tóm lại không ngoài ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Chúng ta học Phật thì không được xem ba mươi bảy phẩm trợ đạo là Tiểu thừa, như vậy là bạn thấy sai rồi. Theo “Tạng, Thông, Biệt, Viên” mà đại sư Trí Giả của tông Thiên Thai nói thì ba mươi bảy phẩm trợ đạo của Tạng giáo là Tiểu thừa, ba mươi bảy phẩm trợ đạo của Viên giáo là Đại thừa trong Đại thừa, cho nên mới nói “người viên thuyết pháp, không pháp nào không viên”.

Thật sự làm được quán pháp vô ngã thì tâm mới thật sự được thanh tịnh, giống như chư Phật Bồ-tát vậy, vô lượng kiếp đến nay tích lũy công đức, độ hóa vô lượng vô biên chúng sanh mà trong tâm không nhiễm mảy trần. Trong kinh Kim Cang đã tiết lộ tin tức cho chúng ta là: “Độ vô lượng vô biên chúng sanh mà thực không có chúng sanh nào được độ”, “thực không có chúng sanh” là trong tâm không dính tướng. Vì sao không dính tướng? Quán pháp vô ngã. Nếu bạn còn có ý niệm kể công thì bạn dính tướng rồi, bạn là phàm phu, không những không ra khỏi mười pháp giới, mà e rằng sáu cõi cũng không ra nổi. Phàm phu nếu muốn ra khỏi sáu cõi là rất khó, “tôi đã làm biết bao nhiêu việc tốt, tôi đã tích biết bao nhiêu công đức”, không sai, ở trong sáu cõi mà hưởng phước báo hữu lậu. Phải đem phước báo hữu lậu biến thành công đức vô lậu, nói thật ra ngay cả công đức vô lậu cũng trọn chẳng thể được thì bạn mới thật sự là công đức vô lậu. Đạo lý này, Bồ-tát Mã Minh ở trong Khởi Tín Luận dạy chúng ta: “Lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên”, đó mới là công đức chân thật. Trong tâm của bạn còn có một mảy may phân biệt, chấp trước thì đều biến thành phước báo hữu lậu, việc tốt dù lớn đến đâu cũng là phước báo hữu lậu.

Đại ý của tứ niệm xứ đã giới thiệu qua với quý vị, trên thực tế thì nghĩa lý của nó không có cùng tận, chúng ta phải lắng lòng mà thể hội, hết lòng nỗ lực tu học. Trong khóa tụng sáng tối, đại đức xưa đem Bát-nhã Tâm Kinh đưa vào trong khóa tụng. Khóa tụng sáng tối, nói lời thành thật, các bạn hãy nghĩ kỹ xem, đó thảy đều là hội tập. Vì sao cổ đức muốn chúng ta mỗi ngày niệm Tâm Kinh một vài lần vậy? Để từng giây từng phút nhắc nhở chúng ta, mục tiêu của Tâm Kinh chính là quán tứ niệm xứ, nếu chúng ta dùng trí tuệ để quan sát thế gian thì chúng ta mới có thể biết được chân tướng của pháp thế gian, chúng ta mới có thể tu tâm thanh tịnh, chúng ta mới biết buông xuống, chúng ta mới không bị dính nhiễm tất cả pháp thế xuất thế gian. Không những không dính nhiễm pháp thế gian, mà pháp xuất thế gian cũng không dính nhiễm. Phật khai thị với chúng ta trong kinh Kim Cang rất rõ ràng: “Pháp còn phải xả, huống hồ chẳng phải pháp”, như vậy dần dần chúng ta mới có thể khế nhập cảnh giới của Phật Bồ-tát. Đây là điều mà chúng tôi thường nói là chuyển thân nghiệp báo thành thân nguyện lực, bạn liền được tự tại. 

Ở thế gian, toàn tâm toàn lực giúp đỡ tất cả chúng sanh đoạn ác tu thiện, phá mê khai ngộ, chuyển phàm thành thánh, mà bản thân một ý niệm hành thiện cũng không khởi, đó là thanh tịnh thật sự. Dứt khoát không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, chúng ta nên hướng về mục tiêu và phương hướng này mà tiến bước mạnh mẽ, đây gọi là con đường thành Phật. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.