Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 102/149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 102/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Thực hành thập thiện nghiệp đạo vào trong tứ niệm xứ, tôi đã giới thiệu sơ lược với quý vị về “quán thân bất tịnh, quán thọ là khổ”. Điều thứ ba là “quán tâm vô thường”, điều thứ tư là “quán pháp vô ngã”. Trong bốn loại quán này, điều quan trọng nhất chính là quán tâm vô thường, tâm ở đây là vọng tâm, cũng chính là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, vấn đề này nếu không được khai thông cho tốt thì họa hoạn vô cùng, giống như sông lớn Hoàng Hà vậy, làm thế nào khai thông nó, để nó đem lại phúc lợi cho chúng sanh, không đến nỗi biến thành họa hại.

Gần đây tôi có xem một tin tức trong truyền thông, theo thống kê của người nước ngoài, trẻ em thiếu tình mẹ thì sẽ không có tâm thương yêu, mà tâm sân giận rất nặng, rất dễ xảy ra xung đột với bạn học. Đây không phải là vấn đề nhỏ, chúng ta cần phải xem nó như là việc lớn hàng đầu để xử lý. Xã hội hiện đại tôn trọng nữ quyền, phụ nữ cũng giống như nam giới, vào xã hội tranh danh trục lợi, lơ là việc giáo dục thế hệ sau. Dù bạn có được danh lợi, nhưng con cái của bạn sẽ chống lại bạn, thử hỏi bạn có còn hạnh phúc không? Xã hội hiện nay, bất luận ở trong nước hay ngoài nước, chúng ta thường nghe thấy tin tức con cái giết cha mẹ, giết anh em; học sinh giết thầy cô, lúc nào cũng nghe thấy. Phong khí này không hề bị ngăn chặn, ngược lại còn không ngừng phát triển, số lần năm sau nhiều hơn năm trước, nguy hại xã hội mỗi năm một nghiêm trọng. Cho nên có một số tôn giáo nói ngày tận thế, chúng tôi tin, sâu sắc tin rằng thế giới sẽ có ngày tận thế, hơn nữa khẳng định chắc chắn ngày tận thế cách chúng ta không xa, chúng ta phải có tâm cảnh giác cao độ. Đây là nguyên nhân gì vậy? “Quán tâm vô thường.” Các bậc đại thánh đại hiền xưa nay trong và ngoài nước đều biết đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật này, cho nên đề xướng giáo dục, giáo dục chính là khai thông. Trong giáo dục thì giáo dục nòng cốt là gia đình, vì vậy cổ thánh tiên hiền tán thán người mẹ là vĩ đại nhất. Trên thế giới, quả thật đúng là không có ai vĩ đại hơn người mẹ, người mẹ vĩ đại ở chỗ nào? Ban cho con cái của họ tình mẹ, con cái của họ khi trưởng thành rồi thì đem tình mẹ của họ chia sẻ với đại chúng trong xã hội, họ biết yêu thương người đời, họ biết tạo phúc cho quần chúng xã hội. Sự vĩ đại này là thiên kinh địa nghĩa, còn vĩ đại hơn so với bạn đi làm hoàng đế, làm tổng thống. Ngày nay có mấy người biết được đạo lý này? Mấy người hiểu rõ sự thật này? 

Chúng tôi ở trong các buổi giảng đã nói rất nhiều, rất nhiều lần, xã hội an định, thế giới hòa bình, nhân dân hạnh phúc được xây dựng trên nền tảng của bốn loại giáo dục, mà gốc rễ của giáo dục chính là giáo dục gia đình, rồi sau đó dùng giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội để phụ trợ, để hoàn thành, cuối cùng là giáo dục tôn giáo. Mục đích của giáo dục tôn giáo chủ yếu là thăng hoa, giúp một người chuyển phàm thành thánh, thoát khỏi sanh tử luân hồi, thoát khỏi lục đạo, thập pháp giới, đây là giáo dục tôn giáo. Gốc rễ của giáo dục tôn giáo cũng là giáo dục gia đình, nếu như chúng ta lơ là điểm này thì không những không thể độ người khác, mà tự độ cũng hỏng luôn, chúng ta phải có trí tuệ chân thật, phải nhận thức rõ ràng.

Ngày nay xã hội động loạn, giữa người với người không có tâm yêu thương, giữa người với người không tin tưởng nhau, hai bên không tin tưởng nhau. Quốc gia với quốc gia không tin tưởng nhau, chủng tộc với chủng tộc không tin tưởng nhau, tôn giáo với tôn giáo không tin tưởng nhau, như vậy có nguy không? Không tin tưởng thì sẽ có nghi ngờ, sẽ có hiểu lầm, đôi bên ai nấy đều phòng bị, ai nấy đều phòng bị thì sẽ biến thành cạnh tranh quân sự, hễ cạnh tranh quân sự thì sẽ tăng thêm sự không tin tưởng, tăng thêm lòng nghi ngờ, cuối cùng thì chẳng hiểu vì sao mà bùng phát chiến tranh. Mọi người đều biết trong tương lai nếu chiến tranh xảy ra, nước Mỹ bất luận phát triển như thế nào, cho dù vũ lực của nước Mỹ phủ khắp bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, sau khi khởi chiến rồi thì sẽ không có thắng thua, mà cùng đến chỗ chết. Đây là các nhà khoa học đều nêu ra, chiến tranh hạt nhân là chiến tranh cùng đưa nhau đến chỗ chết, không có thắng thua. Cách nghĩ này, cách làm này là ngu si đến cực điểm. 

Nếu muốn làm vua trên thế giới, trong kinh Phật có nói đến Chuyển Luân Thánh Vương, Chuyển Luân Thánh Vương không những thống trị một địa cầu, mà theo cách nói của kinh Phật thì còn thống trị cả thái dương hệ này. Vua của cả thái dương hệ là Kim Luân Thánh Vương, họ dùng thứ gì để thống trị? Dùng nhân nghĩa đạo đức, không phải dùng vũ lực. Lịch sử xưa nay trong và ngoài nước, trước giờ không hề nói dùng vũ lực thì có thể thống trị thế giới. Vũ lực chỉ có thể chinh phục chứ không thể hàng phục được nhân tâm, sức của người ta không địch lại bạn, họ bị khuất phục dưới uy lực của bạn, thế nhưng khi uy thế của bạn suy thoái, bên dưới liền khởi cách mạng, lật đổ bạn ngay. 

Vậy thống trị như thế nào thì mới là vĩnh hằng? Dùng nhân nghĩa đạo đức, nói một cách đơn giản thì thống trị bằng tình thương là vĩnh hằng. Có sự thật này hay không? Có. Bạn hãy xem nhà tôn giáo, họ chính là dùng tình thương để thống trị, họ không có quốc thổ về mặt hình thức, nhưng họ có quốc thổ trên thực chất, biết bao nhiêu người trên toàn thế giới là tín đồ của họ, sùng bái họ, y giáo phụng hành, đó đều là quốc dân của họ, tín đồ của họ, đất nước đó của họ là vĩnh hằng, bất kỳ người nào cũng không cách gì tiêu diệt được. 

Thật sự vĩnh hằng thì chỉ có tình thương, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Ngày nay nước lớn trên thế giới, nếu muốn có được sự ủng hộ, mến phục, trung thành của nhân dân toàn thế giới, tôi thường nói rằng đừng làm cảnh sát thế giới, mà nên làm ông già Noel trên thế giới, có người nào không thích đâu? Tình yêu thương chân thành, tận tâm tận lực giúp đỡ người có khổ nạn thì bạn sẽ được sự ủng hộ mến phục trung thành của nhân dân toàn thế giới, bạn là chủ của thế giới. Điều này vũ lực không làm được, trong lúc giảng tôi thường nói, Thích-ca Mâu-ni Phật thông minh, ngài biết sự việc này chính trị không làm được, cho nên ngài từ bỏ vương vị; vũ lực không làm được, cho nên ngài cũng từ bỏ việc tướng quân chỉ huy. Ngày nay khoa học kỹ thuật cũng không làm được, kinh tế phát đạt vẫn không đạt được, thứ duy nhất có thể đạt được là dạy học. Thích-ca Mâu-ni Phật theo đuổi công tác giáo dục xã hội, ngài làm thành công rồi. 

Những nhà giáo dục lớn từ xưa đến nay trên thế giới, tâm lượng đều là rộng mở, thật sự là “tâm bao thái hư, lượng chu sa giới” (tâm bao trùm khắp hư không, rộng chứa vô lượng vô biên thế giới). Họ quả thật đúng là không có giới hạn quốc gia, không có giới hạn chủng tộc, không có giới hạn tôn giáo, dạy học không phân biệt, hơn nữa địa vị tuyệt đối bình đẳng, trong Phật pháp nói “chúng sanh và Phật bình đẳng”, ngài không nói “Phật và chúng sanh”, mà nâng chúng sanh lên trên, chúng sanh và Phật bình đẳng. Chỉ có cái nhìn bình đẳng thì mới có thể đạt được chung sống hòa thuận thật sự. Bạn muốn chung sống hòa thuận với người mà bạn luôn cảm thấy mình cao hơn người khác thì vĩnh viễn không thể hòa thuận. Nền tảng của hòa thuận, căn bản của hòa thuận là bình đẳng, Phật pháp nói “vạn pháp bình đẳng, không có cao thấp”, đây là lời giáo huấn của bậc đại thánh thế xuất thế gian. 

Cho nên, chúng ta hôm nay đọc đến câu “quán tâm vô thường” này thì có cảm thán vô hạn, nhân tâm trong xã hội hiện nay đã vô thường đến cực điểm rồi, điều này rất đáng sợ, chúng ta nhất định phải biết. Trước tiên, trong thời đại động loạn này, Phật dạy chúng ta phải tự độ, hay nói cách khác, chúng ta không cứu nổi người khác thì chí ít phải cứu chính mình. Cứu mình không phải là đi tìm một nơi lánh nạn để tránh nạn, trốn tránh không nổi đâu. Ngày nay trên địa cầu này tuyệt đối không có nơi nào là an toàn cả, cho nên phải đoạn dứt ý nghĩ lánh nạn đi. Làm thế nào thật sự bảo toàn chính mình vậy? Dứt khoát không sợ chết, phải biết sau khi chết rồi sẽ đi về đâu. Lục đạo luân hồi, người học Phật chúng ta khẳng định có việc này, hiện nay ở phương Tây có không ít tác phẩm cũng khẳng định rồi. Từ nước ngoài, họ gởi cho tôi một bộ sưu tập sách nói về luân hồi dày cỡ này, đã gửi cho tôi bảy quyển, họ vẫn đang sưu tập. Những chuyện luân hồi mà người nước ngoài kể này, tôi bảo các đồng tu bên này dịch những câu chuyện này ra, vì phân lượng quá nhiều, không thể phiên dịch toàn bộ được, đem đại ý dịch ra là tốt rồi. Nếu dịch hết ra thì văn tự nhiều như thế chúng ta cũng không có nhiều thời gian như vậy để đọc, chúng ta chỉ cần biết cương lĩnh, trong lúc chúng tôi giảng kinh dạy học thì có thể dùng để dẫn chứng. 

Đã khẳng định là có luân hồi, vậy chúng ta chết là thân chết, chứ tinh thần chúng ta không chết, người nước ngoài gọi là ý thức, hiện nay đã chứng minh ý thức và thể xác là hai thứ khác nhau, thể xác hư hoại nhưng ý thức vẫn tồn tại, người Trung Quốc chúng ta gọi là linh hồn, còn trong kinh Phật gọi là thần thức, thứ này vẫn tồn tại. Một số tôn giáo gọi cái này là thần ngã, Ấn Độ giáo gọi nó là thần ngã. Đầu thai ở trong sáu cõi là do thần ngã đi, thể xác không có gì cả, thể xác giống như quần áo vậy, hư rồi thì cởi bỏ, đổi cái mới, thần ngã đó mới là thật, là chân ngã. Nhưng Phật pháp nói thần ngã vẫn là giả ngã, không phải chân ngã, chân ngã là gì? Chân ngã là tự tánh, tự tánh là gì? Chính là tánh linh, tánh giác, trong kinh Lăng-nghiêm nói: “Ngay nơi sáu căn phóng quang động địa”, đây là chân ngã. Mắt là cái thấy, tánh thấy của cái thấy là chân ngã, tánh nghe của cái nghe là chân ngã. Tuy tùy theo sáu căn mà nói tánh, nhưng tánh thực ra là một, không phải sáu cái. 

Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của chúng ta là sáu công cụ, ở trong công cụ nào thì chúng ta cộng thêm danh xưng của nó vào. Ý nghĩa này nếu quý vị không hiểu thì chúng ta có thể dùng thiết bị điện để làm ví dụ, chúng ta cho điện qua máy thu hình thì nó có thể ghi hình, cho qua máy thu thanh thì có thể nghe được âm thanh, cho qua bếp điện thì nó có thể nấu cơm, nhưng điện chỉ là một cái, không phải rất nhiều cái. Chúng ta ví điện cho chân tánh, thứ này ở trên thân chúng ta thì chúng ta là người sống, nó rời khỏi thì biến thành thi thể; giống như thiết bị điện vậy, gắn nguồn điện vào thì nó liền khởi tác dụng, có sự sống, ngắt nguồn điện thì nó sẽ chết, nhưng điện vẫn tồn tại. 

Phật nói với chúng ta rằng tánh mới là chân ngã, tâm tánh, trong kinh Hoa Nghiêm nói: “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, đây là nói y chánh trang nghiêm của mười pháp giới đều cùng một tánh, cùng một a-lại-da thức. Nếu chúng ta biết cùng là một thứ thì tâm từ bi liền sanh ra, nhà Phật nói “từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa”. Thế nào gọi là từ bi? Niệm niệm nghĩ cho người khác chính là từ bi, chính là tình thương, đừng nghĩ cho bản thân. Ta nghĩ cho mọi người thì mọi người sẽ nghĩ cho ta, như vậy mới chung sống hòa thuận. Ta chỉ biết nghĩ cho mình, không chịu nghĩ cho người khác, luôn muốn bản thân chiếm một chút phần hơn, để người khác chịu một chút thiệt thòi thì thế giới sẽ đại loạn, cuối cùng thì như thế nào? Cuối cùng thì hủy diệt chính mình, đây là người ngu.

Người thật sự có trí tuệ thì biết được yêu thương người mới thật sự là yêu thương mình, tôn kính người mới là tôn kính mình thật sự, giúp đỡ người khác mới chân thật là giúp đỡ chính mình. Vì sao vậy? Hư không pháp giới là một thể. Nhà Phật, đặc biệt là giáo học Đại thừa chính là nói về đạo lý này, chính là nói về chân tướng sự thật này, cho nên chúng ta nhất định phải dùng từ bi chân thành, từ bi thanh tịnh, từ bi bình đẳng, từ bi chánh giác; từ bi chính là tình thương, trong tình thương có chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác thì gọi là từ bi. Dùng tâm này để đối nhân xử thế tiếp vật, dùng tâm này để sống, dùng tâm này để làm việc, đây là hoàn toàn đem tâm này hướng về phương hướng chính xác nhất. Có một phương hướng hoàn toàn có lợi mà chẳng có hại, nhà Phật gọi nó là tâm đại Bồ-đề. Người có được tâm này thì tự nhiên có thể buông xuống, tự nhiên có thể nhìn thấu, nhìn thấu là đối với chân tướng vũ trụ nhân sinh triệt để hiểu rõ thông đạt, buông xuống là hoàn toàn không làm chuyện tự tư tự lợi, mà toàn tâm toàn lực vì xã hội, vì tất cả chúng sanh mà phục vụ, phục vụ vô điều kiện, loại phục vụ này tự tại tùy duyên. 

Cho nên, chúng ta đọc đến đoạn tứ niệm xứ này, chúng ta phải sâu sắc phản tỉnh, vọng tâm là vô thường, sát-na chẳng trụ, ý niệm sanh diệt giống như thác lũ vậy, phải biết phòng bị như thế nào, khai thông như thế nào. Phương pháp giải quyết triệt để đó chính là Phật pháp cao cấp, khiến chúng ta xả bỏ vọng tâm, thường trụ chân tâm, đây là phương pháp sửa đổi tận gốc, triệt để cứu cánh mà trong Phật pháp có. Khế nhập được cảnh giới này thì trong kinh Đại thừa gọi là pháp thân đại sĩ, khế nhập được cảnh giới này mới là cứu cánh viên mãn chân thật. Điều này chúng ta giảng đến đây, hôm nay thời gian đã hết.