Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 35/149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 35/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Hôm qua, lần đầu tiên Tịnh tông Học hội Úc Châu tổ chức buổi gặp gỡ giao lưu với dân địa phương, trước đây chưa từng có kinh nghiệm này, thế nhưng buổi gặp gỡ kể ra làm được rất thành công, mọi người chúng ta đều rất hài lòng. Khách mời có chính phủ liên bang, chính phủ huyện và quan chức nghị viên chính phủ địa phương của chúng ta, còn có các đại biểu của các tôn giáo. Mọi người nhìn thấy trong lòng đều rất hoan hỷ, những gì tôi nghe được đều là lời tán thán, đây là một sự khởi đầu rất tốt.

Do khoa học kỹ thuật phát triển, giao thông thuận tiện, địa cầu này quả thật đúng là trở thành “thôn địa cầu”, mọi người cùng sống trong một thôn trang thì quan hệ giữa người và người tự nhiên sẽ mật thiết, chỉ có qua lại, thông hiểu thì chúng ta mới có thể cùng tồn tại hòa bình tại khu vực này. Nếu hai bên không qua lại, giống như trước đây giao thông xác thực là không thuận tiện, thông tin không phát triển, tin tức truyền đi vô cùng chậm chạp, khó khăn, bị núi sông biển cả cách trở thì tự nhiên sẽ dẫn đến nghi ngờ lẫn nhau. Bởi do nghi ngờ nên dẫn đến rất nhiều sự hiểu lầm, nghiêm trọng hơn nữa là dẫn đến chiến tranh, cho nên thiên tai nhân họa đều là từ trong tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến sanh ra, nhà Phật gọi là kiến tư phiền não, không chỉ là tai nạn do con người, mà tai họa tự nhiên cũng khởi đầu từ đó. Cho nên, Phật dạy chúng ta: “Đoạn dứt tham sân si, siêng tu giới định tuệ.” Đoạn sạch nhân duyên bất thiện thì quả báo bất thiện tự nhiên sẽ dần dần mất hẳn, người thế gian thật không dễ gì thể hội được đạo lý này.

Khoa học kỹ thuật càng phát triển thì người thế gian đối với thần quyền càng ngày càng lợt lạt, đây là một vấn đề rất nghiêm trọng. Có quỷ thần tồn tại hay không? Đáp án khẳng định là có. Quỷ thần có quyền lực can thiệp chúng ta hay không? Điều này không thể hoàn toàn khẳng định, trong kinh Phật nói quỷ thần không có quyền can thiệp chúng ta, quỷ thần cũng là một loại chúng sanh. Vì vậy, cát hung họa phước xác thực là do bản thân chúng ta tạo tác nghiệp thiện ác mà chiêu cảm nên, đây là sự thật, đây là Phật nói lời chân thật với chúng ta trong kinh điển. Quỷ thần cùng lắm chẳng qua là ngoại duyên mà thôi, giống người chấp hành pháp luật trong xã hội của chúng ta, như thẩm phán, cảnh sát hình sự, công an, nhân dân không phạm tội thì họ không có quyền can thiệp, bạn phạm tội thì họ mới can thiệp đến bạn. Trong quỷ thần cũng có một loại chấp hành pháp luật tương tự như tình trạng này. Cho nên, khoa học kỹ thuật phát triển thì phủ định có quỷ thần, đây là quan niệm sai lầm. Chúng ta khẳng định họ có tồn tại, nhưng chúng ta cũng khẳng định cát hung họa phước là do nghiệp thiện ác chiêu cảm.

Thế giới Tây Phương Cực Lạc, Thế Tôn trong kinh điển dạy chúng ta, nơi này là một nơi rất tốt, thuần thiện không ác. Tại sao nơi đó lại tốt như vậy? Vì người ở nơi đó không làm ác, không những không tạo tác ác nghiệp mà còn không khởi ác niệm, cho nên gọi là thế giới Cực Lạc. Thế giới Cực Lạc cũng không phải do Phật Bồ-tát tạo nên, mà là do nghiệp lực của đại chúng chiêu cảm nên. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này, có thể đem thế giới Ta-bà biến thành thế giới Cực Lạc được không? Khẳng định là có thể được, chỉ cần mỗi một người trong thế gian này đều có thể hồi tâm hướng thiện.

Trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, Phật có một đoạn khai thị vô cùng quan trọng, đoạn này ở trang thứ năm trong quyển kinh nhỏ này của chúng ta, đoạn lớn này là: “Long vương nên biết, Bồ-tát có một pháp có thể đoạn tất cả khổ trong các đường ác.” Tất cả các đường ác, ngoài ba đường ác ra, ba đường thiện nếu so với tứ thánh pháp giới thì đó cũng là đường ác; tứ thánh pháp giới nếu so với nhất chân pháp giới thì vẫn là đường ác. Do đây có thể biết, từ phương diện tương đối mà nói, thập pháp giới đều là ác đạo, trong đây đều là khổ. Quý vị đều biết, Phật trong kinh nói với chúng ta rằng trong sáu cõi có “khổ khổ, hoại khổ, hành khổ”, trong kinh Đại thừa thường nói “tam giới đều khổ”. Tứ thánh pháp giới: A-la-hán, Bích-chi Phật, Bồ-tát có khổ hay không? Có khổ, vì họ chưa minh tâm kiến tánh; hay nói cách khác, một phẩm vô minh phiền não cũng chưa phá, do đó họ có khổ. Phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân, ra khỏi thập pháp giới, làm Bồ-tát đồng sanh tánh với chư Phật Như Lai, vậy mới thật sự gọi là lìa khổ được vui. Cho nên, chỗ này nói “tất cả các ác đạo” là bao gồm thập pháp giới ở trong đó. Một pháp này của Bồ-tát, chúng ta cần phải chú ý.

“Pháp đó là gì? Là ngày đêm thường niệm, tư duy, quán sát thiện pháp.” Điều này quan trọng! Nếu chúng ta muốn thoát khỏi lục đạo luân hồi, thoát khỏi thập pháp giới thì đoạn khai thị này quan trọng hơn hết thảy. “Thiện pháp” nói ở đây là xuyên suốt lên trên, tức là ngày đêm thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp. Ngày đêm là dứt khoát không được gián đoạn, ngày đêm không được gián đoạn. Thường niệm thiện pháp là tâm của bạn thiện, chúng ta tu tâm thế nào? Tư duy thiện pháp, chúng ta ngày nay gọi là tư tưởng, khởi tâm động niệm, khởi tâm động niệm đều là thiện pháp, dứt khoát không được rơi vào trong ác pháp. Quán sát là hành vi, quán sát chính mình, quán sát tất cả chúng sanh. Quán sát này là nhiều phương diện, sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần đều gọi là quán sát, đều là thiện pháp. “Khiến các thiện pháp niệm niệm tăng trưởng.” Đây là tu hành, đây là công phu.

Câu tiếp theo vô cùng quan trọng: “Chẳng để mảy may bất thiện xen tạp.” Chúng ta tu hành quanh năm suốt tháng mà không thu được hiệu quả, công phu không tiến bộ, gọi là công phu không đắc lực, nguyên nhân do đâu vậy? Chính là xen tạp ác pháp vào trong đó, xen tạp bất thiện. Cho nên câu nói này rất quan trọng, có thể thành tựu hay không mấu chốt ở một câu này. Nếu còn xen tạp bất thiện thì khó thành tựu rồi. Trong xen tạp bất thiện, một điểm quan trọng nhất chính là tự tư tự lợi, đây là gốc bệnh của chúng ta. Chúng ta học Phật, không phải ngày nay mới bắt đầu, mà đã tu học vô lượng kiếp rồi. Tu học vô lượng kiếp mà ngày nay vẫn thành ra như thế này là nguyên nhân gì? Là vì trong tu học tất cả thiện pháp còn xen tạp bất thiện. Hiện nay chúng ta đã tìm được nguyên nhân này, nếu có thể trừ bỏ nguyên nhân này thì trong đời này chúng ta chắc chắn thành tựu. Trừ bỏ nguyên nhân này thì chính là tu hành, chân chánh tu hành, khắc phục tập khí phiền não của mình, chúng ta hạ công phu ngay chỗ này.

Công phu này làm thành công rồi thì sẽ có hiệu quả như đoạn kinh văn tiếp theo nói: “Như vậy sẽ có thể khiến cho các ác dứt hẳn, thiện pháp viên mãn, thường được thân cận chư Phật Bồ-tát và các thánh chúng khác.” Lời này là chân thật, không có một chút hư dối, chỉ cần “các ác dứt hẳn, thiện pháp viên mãn” thì vô lượng vô biên chư Phật Bồ-tát sẽ hiện tiền. “Và các thánh chúng khác” là chỉ Bích-chi Phật và A-la-hán, cùng với những thánh chúng này thị hiện đủ loại ứng hóa thân khác nhau, vậy thì “chư Phật Bồ-tát và các thánh chúng khác” ở đâu vậy? Ở ngay trước mắt chúng ta. Tất cả người, tất cả việc, tất cả vạn vật mà chúng ta ngày nay tiếp xúc được, không có gì không phải chư Phật Bồ-tát hóa hiện, là hoàn toàn tương đồng với cảnh giới Thiện Tài đồng tử 53 lần tham vấn trong kinh Hoa Nghiêm. Chúng ta ngày nay không nhìn thấy là bởi vì xen tạp quá nhiều bất thiện, sáu căn bị xáo động, mắt nhìn mà không thấy, tai nghe mà không nghe thấy, chúng ta bị lỗi ở chỗ này. Không phải chư Phật Bồ-tát không hiện tiền, chư Phật Bồ-tát vĩnh viễn hiện tiền, xưa nay chưa hề gián đoạn. Cho nên, chúng ta nhất định phải trừ bỏ cái che lấp trong con mắt của chính mình, người hiện nay gọi là bệnh đục thủy tinh thể, trừ được cái này rồi thì bạn nhìn thấy ngay, bạn cũng có thể nghe thấy, bạn cũng có thể tiếp xúc được.

Thiện pháp, ác pháp làm thế nào phân biệt? Phật ở đây cũng nói cho chúng ta biết: “Là thân của trời người”. Tuy bạn chưa ra khỏi lục đạo nhưng đời sau có thể vẫn được thân người, được thân người trời, đây là việc tốt, bạn không đọa ba đường ác, thậm chí là ra khỏi lục đạo luân hồi, bạn được thân A-la-hán, bạn được thân Bồ-tát, bạn được thân Phật, đây gọi là thiện pháp. Hay nói cách khác, đời sau ngay cả thân trời người mà bạn còn không thể được thì pháp này là bất thiện. Trong kinh Phật nói cho chúng ta biết, tham lam keo kiệt được thân ngạ quỷ, sân giận, đố kỵ được thân địa ngục, ngu si được thân súc sanh, ngạo mạn được thân a-tu-la, những thân này không tốt! Mang thân bất thiện đều do nghiệp nhân bất thiện tạo thành, cho nên tiêu chuẩn của thiện ác, Phật đã nói rõ ra với chúng ta rồi. Đây không phải là học thuyết của Thích-ca Mâu-ni Phật, cũng không phải là ý của Thích-ca Mâu-ni Phật, mà là chân tướng sự thật, những điều Phật nói đều là chân tướng sự thật.

Phật quy nạp thiện và ác thành mười điều, thiện pháp này chính là thập thiện nghiệp đạo, đối lập với thập thiện nghiệp đạo chính là thập ác nghiệp, quả báo của thập ác nghiệp là tam đồ: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Do đây có thể biết, chúng ta muốn nâng cao cảnh giới của mình, không có điều gì khác chỉ là chuyển ác thành thiện mà thôi. Chúng ta nhất định phải làm được vĩnh viễn lìa sát sanh, không những đối với tất cả động vật nhỏ, muỗi, kiến… cũng không sát hại, mà ngay cả ý niệm sát hại tất cả chúng sanh cũng phải đoạn sạch. Ta không sát hại tất cả chúng sanh, nhưng vẫn còn ý niệm sát hại chúng sanh, vậy tức là bạn xen tạp bất thiện. Ta không trộm cắp nữa, nhưng ý niệm trộm cắp vẫn còn thì bạn cũng xen tạp bất thiện. Trộm cắp thì tôi đã giảng rất nhiều lần rồi, có ý niệm chiếm tiện nghi của người khác thì đều là trộm cắp. Cho nên nhất định phải tu bố thí, phải chịu giúp đỡ người khác.

Tà dâm cũng là phiền não nghiêm trọng của tất cả chúng sanh, trong Phật pháp thường nói: “Nghiệp nhân thọ sanh trong lục đạo chính là dâm dục”, không đoạn dâm dục thì chắc chắn không thể ra khỏi lục đạo luân hồi. Chúng ta ở trong lục đạo quá lâu rồi, lục đạo quá khổ, nếu không muốn tạo lục đạo luân hồi nữa thì không thể không đoạn nghiệp nhân căn bản của lục đạo luân hồi này. Nghiệp nhân của vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc là niệm Phật, gọi là “niệm bất nhất bất sanh Tịnh độ”, muốn sanh Tịnh độ thì nhất định phải nhất hướng chuyên niệm, “đoạn dứt tham sân si, siêng tu giới định tuệ” thì một câu Phật hiệu này mới viên mãn. Trên đây là ba nghiệp của thân.

Tiếp theo, khẩu nghiệp là nói dối, nói ly gián, nói thô ác, nói thêu dệt; ý nghiệp là tham sân si, tức là tham dục, sân giận và tà kiến, tà kiến chính là ngu si. Nếu có thể vĩnh viễn lìa khỏi mười loại nghiệp này thì gọi là thập thiện; nếu có đủ hết thì gọi là thập ác. Lục đạo, thập pháp giới được hình thành như vậy, chúng ta phải biết, phải ghi nhớ thật kỹ. Tổ sư đại đức thường nói “ái bất trọng bất sanh Ta-bà”, đây là ái dục; “niệm bất nhất bất sanh Tịnh độ”, đây chân thật gọi là một lời đã nói toạc ra nguồn gốc của pháp thế xuất thế gian, nếu chúng ta muốn siêu phàm nhập thánh, chuyển ác thành thiện, chuyển mê thành ngộ thì mấu chốt đều ở chỗ này.

Chúng ta nhất định phải nhìn thấu thế gian là hư giả, không phải là thật, không có thứ nào là thật cả, ngay cả thân thể của chúng ta cũng không phải thật, đều là không thể sở hữu, không thể đạt được, huống hồ là vật ngoài thân? Cho nên ở thế gian này, bất luận là đối với pháp nào, thậm chí là đối với Phật pháp, dứt khoát không có tham luyến, Phật pháp cũng là pháp do nhân duyên sanh, phàm là pháp do nhân duyên sanh đều là “thể ngay lúc đó chính là không, trọn không thể được”. Phật nói rất hay trong kinh Kim Cang: “Pháp còn phải xả, huống hồ chẳng phải pháp”, pháp đó là Phật pháp, Phật pháp còn phải vĩnh viễn lìa, huống hồ pháp thế gian?

Ý nghĩa của “vĩnh viễn lìa” này không phải là bảo chúng ta cự tuyệt, xa lìa nó, vậy là bạn đã hiểu sai ý rồi, mà là tuyệt đối không để nó ở trong tâm. Sự thì không quan hệ gì, sự sự vô ngại, đều là giả, đều không phải thật, dứt khoát không được để trong tâm, trong tâm phải vĩnh viễn lìa. Cách nói của tông môn là: “Đi qua cả bụi hoa, thân không dính mảnh lá”, chính là ý nghĩa này, trong tâm nhất định không có, trong tâm tràn đầy trí tuệ, tràn đầy từ bi. Từ bi và trí tuệ là tánh đức, là đức năng vốn có trong tự tánh, phải đem từ bi và trí tuệ vốn có trong tự tánh phát huy mạnh mẽ, phổ độ chúng sanh, đây gọi là hành Bồ-tát đạo, trải qua đời sống của Phật Bồ-tát, đây chính là đại viên mãn mà nhà Phật thường nói.

Lần này, chúng tôi trở về Brisbane, không có sắp xếp giảng kinh, mấy hôm nay có mấy vị đồng tu đi với tôi, chúng tôi muốn chụp ảnh ngoại cảnh ở nơi đây nhiều một chút, sau này ghép vào trong các băng giảng kinh để hình ảnh thêm sinh động, lần này chúng tôi đến đây để làm công việc này. Thế nên, chúng tôi tận dụng chút thời gian ngắn ngủi này để gặp mặt các đồng tu, hy vọng chúng ta cùng nhau khích lệ, chúng ta phải đi theo đường của Phật, không được đi đường của ma. Hiện nay người phương Tây cổ vũ, tán thán tham sân si, họ nói tham lam là động lực để xã hội tiến bộ, chúng ta đều không tham thì xã hội sẽ không tiến bộ. Quý vị thử nghĩ đây là đạo gì? Là quỷ đạo, địa ngục đạo, súc sanh đạo, đường họ đi là ba con đường này. Chúng ta ngày nay phải đi theo Phật đạo, phải đi theo Bồ-tát đạo, chúng ta biết quan niệm của họ là sai lầm, đó không phải là chánh pháp. Trong kinh Lăng-nghiêm nói: “Tà sư thuyết pháp như cát sông Hằng”, lời Phật nói chẳng sai chút nào cả. Những người cổ vũ tham sân si, thúc đẩy tham sân si, những người này chính là tà sư thuyết pháp, chúng ta nhìn thấy rất rõ ràng, rất sáng tỏ. Phương thức sống của chúng ta nhất định phải tuân thủ theo giáo huấn của cổ thánh tiên hiền, vậy thì chắc chắn sẽ không sai. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.