PHẬT THUYẾT NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ, Pháp Âm Tuyên Lưu
Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 74/149
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười một, hàng thứ tư từ dưới lên, bắt đầu xem từ điều thứ sáu:
Sáu, vô lượng phước tuệ dần dần tăng trưởng.
Mọi người đều mong cầu tăng trưởng phước tuệ; không những là phước đức, mà trí tuệ cũng là từ thiện nghiệp sanh ra. Ngạn ngữ xưa Trung Quốc thường nói “phước chí tâm linh”, khi phước báo hiện tiền thì trí tuệ cũng hiện tiền, tâm tư đặc biệt nhạy bén, cho thấy rõ mối quan hệ giữa phước và tuệ. Vì sao vậy? Bởi vì gốc của chúng đều là tâm thiện, niệm thiện, hạnh thiện. Nếu như tâm hạnh bất thiện thì loại người này không có phước báo. Chúng ta nhìn thấy rất nhiều người bất thiện trên thế gian là người giàu sang đang hưởng phước, chúng ta nhất định phải hiểu rõ phước báo này của họ là do đời trước tu, không phải đời này. Những việc mà đời này tu thì quả báo sẽ ở đời sau, trong kinh Phật thường nói với chúng ta:
“Muốn biết nhân đời trước,
Xem quả nhận đời này;
Muốn biết quả đời sau,
Xem nhân gieo hiện tại.”
Đây chẳng phải đã nói rất rõ ràng, rất tường tận rồi đó sao? Chắc chắn không phải người làm đủ mọi việc ác mà có phước báo, đó là bạn hoàn toàn thấy sai rồi; không biết quả báo của đời này là do đời trước tu. Những hành vi tạo tác đời này của chúng ta thì quả báo sẽ ở đời sau, chúng ta nhất định phải biết đạo lý này. Ta đời này không có phước là do đời trước không có tu, việc này không thể trách người khác. Chúng ta thật sự hiểu rõ đạo lý, hiểu rõ chân tướng sự thật thì nhất định sẽ không oán trời trách người, tâm được an định; đây gọi là “tâm an lý đắc”, hiểu rõ lý rồi thì tâm liền an. Chúng ta có muốn cầu phước báo, muốn cầu trí tuệ hay không? Đời này tu nhân thì đời sau phước tuệ hiện tiền, nhân quả thông ba đời, chúng ta nhất định phải hiểu đạo lý này.
Pháp thế xuất thế gian bạn đều hiểu rõ ràng, hiểu sáng tỏ rồi thì việc tu phước, tu tuệ là lý đương nhiên. Chúng ta có cần hưởng thụ hay không? Không cần hưởng thụ. Đem quả báo tu hành của chúng ta hồi hướng cho tất cả chúng sanh, bố thí cúng dường tất cả chúng sanh, để mọi người hưởng thụ, bản thân ta không cần hưởng thụ. Vì sao vậy? Vì phước báo này là phước báo hữu lậu. Nếu bạn hưởng thụ phước báo này thì công phu của bạn, đạo hạnh của bạn nhất định sẽ thoái chuyển. Nếu bạn không hưởng thụ, đem nó bố thí cúng dường cho tất cả chúng sanh thì đạo nghiệp của bạn ngày ngày đang tăng trưởng. Cho nên chư Phật Bồ-tát, quả báo mà các ngài hưởng thụ là quả báo vô lậu, đây là điều chúng ta cần nên học tập; nhất định không hưởng thụ phước báo hữu lậu, hãy hưởng thụ phước báo vô lậu.
Thích-ca Mâu-ni Phật khi còn tại thế đã làm ra tấm gương cho chúng ta thấy. Khi lão nhân gia ngài thị hiện ở thế gian, giảng kinh thuyết pháp giáo hóa chúng sanh, giảng kinh thuyết pháp là bố thí pháp, cúng dường pháp; dùng thân thể, dùng sức lao động là cúng dường tài, là bố thí nội tài, cúng dường nội tài; tài và pháp là hai loại cúng dường. Nhu cầu cần thiết trong sinh hoạt cả đời của mình thì ăn no mặc ấm là đủ rồi. Cho nên, cái mà ngài hưởng thụ là phước tuệ vô lậu. Người đời sau cũng nương theo giáo huấn của Phật-đà mà tu hành, nhưng không thể có thành tựu giống như Phật, do nguyên nhân gì vậy? Không thể buông xuống phước báo hữu lậu, để phước báo hữu lậu làm chướng ngại quả đức vô lậu, sai lầm xuất phát từ đây. Nếu như chúng ta thật sự tìm ra sai lầm, lại đem sai lầm này trừ bỏ đi thì sự thọ dụng trên quả địa của chư Phật Bồ-tát tuy chúng ta không thể có được viên mãn, nhưng cũng có thể đạt được ít phần. Đây là trong kinh luận Đại thừa, Phật thường hay nhắc nhở chúng ta, thường xuyên chỉ dạy chúng ta.
Chúng ta hôm nay ở đây biết được thập thiện nghiệp là nền tảng tu hành của nhà Phật. Đoạn kinh văn lớn này đều là nói quả báo thù thắng của tu thập thiện nghiệp, lìa ngu si, tà kiến này là ngu si, thì được mười loại quả báo thù thắng. Làm sao biết nó là nền tảng của tu hành? Kinh văn phía sau còn có mấy đoạn lớn, văn tự không nhiều, trong đó nói với chúng ta về lục độ, dùng thập thiện làm nền tảng để tu lục độ, trang mười hai có nói điều này. Lục độ là hạnh Bồ-tát, Bồ-tát nếu không có nền tảng của thập thiện thì lục độ không thể thành tựu, chúng ta phải giác ngộ điều này. Phần sau của lục độ, ở trang thứ mười năm, hàng thứ tư, là tứ vô lượng tâm “từ bi hỉ xả”, hàng sau cùng là “tứ nhiếp pháp”. Tiếp theo là từ “niệm xứ”, “chánh cần” cho đến “chánh đạo”, đây là ở trang thứ mười sáu, “ba mươi bảy phẩm trợ đạo”. “Chỉ trang nghiêm cố”, đó là chỉ quán, chỉ – quán – phương tiện. Quý vị hãy xem sự sắp xếp của kinh văn này, Đại, Tiểu thừa, Tông môn, Giáo hạ, Hiển giáo, Mật giáo, toàn bộ đều ở trong đây, thảy đều lấy thập thiện nghiệp làm nền tảng. Chúng ta không nghiêm túc tu thập thiện nghiệp thì không phải là học Phật. Có thể nói, bạn ở trong Phật pháp tu cả đời mà chẳng thành tựu gì cả. Bạn hãy quan sát tỉ mỉ người thật sự niệm Phật vãng sanh, bất luận họ là thân phận gì, bất luận họ làm ngành nghề nào, tại gia hay xuất gia, chắc chắn đầy đủ thập thiện nghiệp; không thể đầy đủ thập thiện nghiệp thì chắc chắn không thể vãng sanh.
Từ đây có thể biết, nếu chúng ta muốn trong đời này vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ thì điều thứ nhất trong tam phước là “hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không giết, tu thập thiện nghiệp”, phải làm được bốn câu này, sau đó bạn mới có thể vỗ ngực tự tin chắc chắn nắm phần vãng sanh. Bạn không làm được bốn câu này, bốn câu này chúng tôi trước đây đã giảng rất cặn kẽ. Hiếu thân tôn sư, từ tâm không giết chính là được thực hiện trong thập thiện nghiệp đạo; nếu không có thập thiện nghiệp đạo thì hiếu thân tôn sư đều là giả, bạn cũng không có tâm từ bi, ba câu phía trước thảy đều không có; đều là thực hiện ở tu thập thiện nghiệp. Cho nên hy vọng các đồng tu phải đặc biệt chú ý đến, nhất định không được lơ là, đây là giới căn bản trong giới căn bản của tu học Phật pháp.
“Thọ trì tam quy, đầy đủ các giới” được xây dựng trên nền tảng của thập thiện nghiệp đạo. Bạn không có nền tảng này thì đều không có cách gì thực hiện được tam quy ngũ giới. Không có nền tảng này, cho nên tam quy ngũ giới toàn là giả, đều rơi vào hữu danh vô thực, nói hơi khó nghe một chút là lừa mình, dối người, tự mình cho rằng như thế này, như thế nọ, đến sau cùng vẫn là tạo tam đồ lục đạo. Đại sư Ấn Quang giáo giới người học Phật, ngài nói rất hay, có người thỉnh giáo ngài làm thế nào có thể tiến vào Phật pháp? Ngài nói: “Một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích.” Thành là gì? Thành chính là đầy đủ thập thiện nghiệp, đây là chân thành. Tâm không tương ưng với thập thiện nghiệp thì thành ở đâu? Thành, tuyệt đối không phải là khái niệm trừu tượng, mà nhất định phải được thực hiện vào trong đời sống của chúng ta. Thực hiện vào trong đời sống chính là thập thiện nghiệp, thập thiện nghiệp viên mãn chính là Phật quả Như Lai.
Nếu quý vị quan sát kỹ, chúng ta thường thấy được trên tranh vẽ Phật Bồ-tát, còn trên tượng Phật, tượng Bồ-tát thì không có, bạn thấy trên tranh vẽ Phật, phần cổ của Phật có một vầng hào quang, ở trên vầng hào quang có viết ba chữ. Chúng ta thường thấy ba chữ này có khi viết bằng chữ Trung, có khi viết bằng chữ Tạng, cũng có khi viết bằng chữ Phạn, đều là một ý nghĩa, đọc là “án a hồng” (om ah hum). “Án a hồng” nghĩa là gì? Án là thân, a là khẩu, hồng là ý, ba nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh, ba nghiệp thuần thiện, ba chữ này chính là thập thiện nghiệp đạo. Thập thiện nghiệp đạo viên mãn thì thành Phật. Mọi người không được xem nhẹ, Bồ-tát Đẳng giác còn phải tu, huống hồ chúng ta là sơ phát tâm? Thập thiện, ngũ giới thường hay nói liền với nhau, đây là căn bản của hành môn, từ sơ phát tâm đến quả địa Như Lai đều không thể tách rời, không rời một giây phút nào. Đây là đạo, là chánh đạo, là Phật đạo, chúng ta sao có thể xem thường được? Khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều phải nghĩ xem có tương ưng với mười cương lĩnh này hay không? Không tương ưng thì đó chính là ác nghiệp. Trái ngược lại thì là thập ác nghiệp, tạo tác thập ác nghiệp thì ở tam đồ địa ngục. Phật ở trong kinh thường giáo giới chúng ta, thượng phẩm thập ác là nghiệp nhân của địa ngục; thượng phẩm thập thiện là nghiệp nhân để sanh thiên. Nếu chúng ta thật sự hiểu rõ đạo lý này, hiểu rõ sự thật này thì bản thân chúng ta biết rõ ràng tường tận tương lai chúng ta sẽ đi về đâu. Cho nên nếu muốn tu phước, nếu muốn tu tuệ thì hiện nay xem như chúng ta đã hiểu rõ ràng sáng tỏ hơn rồi, nhất định không được làm trái ngược.
Bảy, vĩnh viễn xa rời tà đạo, hành nơi thánh đạo.
Lợi ích thù thắng này không cần giải thích thì chúng ta cũng có thể hiểu rõ. Thập ác là tà đạo, là ba đường ác, nói cho quý vị biết, đó không phải cõi người. Chúng ta khởi tâm động niệm nếu rơi vào trong thập ác thì bạn chính là hành tà đạo; bạn cũng tu đạo nhưng mà tu ba đường ác, ba đường ác rất dễ dàng tu thành tựu, quả báo ở tam đồ. Nếu bạn không muốn đọa tam đồ, không muốn đi làm ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh thì bạn phải hành chánh đạo, vĩnh viễn xa rời tà đạo, hành đạo thánh nhân. Chư Phật Bồ-tát đều hành theo thập thiện nghiệp đạo, thập thiện nghiệp đạo là Phật đạo, thập thiện nghiệp đạo là Bồ-tát đạo, là đạo thánh nhân, chúng ta phải đi theo đường này. Đi theo con đường này mới là người thật sự có trí tuệ, người thật sự giác ngộ, người thật sự quay đầu, quay đầu là bờ. Chúng ta bắt đầu làm từ đâu? Phải từ chỗ khởi tâm động niệm mà làm, đây là bạn thật làm.
Khởi tâm động niệm, phàm phu thông thường, người phàm khởi tâm động niệm đều là tự tư tự lợi. Trong tự tư tự lợi đã bén rễ, rễ chính là tham sân si mạn, còn có nghi nữa, năm loại này gọi là tư hoặc; tư là tư tưởng, tư tưởng, kiến giải của bạn bị mê hoặc rồi. Nghi là gì? Là hoài nghi thánh đạo, hoài nghi thánh nhân, nên mới khởi cống cao ngã mạn, khinh mạn thánh hiền, khinh mạn thánh đạo. Thập thiện nghiệp đạo là thánh đạo mà không hề để vào mắt, không hề để trong tâm, đây là khinh mạn, cho nên quả báo ở tam đồ. Quả báo tam đồ là tự làm tự chịu, không phải người khác đem cho bạn. Phước báo trời người, thánh quả tam thừa cũng đều là tự mình tạo tác, tự mình hưởng thụ. Trong hư không pháp giới ai làm chủ vậy? Chính mình làm chủ. Phật Bồ-tát, đại thánh đại hiền cũng không làm chủ, vua Diêm-la và thượng đế cũng không làm chủ cho chúng ta, đều là tự mình tạo tác, tự mình thọ báo. Đạo lý này Phật nói rất rõ ràng, trong tất cả thánh giáo thế xuất thế gian, duy chỉ có Phật pháp là nói thấu triệt. Chúng ta rất may mắn có được thân người, được nghe Phật pháp, không được bỏ lỡ cơ duyên thù thắng này, đích thực là “trăm ngàn muôn kiếp khó gặp được”. Cho nên, chúng ta nhất định phải nhớ “lìa tà đạo, hành chánh đạo”, vậy mới là đệ tử chân thật của Như Lai, được chư Phật tán thán, thiên thần kính ngưỡng. Hy vọng đồng học chúng ta khuyến tấn lẫn nhau. Tốt rồi, hôm nay giảng đến đây.