PHẬT THUYẾT NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu
Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 12/149
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ ba, kinh văn hàng thứ ba, xem từ đoạn phía sau trở đi:
Này long vương! Ông có thấy hội này và trong biển cả, hình sắc chủng loại mỗi loài khác nhau không? Hết thảy như vậy đều do tâm tạo thiện và bất thiện nơi thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp mà ra.
Phần trước, Thế Tôn vừa mở đầu đã nói cho chúng ta biết nghiệp nhân của lục đạo luân hồi, cũng có thể nói, chỉ một câu mà ngài đã nói toạc ra chân tướng sự thật của lục đạo luân hồi. Chúng ta hãy quan sát ngôn từ của câu phía trước và ở trong rất nhiều kinh luận Đại thừa, Thế tôn đã nói với chúng ta là “tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, tất cả pháp ở chỗ này nghĩa là từ phương diện lớn mà nói là toàn bộ vũ trụ, từ phương diện nhỏ mà nói là “vi trần trên đầu sợi lông”, đúng như cổ thánh tiên hiền Trung Quốc đã nói: “Lớn mà không có ngoài, nhỏ mà không có trong.” Chúng ta hiện nay thử nghĩ, làm sao họ có thể nói được những lời này? Nếu chẳng phải thật sự thông đạt cứu cánh chân tướng sự thật thì chắc chắn không thể nói ra được những lời này. Những lời này cũng chính là trong kinh Bát-nhã, Phật nói là thật tướng các pháp, là chân tướng của vạn pháp trong vũ trụ nhân sinh.
Hôm nay, chúng ta xem tiếp đoạn kinh văn này, Phật tiến thêm một bước giúp cho chúng ta quan sát tỉ mỉ hơn. Long vương là đại biểu cho một số đại chúng chúng ta, nếu nói theo chế độ xã hội hiện nay thì đây là cách xưng hô vô cùng xác đáng. Hiện nay, toàn thế giới đều đang hô hào “dân chủ, tự do, mở cửa”, mọi người đều là chủ, ý nghĩa của “vương” chính là “chủ”. Thời xưa, vào thời đại đế vương, đế vương nói mới có hiệu lực, họ đã làm chủ, ban ra hiệu lệnh nên nhân dân toàn quốc phải nghe mệnh lệnh của họ. Người nghe mệnh lệnh không tự tại, người ra hiệu lệnh mới tự tại, cho nên gọi họ là vương. Ngày nay, dân chủ rồi thì mỗi một người đều là vương, mỗi người đều đã làm chủ. “Long” là thiên biến vạn hóa, nếu nói theo lời hiện nay, nói hơi khó nghe là “nghĩ tưởng lung tung”, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Bản thân bạn đã làm chủ, thế mà mỗi ngày bạn cứ ở đó khởi vọng tưởng, đây chính là đại biểu cho tất cả chúng sanh. Phật giảng kinh thuyết pháp, chúng ta sâu sắc thể hội rằng ngài đầy đủ trí tuệ viên mãn, nghệ thuật cao độ, cho nên nói ra vô cùng sinh động, khiến người nghe được rất hoan hỷ, rất hoan nghênh, dễ dàng tiếp nhận.
“Ông có thấy hội này”, hôm nay khai mạc đại hội thập thiện nghiệp đạo, nói theo lời hiện nay là lần này chúng ta tổ chức hoạt động, mục đích của hoạt động này là gì? Là đến thảo luận thập thiện nghiệp đạo. Pháp hội của Phật nói theo lời hiện nay chính là hoạt động, chúng ta tổ chức hoạt động này là thảo luận thập thiện nghiệp đạo. Người tham gia hoạt động này, phía trước nói có 8.000 chúng đại tỳ-kheo và 32.000 chúng Bồ-tát, đây là pháp Đại thừa, không phải pháp Tiểu thừa. Tuy là nói hai loại nhưng trên thực tế đều bao gồm tất cả già trẻ, nam nữ các ngành nghề trong xã hội, tỳ-kheo đại biểu cho chúng xuất gia, Bồ-tát tại gia và xuất gia đều có. Như quý vị đều biết ở Trung Quốc có bốn đại Bồ-tát là Địa Tạng, Quán Âm, Văn-thù và Phổ Hiền. Trong bốn đại Bồ-tát thì chỉ có Bồ-tát Địa Tạng là tướng xuất gia, Bồ-tát Quán Âm là tướng tại gia, Văn-thù và Phổ Hiền đều là tướng tại gia, đây là nói rõ tại gia nhiều hơn xuất gia. Phàm người y theo phương pháp lý luận của Phật đã truyền đạt mà tu học, áp dụng vào trong cuộc sống thường ngày, tức là áp dụng vào trong đời sống, công việc, ứng xử với người, với vật thì người này được gọi là Bồ-tát. Nếu bạn hiểu rõ ý nghĩa này thì bạn sẽ hiểu được kinh văn, bạn sẽ không có chướng ngại nữa.
Tham dự đại hội lần này còn có thành phần “trong biển cả”, trong biển cả là thí dụ cho xã hội. Phần trước đã nói với quý vị là bộ kinh này Phật giảng ở đâu vậy? Phật giảng ở long cung Sa-kiệt-la. Sa-kiệt-la là tiếng Phạn, dịch sang Trung văn nghĩa là biển nước mặn. Chúng ta biết nước trong biển cả đều có vị mặn, thế nên bạn lập tức thể hội được ý của Phật, Phật thuyết pháp đều là ý ở ngoài lời, nghe xong bạn phải hiểu, phải thể hội được. Nếu như y văn giải nghĩa thì “ba đời Phật oan”, ba đời Phật đều bị hàm oan, bạn đã hiểu sai ý của Phật, bạn phải hiểu được ngài là ý ở ngoài lời. “Biển nước mặn”, chúng ta rất dễ dàng hiểu được là biển khổ, nước biển là khổ, rất khó nuốt, đây chính là hình dung biển khổ vô biên. Bạn ở trong biển khổ dường như vẫn sống rất vui vẻ, rất tự tại, đây gọi là long vương, long vương Sa-kiệt-la, đây là không giác ngộ. Long vương Sa-kiệt-la là học trò của Phật, là đệ tử Phật kiền thành đã quy y tam bảo, ngài cũng là Bồ-tát Ma-ha-tát, chư Phật Bồ-tát thị hiện ở trong đây.
Biển khổ này chính là hình dung cho sáu cõi, đặc biệt là ba đường ác. Rồng thuộc về cõi súc sanh, không phải cõi người, cho nên đại biểu cho ba đường ác, ý nghĩa này vô cùng rõ rệt. Biển cả chính là để chúng ta quan sát xã hội này, thế giới này, tất cả mọi chúng sanh hình dạng không giống nhau. Mặc dù cùng là loài người nhưng hình dáng của loài người cũng không như nhau, có người dáng cao, có người dáng thấp, có người mập, có người ốm. Màu da không giống nhau, có người da trắng, da vàng, da đỏ, da đen. Khác biệt về chủng loại thì càng nhiều nữa, nam nữ già trẻ, các ngành các nghề. Nếu như mở rộng thêm đến tất cả sinh vật, động vật ở trên đất liền, động vật ở trong biển cả thì sự khác biệt về chủng loại, hình sắc này thật là quá nhiều.
Trước tiên, Phật nói ra những hiện tượng này, vì sao lại có sự khác biệt nhiều như vậy? Tiếp theo Phật nói: “Hết thảy như vậy”, “hết thảy” này không những bao gồm động vật mà chúng ta vừa mới nói, mà còn bao gồm thực vật, khoáng vật, thật sự là mỗi loài khác nhau. Chủng loại khoáng sản tiềm tàng thì rất nhiều, có một số loại được con người phát hiện, sau khi khai thác, khu vực này trở nên giàu có, ví dụ như dầu mỏ. Quý vị phải biết, thời tiết nhân duyên của mỗi thời cũng khác nhau. Ví dụ dầu mỏ, khoáng sản này nếu như 200 năm trước được phát hiện và khai thác thì cũng không lợi ích gì, không đáng một xu. Vì sao vậy? Vào thời đó chưa có xe hơi, chưa có những động lực này nên nó vô dụng. Ngày nay khoa học kỹ thuật phát triển, dùng dầu mỏ làm động lực thì sự phát hiện này biến thành quý báu. Như vậy chúng ta hiểu rằng khoáng vật tiềm tàng ở bên dưới, khai thác sử dụng cũng cần có thời tiết nhân duyên, thời xưa có nhưng không đáng một xu. Cho nên nếu bạn suy nghĩ thật kỹ thì sẽ thấy được tính phức tạp của tất cả sự vật trong vũ trụ này.
Tất cả vạn vật được sinh ra như thế nào? Ngày nay rất nhiều nhà khoa học đang nghiên cứu, nhà triết học cũng đang nghiên cứu, nhà tôn giáo cũng đang nghiên cứu, nhưng trước sau họ vẫn chưa nói được sự việc này một cách rõ ràng, sáng tỏ, thấu triệt. Có ai nói được rõ ràng sáng tỏ hay không? Có, trong Phật pháp Đại thừa có nói. Thế nhưng Phật pháp ở thế gian hiện nay bị người ta phủ lên một lớp bóng tối mê tín, họ nói Phật pháp là mê tín, là tiêu cực, thế là có rất nhiều người không dám tiếp cận. Phật pháp đích thực là báu vật, vì vậy được gọi là tam bảo, gọi là Phật bảo, pháp bảo. Phật pháp bị phủ lên một lớp bóng tối như vậy nên rất nhiều người không dám tiếp xúc, bày ra trước mắt mà không đạt được thọ dụng, bạn nói xem điều này đáng tiếc biết bao! Chúng ta vô cùng may mắn, đây là thiểu số trong thiểu số, có cơ hội tiếp xúc được, nhận thức được, có duyên học tập và thật sự có được một số thọ dụng, nhưng chúng ta vẫn chưa thể đạt được sự thọ dụng viên mãn, vì chúng ta vẫn chưa giác ngộ viên mãn, cần phải hiểu điều này.
Trong kinh Hoa Nghiêm, Phật nói cho chúng ta biết, hiện tượng vũ trụ bao gồm điều mà nhà khoa học ngày nay gọi là các chiều không gian khác nhau. Năm xưa, ngài Hoàng Niệm Tổ nói với tôi, hiện nay nhà khoa học phương Tây đã chứng thực có sự tồn tại của mười một chiều không gian. Nhưng trên lý luận mà nói thì có vô hạn chiều không gian khác nhau. Trong Phật pháp không gọi là không gian, trong Phật pháp gọi là pháp giới, giới là giới hạn. Họ nói các chiều khác nhau, còn chúng ta nói các giới hạn khác nhau. Điều mà Phật pháp thông thường nói, quả thật so với điều mà nhà khoa học nói là gần giống nhau, có mười một loại, tức là mười pháp giới cộng thêm pháp giới nhất chân, đây là mười một loại. Mười một loại này là phân loại lớn, trong kinh Phật có nói. Nhưng đại sư Thiên Thai nói với chúng ta càng rõ ràng cụ thể hơn, mười pháp giới, trong mỗi một pháp giới lại có đủ mười pháp giới, tức là một trăm pháp giới. Trong một trăm pháp giới này, trong mỗi pháp giới còn có một trăm pháp giới, trùng trùng vô tận, lời nói này mới đúng, mới thật sự nói ra chân tướng sự thật. Hay nói cách khác, pháp giới hay các chiều không gian khác nhau đều biến đổi theo ý niệm của chúng ta. Có phải chúng ta sống trong cùng một chiều không gian hay không? Không phải. Người có tu hành, tâm của họ thanh tịnh, khi họ nhập định thì pháp giới trong định cùng với lúc bạn tỉnh táo không phải là một pháp giới, là chiều không gian khác nhau. Thế nên ở trong định họ có thể nhìn thấy quá khứ, có thể nhìn thấy vị lai, có thể nhìn thấy nơi xa, người tu định đều có kinh nghiệm này, đều từng xuất hiện cảnh giới này.
Năm xưa khi tôi ở Đài Bắc, cư sĩ Giản Phong Văn là tổng cán sự của Hội quỹ giáo dục Phật-đà, trước khi gặp tôi thì ông tu thiền. Ông ngồi thiền nhập định đại khái vẫn có chút công phu nhỏ, ở trong định ông đã gặp vua Diêm-la, Thập Điện Diêm Vương, không phải một lần mà rất nhiều lần. Ông nói hình dáng của họ rất thấp, đại khái chỉ cao hai ba thước, ông thường kể cho tôi những chuyện này. Tôi bèn khuyên ông, thường xuyên qua lại với họ không có lợi ích, nếu như ông thường qua lại với Phật, với Bồ-tát thì lợi ích hơn, qua lại với cõi quỷ có lợi ích gì đâu? Về sau ông niệm A-di-đà Phật thì cảnh giới này sau đó không còn nữa. Cho nên, khi ở trong định thì xuất hiện chiều không gian khác nhau. Phàm phu thông thường chúng ta, tôi hỏi mọi người: “Bạn đã bao giờ nằm mộng chưa?” Bạn nói: “Tôi từng nằm mộng rồi.” Vậy trong mộng là chiều không gian khác. Cho nên, hiện nay chúng ta cũng không phải sống cố định trong một không gian, mà là sống trong nhiều chiều không gian, chỉ cần bạn tự mình quan sát thật tỉ mỉ, thể hội thật kỹ càng thì bạn sẽ phát hiện được.
Những pháp giới này từ đâu mà có? Hay là chúng ta nói các chiều không gian khác nhau mà nhà khoa học nói được tạo nên như thế nào? Ở đây Phật nói cho chúng ta biết: “Đều do tâm tạo nghiệp thiện và bất thiện mà ra.” Thế nên, chúng ta mới bỗng nhiên hiểu được, toàn bộ hiện tượng của vũ trụ nhân sinh, nhân sinh mà chúng ta nói ở đây là danh từ chung, bao gồm tất cả sinh vật trong các hiện tượng khác nhau. Mọi người đừng xem câu nói này thành nghĩa rất hẹp, vậy là sai rồi. Trong Phật pháp thông thường không gọi là nhân sinh, mà gọi là chúng sanh, danh từ này rất hay. Từ đâu mà có vậy? Do tâm tưởng biến hiện ra. Phần trước đã nói “do tâm tưởng khác nhau, nên tạo nghiệp cũng khác nhau”, khác nhau thì biến thành pháp giới khác nhau. Mỗi người chúng ta hằng ngày đang tạo nghiệp, xưa nay chưa từng ngừng nghỉ, Phật nói những điều bạn đã tạo thảy đều không ngoài ba loại lớn là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Do bạn có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nên mới biến thành phàm phu, sự khác biệt giữa phàm phu với Phật Bồ-tát là ở chỗ này.
Phật và chư đại Bồ-tát, không phải tiểu Bồ-tát, tiểu Bồ-tát vẫn chưa làm được. Pháp thân Bồ-tát mà trong kinh Hoa Nghiêm nói là đại Bồ-tát, các ngài thảy đều đã buông xả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước; hay nói cách khác, các ngài không tạo nữa. Không tạo nữa thì các ngài đến cảnh giới nào vậy? Đến nhất chân pháp giới. Thế nào gọi là nhất chân pháp giới? Vô lượng vô biên pháp giới, ngày nay gọi là các chiều không gian khác nhau, các ngài đã đột phá toàn bộ rồi, đây gọi là nhất chân pháp giới. Hiện nay nhà khoa học biết được, nhưng không có cách gì đột phá. Trong vật lý học đã phát hiện ra một sự việc gọi là gia tốc, nếu như tốc độ của chúng ta có thể vượt qua tốc độ ánh sáng thì trên lý luận mà nói, chúng ta có thể trở về quá khứ, cũng có thể tiến đến tương lai. Hay nói cách khác, chúng ta đột phá được chướng ngại về thời gian và không gian. Sự đột phá này, chúng ta hiện nay hiểu rằng đây là sự đột phá hữu hạn, không phải vô hạn. Vì sao vậy? Bởi vì bạn có tạo tác. Cũng giống như hiện nay, khoảng cách giữa chúng ta với nước Mỹ là hơn 10.000 km, chúng ta đang ở trong giảng đường này thảo luận nghiên cứu bài giảng thì các đồng tu bên Mỹ từ trên mạng có thể nhìn thấy ngay lập tức. Thời gian và không gian này dường như cũng bị đột phá rồi, là do chúng ta dùng biện pháp máy móc để kết nối. Nhưng năng lực của máy móc có hạn, hơn nữa đối phương vẫn phải có thiết bị, không có thiết bị thì vẫn thu không được, việc này không tự tại. Phương pháp Phật dạy cho chúng ta tự tại, là buông xuống tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì bạn sẽ được tự tại.
Thế nên, chúng ta phải hiểu rằng vô lượng vô biên pháp giới là do tất cả chúng sanh “tâm tạo thiện và bất thiện”. Cái gì tạo vậy? Thân thể bạn đang tạo, lời nói bạn đang tạo, ý nghĩ bạn đang tạo, thân nghiệp, ngữ nghiệp, ý nghiệp tạo tác vô lượng vô biên không ngoài ba loại này. Bạn mỗi ngày đang tạo, chính là nói bạn mỗi ngày đang chướng ngại trí tuệ viên mãn, đức năng viên mãn vốn dĩ đầy đủ trong tự tánh của bạn, đó là thông đạt tất cả. Hằng ngày bạn đang làm việc này, bạn càng ngày càng thu nhỏ trí tuệ, đức năng của bạn lại, nhỏ đến sau cùng thành vô tri vô năng, chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này. Phật chỉ một câu mà nói toạc ra hết, chúng ta phải ghi nhớ. Đoạn tiếp theo hoàn toàn nói lý luận, ý nghĩa của đoạn này rất sâu. Hôm nay thời gian đã hết, ngày mai chúng ta tiếp tục giảng.