Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 70/149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 70/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười một, hàng thứ nhất, bắt đầu xem từ câu thứ hai:

“Tám, do hòa nhẫn nên chóng sanh về Phạm thiên. Đó là tám.” Đây là lợi ích thứ tám do lìa sân giận. Hòa và nhẫn đều là tánh đức, đây là cái vốn có trong tự tánh của tất cả chúng sanh, nhưng bị tập khí phiền não làm chướng ngại nên không thể hiện tiền. Hòa là chung sống hòa thuận với tất cả chúng sanh, nhẫn là có thể đón nhận tất cả cảnh giới thiện ác, thuận nghịch, có thể thấy hàm nghĩa của hai chữ này sâu rộng vô hạn. Đặc biệt là xã hội của chúng ta hiện nay, hiện tại do giao thông thuận tiện, thông tin phát triển, trái đất chúng ta cư trú tuy rất lớn, nhưng nhờ thông tin truyền đi nhanh chóng nên mỗi một sự việc nhỏ, chúng ta lập tức nhìn thấy, nghe thấy từ trên màn ảnh truyền hình, hoặc chúng ta nghe thấy từ vệ tinh truyền tin. Vì vậy có người nói, trái đất ngày nay là một thôn trang, thôn địa cầu, thí dụ này rất hợp lý. Tuy nhiên trên trái đất có nhiều người như vậy, có nhiều sinh vật như vậy, chúng ta đều sinh sống ở khu vực này, việc quan trọng nhất chính là phải hòa, phải nhẫn. Nếu không thể chung sống hòa thuận, hai bên không thể nhường nhịn lẫn nhau thì nhất định sẽ phát sinh xung đột, sẽ phát sinh chiến tranh, sẽ phát sinh đổ máu, sẽ có đủ mọi bất hạnh. Chư Phật Bồ-tát, đại thánh đại hiền, giữ tâm của các ngài, động niệm của các ngài chỉ đều là cứu độ tất cả chúng sanh khổ nạn, mà mục tiêu cứu độ chúng sanh nhất định ở hòa và nhẫn. Vì sao chúng ta không thể thực hiện được hòa và nhẫn? Ở đây Phật đã nêu rõ cho chúng ta, thập ác bất thiện khiến cho không thể thực hiện được hòa và nhẫn. Đây chính là tai nạn của tất cả chúng sanh hiện nay, là nguyên nhân không thể tránh khỏi thiên tai nhân họa. 

Phật pháp không những chỉ nói đến lợi ích trước mắt, mà còn có lợi ích sâu xa, lợi ích sâu xa ở đời sau kiếp sau. Lợi ích của đời sau kiếp sau, nói thật ra còn vượt hơn lợi ích của chúng ta hiện nay. Chúng ta đời này ở trong thế gian này, thời gian quả thật mà nói là rất ngắn ngủi, các bạn trẻ hiện nay vẫn chưa cảm nhận được, nhưng người ở tuổi 60-70 trở lên, hiện nay xã hội thông thường gọi là người về hưu, người nghỉ hưu cảm nhận về điều này rất sâu sắc. Đời người khổ sở và ngắn ngủi, cho dù sống 100 năm, người hiện nay nói một thế kỷ, nhưng trên thực tế chỉ là một khảy móng tay, một sát-na, chúng ta cần phải giác ngộ được. Trong thời gian ngắn ngủi như vậy, chúng ta phải làm thế nào tận dụng thời gian này thành tựu sự nghiệp bất hủ. Thế nào là sự nghiệp bất hủ? Nhà Nho nói “lập đức, lập công, lập ngôn”, đây gọi là “tam bất hủ”. Tam bất hủ này không thật, vì sao vậy? Vì trái đất này sẽ hoại. Phật nói với chúng ta, cõi nước của Phật, tinh cầu có thành, trụ, hoại, không, trái đất hủy diệt rồi thì lập đức, lập công, lập ngôn cũng sẽ không còn chỗ dựa. Sự nghiệp bất hủ thực sự trong Phật pháp. Thế nào là sự nghiệp bất hủ vậy? Ra khỏi lục đạo, ra khỏi thập pháp giới, đó là bất hủ thật sự. Không thể thoát khỏi lục đạo luân hồi, chúng ta nói phạm vi lớn hơn một chút, bất luận đức nghiệp như thế nào thì cũng cùng thành, trụ, hoại, không đi về chỗ chết.

Thế Tôn từ bi, chỉ ra thế giới Tây Phương Cực Lạc cho chúng ta. Báo độ của chư Phật mười phương là bình đẳng, báo độ này chính là cõi Thật báo trang nghiêm thường nói. Tuy cõi Phàm thánh đồng cư và cõi Phương tiện hữu dư không như nhau, nhưng ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, cõi Đồng cư, cõi Phương tiện bằng với cõi Thật báo, việc này chẳng thể nghĩ bàn, việc này chư Phật đều tán thán. Không có vị Phật nào không khuyên chúng ta cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, sự thù thắng của thế giới Tây Phương Cực Lạc không phải là cõi Thường tịch quang, không phải là cõi Thật báo. Cõi Thường tịch quang, cõi Thật báo của tất cả chư Phật Như Lai đều bình đẳng, vậy có gì hiếm lạ? Thù thắng đệ nhất chính là cõi Đồng cư và cõi Phương tiện bằng với cõi Tịch quang và cõi Thật báo, điều này không thể nghĩ bàn, chúng ta phải tin tưởng lời của Thế Tôn. Lời giảng giải này của Thế Tôn đích thực đã cứu chúng ta.

Những pháp môn khác, không cần nói thứ khác, ví dụ bạn tu sơ thiền, chưa ra khỏi tam giới, bạn đắc sơ thiền thì tương lai bạn chẳng qua là sanh trời Sơ thiền mà thôi, không dễ thành tựu. Sao lại biết không dễ thành tựu? Bạn có thể tự mình làm thử xem. Thiền định của sơ thiền có thể chế phục ngũ dục lục trần, họ là ở Sắc giới, không phải Dục giới. Chúng ta ngày nay đối với tài sắc danh thực thùy, ngũ dục lục trần còn động tâm hay không? Hễ sáu căn tiếp xúc với cảnh giới còn bị động tâm, còn khởi niệm thì bạn biết rằng bạn ở Dục giới, bạn không có phần ở Sắc giới. Người trời Sắc giới đối với mừng, giận, buồn, vui không động tâm, nhà Phật thường gọi là “tám gió[1] thổi không động”. Tám gió thổi không động là cảnh giới gì vậy? Là cảnh giới của trời Sơ thiền. Nói cách khác, công hạnh của họ càng cao thì định công càng cao. Chúng ta biết, không phải họ không có định công, trong Phật pháp gọi định này là “vị đáo định”, họ vẫn chưa đạt đến sơ thiền, họ có định công, nhưng không đạt đến sơ thiền. Định công của họ nếu đạt đến sơ thiền thì trong tất cả cảnh giới đều không động tâm. Quả thật đúng là trong không động tâm, ngoài không bị cảnh giới cám dỗ, đó là người trời Sắc giới. Công phu của nhị thiền, tam thiền, tứ thiền thì càng sâu hơn nữa, nhưng vẫn không ra khỏi tam giới.

Người niệm Phật chúng ta, thật ra mà nói nếu có được công phu sơ thiền thì chắc chắn vãng sanh, việc cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc nhất định không có vấn đề. Bạn có công phu sơ thiền, trong pháp môn niệm Phật gọi là niệm Phật tam-muội, công phu thành phiến rồi thì chắc chắn được sanh. Công phu của chúng ta chưa đạt đến sơ thiền, cũng có một chút công phu gọi là vị đáo định. Vị đáo định này còn phải xem duyên phận của bạn, nếu duyên của bạn thù thắng thì có thể vãng sanh; nếu duyên không thù thắng, lúc sắp mạng chung có oan gia trái chủ đến quấy nhiễu, đến chướng ngại thì bạn không thể vãng sanh. Chúng ta tự mình nghĩ thử, lúc sắp lâm chung không biết có oan gia trái chủ đến kiếm chuyện hay không? Rất khó nói. Người tại gia có người thân quyến thuộc, có con cháu đứng trước mặt bạn khóc lóc, kêu la inh ỏi khiến bạn không giữ được chánh niệm. Người xuất gia còn đáng sợ hơn, vì sao vậy? Tín đồ còn nhiều hơn con cháu, người này phải như thế này, người kia phải như thế nọ, thế là nguy to rồi! Việc này chúng ta nhìn thấy, rất nhiều lão hòa thượng khi vãng sanh, tín đồ này nói: “Phải thế này đối với sư phụ.” Người kia nói: “Không được, anh sai rồi, phải dùng cách này đối với sư phụ.” Mọi người hai bên tranh nhau, khiến cho sư phụ chết tươi rồi. Không phải họ có tâm xấu, đều là tâm tốt, tâm tốt ý thiện nhưng hại chết sư phụ rồi! 

Cửa ải lớn nhất của tại gia, xuất gia chính là chết. Ở đây tôi đã viết mười mấy chữ, cách viết này không biết các bạn có thể đọc hiểu hay không? Đây là chữ “chết”, là lối viết xưa, ý nghĩa sẽ rõ ràng hơn. Tôi đã viết mười mấy tờ, có không ít người đã lấy đi rồi. Nội dung viết trong đây là câu nói của Ấn tổ, đại sư Ấn Quang nói: “Người học đạo, niệm niệm không quên chữ chết thì đạo nghiệp tự thành.” Chúng ta không sợ chết, chúng ta phải chuẩn bị cách chết như thế nào, điều này mới quan trọng. Hay nói cách khác, cần phải có công phu sơ thiền, tức là chúng ta niệm Phật nhất định phải được niệm Phật tam-muội. Niệm Phật tam-muội nếu cạn thì là công phu thành phiến, công phu thành phiến trên thực tế mà nói chính là công phu sơ thiền. Ngoài không chấp tướng, trong không động tâm, thực sự đem duyên đời thảy đều buông xuống rồi, việc của thế gian này không liên quan đến ta; người tốt thì rất tốt, người xấu cũng tốt; việc tốt rất tốt, việc xấu cũng tốt. Chúng ta dùng tâm bình đẳng để đối nhân xử thế tiếp vật, không có phân biệt, không có chấp trước, vậy chúng ta mỗi ngày niệm Phật hiệu cầu sanh Tịnh độ mới thật có phần nắm chắc. Trong đời sống thường ngày phải tùy duyên, không phan duyên. Tùy duyên là sao cũng tốt, nhất định không được đem những sự việc hỗn tạp lộn xộn để ở trong tâm, trong tâm việc gì cũng không có, chỉ có một câu “A-di-đà Phật”, vậy thì chắc chắn được sanh Tịnh độ. 

Điều kiện để được sanh Tịnh độ thì hai chữ [hòa và nhẫn] này quan trọng, đầu tiên phải chung sống hòa thuận với tất cả mọi người. Họ hòa thuận với ta, ta hòa thuận với họ; họ bất hòa với ta, ta vẫn hòa với họ. Thuận cảnh, nghịch cảnh, người thiện, người ác, thảy đều phải nhẫn. Cách nhẫn như thế nào vậy? Không để ở trong tâm mới thật sự là nhẫn. Để ở trong tâm thì nhẫn ấy rất khổ, không để trong tâm thì nhẫn này rất tự tại. Tất cả đều tùy duyên, không phan duyên. Lợi ích chúng sanh là việc tốt, việc tốt cũng phải có duyên. Nếu như không có duyên mà bạn muốn đi làm, làm không thành công thì bạn sẽ sanh phiền não, sao lại khổ vậy? Cho nên Phật trụ ở thế gian chỉ dạy chúng ta là tùy duyên, không phan duyên; phan duyên là tự mình muốn làm như thế nào, tùy duyên là hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức. Chúng ta có thể biết hòa và nhẫn thì tự nhiên sẽ đoạn ác tu thiện. Bởi vì chỉ cần bạn tạo thập ác nghiệp, thập ác này ở trong tâm của bạn, bạn không thể buông xuống nó hoàn toàn thì không làm được hòa và nhẫn. 

Chúng ta quan sát tỉ mỉ, quan sát người khác mà xét lại bản thân mình. Con người nhìn thấy lỗi lầm của chính mình rất khó, nhìn không ra lỗi của chính mình, nhưng dễ nhìn thấy lỗi của người khác. Người khác là tấm gương soi của chính chúng ta, nhìn thấy lỗi lầm của người khác, lập tức xoay trở lại phản tỉnh, xem bản thân ta có lỗi lầm này hay không? Điều này quan trọng. Chúng ta nhìn thấy người khác không hòa thuận, đoàn thể không hòa thuận, quốc gia không hòa thuận, tôn giáo không hòa thuận, thường hay gây chuyện, đấu tranh, chiến tranh, điều này trong tin tức thường nhìn thấy, quay đầu lại nghĩ xem, ta chung sống với mọi người có hòa thuận hay không? Vì sao ta không hòa thuận? Điều mà trong bộ kinh này nói, do tập khí ác nghiệp. Nếu không có ác nghiệp thì tâm địa của bạn là thuần thiện, thuần thiện chính là thập thiện, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm nhất định tương ưng với thập thiện nghiệp thì đã thực hiện được hai chữ “hòa nhẫn” rồi. Nếu không gặp được pháp môn Tịnh độ, không biết cầu sanh thế giới Cực Lạc thì quả báo của họ đời sau là “sanh Phạm thiên”; Phạm thiên là trời Sắc giới, không phải trời Dục giới. Bạn mới biết được, tuy không học Phật nhưng quả báo cũng khá thù thắng. Chúng ta thử xem rất nhiều tôn giáo, “trời” mà họ nói đến, phần lớn đều là trời Dục giới. Làm sao biết là trời Dục giới? Tập khí phiền não chưa đoạn, cho nên chúng ta biết họ là trời Dục giới, vẫn chưa lìa khỏi dục. Tôn giáo cao cấp, gọi là tôn giáo cao cấp, trong mỗi một tôn giáo đều có người tu hành cao cấp, không phải chỉ cho một người, người cao cấp là tu thiền định, họ biết ly dục nên sanh Phạm thiên, điều này chúng ta phải biết. Lìa sân giận có tám loại công đức thù thắng, trong đó loại thứ tám là vô cùng, vô cùng thù thắng. 

Chúng ta ngày nay đề xướng hòa bình, bởi vì thế giới không hề hòa bình. Giải thích hai chữ “hòa bình” này thế nào? Chúng sanh trên toàn thế giới, không phân quốc gia, không phân chủng tộc, không phân tôn giáo, chung sống hòa thuận, đối xử bình đẳng thì hòa bình mới có thể thực hiện. Đối xử bình đẳng là “nhẫn”, bạn không nhẫn được thì bạn không cách gì đối xử bình đẳng với người. Cho nên, chúng ta cần đem lời giáo huấn của Phật-đà áp dụng vào trong đời sống đối nhân, xử thế, tiếp vật của chúng ta, tự lợi lợi tha. Tự lợi của chúng ta là dùng nền tảng tu hành này, phát nguyện cầu sanh Tịnh độ, chắc chắn có thể thỏa mãn nguyện vọng trong đời này của chúng ta, thành tựu công đức thù thắng mà đời đời kiếp kiếp về trước chúng ta không có, đây mới là người thông minh, mới là người chân thật có trí tuệ. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.

 

 


[1] Tám gió (bát phong): được – mất, khen – chê, danh thơm – tiếng xấu, khổ – vui.

Nghĩa là tám ngọn gió đời, là tám pháp thế gian, là thước đo người tu hành chân chính. Tám gió này hay làm con người vọng động, điên đảo mà sinh ra vui vẻ, hạnh phúc hoặc phiền muộn, khổ đau.