PHẬT THUYẾT NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu
Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 10/149
Mời xem kinh, trang thứ ba: “Như thị ngã văn: Nhất thời, Phật tại Sa-kiệt-la long cung, dữ bát thiên đại tỳ-kheo chúng, tam vạn nhị thiên Bồ-tát ma-ha-tát câu.” (Tôi nghe như vậy: Một thuở nọ, đức Phật ở long cung Sa-kiệt-la, cùng với tám ngàn chúng đại tỳ-kheo, ba mươi hai ngàn Bồ-tát ma-ha-tát.)
“Nhất thời” là thời gian, là thời gian Phật thuyết kinh. Thời gian ở đây không dùng ngày, tháng, năm, mà dùng nhất thời, ý nghĩa trong đây rất sâu. Phàm phu chúng ta, đặc biệt là người Trung Quốc, đối với lịch sử vô cùng xem trọng, thời gian và địa điểm đều nhất định phải khảo chứng vô cùng chính xác, không được có sai lầm. Thế nhưng trong kinh Phật nói với chúng ta, thời gian và không gian đều là khái niệm trừu tượng, không phải sự thật. Vì vậy, ý nghĩa của “nhất thời” không những rất sâu mà còn rất rõ ràng chính xác, so với việc chúng ta ghi chép năm, tháng, ngày, giờ có thể nói là còn chính xác hơn.
“Nhất”, cổ đức có rất nhiều cách nói, cách nói thông thường nhất, nếu nói theo lời hiện nay thì chính là cơ duyên đã chín muồi. Lúc cơ duyên chín muồi thì gọi là nhất thời. Nếu duyên chưa chín muồi, nói ra cũng chẳng lợi ích gì, cho nên nói “thầy trò đạo hợp”, đây là nhất thời. Nếu nói từ trên lý, thiền tông có một câu nói: “biết được một thì muôn sự xong”, lại nói rằng “vạn pháp quy nhất”, nhất này chính là tương ưng với tự tánh, ý này rất sâu. Trong Tịnh độ tông chính là “nhất tâm bất loạn”, cảnh giới mà nhất tâm bất loạn hiện ra là nhất chân pháp giới; tâm vừa loạn thì nhất chân pháp giới biến thành thập pháp giới, biến thành vô lượng vô biên pháp giới. Nếu như tâm chúng ta thật sự quy nhất, một niệm không sanh, nhất tâm bất loạn thì hết thảy kinh mà tất cả chư Phật Như Lai đã nói đều viên mãn hiện tiền, đây mới gọi là nhất thời đích thực. Đây là nói từ trên lý, pháp thân đại sĩ mới có thể chứng được. Đối với cảnh giới của chúng ta hiện nay, nói “thầy trò đạo hợp” rất hay, duyên phần nghe kinh, duyên phần giảng kinh vào lúc này đã chín muồi, vì vậy đây gọi là nhất thời, không ghi chép năm tháng ngày giờ.
Trong sử truyện của Trung Quốc có ghi chép, đại sư Trí Giả, lão nhân gia ngài tụng kinh Pháp Hoa, khi tụng đến đoạn kinh văn của phẩm Dược Vương, ngài bỗng nhiên nhập định. Ở trong định, ngài nhìn thấy núi Linh Thứu, Thích-ca Mâu-ni Phật đang giảng kinh Pháp Hoa tại núi Linh Thứu, ngài cũng đã tham gia hội này và đã nghe được đoạn kinh này. Sau khi xuất định, ngài nói cho mọi người biết: “Thích-ca Mâu-ni Phật giảng kinh Pháp Hoa, hội này vẫn chưa tan.” Đây có thật hay không? Đây là thật, trong kinh Pháp Hoa nói: “Pháp ấy trụ chân như, tướng thế gian thường trụ.” Hiện nay nhà khoa học cũng nói, nếu như chúng ta có năng lực vượt qua tốc độ của ánh sáng thì có thể trở về quá khứ. Thích-ca Mâu-ni Phật giảng kinh vào 3.000 năm trước là quá khứ, chúng ta quay về quá khứ thì có thể tham gia pháp hội khi đó, điều này chứng tỏ thời gian và không gian không phải thật. Nếu như cơ duyên của bạn chín muồi, giống như đại sư Trí Giả có công phu định lực như vậy, ngài có thể quay về quá khứ, cũng có thể khế nhập vị lai.
Thế gian này, có rất nhiều nhà tiên tri nói sự việc của tương lai. Vì sao họ biết vậy? Họ đã nhìn thấy được, họ có thể siêu vượt không gian và thời gian nên họ nhìn thấy được. Cổ nhân lại nói, lời tiên tri đại khái có hai loại lớn, một loại là suy đoán từ trên khoa học toán học, chưa chắc là chính xác, xác suất chính xác không phải là 100%, vì có khi tính toán sai, đây là điều khó tránh khỏi. Nếu như suy đoán rất giỏi, vậy thì rất chính xác. Một loại khác là định công, cảnh giới trong định là cảnh giới hiện lượng do đích thân họ nhìn thấy, suy luận của khoa học toán học là cảnh giới tỉ lượng. Cảnh giới hiện lượng là đáng tin cậy nhất, đây là chính mắt nhìn thấy, cảnh giới hiện lượng này được gọi là nhất thời. Từ đây có thể biết, nếu như ghi rõ năm nào, tháng nào, ngày nào đó thì chúng ta vĩnh viễn không có cơ hội tham dự rồi. Ý nghĩa của nhất thời quá hay! Chỉ cần chúng ta được nhất tâm bất loạn, chúng ta sẽ có năng lực tham dự pháp hội này. Tâm của Phật là nhất tâm, tâm của chúng ta cũng là nhất tâm, nhất tâm và nhất tâm giao cảm thì cảnh giới hiện tiền. Cho nên hai chữ “nhất thời” là sống động, không phải chết cứng, nói cho chúng ta biết, chúng ta đều có duyên phận tham gia pháp hội của tất cả chư Phật Như Lai, chỉ cần làm đến nhất tâm bất loạn là được.
Tiếp theo là chữ “Phật”, đây là người chủ giảng kinh. Phật ở đây là chỉ cho Thích-ca Mâu-ni Phật, bổn sư của chúng ta, bộ kinh này là do ngài giảng. “Phật tại”, chúng ta không được lơ là chữ “tại” này, không nói “Phật trụ”, trong quan niệm của chúng ta ngày nay nói trụ, chúng ta trụ ở đâu? Nói trụ là sai lầm, tại mới là chính xác. Phật không có chỗ trụ, trong kinh Kim Cang nói: “Nên không trụ vào đâu mà sanh tâm kia.” Phàm phu chúng ta hỏng là hỏng ở cái trụ này, trụ là có chấp trước kiên cố. Thông thường chúng ta nói “trụ” là phan duyên, “tại” là tùy duyên, chúng ta phải thể hội thật kỹ ý nghĩa này. Thực tế thì Phật trụ ở đâu vậy? Tận hư không khắp pháp giới là trụ xứ của Phật, bạn nói xem cảnh giới này của ngài bao lớn, tâm lượng bao lớn? Trong quan niệm của phàm phu chúng ta, “tôi có căn nhà nhỏ, đây chính là chỗ ở của tôi”, cảnh giới rất nhỏ, tâm lượng cũng nhỏ, đã mê mất tự tánh rồi. Cho nên, từng câu từng chữ trong kinh điển đều hàm chứa ý nghĩa rất thâm sâu, đây là điều chúng ta cần phải học tập. Chúng ta ngày nay tại Singapore, quyết không phải trụ Singapore, trụ Singapore vậy là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đều khởi lên ngay. “Tại” thì không có, chẳng nơi nào mà không tại, nơi nào có duyên thì hiện thân ở nơi đó, chư Phật Như Lai là như vậy. Hiện nay chúng ta tuy chưa được tự tại như vậy, nhưng tương tự thì chúng ta có thể làm được. Nơi nào có duyên thì chúng ta cũng phải đến nơi đó để tham gia pháp hội, giảng kinh hoằng pháp. Nơi nào có duyên thì đến nơi đó, dứt khoát không có một chỗ ở cố định, có chỗ ở cố định thì hỏng ngay, hoàn toàn trái ngược với “vô trụ sanh tâm” rồi. “Vô trụ sanh tâm” là giác, trái ngược lại là mê. Vì vậy ở trong kinh Phật, chúng ta không nhìn thấy “Phật trụ”, mà thảy đều nhìn thấy “Phật tại”.
“Sa-kiệt-la” là tiếng Phạn, ý nghĩa của nó là “biển nước mặn”. Chúng ta biết nước ở biển đều có vị mặn. Biển nước mặn này, khả năng năm ấy Phật tại thế chính là chỉ cho Ấn Độ Dương. “Long cung”, chúng ta biết đây là đạo tràng của Bồ-tát Đại Long, vị Bồ-tát này cũng là pháp thân đại sĩ. Thế là chúng ta liền nghĩ đến, ngài không cùng chiều không gian với chúng ta. Cách nói này nếu như mọi người khó thể hội thì chúng tôi dùng ví dụ để nói, bạn sẽ dễ hiểu hơn. Giống như hiện nay chúng ta xem màn ảnh truyền hình, kênh của ngài khác với kênh của chúng ta, quả thật là trên cùng một màn ảnh nhưng kênh lại khác nhau. Ngày nay, chúng ta đối với truyền hình rất quen thuộc, chuyển một kênh liền chuyển một chương trình. Vì vậy Bồ-tát Đại Long có hay không? Có, không phải không có, nếu bạn chuyển kênh thì nhìn thấy ngài ngay. Nếu bạn không chuyển kênh mà đi tìm thì tìm thế nào cũng không thấy. Ngày nay khoa học phát triển, tàu ngầm được chế tạo rất tinh vi, xuống đến tận đáy biển, đã tìm khắp biển cả trên toàn địa cầu rồi nhưng không hề phát hiện long cung. Nguyên nhân gì vậy? Kênh không tương đồng.
Hiểu rõ đạo lý này thì vấn đề này sẽ có đáp án ngay, không chỉ Bồ-tát Đại Long không cùng chiều không gian với chúng ta, mà có rất nhiều quỷ thần cũng không cùng chiều không gian với chúng ta. Như chúng ta xem thấy trong sử truyện, đại sư Pháp Chiếu đời Đường, ngài nhìn thấy chùa Đại Thánh Trúc Lâm của Bồ-tát Văn-thù ở núi Ngũ Đài. Chúng ta tin ngài không vọng ngữ, đây là ngài có duyên phận đặc biệt, ngài đã đi vào đường hầm thời gian mà người hiện nay chúng ta nói đến. Ngài bước vào một chiều không gian khác, nhìn thấy chùa Đại Thánh Trúc Lâm, Bồ-tát Văn-thù đang giảng kinh, ngài nghe được một hội và còn thỉnh giáo rất nhiều vấn đề với Bồ-tát Văn-thù. Ngài hỏi rằng: “Căn tánh của người thời kỳ mạt pháp dần dần chậm lụt, phải tu học pháp môn nào mới tương đối thích hợp?” Bồ-tát Văn-thù dạy ngài tu pháp môn niệm Phật. Ngài thỉnh giáo Bồ-tát Văn-thù: “Niệm vị Phật nào?” Bồ-tát Văn-thù dạy ngài niệm A-di-đà Phật, và còn niệm mấy câu cho ngài nghe. Ngài mô phỏng theo, ngài đã học được, đây chính là “ngũ hội niệm Phật” được truyền lại sau này.
“Ngũ hội niệm Phật” là do kim khẩu của Bồ-tát Văn-thù truyền cho đại sư Pháp Chiếu. Về sau, ngài không tham thiền nữa, ngài niệm Phật, ngài xây niệm Phật đường, người đương thời tôn xưng ngài là pháp sư Ngũ Hội. Thế nhưng hiện nay, chúng ta nghe thấy có cách niệm “ngũ hội niệm Phật” ở trong băng ghi âm. Tôi e rằng đây không phải là cách niệm của thiền sư Pháp Chiếu. Vì sao vậy? Hiện nay tôi nghe loại âm nhạc này, tâm không thể định được, tâm không thể định thì làm sao thành tựu? Đây là một phương pháp để phân biệt lợi hại của chúng ta. Sau khi chúng ta tiếp xúc Phật hiệu này, thân tâm thanh tịnh thì đây là cảnh giới tốt, sẽ có lợi ích đối với ta. Nếu sau khi ta tiếp xúc, nghe xong mà thân tâm ta không thể an định được thì pháp môn này không thích hợp cho ta tu học. Tuy nhiên, người viết điệu nhạc này lại là một vị pháp sư vào đầu năm Dân Quốc, ông hiểu âm nhạc nên viết cũng rất hay, tiếp dẫn người sơ cơ rất tốt. Như hiện nay ở trong nhiều trường hợp tụ hội biểu diễn thì hay, khiến những người sơ học xem nó như một ca khúc để hát, điều này tốt. Nếu người thật sự dụng công phu thì phương pháp tụng niệm này không dễ nhiếp tâm, điều này chúng ta nhất định phải hiểu rõ. Đây là một ví dụ, sau khi thiền sư Pháp Chiếu rời khỏi chùa Trúc Lâm, trên đường về ngài còn làm dấu cho khỏi quên, khỏi lạc đường, để lần sau còn có thể trở lại. Đang lúc làm dấu, quay đầu lại nhìn thì không thấy chùa Đại Thánh Trúc Lâm nữa, chỉ nhìn thấy một vùng núi hoang, khi ấy ngài mới biết là Bồ-tát thị hiện. Đó chính là khi rời khỏi chùa Đại Thánh Trúc Lâm, ngài lại quay về với thời gian và không gian này của chúng ta, quay về kênh này thì không thấy kênh kia nữa, đây là một ví dụ rất hay.
Ngoài ra còn có một ví dụ khác rất thù thắng. Ở trong Phật môn của chúng ta, mọi người thường hay bái sám, Từ Bi Tam-muội Thủy Sám, đây là câu chuyện về quốc sư Ngộ Đạt vào thời nhà Đường. Quốc sư Ngộ Đạt gặp tôn giả Ca-nặc-ca tại Tứ Xuyên, đó cũng là không cùng kênh. Ngài bị ghẻ mặt người, vô phương chữa trị. Trước kia, ngài gặp một người xuất gia nghèo khổ bệnh tật, quốc sư Ngộ Đạt lúc trẻ đã chăm sóc cho vị ấy, vô cùng thành tâm thành ý, toàn tâm toàn lực mà chăm sóc. Người này bảo với ngài rằng, tương lai khi ông gặp đại nạn, ông hãy đến một nơi ở Tứ Xuyên, nơi đó có hai cây tùng, ông tìm được nơi đó rồi thì đến tìm tôi. Vì vậy, sau khi ngài bị ghẻ mặt người, câu chuyện này ở trong phần lời tựa phía trước Tam-muội Thủy Sám nói rất rõ ràng, ngài tìm đến tôn giả Ca-nặc-ca. Tôn giả Ca-nặc-ca dùng nước từ bi tam-muội rửa cho ngài, giúp ngài tiêu oan giải kết, đây là do oan gia trái chủ tìm đến, đã hóa giải được rồi, oan gia trái chủ này đi rồi thì bệnh ghẻ mặt người của ngài liền khỏi. Đây là đạo tràng của A-la-hán, sau khi ngài rời khỏi, quay đầu nhìn lại thì đạo tràng biến mất, toàn bộ cung điện lầu các đều biến mất, cũng là một vùng núi hoang. Đây đều nói rõ thời gian và không gian không phải là thật.
Kinh Kim Cang nói với chúng ta: “Tất cả pháp hữu vi như mộng, huyễn, bọt, bóng”, không được chấp trước. Không những không chấp trước, mà ngay cả phân biệt cũng không được, hơi có một chút phân biệt, chấp trước thì rơi vào trong phan duyên rồi. Cho nên, Phật dạy chúng ta đối với tất cả pháp thế xuất thế gian không phân biệt, không chấp trước, không khởi tâm, không động niệm thì bạn được đại tự tại ở trong tất cả cảnh giới. Thập pháp giới có hay không vậy? Có, khẳng định là có, ngày nay nhà khoa học gọi là đời sống trong chiều không gian khác nhau, chúng ta dứt khoát không được nghi ngờ. Chư Phật Bồ-tát giảng kinh thuyết pháp, mỗi một chiều không gian đều có chúng sanh, tâm của Chư Phật Bồ-tát bình đẳng, thanh tịnh, cho nên nơi nào có duyên thì các ngài đến nơi đó thuyết pháp. Thế nên, kinh này không phải nói ở nhân gian, cũng tức là không phải nói tại không gian ba chiều, bốn chiều này của chúng ta.
Thính chúng cũng khác với kinh điển thông thường mà chúng ta ghi chép. Kinh điển thông thường thì ghi chép: “Chúng đại tỳ-kheo 1.250 người.” Trong kinh này chúng đại tỳ-kheo có 8.000 người, chúng Bồ-tát có 32.000 người, những con số này đều là đại biểu cho viên mãn. “Tỳ-kheo” là tiếng Ấn Độ, “Bồ-tát ma-ha-tát” cũng là tiếng Ấn Độ. Tỳ-kheo thêm vào chữ đại thì không phải tỳ-kheo thông thường, mà là đại quyền thị hiện, Bồ-tát Đại thừa dùng thân phận tỳ-kheo đến thị hiện, kỳ thực toàn là Bồ-tát ma-ha-tát, cộng lại có 40.000 người, đây là pháp hội thù thắng không gì sánh bằng. Những danh tướng này chúng ta nghe nhiều rồi, có thể tiết kiệm một chút thời gian.
Chữ “chúng” này cần được giải thích sơ lược một chút. Ở trong kinh chúng ta thường nhìn thấy chữ này, chữ này nói theo lời hiện nay chính là đoàn thể, chúng ta thông thường nói đoàn thể nhân dân, đoàn thể tôn giáo. Chữ “chúng” này trong nhà Phật có nghĩa là đoàn thể. “Chúng tỳ-kheo”, theo cách nói hiện nay đó chính là đoàn thể tôn giáo, hoặc gọi là đoàn thể Phật giáo. Thế nhưng đoàn thể này khác với đoàn thể thông thường, gọi là đoàn thể hòa hợp. Cho nên trong tam quy y, chúng ta đọc đến “quy y tăng, chúng trung tôn”, đoàn thể này là đoàn thể đáng được người tôn kính nhất trong tất cả các đoàn thể của thế xuất thế gian. Vì sao vậy? Vì mọi người đều tuân thủ lục hòa kính, nên đoàn thể này là đáng quý, đoàn thể này đáng được người tôn kính, là đoàn thể lục hòa kính. Tỳ-kheo còn như vậy huống hồ là Bồ-tát? Bồ-tát thì chúng ta càng không cần phải nói. Cho nên, đoàn thể của đệ tử Phật là đoàn thể lục hòa kính, chúng ta nhất định phải hiểu rõ, phải tôn trọng, phải học tập. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.