PHẬT THUYẾT NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ, Pháp Âm Tuyên Lưu
Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 78/149
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười hai, hàng thứ nhất:
Bấy giờ, Thế Tôn lại bảo long vương rằng: Nếu có Bồ-tát nào nương vào thiện nghiệp này mà tu đạo, có thể lìa giết hại mà hành bố thí thì thường được nhiều tiền của, không ai có thể xâm đoạt; lại sống lâu không chết yểu, không bị tất cả oán tặc làm tổn hại.
“Lời Phật chân thành, vui vẻ tin nhận.” Người hiện nay đối với lời Phật nói phần lớn là bán tín bán nghi, đây là người học Phật; còn người không học Phật thì luôn cho rằng đó là lời khuyến thiện của nhà Phật, nhất định không phải là lời chân thật, nên họ rất khó tiếp nhận. Dẫn đến nguyên nhân này, thật ra mà nói thì người xuất gia có trách nhiệm rất lớn. Người thế gian vì sao không thể tiếp nhận lời của Phật? Vì hình tượng của người xuất gia khiến họ coi thường. “Lời của Phật hay như vậy, các vị đều là người xuất gia, tuyên dương Phật giáo, nhưng những suy nghĩ và hành vi của bản thân các vị thì hoàn toàn không tương ưng với lời Phật dạy, có thể thấy bản thân các vị đều không tin Phật. Các vị không tin mà khuyên chúng tôi tin thì sao có thể được?” Chúng ta hãy suy nghĩ thật kỹ đạo lý này, vì sao chúng ta tin lời của Phật? Chúng ta biết thông qua tu học giới định tuệ, thật sự khai trí tuệ, sau khi khai trí tuệ rồi thì đối với tất cả hiện tượng thế xuất thế gian đều thông đạt sáng tỏ. Đây là điều mà chúng ta không thể sánh với Phật, Bồ-tát, các ngài thấy rất rõ ràng, còn chúng ta mê hoặc điên đảo.
Người thế gian đang mê nhưng hoàn toàn không thừa nhận mình mê, mà họ thừa nhận mình có trí tuệ cao độ, họ cho cổ thánh tiên hiền là mê tín. Quan niệm sai lầm này phải làm thế nào để chỉnh sửa nó lại, đây không phải là việc dễ dàng. Trước tiên bản thân chúng ta phải thông qua tu học để chứng thực lời của Phật là chân thật; nếu như không thông qua tu học nghiêm túc thì không đạt được cảnh giới này, mà vĩnh viễn tùy thuận tập khí phiền não của chính mình, thuận theo tri kiến của mình, nhất định không chịu tin tưởng lời của Phật. Trong kinh Phật nói với chúng ta, đây là nói với phàm phu lục đạo, khi bạn chưa chứng được A-la-hán thì nhất định không được tin vào suy nghĩ của mình. Vì sao vậy? Vì sao sau khi chứng được A-la-hán thì mới có thể tin vào suy nghĩ của mình? Đạo lý ở chỗ nào? A-la-hán đã đoạn kiến tư phiền não rồi, 88 phẩm kiến hoặc, 81 phẩm tư hoặc của tam giới đã đoạn hết rồi. Phật nói người ở trình độ này được gọi là “chánh giác”, sự giác ngộ của họ không có sai lầm, cũng chính là nói cách nghĩ, cách nhìn của họ là chính xác, không phải sai lầm. Nếu bạn chưa đoạn kiến tư phiền não, “kiến tư phiền não” không dễ hiểu, đây là danh từ Phật học; hay nói cách khác, tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng, tham sân si mạn, chưa đoạn những thứ này thì tri kiến của bạn là bất chánh. Cho dù bạn học nhiều đến đâu chăng nữa, thậm chí là bạn có thể đọc thuộc Đại tạng kinh từ đầu đến cuối, giảng đến mức hoa trời rơi lả tả thì bạn vẫn không phải là chánh kiến. Chỉ có người đầy đủ chánh kiến mới biết tâm từ bi của Phật Bồ-tát là đại từ đại bi. Người thế gian chưa đạt đến cảnh giới này, nếu họ có thể tôn sư trọng đạo, có thể thuận theo giáo huấn của thánh hiền, y giáo phụng hành thì hạng người này có phước rồi; đây không phải là trí tuệ của họ, mà là thiện căn phước đức nhiều đời nhiều kiếp của họ, họ có phước, họ có thể tiếp nhận, họ có thể tin, họ có thể phụng hành thì họ được phước.
Kinh văn từ đoạn lớn dưới đây là nói về việc thực hiện thập thiện nghiệp vào trong hành môn của Bồ-tát. Từ chỗ này chúng ta có thể thể hội được thập thiện nghiệp là nền tảng của tu hành, không có thập thiện thì làm gì có lục độ? Cho nên, phía sau lục độ nói tứ vô lượng tâm, tứ nhiếp pháp, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, đủ loại pháp môn đều lấy thập thiện làm nền tảng, không có thập thiện thì không có Phật pháp, chúng ta phải biết đạo lý này. Phật ở đây nói rất rõ ràng: “Nếu có Bồ-tát nào nương vào thiện nghiệp này mà tu đạo”, bạn phải biết thiện nghiệp này là thiện nghiệp của trời người, người có đầy đủ thập thiện, cho dù không học Phật, không tu hành, không nương theo Phật pháp Đại, Tiểu thừa mà tu hành nhưng họ tuyệt đối không đọa ba đường ác. Vì sao vậy? Vì họ không tham, không sân, không si, họ lìa tham sân si rồi. Tham sân si là nghiệp nhân của ba đường ác: tâm tham đọa ngạ quỷ, sân giận đọa địa ngục, ngu si đọa súc sanh. Họ có thể xa lìa ba đường ác, xa lìa tham sân si nên chắc chắn không đọa ba đường ác, cho nên đây là căn bản của hai cõi trời người. Trong lục đạo, muốn đạt được điều kiện căn bản của hai cõi trời người mà chúng ta không nghiêm túc tu hành thì làm sao được?
Phật yêu cầu chúng ta, phần kinh văn phía trước đã nói rất rõ: “Ngày đêm thường niệm thiện pháp”, thường niệm thiện pháp chính là chỉ cho thập thiện, “tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp”, thường niệm thì tâm thiện, tư duy thì tư tưởng của bạn thiện, quán sát thì kiến giải, hành vi của bạn thiện. Như vậy mới “khiến các thiện pháp niệm niệm tăng trưởng”. Làm thế nào tăng trưởng? Tăng trưởng ở đây là học Phật, từ trên nền tảng này mà tu học mọi thứ Phật pháp trong cửa Phật. Nếu không có nền tảng của thập thiện thì hành môn gì cũng vô ích, đều miễn bàn đến, điều này chúng ta nhất định phải biết.
Phật ở chỗ này rất từ bi, nói từng điều từng điều với chúng ta. Đoạn này đều là nói bố thí, trước tiên Phật nói với bạn lìa sát hại, chính là không sát sanh mà thường hành bố thí, thì bạn đạt được quả báo như thế nào? “Thường được nhiều tiền của”, người thế gian cầu phú quý, nhưng sát sanh mà được phú quý thì phú quý đó từ đâu mà có vậy? Tuyệt đối không phải do họ sát sanh mà có được, mà là do họ đời trước tu tích nhân thiện nên đời này được quả báo thiện. Phật nói rất hay: “Muốn biết nhân đời trước, xem quả nhận đời này”, nếu ta muốn biết nghiệp trong đời quá khứ ta đã tạo nghiệp gì thì cứ xem những điều mà ta thọ nhận trong đời này; đời trước gieo nhân, đời này nhận quả báo. “Muốn biết quả đời sau, xem nhân tạo đời này”, đời sau ta có quả báo gì, hãy xét xem hành vi việc làm đời này của ta thì sẽ biết quả báo ở đời sau. Đời này được phú quý là do trong đời quá khứ trồng nhân thiện. Nếu đời này được phú quý mà không biết tu thiện, thậm chí còn dùng thủ đoạn phi pháp để giành lấy phú quý, Phật Bồ-tát hiểu rõ, phú quý mà bạn có được không phải nhờ thủ đoạn này của bạn mà có, mà do nhân thiện bạn đã tu trong quá khứ mà được. Ngày nay bạn dùng mọi thủ đoạn không chính đáng, cho rằng đạt được giàu sang rồi, không phải vậy! Nghiệp mà bạn tạo đời này, đời sau sẽ thọ báo. Thế gian có mấy người hiểu được đạo lý này, có mấy người hiểu rõ chân tướng sự thật này?
Dựa vào điều gì mà Phật pháp được gọi là “bảo”? Là do hiểu rõ thấu triệt đối với chân tướng sự thật của nhân quả ba đời. Phật pháp nói với chúng ta, chỉ dạy chúng ta làm thế nào được giàu có, trong đây mỗi điều đều là được giàu có. Bởi vì những gì bạn tu là tu bố thí, mà bố thí thì được giàu có, lìa thập ác thì được giàu có, đây là sự thật. Trong mỗi một câu đều có “không ai có thể xâm đoạt”, sự giàu có của bạn tuyệt đối không ai có thể xâm phạm, tuyệt đối không ai có thể đoạt lấy. Ngày nay người được giàu có thì ngày đêm thường lo lắng, lo được lo mất, sợ của cải bị mất hết. Nếu thật sự dùng thập thiện để tu bố thí thì sự giàu có của bạn sẽ mỗi ngày tăng thêm, tuyệt đối sẽ không tiêu tán.
Không sát sanh tức là bản thân đã bố thí vô úy, quả báo của bố thí vô úy là khỏe mạnh sống lâu. Câu kế đó là “sống lâu không chết yểu”, “chết yểu” là chết trẻ, đoản mạng. “Không bị tất cả oán tặc làm tổn hại”, “oán” là oan gia, “tặc” là trộm cướp. Bạn có oan gia, oan gia có, có rất nhiều, vì sao có vậy? Vì quá khứ kết oán thù với họ. Quá khứ không phải là một đời một kiếp, mà là quá khứ vô lượng kiếp đến nay, thử nghĩ xem bạn đã kết oán thù với bao nhiêu người, đã kết oán thù với bao nhiêu chúng sanh? Oan oan tương báo, không bao giờ dứt. Sự việc này Phật nói rất rõ ràng, bạn kết oán thù với người ta, đây là nhân, nhân muốn biến thành quả thì trong đó phải có duyên; nếu không có duyên, tuy có nhân ác nhưng quả ác sẽ không hiện tiền. Đời này gặp được Phật pháp, tín thọ phụng hành, chuyển tâm hạnh của mình thành thuần thiện, như vậy là đoạn mất duyên ác rồi, cho dù có rất nhiều oan gia trái chủ nhưng hiện nay mình không có duyên, nên dù gặp phải cũng không khởi hiện hành. Cho nên nhà Phật nói, điểm then chốt để chuyển biến quả báo là duyên; chúng ta không có cách gì điều khiển được nhân, nhưng duyên thì chúng ta có thể điều khiển. Chúng ta tu tất cả duyên thiện, đoạn tất cả duyên ác thì sự tổn hại của oán tặc sẽ xa lìa, cho dù gặp phải một số tổn hại nhỏ cũng không đến nỗi trở ngại việc lớn. Cho nên, cát hung họa phước là chuyển ở trong tâm chúng ta, việc này quan trọng. Nhất định không được sát sanh, không những không được sát sanh, mà dứt khoát không được làm những việc tổn hại đến người khác, nếu tất cả chúng sanh do ta mà khởi phiền não thì chúng ta sai rồi.
Người tạo tác những nghiệp ác đều là ngu muội vô tri. Bạn hãy quan sát tỉ mỉ tư tưởng, kiến giải, hành vi của họ đều là tương ưng với thập ác, không tương ưng với thập thiện, họ không tương ưng với thập thiện. Tu hành thập thiện đến một trình độ tương đối thì như phần trước Phật đã nói là “chẳng để mảy may bất thiện xen tạp”, đó là trình độ cao, ở trong trình độ này là trực tiếp tu pháp Bồ-tát. Cho nên, ở đây Phật đem pháp của Bồ-tát đặt ở đoạn kinh văn thứ nhất. Nếu còn có mảy may bất thiện xen tạp thì thiện của chúng ta không thuần rồi, Phật dạy người như vậy, nhà Nho cũng dạy người như vậy, nhưng nhà Nho nói không cặn kẽ như Phật nói. Nhà Nho nói: “Minh đức, thân dân, đạt đến chí thiện, biết mục tiêu thì sau đó có định.” “Biết mục tiêu”, biết được mục tiêu gì vậy? Là chí thiện, mục tiêu ở chí thiện. Từ chỗ này chúng ta có thể lĩnh hội được nhà Nho là khuyên người lập chí, Phật pháp khuyên người phát tâm. Chúng ta phải phát tâm gì? Tâm chí thiện. Tâm chí thiện đối với chính mình là thâm tâm trong tâm Bồ-đề; tâm chí thiện đối nhân, xử thế, tiếp vật là tâm đại bi trong tâm Bồ-đề. Từ chí thiện có thể kiến tánh, tánh là tâm chân thành, trong Quán Kinh gọi là tâm chí thành. Nhà Nho khuyên người lập chí như vậy, lập chí làm thánh nhân. Phật dạy chúng ta phát tâm, chính là dạy chúng ta phát tâm phải làm Phật, vậy mới đích thực là đạt đến chí thiện.
Cho nên, dứt khoát không được có mảy may tâm tổn hại người khác, không được có ý niệm tổn hại tất cả chúng sanh. Phật Bồ-tát độ chúng sanh không nôn nóng nhất thời, vô lượng kiếp rồi lại vô lượng kiếp, luôn trồng thiện căn cho tất cả chúng sanh. Trong kinh nói rất hay, danh hiệu của chư Phật Bồ-tát “một phen lọt vào tai, vĩnh viễn thành hạt giống đạo”. Tất cả chúng sanh trong một đời có cơ hội nhìn thấy tượng Phật, nghe đến danh hiệu Phật thì đã trồng thiện căn rồi. Đời này không thể thành tựu thì đời sau, hoặc đời sau nữa, hoặc ở nhiều kiếp về sau, khi gặp duyên chín muồi thì chắc chắn được độ. Cho nên, chúng ta nhất định phải nhận thức rõ ràng, biết được tầm quan trọng của thập thiện nghiệp đạo, hết lòng nỗ lực tu học, thành tựu bản thân và cũng thành tựu người khác, ta và người cùng có lợi. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đoạn này.