Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 27/149


Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 27/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ năm, bắt đầu xem kinh văn từ hàng thứ ba: “Long vương nên biết, Bồ-tát có một pháp có thể đoạn tất cả khổ trong các đường ác. Pháp đó là gì? Là ngày đêm thường niệm, tư duy, quán sát thiện pháp, khiến các thiện pháp niệm niệm tăng trưởng, chẳng để mảy may bất thiện xen tạp.” Hôm qua chúng ta đã giảng đến chỗ này, hôm nay xem tiếp:

Như vậy sẽ có thể khiến cho các ác dứt hẳn, thiện pháp viên mãn, thường được thân cận chư Phật Bồ-tát và thánh chúng khác.

Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, đoạn kinh văn này từ “long vương nên biết” đến “sân giận, tà kiến”, đoạn này của chúng ta tổng cộng có bảy hàng. Bảy hàng này nhất định phải học thuộc lòng, phải học cho thật thuộc, thường xuyên nghĩ đến, khởi tâm động niệm đều phải nghĩ đến lời giáo huấn từ bi của đức Phật. Quả thật chúng ta có thể làm được tâm địa lương thiện, ý niệm lương thiện, hành vi lương thiện thì tương lai chúng ta chắc chắn có thể sanh về thế giới chí thiện. Thế giới Tây Phương Cực Lạc là thế giới chí thiện, thế giới Hoa Tạng là thế giới chí thiện. Ở nơi đó, trong kinh Phật nói với chúng ta là thọ mạng dài lâu, thế giới Tây Phương Cực Lạc người người đều là vô lượng thọ, người người đều đầy đủ vô lượng trí tuệ, vô lượng đức năng, vô lượng tướng hảo, vô lượng thọ mạng, tại sao chúng ta không đi? Điều kiện của vãng sanh quyết định ở tâm thiện, niệm thiện, hạnh thiện. Nếu tâm hạnh chúng ta bất thiện thì niệm Phật cũng không thể vãng sanh, tín, nguyện đều đầy đủ mà hạnh không đầy đủ. Ở trong hạnh này không những chỉ có niệm Phật mà còn phải tu thiện, điểm này vô cùng vô cùng quan trọng.

Đặc biệt phải nhớ kỹ, Phật ở đây dạy chúng ta: “Chẳng để mảy may bất thiện xen tạp”, câu nói này quan trọng hơn hết thảy. Chúng ta tu hành không thể thành công chính là do xen tạp bất thiện, hơn nữa xen tạp quá nhiều, xen tạp vô cùng nghiêm trọng, cho nên tuy đầy đủ ba tư lương nhưng chúng ta cũng không thể vãng sanh, câu này quan trọng hơn tất cả. Cái gốc của bất thiện này chính là “chấp ta”, tất cả chúng sanh khởi tâm động niệm đều chấp trước vào ta, ta là đệ nhất, tất cả đều vì ta. Ý niệm này chính là nhân tố đứng đầu của lục đạo luân hồi, nếu không nhổ bỏ nhân tố này thì chắc chắn không thoát khỏi lục đạo luân hồi. Cho nên, chúng ta phải hiểu lục đạo là từ đây mà ra. Nếu chúng ta muốn ra khỏi lục đạo thì phải nhổ bỏ gốc bệnh này của chính mình, mỗi niệm đều nghĩ cho chúng sanh. Chỉ cần chúng ta nhìn thấy, nghe thấy, nếu có năng lực thì chúng ta lập tức phải dang tay giúp đỡ.

Hôm qua, tôi nghe nói Thiên Chúa giáo họ có một nhóm y bác sĩ muốn đến Miến Điện để giúp đỡ những bệnh nhân nghèo khổ bên đó. Sau khi tôi nghe xong, tôi đã gọi điện thoại hỏi Thiên Chúa giáo, họ nói với tôi không phải đến Miến Điện mà là đến châu Phi, họ nghe nói ở bên châu Phi người khổ nạn nhiều vô cùng, họ phái một số bác sĩ, y tá làm từ thiện qua bên đó để khám bệnh miễn phí. Tôi thông báo với họ, tôi nói chúng tôi muốn giúp đỡ họ một ít tiền thuốc men. Họ làm thì cũng giống như chúng ta làm, không thể nói đó là Thiên Chúa giáo, Ki-tô giáo làm thì chúng ta không nên giúp đỡ, vậy thì sai rồi, sai hoàn toàn. Bất kể là tôn giáo nào, bất kể là đoàn thể nào thật sự làm việc tốt thì chúng ta phải tận tâm tận lực giúp đỡ họ, không có năng lực thì chúng ta cũng phải tán thán. Chúng ta chỉ xem việc họ làm có phải là việc thiện hay không? Tâm của chúng ta, hạnh của chúng ta vĩnh viễn là viên mãn, đây là trong kinh nói “khiến các thiện pháp niệm niệm tăng trưởng”.

Từ đoạn này đến “chẳng để mảy may bất thiện xen tạp” đều là nói nhân thiện, gieo nhân thiện nhất định được quả thiện. Câu tiếp theo là nói quả thiện: “Như vậy sẽ có thể khiến cho các ác dứt hẳn, thiện pháp viên mãn.” “Thiện pháp viên mãn” chính là đạt đến chí thiện, quả báo này thù thắng. Câu phía sau, đặc biệt là thù thắng đến cực điểm: “Thường được thân cận chư Phật Bồ-tát và thánh chúng khác”, cũng chính là nói bạn có thể tu thiện được như vậy thì quả báo tương lai của bạn nhất định là ở thế giới Hoa Tạng, thế giới Cực Lạc, đến thế giới này rồi thì bạn sẽ sống cùng với chư Phật Bồ-tát. Đây là nói từ trên quả báo, hai câu này đều là nói quả báo. Từ trong hoàn cảnh sống trước mắt của chúng ta mà nói, có nhân nhưng cần phải có duyên, duyên là gì? Duyên là phải gần gũi thiện tri thức, thường nghe thiện tri thức chỉ dạy, thiện tri thức từng giây từng phút nhắc nhở chúng ta, điều này rất quan trọng. Vì không có người nhắc nhở thì chúng ta sẽ quên mất. Phàm phu lục đạo rất dễ hay quên, đặc biệt là chúng ta sống trong hoàn cảnh hiện nay, sáu căn chúng ta tiếp xúc với cảnh giới sáu trần đều là đang cám dỗ chúng ta đi vào đường tà, không phải chánh đạo. Cho nên, điểm này vô cùng quan trọng, nhất định phải gần gũi thiện tri thức.

Chúng ta tìm không ra thiện tri thức, vậy phải tìm ở đâu? Chư Phật Bồ-tát là thiện tri thức, chư Phật Bồ-tát không ở trước mặt chúng ta thì chúng ta cúng dường hình tượng của chư Phật Bồ-tát, hằng ngày chiêm ngưỡng hình tượng chư Phật Bồ-tát, cung kính lễ bái hình tượng Phật Bồ-tát, mỗi ngày đọc tụng kinh luận, đây chính là thân cận chư Phật Bồ-tát. Tôi ở đây giúp chư vị đồng tu hiểu được nghĩa lý sâu xa của kinh luận, tuy chúng ta cách nhau rất xa, hiện nay chúng ta tận dụng khoa học kỹ thuật, mỗi buổi giảng của chúng tôi đồng thời đều đăng trên mạng, dùng mạng Internet để truyền bá, như vậy thì tiện lợi rất nhiều. Hiện nay khoa học kỹ thuật mới không ngừng phát triển, gần đây tôi có xem thấy [có một cái] còn tiến bộ hơn Internet, đó là dùng điện thoại, dùng điện thoại gửi thông tin, có thể đem hình ảnh thông tin phóng lớn lên trên màn ảnh rộng, giống như xem phim vậy, mấy trăm người có thể cùng lúc họp chung với nhau. Ví dụ, chúng ta ở Singapore cùng với đồng tu ở bên Trung Quốc, Mỹ, mấy trăm người cùng nhau họp, thông qua công cụ này thì giống như trong phòng học, trong một căn phòng vậy. Dụng cụ khoa học kỹ thuật này vừa mới được triển khai, hiện nay giá tiền rất đắt, một cái máy này, máy không lớn, hiện nay theo giá đô-la Mỹ là khoảng 80 ngàn đến 100 ngàn. Tôi nghĩ, qua hai năm nữa nó sẽ tiến bộ hơn, giá tiền sẽ giảm xuống, vì càng ngày càng phổ biến, chúng ta có thể chuyển việc truyền bá từ mạng Internet qua khoa học kỹ thuật cao này.

Theo đà tiến bộ của khoa học kỹ thuật thì toàn bộ địa cầu không phải là một làng nữa, không phải một nhà nữa, mà là một căn phòng, chúng ta ở trong một giảng đường cùng học tập, đây là điều mà người trước đây không thể tưởng tượng ra được. Không những chúng ta nhờ vào khoa học kỹ thuật để truyền đi âm thanh, hình ảnh của chúng ta đến toàn thế giới, mà đến mỗi một ngõ ngách. Cùng một đạo lý, kinh điển của Phật giáo, giáo huấn của thánh nhân thế xuất thế gian, chúng ta đều có thể dùng phương thức này để truyền bá những điển tịch này đến toàn thế giới. Đương nhiên phân lượng quá lớn, chúng ta cần phải trích lục ra. Giống như bộ kinh này, chúng ta trích lục đoạn này ra là đủ rồi, đoạn này là phần đặc sắc nhất trong bộ kinh này, chúng ta đưa những văn tự này lên mạng, đưa vào trong các công cụ truyền bá, truyền đến mỗi một ngõ ngách trên thế giới, phiên dịch đoạn văn tự này thành ngôn ngữ của mỗi quốc gia. Chúng tôi giảng giải cũng lấy đoạn này làm trung tâm, đoạn này làm chủ.

Cho nên, chúng ta cần phải khẳng định, sinh mạng không phải chỉ là một đời ngắn tạm như vậy, chúng ta có đời trước, chúng ta cũng có đời sau, thân mạng này có sanh tử, nhưng huệ mạng của chúng ta không có sanh tử. Xác thân có sanh diệt, còn pháp thân thì bất sanh bất diệt, pháp thân là thân thật của chúng ta, Thiền tông thường nói là “mặt mũi vốn có trước khi cha mẹ sanh ra”, đó là cái bất sanh bất diệt. Đạo lý này, Phật nói vô cùng cặn kẽ trong kinh Lăng-nghiêm, nếu chúng ta đọc kỹ, suy nghĩ thật sâu thì có thể tiếp nhận. Điều ngài nói có lý, có lý thì nhất định có sự, lý sự không hai. Những đạo lý này quá sâu, phàm phu chúng ta nghiệp chướng, phiền não quá nặng cho nên không thấy ra được. Những điều này, bậc thánh hiền giảng giải cho chúng ta, chúng ta cũng rất khó thể hội được. Những nguyên nhân này, nhà Phật gọi là nghiệp chướng sâu nặng. Thế nào gọi là nghiệp chướng? Chấp trước tự tư tự lợi, đây là nghiệp chướng, chấp trước kiên cố tự tư tự lợi, chấp trước kiên cố tham sân si mạn, chúng ta có loại tình chấp này thì đã chướng ngại trí tuệ, chướng ngại thiện căn. Thiện căn với chấp trước là hoàn toàn tương phản, Phật nói ba thiện căn của pháp thế gian là không tham, không sân, không si. Chúng ta có đầy đủ tham, sân, si, ý niệm tham, sân, si tăng trưởng từng ngày thì thiện căn không còn nữa. Đến khi nào mới sanh khởi được thiện căn? Đoạn tham sân si thì thiện căn liền sanh. Tham, sân, si từ đâu mà có? Từ tự tư tự lợi. Cho nên tự tư tự lợi là gốc, chúng ta phải chuyển từ chỗ này, chúng ta phải thật sự học Phật Bồ-tát, xả mình vì người, nhìn thấy người ta có khổ nạn, hy sinh mạng sống của mình cũng không luyến tiếc, hy vọng người khác thoát khổ, thoát nạn.

Vì sao nói hy sinh mạng sống cũng không luyến tiếc? Vì đối với “ta” không chấp trước, không có tự tư tự lợi. Xả bỏ thân này rồi sẽ được thân trang nghiêm hơn; rời khỏi thế gian này rồi sẽ sinh về thế giới trang nghiêm hơn, đây là chân tướng sự thật. Phật nói cho chúng ta biết, mười phương thế giới đều là chỗ chúng ta sanh về, không nên cho rằng trong thái không này rất nhiều tinh cầu không có quan hệ gì với chúng ta, đó là sai rồi. Mỗi một tinh cầu, mỗi một khu vực, chúng ta đều đã từng sống ở nơi đó, tương lai có lẽ sẽ còn đến đó sống nữa, sao nói là không có quan hệ cho được? Cho nên, giáo dục Phật giáo, chúng ta nói theo hiện nay là địa lý của giáo dục Phật giáo. Địa lý là gì vậy? Là tất cả tinh cầu trong hư không. Không phải giới thiệu với bạn một thành phố này, một tỉnh này, một khu vực này, một quốc gia này, không phải, không gian hoạt động đó quá nhỏ bé. Phật nói với chúng ta, không gian hoạt động của mỗi một người chúng ta đều là trọn khắp pháp giới, thảy đều có quan hệ với chúng ta. Chúng ta đối với những hoàn cảnh đó, hoàn cảnh địa lý, hoàn cảnh lịch sử, hoàn cảnh văn hóa, hoàn ảnh nhân sự đều phải biết rõ. Trong kinh Hoa Nghiêm nói với chúng ta một cách tỉ mỉ về hoàn cảnh của thế giới Hoa Tạng của Phật Tỳ-lô-giá-na, chúng ta tương lai phải đi đến nơi đó. Hoàn cảnh của thế giới Cực Lạc, Phật đã giới thiệu riêng trong ba kinh Tịnh độ. Thỉnh thoảng khi giảng kinh, Phật có nhắc đến là phiến diện, không phải hoàn chỉnh, có mấy trăm bộ kinh đều nhắc đến thế giới Tây Phương Cực Lạc. Sự việc này đâu phải là giả? Thế giới Tây Phương Cực Lạc là chí thiện viên mãn, cho nên chúng ta nhất định phải tu thiện pháp, phải có nhận thức này. Kinh văn tiếp theo nói với chúng ta:

Thiện pháp là thân của trời người. Thanh văn Bồ-đề, Độc giác Bồ-đề, Vô thượng Bồ-đề đều nương nơi pháp này làm căn bản mà được thành tựu, nên gọi là thiện pháp.

“Thiện pháp” là gì? Ở đây đã nói ra rồi, thiện pháp này trong lục đạo thì bạn được thân trời người, thân trời người là do thiện pháp mà được. “Thanh văn Bồ-đề, Độc giác Bồ-đề, Vô thượng Bồ-đề”, đây là quả vị mà thánh nhân tu. Thanh văn là A-la-hán, tại sao gọi là Thanh văn? Là vì họ nghe Phật giảng kinh mà giác ngộ, cho nên gọi là Thanh văn. Bồ-đề tức là chánh giác. Những người này không phải phàm phu, trời người phía trước là cõi thiện trong lục đạo. A-tu-la không được xem là cõi thiện, a-tu-la tuy tu thiện nhưng xen tạp tham sân si mạn nghiêm trọng. Phước báo mà a-tu-la hưởng thụ, ở thế gian là thù thắng hàng đầu, nhưng sau khi hưởng hết phước báo thì không ai không đọa địa ngục. Nguyên nhân là gì? Phước báo lớn thì tạo nghiệp nặng, tạo nghiệp cũng lớn. Người bình thường chúng ta không có phước báo, giết một người thì phải đền mạng, bị phán tử hình. Người có phước báo lớn, giết mấy ngàn người, mấy chục ngàn người, mấy trăm ngàn người, người ta vẫn ca tụng họ, vẫn khen ngợi họ, họ vĩ đại, họ không bị phán tử hình. Tuy pháp luật thế gian không thể chế tài họ nhưng nhân quả sẽ chế tài họ, vì sao vậy? Giết người, hại người chắc chắn là nghiệp ác, quả báo tương lai của họ chắc chắn đọa ba đường ác, đây là mê mà không giác. Vậy thì từ Thanh văn là giác ngộ rồi, Độc giác giác ngộ rồi, Bồ-tát giác ngộ rồi. Pháp Bồ-đề của Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát, phương pháp giác ngộ đều là thành tựu từ thiện pháp, không có thiện pháp thì họ vĩnh viễn sẽ không giác ngộ.

Chúng ta ngày nay học Phật cầu điều gì vậy? Cầu giác ngộ, cầu Chánh giác, cầu Chánh đẳng chánh giác, Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Ở chỗ này Phật nói cho chúng ta biết, giác ngộ là bắt đầu làm từ thiện pháp. Ngạn ngữ xưa của Trung Quốc thường nói “phước chí tâm linh”, phước là phước báo, là quả báo thiện, quả báo thiện hiện tiền thì tâm cũng liền thông suốt, cũng sẽ linh, sẽ thông minh ra, trí tuệ hiện tiền. Cho nên, Phật dạy chúng ta “phước tuệ song tu”, đặt phước ở phía trước, không đặt tuệ ở phía trước, không phải nói tuệ phước song tu, mà nói phước tuệ song tu. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này, con người không thể không tu phước, không thể không tu thiện, nhất định phải hành thiện tu phước. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.