PHẬT THUYẾT NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ, Pháp Âm Tuyên Lưu
Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 124/149
Chư vị đồng học, chào mọi người! Hôm nay chúng ta tiếp tục xem thất giác chi. Điều thứ hai của thất giác chi là “trạch pháp giác chi”, chú giải ở đây nói: “Khi quán các pháp, do khéo có thể hiểu rõ, chọn lựa phân biệt chân ngụy nên không chấp lầm vào pháp hư ngụy”, ý nghĩa hàm chứa trong đây rất rộng, chứ chẳng phải chỉ nói về phương pháp tu hành của chúng ta. Thất giác chi chủ yếu là nói về phương pháp tu hành, thế nhưng nói đến tu hành thì bao hàm toàn diện tất cả, quyết không phải cục bộ, mà bao gồm việc đối nhân, xử thế, tiếp vật trong cuộc sống và công việc thường ngày của chúng ta; từ trong đây mà sửa đổi lại tất cả sai lầm của chúng ta, đây gọi là tu hành. Những gì là pháp sai lầm, những gì là pháp chính xác, chúng ta phải có năng lực phân biệt, cho nên “khéo có thể hiểu rõ”. Trong cái khéo này bao gồm trí tuệ, bạn không có trí tuệ thì bạn không có sức phán đoán, bạn không có phương tiện thì bạn không biết làm thế nào để chọn lựa phân biệt, cho nên nhất định phải có trí tuệ, có phương tiện khéo léo.
Chúng ta là phàm phu, chúng ta không có trí tuệ, trí tuệ chưa khai mở, chúng ta làm thế nào phán đoán chân vọng, tà chánh, đúng sai của tất cả pháp thế xuất thế gian? Do đó cần phải học. Chữ “học” của Trung Quốc thông với nghĩa của chữ “giác”, học chính là giác ngộ. Hiếu học chính là mong muốn giác ngộ, hoan hỷ giác ngộ sáng tỏ thì họ mới có thể hiếu học, không hiếu học thì sẽ lơ là sự việc này. Ngày nay tiêu chuẩn mà chúng ta dùng chính là tiêu chuẩn của thánh hiền dạy chúng ta, chúng ta dùng tiêu chuẩn này để nhận định, để chọn lựa. Tiêu chuẩn mà Phật dạy chúng ta, thực tế mà nói khi chúng ta vừa bước vào cửa thì đã dạy cho chúng ta rồi. Chúng ta vừa bước vào cửa Phật, việc thứ nhất là tiếp nhận nghi thức “tam quy”, tam quy chính là đem tiêu chuẩn của “giác, chánh, tịnh” dạy cho chúng ta.
Bạn xem trong Đàn Kinh, đại sư Lục tổ Huệ Năng truyền thọ tam quy, ngài không nói “quy y Phật, quy y pháp, quy y tăng”, ngài không nói như vậy, mà ngài dạy người đọc là “quy y giác, quy y chánh, quy y tịnh”, các bạn hãy xem Đàn Kinh thì rõ. Rồi sau đó nói với chúng ta: “Phật là giác, pháp là chánh, tăng là tịnh.” Bởi vì khi nói Phật, pháp, tăng thì chúng ta thường hay hiểu lầm, bèn dính vào tướng; nói đến “quy y Phật” thì lập tức liền nghĩ đến tượng Phật, nói đến “quy y pháp” liền nghĩ đến kinh Phật, nói đến “quy y tăng” liền nghĩ đến người xuất gia, dính tướng thì sai rồi! Cho nên nói: “Nguyện hiểu nghĩa chân thật của Như Lai”, ý nghĩa chân thật của Phật pháp tăng là giác chánh tịnh, giác mà không mê là Phật, chánh mà không tà là pháp, tịnh mà không nhiễm là tăng, đây là dạy chúng ta quy y giác chánh tịnh, không phải quy y tượng Phật bằng gỗ, bằng đất, cũng không phải là quy y quyển kinh, càng không phải là quy y người xuất gia, chúng ta cần phải làm cho rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo.
Đàn Kinh thật hay! Thuần túy là thứ của người Trung Quốc, dung nạp toàn bộ tinh tủy của Phật pháp mà nói ra cho chúng ta, điều được nói bên trong không chỉ là thiền, mà bao gồm tất cả Phật pháp: Đại thừa, Tiểu thừa, Hiển giáo, Mật giáo, Tông môn, Giáo hạ, thảy đều bao gồm hết, nói ra tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc, việc này chúng ta phải hiểu. Cho nên, tiêu chuẩn chọn lựa của chúng ta chính là giác chánh tịnh, giác chánh tịnh chính là tổng cương lĩnh, tổng tiền đề, trái ngược với giác chánh tịnh thì không phải là Phật pháp. Vậy thì thế nào gọi là giác? Thế nào gọi là chánh? Thế nào gọi là tịnh? Trong kinh luận Đại, Tiểu thừa đã nói rất nhiều, chúng ta đọc kinh, nghiên giáo cũng không ngoài việc đem tinh nghĩa của ba chữ này làm cho rõ ràng, làm cho tường tận mà thôi, chúng ta phải hiểu đạo lý này.
Thực hiện được tối sơ phương tiện, “tối sơ phương tiện” mà trong kinh Lăng-nghiêm nói, từ chỗ nào mà vào cửa? Từ kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, Phật dạy chúng ta trong kinh Vô Lượng Thọ là khéo giữ ba nghiệp, chúng ta bắt đầu từ chỗ này. “Khéo giữ khẩu nghiệp, không chê lỗi người”, đây là bốn thiện nghiệp của miệng, “khéo giữ thân nghiệp, không mất luật nghi; khéo giữ ý nghiệp, thanh tịnh không nhiễm”, trong kinh Vô Lượng Thọ chỉ nói ba câu cương lĩnh này, ba câu này chính là một bộ kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo. Chúng ta nhất định phải nhớ thật kỹ điều này, nhất định phải chân thật lý giải tinh thần của thập thiện, ý nghĩa chân thật của thập thiện là gì. Nếu làm viên mãn thập thiện thì sẽ thành tựu quả vị Phật cứu cánh.
Cho nên, chúng ta thường nhìn thấy tượng Phật, tượng Phật trên những tranh vẽ thì rất rõ ràng, tượng Phật trên những tranh vẽ thông thường thì trên vầng hào quang đều có ba chữ “án a hồng” (om ah hum). “Án a hồng” có nghĩa là gì? Chính là “khéo giữ ba nghiệp” trong kinh Vô Lượng Thọ. “Án” là khéo giữ thân nghiệp, đây là thân khẩu ý, “a” là khéo giữ khẩu nghiệp, “hồng” là khéo giữ ý nghiệp; cho nên thập thiện viên mãn chính là Phật quả viên mãn. Bộ kinh này tuy phân lượng không nhiều nhưng ý nghĩa của nó vô cùng vô tận, tương lai một ngày nào đó bạn khế nhập thì bạn sẽ tường tận, mỗi câu mỗi chữ trong tất cả kinh luận đều viên dung tất cả kinh luận, xác thực như trong kinh Hoa Nghiêm nói: “Một tức là nhiều, nhiều tức là một, một và nhiều không hai”; nhất định chẳng thể nói kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo cạn, kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm sâu, không có sâu cạn, không có lớn nhỏ, mà là bình đẳng và bình đẳng. Bạn có thể vào được cảnh giới này thì bạn chân thật “khéo có thể hiểu rõ”. Cảnh giới này là cảnh giới không chướng ngại của Hoa Nghiêm, phẩm sau cùng của kinh Hoa Nghiêm là phẩm “Phổ Hiền Bồ-tát hạnh nguyện”, người Trung Quốc thích đơn giản, tựa đề của phẩm này đã được phiên dịch đầy đủ trên tựa đề kinh của Tứ Thập Hoa Nghiêm, đó là phẩm “Nhập bất tư nghị giải thoát cảnh giới Phổ Hiền hạnh nguyện”, nhập vào cảnh giới giải thoát không thể nghĩ bàn.
Về “cảnh giới giải thoát không thể nghĩ bàn” thì đại sư Thanh Lương nói với chúng ta bốn loại pháp giới: Loại thứ nhất là sự, sự tướng, sự pháp giới, loại thứ hai là lý pháp giới, loại thứ ba là lý sự pháp giới, loại thứ tư là sự sự pháp giới. Bốn loại pháp giới này thảy đều không có chướng ngại: sự vô ngại, lý vô ngại, lý sự vô ngại, sự sự vô ngại, bạn liền khế nhập cảnh giới Hoa Nghiêm. Cảnh giới này là của người như thế nào? Bồ-tát Sơ trụ của Viên giáo, thông thường chúng ta gọi là “phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân”, chính là vào bốn pháp giới vô ngại. Nếu bốn sự việc này bày ra trước mắt vẫn có chướng ngại thì vô minh của bạn chưa phá, bạn vẫn là ở trong sáu cõi luân hồi, chưa đột phá sáu cõi. Cho dù đột phá sáu cõi, có công phu tương đối rồi, sự dường như là không có chướng ngại, lý cũng không có chướng ngại, lý sự cũng không có chướng ngại, nhưng sự sự có chướng ngại, cảnh giới này là tứ thánh pháp giới: Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát và Phật trong mười pháp giới, đối với họ thì sự và sự vẫn có chướng ngại. Nhất định phải đột phá một lần nữa thì mới ra khỏi mười pháp giới, vào nhất chân pháp giới, vậy thì sự sự liền vô ngại. Lại nói với các vị đây là sự thật, nhất chân pháp giới và mười pháp giới là không hai không khác, nhất định không phải là hai pháp giới, mà là một pháp giới, nhất chân pháp giới là viên dung, là bình đẳng, là thanh tịnh.
Vì sao chúng ta ngày nay không nhìn thấy được? Là vì có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nên không thấy được. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nhạt bớt một phần thì sẽ tiếp cận được một phần với nhất chân pháp giới, chính là bốn pháp giới vô ngại. Nếu quả nhiên buông xuống tất cả chấp trước đối với pháp thế xuất thế gian, ngay cả ý niệm chấp trước cũng không có thì bạn không còn luân hồi sáu cõi nữa, đoạn được sáu cõi luân hồi rồi. Nếu tiến thêm một bước, đối với pháp thế xuất thế gian, ngay cả ý niệm phân biệt cũng không có, bạn liền ra khỏi mười pháp giới, đây chính là địa vị Sơ trụ của Viên giáo, “phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân”. Vô minh là vọng tưởng, chưa đoạn vọng tưởng, thế nhưng vọng tưởng rất mờ nhạt, vọng tưởng thô trọng hoàn toàn không có, vẫn còn vọng tưởng vi tế; tức là đã không còn đáng kể nữa rồi, không vướng mắc việc của sáu cõi, không vướng mắc việc của mười pháp giới, cho nên sự sự vô ngại. Đây là nói về “cảnh giới”, cảnh giới và pháp giới có khác biệt, pháp giới là từ trên sự tướng mà nói. Ví dụ quyển sách này là pháp, nó có giới hạn, đây là pháp giới, cảnh giới thì không có giới hạn. Pháp giới có lớn nhỏ, có giới hạn, còn cảnh giới không có; cảnh giới thuộc về tinh thần, pháp giới là thuộc về hình tướng. Cho dù pháp giới khác nhau nhưng cảnh giới vẫn thông được, chẳng chút chướng ngại. Như vậy bạn liền biết được, tất cả mọi chướng ngại đều do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chúng ta biến hiện ra, vô cùng vô cùng oan uổng!
Chúng ta học Phật, nếu muốn thành tựu mà hằng ngày vẫn khởi tâm động niệm, “cái này đúng, cái kia sai”, vậy thì trong đời này chúng ta không có hy vọng. Trong Đàn Kinh nói rất hay: “Nếu người chân tu đạo, không thấy lỗi thế gian.” Lục tổ dạy ngài Thần Hội, Lục tổ nói: “Ta chỉ thấy lỗi mình, không thấy lỗi người khác.” Đây là ngài bảo cho chúng ta biết ngài đã tu hành thành công như thế nào. Ngài còn nói rõ với chúng ta rằng: “Họ sai, ta không sai.” Hay nói cách khác, họ có đúng sai, ta không có đúng sai, đây là bí quyết thành tựu của người chân thật tu hành. Họ đã thành tựu như thế nào? Vì sao thành tựu nhanh như vậy? Vì sao chúng ta không thể thành tựu?
Cầu học, cầu đạo không có khác nhau, thứ nhất là phải dựa vào thiện căn, nếu thiện căn trong đời quá khứ không đầy đủ, vậy thì khó. Thứ hai phải dựa vào thắng duyên, pháp duyên thù thắng, đó chính là gặp được thiện tri thức chân thật, chính mình hoan hỷ tiếp nhận, nhất định không có hoài nghi đối với giáo huấn của thiện tri thức, y giáo phụng hành, vậy mới được. Thân cận thiện tri thức, bạn xem 53 tham của kinh Hoa Nghiêm, chương Văn-thù Bồ-tát, sau cùng Bồ-tát dạy Thiện Tài phải nên dùng tâm thái thế nào để thân cận thiện tri thức, vô cùng quan trọng! Việc này chúng tôi đều giảng qua, tôi đã giảng rất nhiều lần rồi. Gần đây ở Hồng Kông tôi giảng Tứ Thập Hoa Nghiêm cũng đã nói qua, hình như quý vị có ra đĩa rồi. Nếu không có thái độ cầu học tốt, cho dù gặp được thiện tri thức chân thật thì cũng bỏ lỡ ngay trước mắt, vậy thì vô cùng đáng tiếc. Cho nên cần phải đầy đủ hai điều kiện là thiện căn và thiện duyên.
Nói chung, ngày trước tôi cầu học, thầy Lý thường nói, 40 tuổi trở lên thì học gì cũng khó. Đây là thật, không phải giả, vì sao vậy? Thời gian 40 năm dài như vậy ở trong cái thùng nhuộm lớn của xã hội này đã bị ô nhiễm nghiêm trọng rồi, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, thành kiến của chính mình đều rất sâu, không dễ dàng, thật khó! Thế nhưng không thể nói không có, mà ít có, 40 tuổi trở lên mới bắt đầu học giảng thì rất ít người thành tựu. Thời kỳ tu học tốt nhất là khi nào? Trước và sau 20 tuổi, đây là độ tuổi tốt nhất, chân thật gặp được thiện duyên thì không có ai mà không thành tựu. Trước 40 tuổi, từ 30 đến 40 tuổi thì phải nỗ lực, “gian nan học tập mới thành”. Sau 40 tuổi thì khó, không thể nói không có.
Hiện tại chúng ta thấy cư sĩ Hứa ở Khai Phong, Hà Nam, đây là độ tuổi trên 40, ông ấy được, ông ấy có thể thành công. Vì sao ông có thể thành công? Ông chân thật buông xuống vạn duyên, một lòng hướng đạo, quên ăn quên ngủ, ăn cơm, ngủ nghỉ đều quên hết, chuyên tâm như vậy mà làm thì được. Ông ấy đến đây tìm tôi, nhất định muốn tôi thế phát xuất gia cho ông, làm cho tôi không cách nào từ chối được, sau cùng tôi nói: “Ông muốn xuất gia thì tôi có một điều kiện.” Ông hỏi tôi: “Điều kiện gì?” Tôi nói: “Trong một năm, ông hãy giảng mười lần kinh Vô Lượng Thọ.” Đầu tháng này ông gọi điện thoại cho tôi, nói ông đã giảng năm lần rồi, ông nói cuối năm nay nhất định có thể hoàn thành mười lần giảng. Thật sự nỗ lực, thật làm, liều mình mà làm, vậy thì được! Cho nên người trên 40 tuổi, tôi định ra bảy khoa mục cho các đồng học của chúng ta, cộng với một trăm thiên cổ văn, tám khoa mục này người trên 40 tuổi thì không thể, rất khó làm được. Người trên 40 tuổi còn có thể làm được thì như lông phụng sừng lân. Đối với các đồng tu lớn tuổi, bảy môn học này hy vọng có thể học một môn hoặc hai môn thì cả đời thọ dụng không cùng tận, không cần học nhiều như vậy, đây là căn bản, là nền tảng. Trên 40 tuổi, chúng ta không cần xây nền tảng gì nữa, vãng sanh là việc lớn, nên phát tâm làm hộ pháp, đừng phát tâm làm hoằng pháp, hãy hộ pháp, hơn 40 tuổi thì hãy hộ pháp.
Tôi thường nói công đức của hộ pháp lớn hơn hoằng pháp. Thường có người hoằng pháp, không thường có người hộ pháp. Nếu không có Bồ-tát hộ pháp chân thật, chúng ta phát tâm hoằng pháp cũng không có cơ hội để bạn hoằng dương, không có người bằng lòng mời bạn giảng kinh. Bạn đừng thấy dường như hiện nay ở rất nhiều nơi như Malaysia, có rất nhiều đạo tràng đều hoan nghênh bạn đến giảng kinh thuyết pháp, họ mời bạn đến, làm rất là náo nhiệt, nếu bạn nói: “Tôi đến nơi đó thường trụ, giảng pháp cho quý vị.” Bạn xem thử người ta có đồng ý hay không? Đi làm khách, người ta hoan nghênh, làm cho đạo tràng của họ sôi nổi lên một chút, còn thật sự thường trụ ở nơi này thì người ta phải thận trọng cân nhắc, chưa chắc được hoan nghênh, đây là kinh nghiệm cả đời này của tôi. Dù tình cảm có tốt đến đâu, nhiệt tâm mời chúng ta đến giảng kinh, đến chùa của họ hoằng pháp một thời gian dài, nhưng giảng được ba tháng thì họ mời chúng ta lên đường.
Lúc trước, pháp sư Huệ Nhẫn ở Hồng Kông, lúc trẻ chúng tôi ở chung với nhau, thật sự là bạn tốt, tôi đến giảng được ba tháng, ông rất hoan nghênh tôi đến giảng, ông nhiệt tâm hộ trì. Ba tháng sau thì có sự xúi giục, có ly gián, có người nói với pháp sư Huệ Nhẫn: “Pháp sư Tịnh Không ở đây không được! Thầy xem, tín đồ đối xử với ông ấy tốt hơn với thầy! Cung kính ông ấy! Ông ấy biết giảng, còn thầy không biết giảng.” Phiền phức lớn rồi, vừa nghe khiêu khích thị phi thì đến gây phiền phức cho tôi. Thầy ấy bảo tôi đi như thế nào? Khi xưa thầy ấy nhiệt tình mời tôi đến, nên rất ngại khi bảo tôi đi, thầy có một yêu cầu đối với tôi, những gì tôi đã học ở Đài Trung mười năm buộc phải dạy hết cho ông trong ba tháng. Nếu không dạy hết thì đương nhiên tôi phải ra đi. Hay nói cách khác, dạy xong hay không xong thì tôi cũng phải ra đi, thế là tôi liền vội vàng ra đi. Thật không dễ dàng!
Chúng tôi lúc trước ở dưới hội của thầy Lý, thầy thường nói với chúng tôi: “Anh học giảng kinh, nếu giảng không tốt thì chẳng sao, anh có lẽ còn có chỗ để ở; nếu như anh giảng tốt, giảng được mọi người hoan nghênh, anh sẽ không có đường để đi!” Đây đều là lời thầy truyền lại. Cho nên, khi tôi bị dồn ép đến bước đường cùng thì gặp được quán trưởng Hàn, người cả nhà của bà, chồng và con cái của bà cùng nhau đồng tâm đồng lực phát tâm hộ trì, thuê chỗ, mượn chỗ, mượn văn phòng của bạn bè, bà quen biết nhiều người, giao thiệp rất rộng, bà thuê nhà để tôi giảng kinh. Lúc đó ở Đài Loan 30 năm không gián đoạn, ngày nào cũng giảng! Phải ở trên bục giảng gọt giũa nhiều lần thì bạn mới có thể thành tựu, làm gì dễ dàng như vậy. Cho nên công đức hộ pháp không thể nghĩ bàn, chúng ta phải tri ân báo ân. Hôm nay là ngày Một, ngày mồng Năm là tưởng niệm đầy bốn năm quán trưởng Hàn vãng sanh. Vốn dĩ mỗi năm tưởng niệm đều tổ chức ở Cư Sĩ Lâm, năm nay bởi vì Cư Sĩ Lâm đang thi công, đang xây dựng nên không thuận tiện. Chúng tôi tưởng niệm bà đều là tu Phật thất, ngày Phật thất viên mãn, chúng tôi làm lễ truy điệu tưởng niệm bà. Cho nên, lễ tưởng niệm năm nay [sẽ tổ chức] ở Úc, chúng tôi có mấy người vào ngày mồng Ba sẽ đến Úc để tham gia lễ tưởng niệm này.
Cho nên, bản thân chúng ta nhất định phải suy ngẫm nhiều, không thể đi con đường hoằng pháp thì quyết định đi hộ pháp, giúp đỡ những người trẻ tuổi, thành tựu người trẻ tuổi, công đức vô lượng vô biên, thành tựu của họ là thành tựu của chúng ta. Đồng học các bạn sau khi học xong thì lên bục giảng, thính chúng gật đầu hài lòng rồi thì ta lập tức lui về làm hộ pháp, toàn tâm toàn lực hộ trì mọi người, hoằng hộ là một thể! Thời gian đã hết.