Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 66/149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 66/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười, hàng thứ ba từ dưới lên: “Lại nữa, long vương! Nếu lìa được sân giận thì được tám loại tâm pháp hỷ duyệt. Những gì là tám? Một, không có tâm tổn não.” Hôm qua, tôi đã giới thiệu đến chỗ này. Hôm nay chúng ta xem tiếp:

“Hai, không có tâm sân giận.” Tám loại đã nói, tám loại này là tám loại lớn, cảnh giới của mỗi loại đều là vô lượng vô biên, hễ có những phiền não này hiện hành thì đều thuộc về sân giận; nếu đoạn được sân giận rồi thì những thứ mà ở đây nói tự nhiên sẽ không tồn tại. Tâm tổn não, tâm sân giận, tâm tranh tụng, thậm chí là không hòa mục nhường nhịn, đây đều là sự hiện hành của sân giận. Việc khởi tâm động niệm trong đời sống thường ngày, đặt “tổn não” ở hàng đầu là vô cùng có đạo lý, phàm phu dù cố tình hay vô ý đều khiến tất cả chúng sanh sanh phiền não. Câu thứ hai nói “không có tâm sân giận”, người đời hơi chút bất như ý thì sân giận tự nhiên sanh khởi, từ đó cho thấy tập khí nghiệp chướng này sâu nặng. Trong kinh điển thường nói: “Một niệm tâm sân khởi, trăm vạn cửa chướng ngại mở.” Tâm sân giận vừa khởi lên thì trí tuệ không còn nữa; không những trí tuệ, mà lý trí chúng ta thường nói, lý trí bị che mất rồi. Cho nên hoàn toàn xử sự theo cảm tính, xử sự theo cảm tính thì đâu có lý nào mà không sai lầm? Không những làm tổn hại thân thể của chính mình, lần trước tôi đã nêu ví dụ nói rõ rồi, hơn nữa còn vô tình hay cố ý kết oán thù với tất cả chúng sanh. Oán thù nếu không được hóa giải, khi nhân duyên chín muồi thì báo ứng hiện tiền, gọi là oan oan tương báo không bao giờ dứt. Hơn nữa quả báo nhất định là mỗi lần một tàn khốc hơn. 

Nếu quý vị đọc phần đầu của An Sĩ Toàn Thư là Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn, phần trước có một bài văn rất dài, Đế Quân nói ông 17 đời là sĩ đại phu, những nghiệp ông đã tạo, những quả báo phải chịu rất đáng để chúng ta cảnh giác, cho nên oan gia nên giải, không nên kết. Người không học Phật thì chẳng cần phải nói, sau khi học Phật rồi, chúng ta phải luôn tin rằng “nhân quả thông ba đời”. Con người nhất định không phải chỉ có một đời này, nếu như chỉ có một đời này thì việc gì phải tu hành? Không cần thiết, tạo phiền phức để làm gì? Nhưng xác thực là có quá khứ, có hiện tại, có vị lai; quá khứ không điểm bắt đầu, vị lai không điểm kết thúc. Quá khứ đã từng tạo không ít tội nghiệp, dưỡng thành tập khí phiền não sâu nặng, việc này hết thuốc chữa rồi. Chúng ta gặp được Phật pháp, gặp được sự chỉ điểm, giáo huấn của thánh hiền, chúng ta đã giác ngộ. Sau khi giác ngộ thì phải biết sửa lỗi làm mới. Sau khi giác ngộ rồi thì sẽ không vì một đời này mà lo nghĩ, tầm nhìn của bạn mở rồi thì bạn có tiền hậu nhãn. Gọi là tiền hậu nhãn tức là bạn nhìn thấy quá khứ, bạn cũng nhìn thấy vị lai, tiền hậu nhãn này là trí nhãn, là huệ nhãn, chúng ta làm thế nào lo nghĩ cho đời sau, vậy thì đúng rồi. 

Đời này vô cùng ngắn ngủi, cho dù sống đến 100 tuổi thì cũng trôi qua trong khảy ngón tay. Người thông minh ở trong thời gian ngắn ngủi này làm sao tìm đường xuất ly, làm sao ra khỏi lục đạo luân hồi? Nhà Nho nói rất hay: “Minh đức, thân dân, đạt đến chí thiện.” Sau đó nói: “Biết mục tiêu thì sau đó có định”, mục tiêu là gì vậy? Là đạt đến chí thiện. Chí thiện, trong Phật pháp nói rất rõ ràng, chí thiện là A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề (Vô thượng chánh đẳng chánh giác), đây là chí thiện; chúng ta phải đem tâm định vào trong mục tiêu này, đây gọi là biết mục tiêu. Chúng ta chẳng cầu gì cả, pháp thế xuất thế gian một thứ cũng không dính nhiễm, lời trong Thiền tông gọi là: “Đi qua cả bụi hoa, thân không dính mảnh lá.” Đây là gì? Đây chính là đã buông xuống vạn duyên, một lòng hướng về vô thượng Bồ-đề. 

Tối hôm qua, hội trưởng và tôi cùng nhau bàn về vấn đề của lớp bồi dưỡng khóa kế tiếp, cũng bàn đến một số tình hình chung của người xuất gia trong giới Phật giáo hiện nay. Phật pháp, nếu muốn thành tựu thì không thể không buông xuống thế pháp, chúng ta phải có năng lực phân biệt giữa thế pháp và Phật pháp. Phật pháp là chánh giác, thế pháp là mê tình. Sự việc trong cửa Phật, nếu không giác ngộ thì cũng là thế pháp; sự việc trong thế pháp, nếu giác ngộ rồi thì cũng gọi là Phật pháp. Từ đâu phân biệt Phật pháp và thế pháp? Từ giác và mê mà phân biệt. Cho nên Phật dạy chúng ta, thái độ đối với tất cả pháp thế xuất thế gian là tự tại, tùy duyên, hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức. Nếu như phan duyên thì chính là thế pháp, còn tùy duyên thì là Phật pháp. Hay nói cách khác, khiến chúng ta mọi thứ không tự tại thì đây là thế pháp; được đại tự tại thì đó chính là Phật pháp. Chúng ta phải làm thế nào mới có thể đạt được? Tôi nghĩ rất nhiều đồng tu đều mong cầu điều này, nếu muốn đạt được tự tại, nếu muốn thật sự làm được tùy duyên thì nhất định phải xả bỏ thập ác, xa lìa tham sân si mạn thì sẽ tự tại. Bên trong không phiền não thì cảnh giới bên ngoài sẽ không cách gì cám dỗ bạn được. Cảnh bên ngoài còn có thể cám dỗ bạn, tức là phiền não của bạn chưa đoạn. Nó cám dỗ bạn gì vậy? Cám dỗ bạn phiền não, khiến phiền não của bạn khởi hiện hành. Cho nên, nếu chúng ta đã đoạn phiền não ở bên trong rồi, vô tư vô ngã, không có tham sân si mạn thì dù cảnh giới bên ngoài nhiều đến đâu, đẹp đến đâu thì mình cũng không động tâm, như vậy mới có thể được tự tại, như vậy mới có thể tùy duyên. Tùy duyên nhất định là tự tại, trong tùy duyên mà mang lại phiền não thì đó là sai rồi, chúng ta không được thuận theo sự việc này, trong tùy duyên nhất định là không có phiền não. 

Phiền não của thế gian phần lớn bắt nguồn từ được mất, tâm được mất quá nặng. Thật sự vô tư vô ngã, không có tham sân si mạn thì quý vị biết tâm được mất không còn nữa, lúc này có thể tùy duyên rồi. Có duyên thì rộng làm lợi ích cho chúng sanh, không phải vì chính mình, mà vì lợi ích chúng sanh; khi không có duyên thì tâm hạnh và việc lợi ích cho chúng sanh cũng tuyệt đối không gián đoạn, phương pháp làm không như nhau. Cổ đức thường nói, có duyên phận thì chúng ta hết lòng hết sức giúp đỡ người khác, giúp đỡ xã hội; nếu không có duyên phận này thì riêng thân mình thiện, cho nên không có ngừng nghỉ. Đây chính là điều cổ nhân đã nói: “Có duyên thì chúng ta giúp thiên hạ cùng thiện, không có duyên thì riêng thân mình thiện.” Riêng thân mình thiện chính là chuẩn bị cho tương lai khi gặp được duyên bèn phục vụ cho mọi người, niệm niệm không quên tâm này, đây chính là tâm đại Bồ-đề, chính là tâm độ chúng sanh.

Có một số đệ tử nhà Phật, tại gia hay xuất gia tôi đều đã gặp, tâm từ bi rất nặng, niệm niệm không bỏ việc phục vụ chúng sanh, nghĩ mọi phương pháp để tìm cơ hội, chuốc lấy phiền não vào người. Đây là sai lầm, đây chính là phan duyên chứ không phải tùy duyên. Bản thân vắt óc ở đó lập kế hoạch, cần phải làm thế này, thế nọ thì sai rồi. Người hiểu rõ sẽ không có cách làm như vậy, mà có một cách làm khác, đó là cầu Phật lực gia trì, vậy là chính xác. Cầu Phật lực gia trì không phải là mỗi ngày đứng trước hình tượng Phật Bồ-tát cầu xin, đó cũng thuộc về phan duyên, đây thật sự là sai một li đi ngàn dặm. Nỗ lực hoàn thiện chính mình, niệm niệm không bỏ mất tâm nguyện phục vụ chúng sanh, đây chính là cầu Phật Bồ-tát gia trì. Do đây có thể biết, Phật Bồ-tát gia trì chắc chắn không bỏ thời tiết nhân duyên, thời tiết nhân duyên chưa chín muồi thì sẽ không gặp được cơ hội.

Năm xưa, tôi cầu học ở Đài Trung, ngày rời xa thầy, tôi đã phát nguyện dạy học, nhưng mãi vẫn chưa có cơ hội. Tôi đã đợi 40 năm, duyên ở Singapore này mới chín muồi, duyên này chín muồi cũng là điều mà tôi không ngờ đến. Tôi không hề yêu cầu cư sĩ Lý Mộc Nguyên lập lớp bồi dưỡng để tôi đến dạy. Ông phát tâm đến tìm tôi thì duyên này chín muồi rồi. Nếu tôi phát tâm đi tìm ông, thỉnh cầu ông lập lớp bồi dưỡng để tôi đến dạy, nếu tôi dạy không tốt thì ông ấy sẽ mắng tôi. Đây gọi là thời tiết nhân duyên, phải thật có tâm kiên nhẫn chờ đợi thời tiết nhân duyên, tôi đợi trong thời gian dài như vậy.

Đại đức tại gia, lão pháp sư xuất gia đều khuyên tôi dạy học, khuyên tôi viết sách, ít nhất cũng có hơn mấy chục lần. Tôi chẳng phải không chút động lòng, mà tôi biết thời tiết nhân duyên chưa chín muồi. Chưa chín muồi nói chung không ngoài hai nguyên nhân, thứ nhất là đức hạnh và học thuật của mình vẫn chưa đủ để truyền pháp nên Phật Bồ-tát sẽ không có cảm ứng; thứ hai là vào lúc ấy ở nơi đó chưa có người thật sự phát tâm học pháp. Hai loại duyên này thiếu một cái thì đều không chín muồi, hai loại duyên buộc phải đều chín muồi. Phật lực gia trì là do cơ duyên đã chín muồi rồi, tôi hiểu rất rõ. Cho nên khi chưa chín muồi thì nhất định phải nỗ lực dụng công tu hành hơn nữa.

Phương pháp dụng công rất nhiều, nhà Phật thường nói tám vạn bốn ngàn pháp môn, nhiều pháp môn như vậy, pháp môn nào đối với mình có lợi ích thì tự mình phải biết. Nếu không biết thì tự mình có thể thử nghiệm. Thế nào gọi là có lợi ích? Đó là chắc chắn không làm mình đọa lạc, đây là điều kiện quan trọng nhất, từng giây từng phút phải đề phòng. Nếu thật sự không làm mình đọa lạc, chúng ta là thành phần trí thức, phương pháp hiệu quả nhất là gần gũi thiện tri thức. Thiện tri thức ở đâu? Kinh điển. Kinh điển là do Phật nói, ta mỗi ngày đọc kinh là gần gũi Phật-đà; mỗi ngày nghiên cứu chú giải là gần gũi bậc thiện hữu xưa nay. Các ngài giúp chúng ta giải thích kinh điển, chúng ta xem nhiều nghe nhiều thì sẽ khai trí tuệ của mình. Mỗi ngày tăng trưởng trí tuệ, vậy thì không dễ dàng đọa lạc. Cổ nhân thường nói: “Ba ngày không đọc sách thánh hiền thì mặt mũi hoàn toàn khác.” Lời nói này chúng ta hiện nay nghe qua cảm thấy một chút cũng không quá đáng, nếu như ba ngày chúng ta không đọc kinh, không đọc chú giải, đem Phật pháp để qua một bên thì tập khí phiền não bèn hiện hành, chúng ta chắc chắn không có năng lực kháng cự với rất nhiều cám dỗ trong xã hội này, chúng ta không có biện pháp điều phục tập khí phiền não của mình, vậy là đọa lạc rồi. 

Biết bao người hằng ngày đang đọa lạc mà chính mình không biết. Người sáng mắt thấy rất rõ ràng, muốn giúp đỡ; giúp đỡ thì cũng phải dựa vào thời tiết nhân duyên, đây chính là nhà Phật thường nói: “Phật không độ người không có duyên.” Thế nào gọi là có duyên? Thật sự có thể tin, có thể hiểu, có thể hành. Thật sự có năng lực phân biệt tốt xấu, có năng lực phân biệt đúng sai tà chánh thì đây là cơ duyên chín muồi, Phật Bồ-tát đặc biệt quan tâm; duyên chưa chín muồi thì quan tâm họ cũng vô ích, vì họ không thể tiếp nhận. “Trong cửa nhà Phật, không bỏ một ai”, lời nói này đều là sự thật, cũng là điều mà chúng ta cần phải học tập. Cho nên, từng giây từng phút phải kiểm điểm xem chúng ta còn tâm sân giận hay không? Nếu như còn tâm sân giận thì chưa lìa phiền não, chưa lìa sân giận. Tốt rồi, hôm nay chúng ta giảng đến chỗ này.