Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 26/149


Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 26/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ năm, kinh văn hàng thứ ba, chúng ta đọc từ đầu: “Long vương nên biết, Bồ-tát có một pháp có thể đoạn tất cả khổ trong các đường ác. Pháp đó là gì? Là ngày đêm thường niệm, tư duy, quán sát thiện pháp, khiến các thiện pháp niệm niệm tăng trưởng, chẳng để mảy may bất thiện xen tạp, như vậy sẽ có thể khiến cho các ác dứt hẳn, thiện pháp viên mãn.”

Hôm qua, tôi đã nói với quý vị về “tất cả các đường ác”, phạm vi bao quát rộng vô cùng. Tối hôm qua, chúng ta nghe phần giới thiệu vắn tắt của tiên sinh Chu về Bahá’í giáo, chúng ta hiểu được lý luận thông thường và phương pháp tu học của tôn giáo này. Trong đó có rất nhiều điều mà trong Phật pháp cũng nói đến, nếu nói tỉ mỉ, nói thấu triệt, nói triệt để thì không vượt qua được Phật pháp. Ngày nay, sở dĩ Phật pháp suy, không phải suy ở pháp, mà suy ở những đệ tử Phật chúng ta chưa thể y giáo phụng hành, suy ở chỗ này. Điều đầu tiên mà Bồ-tát Phổ Hiền dạy chúng ta nhưng chúng ta chưa làm được là “lễ kính chư Phật”. Cổ nhân nói là: “Nghe lời họ nói rồi quan sát hành vi của họ”, nói nghe rất hay nhưng làm thì không đúng như điều họ đã nói, đây chính là xen tạp bất thiện. Phật độ tất cả chúng sanh, giáo hóa chúng sanh, ngài bắt đầu làm từ chính mình. Chúng ta học Phật, điều quan trọng nhất cũng phải bắt đầu làm từ bản thân. Thử hỏi, khi chúng ta bước vào giáo đường Ki-tô, nhìn thấy tượng chúa Giê-su thì ta có lạy ngài không? Bước vào Ấn Độ giáo, nhìn thấy Ấn Độ giáo cúng Đại Phạm thiên vương là cúng tượng thần, chúng ta có lạy ngài không? Nếu không thì lời nói đó không đáng tin cậy rồi. “Lễ kính chư Phật”, chư Phật là ai? Là Phật quá khứ, Phật hiện tại, Phật vị lai, tất cả chúng sanh đều là Phật vị lai, thần thánh trong tất cả các tôn giáo khác nhau đều là Phật vị lai, cũng có thể là do Phật quá khứ, Phật hiện tại ứng hóa ra, chúng ta không hiểu nên chúng ta chưa làm được “lễ kính”. Chúng ta hành lễ đối với các ngài không phải dùng lễ tiết của Phật giáo, mà nhập cảnh tùy tục, tín đồ tôn giáo của họ dùng lễ tiết như thế nào để tỏ lòng tôn kính với giáo chủ của họ, chúng ta phải học tập, chỉ nói suông thôi thì không được, nhất định phải nhập cảnh tùy tục. Đây là ở trên hình thức, còn nội tâm thì nhất định phải cung kính bình đẳng. Trong giáo học, bài học đầu tiên của giáo học thế xuất thế gian chính là “kính”. Các đồng tu đều có trên tay quyển Lễ Ký Thanh Hoa Lục rồi, câu đầu tiên là: “Khúc Lễ nói: không gì không kính.” Điều đầu tiên của mười nguyện Phổ Hiền là “lễ kính chư Phật”, bắt đầu học từ đâu vậy? Từ sự giao thiệp giữa người với người, sự giao thiệp giữa người với mọi vật chính là kính. Chưa làm được điều này thì những điều khác đều là nói suông. Cho nên, chúng ta nhất định phải nhớ kỹ, nhất định phải nghiêm túc học tập. Đây là thiện pháp, không những là thiện pháp mà là đại thiện pháp.

Hôm nay, chúng ta tiếp tục xem đoạn kinh văn kế tiếp: “Ngày đêm thường niệm thiện pháp”, tâm thiện. Đồng tu Tịnh tông chúng ta, khi Tịnh tông Học hội thành lập, tôi đã viết bài duyên khởi, đưa ra năm khoa mục tu học trong đời sống hằng ngày. Khoa mục thứ nhất là tam phước trong Quán Kinh, khoa mục thứ hai là lục hòa, khoa mục thứ ba là tam học giới định tuệ, khoa mục thứ tư là lục độ của Bồ-tát, khoa mục thứ năm là Phổ Hiền thập nguyện, mọi người dễ nhớ, đây là thiện pháp. Thiện pháp trong kinh cao hơn so với thiện pháp nói ở đây, thiện pháp nói ở đây là nền tảng, không có nền tảng thì không cần bàn đến pháp cao hơn, thiện pháp cao đến đâu cũng phải bắt đầu từ nền tảng. Nếu như năm khoa mục này chúng ta thường xuyên ghi nhớ trong lòng thì chính là thường niệm, điều này không khó.

Năm khoa mục ở đây tôi nhắc lại một lần, điều thứ nhất là “hiếu dưỡng cha mẹ”, chúng ta có tâm này hay không? Có thực hiện hay không? Cha mẹ còn sống phải thường xuyên quan tâm, luôn luôn chăm sóc. “Dưỡng thân cha mẹ”, chăm nom đến đời sống vật chất, không để cha mẹ thiếu thốn, chăm lo cho đời sống; “dưỡng tâm cha mẹ”, phải làm cho cha mẹ hoan hỷ, không nên để cha mẹ lo lắng, nếu để cha mẹ lo lắng thì con cái bất hiếu. Trong kinh Phật thường dạy chúng ta “thường sanh tâm hoan hỷ”, chúng ta làm sao khiến cha mẹ thường sanh tâm hoan hỷ thì đây là tận hiếu. Thứ ba là “dưỡng chí cha mẹ”, sự kỳ vọng của cha mẹ đối với chúng ta, sự kỳ vọng đối với con cái, chúng ta không được cô phụ sự kỳ vọng của cha mẹ, không được để cha mẹ thất vọng, đây gọi là hiếu dưỡng cha mẹ. Hãy bắt đầu làm từ chỗ này, triển khai ra thì trong kinh luận Đại thừa thường nói: “Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta.” Phải đem sự hiếu dưỡng này mở rộng đến tất cả chúng sanh. Đây là Phật dạy chúng ta, những tôn giáo khác không nghe nói đến. Hay nói cách khác, chúng ta đối với tất cả chúng sanh phải có nghĩa vụ cúng dường, tận tâm tận lực chăm sóc tất cả chúng sanh, giúp đỡ tất cả chúng sanh, đây là đạo hiếu thuận, khiến tất cả chúng sanh sanh tâm hoan hỷ. Chúng ta chung sống với người khác mà người ta không hoan hỷ với chúng ta thì chúng ta có lỗi với người rồi, chúng ta cần phải kiểm điểm lại, cần phải phản tỉnh, chúng ta không được để tất cả chúng sanh thất vọng về ta. Qua đây bạn mới thấy được sự rộng lớn tinh thâm của giáo dục nhà Phật.

“Phụng sự sư trưởng”, sư trưởng với cha mẹ là như nhau, chúng ta cũng phải chăm sóc đời sống vật chất của thầy cô, không được cô phụ lời dạy của thầy cô, không cô phụ sự kỳ vọng của thầy cô. Phật pháp bắt đầu từ đây, Phật pháp cũng được viên mãn ngay chỗ này. “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng”, hai câu này là căn bản, tất cả pháp còn lại mà Phật đã nói trong 49 năm là phương tiện, dùng pháp phương tiện để thực hiện nền tảng này, để làm viên mãn nền tảng này, đây là Phật đạo. Bắt đầu làm từ đâu? Bắt đầu từ việc bồi dưỡng tâm từ bi của mình, nếu trong tâm bạn không có quan niệm như tôi vừa mới nói thì bạn không có tâm từ bi. Nếu có thể hiếu dưỡng tâm của cha mẹ, sư trưởng, hiếu dưỡng chí của cha mẹ, sư trưởng thì người này mới đầy đủ tâm từ bi. Tâm từ bi chính là tâm đại Bồ-đề, thực hiện ở tu thập thiện nghiệp. Cha mẹ hy vọng chúng ta là người tốt, là người thiện trong xã hội, thầy cô cũng kỳ vọng chúng ta là người thiện trong xã hội, chúng ta có thể dùng toàn tâm toàn lực giúp đỡ xã hội, đặc biệt là giúp đỡ tất cả chúng sanh khổ nạn, đây là sự kỳ vọng của cha mẹ, sư trưởng đối với chúng ta. Đây là nền tảng của giáo dục, giáo dục căn bản. Từ đây nâng cao lên là “thọ trì tam quy, đầy đủ các giới, không phạm oai nghi”, đã lên một bậc. Nâng cao lên một bậc nữa là “phát tâm Bồ-đề, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại thừa, khuyến tấn hành giả”. Trong đây, “tin sâu nhân quả” tôi nói rất nhiều rồi, đây không phải là nhân quả thông thường, mà là “niệm Phật là nhân, thành Phật là quả”, phải tin tưởng nhân quả này. Ba điều mười một câu này, Thế Tôn nói với chúng ta rất rõ ràng, đây là “chánh nhân tịnh nghiệp của ba đời chư Phật”, thực hiện từ thập thiện nghiệp đạo.

Chung sống với mọi người, phạm vi nhỏ nhất là vợ chồng, ở chung một nhà. Làm sao để chung sống? Tu “lục hòa kính”. Chung sống với mọi người, lục hòa kính không phải yêu cầu người khác làm, mà yêu cầu chính mình làm được. Đây là chỗ cao minh của Phật pháp, chỗ khiến mọi người tán thán là chính ở chỗ này. Phật pháp xưa nay không yêu cầu người khác, mà yêu cầu chính mình. Bản thân ta phải làm được lục hòa kính, đối phương không làm được cũng không sao, không có chướng ngại, chướng ngại vĩnh viễn ở nơi chính mình, hoàn toàn không phải ở đối phương. Người hiện nay điên đảo, sai lầm, cho rằng mọi chướng ngại đều do đối phương, không phải do phía mình, sai ở chỗ này. Cư sĩ Hứa Triết cả đời tu hành có thể thành công là do bà hiểu rõ đạo lý này, bà cả đời luôn trách cứ chính mình, kiểm điểm chính mình, tuyệt đối không hề nói đối phương có sai lầm, đây là phương pháp thành công của bà.

“Kiến hòa đồng giải” tu như thế nào vậy? Ta có lòng riêng tư thì kiến giải của ta bất đồng. “Kiến hòa đồng giải”, đồng với ai? Không phải đồng với đối phương, với người khác, thế thì bạn hiểu sai rồi; đồng với Phật, đồng với Bồ-tát, đồng với chân như bản tánh, là nghĩa này. Phật không có tâm riêng tư, Bồ-tát không có tâm riêng tư, tâm hiện y chánh trang nghiêm thì không có tâm riêng tư, là đồng với điều này. “Giới hòa đồng tu”, đây là tùy duyên, chính là “hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”, đây là nói về sự. “Thân đồng trụ, khẩu vô tranh, ý đồng duyệt”, ba điều này thực hiện ở thập thiện nghiệp đạo. Phàm là không thể chung sống với đại chúng thì bạn chắc chắn đang tạo thập ác nghiệp, không phải tu thập thiện. Bạn tu thập thiện nghiệp thì có người nào không hoan nghênh bạn? Có người nào không tôn kính bạn? Có người nào không hoan hỷ thân cận bạn? Thập thiện là nền tảng của hành môn, là căn bản của hành môn. Cuối cùng là “lợi hòa đồng quân”. Người thật sự giác ngộ thì xả mình vì người, tất cả lợi dưỡng luôn nhường cho người khác nhiều hơn, mình có thể ít hơn một chút, bản thân hoan hỷ trải qua đời sống vật chất thấp nhất, hoan hỷ! Thích-ca Mâu-ni Phật ăn một bữa giữa ngày, ba y một bát, sống đời sống thấp nhất, ngài hoan hỷ! Nhường lợi dưỡng cho người khác, nhìn thấy người khác trải qua đời sống vật chất rất tốt thì vui vẻ, tuyệt đối không đố kỵ, mà là vui vẻ.

“Tam học” chính là giác mà không mê, chánh mà không tà, tịnh mà không nhiễm, đây là tam học giới, định, tuệ. Giới học là thanh tịnh, tịnh mà không nhiễm; định học là chánh tri chánh kiến, chánh mà không tà; tuệ học là giác mà không mê, đây là tam học. Chúng ta phải áp dụng lục độ, thập nguyện vào trong đời sống, đều áp dụng vào chỗ khởi tâm động niệm. Pháp môn Tịnh tông là tu như vậy. Sau đó niệm Phật cầu sanh Tịnh độ thì chắc chắn được sanh. Năm khoa mục này, chúng ta thường xuyên ghi nhớ trong tâm, thường xuyên áp dụng vào trong hành vi, đây chính là đoạn ác tu thiện, là tương ưng với điều nói ở đây.

“Tư duy thiện pháp” là ý niệm thiện, chúng ta khởi tâm động niệm hãy tư duy về năm khoa mục này, năm khoa mục này là điểm tựa căn bản của Tịnh tông Học hội. “Quán sát thiện pháp” là hành vi thiện. Hôm qua, Bahá’i giáo cũng nói, ông nêu lên ví dụ rất hay, người khác có mười điểm tốt, có một khuyết điểm, chúng ta nhìn mười điểm tốt của họ, đừng nhìn một khuyết điểm của họ. Nếu người có mười khuyết điểm, chỉ có một điểm tốt, chúng ta nhìn một điểm tốt của họ, đừng nhìn mười khuyết điểm của họ, đây chính là quán sát thiện pháp, Bahá’i giáo cũng nói như vậy. Thế nhưng chúng ta nghe nhiều, tiếp xúc nhiều thì vẫn là Phật pháp nói viên mãn. Đương nhiên rồi, kinh điển của Phật giáo nhiều, về mặt số lượng kinh điển mà nói thì bất kể tôn giáo nào cũng không thể sánh với Phật giáo, nói rất tường tận, nói rất thấu triệt. Trong 3.000 năm qua, tổ sư đại đức chú giải, tạo luận, phát huy lời giáo huấn của đức Phật, lưu lại kho báu chân thật cho hàng hậu học chúng ta, giúp chúng ta khai mở kho báu của tự tánh, như vậy mới “khiến các thiện pháp niệm niệm tăng trưởng”.

Câu tiếp theo thật vô cùng quan trọng: “Chẳng để mảy may bất thiện xen tạp.” Một mảy may bất thiện cũng không được xen tạp, nếu xen tạp bất thiện với số lượng lớn thì không thể thành tựu được. Mỗi một đồng tu học Phật chúng ta, có người nào không muốn thành tựu viên mãn thiện pháp của mình đâu? Tại sao không thành tựu được vậy? Vì trong tu thiện pháp xen tạp bất thiện. “Bất thiện” này, trong kinh này nói cụ thể là sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, nói ly gián, nói thô ác, nói thêu dệt, tham, sân, si. Khi chúng ta tu thiện thì những thứ này xen tạp vào trong đó, thế là phá hủy hết toàn bộ thiện hạnh của chúng ta, cho nên chúng ta không thể thành tựu. Phải nhớ kỹ, một mảy may cũng không được xen tạp, vậy thì xen tạp nhiều có nguy không? Gốc của bất thiện, tôi đã nói rất nhiều lần rồi, gốc của bất thiện là tự tư tự lợi, hễ khởi tâm động niệm là có ta, ta phải luôn tốt hơn người khác một chút, ta luôn luôn ưu việt, ta phải đứng trước, vậy là xen tạp rồi. Đây không phải là xen tạp ít, mà là xen tạp rất nhiều, cho nên bạn không thể thành tựu.

Trong đoạn văn này, từ “ngày đêm thường niệm, tư duy” đến “chẳng để mảy may bất thiện xen tạp”, đoạn này là nói nhân thiện; “như vậy sẽ có thể khiến cho các ác dứt hẳn, thiện pháp viên mãn”, câu này là nói quả thiện. Sau cùng là “thường được thân cận chư Phật Bồ-tát và các thánh chúng khác”, đây là duyên thiện, nhân – duyên – quả. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, tiếp theo còn hai câu, chúng ta để lại ngày mai giảng tiếp.