Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 133/149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 133/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Bây giờ chúng tôi giảng điều thứ tư của bát chánh đạo là “chánh nghiệp”. Trước tiên chúng ta phải hiểu rõ “nghiệp” có nghĩa là gì, giải thích như thế nào? Chữ này thông thường đi kèm với chữ “sự”, liên kết lại là “sự nghiệp”, nói sự nghiệp thì mọi người đều sẽ có một khái niệm, tuy có khái niệm nhưng rất ít người có thể phân biệt được rõ ràng. Sự và nghiệp là quan hệ nhân quả, khi đang tạo tác thì gọi là sự, cho nên thông thường chúng ta hỏi người khác là hiện tại anh đang làm việc gì? Kết quả của tạo tác thì gọi là nghiệp, phạm vi của nghiệp rất lớn. Khởi tâm động niệm gọi là ý nghiệp, trong tâm bạn đang tạo nghiệp, ngôn ngữ là khẩu nghiệp, động tác của thân thể thì gọi là thân nghiệp. Chánh nghiệp được nói ở đây đều bao gồm thân, khẩu, ý ở trong đó. Phía trước nói với chúng ta về “chánh ngữ”, đó là ngữ nghiệp, nói “chánh kiến” và “chánh tư duy” là thuộc về ý nghiệp, đặc biệt nêu riêng ra để nói. Còn chỗ này là tổng thuyết, trong tổng thuyết nghiêng nặng về tạo tác của thân thể. Phía trước đã nói hai điều thuộc về ý nghiệp, nói một điều thuộc về ngữ nghiệp, chánh nghiệp ở đây thì bao gồm ba nghiệp thân ngữ ý. Bởi vì ở trước đã nói tỉ mỉ, cho nên trọng điểm ở đây là chỉ cho tạo tác của thân thể. Quý vị nhất định phải biết, thân ngữ ý có quan hệ liên đới, quyết không phải đơn độc, cho dù nói chuyện, nói chuyện vẫn có thái độ, có biểu cảm, cho nên ba nghiệp này là “một chính là ba, ba chính là một”, chắc chắn không tách rời nhau. Do đây có thể biết, tất cả mọi tạo tác đều phải lợi ích chúng sanh, lợi ích xã hội, đây chính là chánh. Nếu như tất cả tạo tác của chúng ta chỉ quan tâm đến lợi ích của chính mình, lợi ích gia đình mình, lợi ích đoàn thể nhỏ này của ta, thì nghiệp này là tà nghiệp, không phải chánh nghiệp.

Đặc biệt là xã hội ngày nay, xã hội ngày nay là xã hội như thế nào? Chúng ta nhất định phải biết, xã hội ngày nay là xã hội mở cửa, là xã hội của khoa học kỹ thuật phát triển đến một trình độ tương đối, giao thông thuận tiện, tin tức phát triển, bất cứ nơi nào trên địa cầu này xảy ra sự việc gì thì lập tức từ trên đường truyền vô tuyến chúng ta đều biết được, thậm chí còn có thể thấy được hình ảnh. Giao thông thuận tiện, đi vòng quanh trái đất một vòng chỉ mất hơn 20 tiếng đồng hồ. Vào mấy năm trước, nghe nói Hoa Kỳ và Nga hợp tác phát triển máy bay thần tốc, gần đây có lẽ đã sản xuất ra rồi. Tốc độ của máy bay này phải nhanh gấp đôi so với máy bay hiện tại của chúng ta; tôi nghe nói từ San Francisco – Mỹ bay đến Thượng Hải – Trung Quốc, bay ngang qua Thái Bình Dương chỉ cần hơn 4 tiếng đồng hồ. Hiện tại phải bay 10 tiếng. Địa cầu này càng ngày càng nhỏ, do đó cách nghĩ, cách nói, cách làm của chúng ta phải lấy toàn bộ địa cầu này mà cân nhắc, vậy thì thế giới mới có an định, mới có hòa bình. Quốc gia này của ta tốt, chỉ nghĩ riêng cho quốc gia của ta, không nghĩ đến quốc gia của người khác, ngày nay có rất nhiều quan niệm sai lầm: “Việc này có lợi cho đất nước của tôi hay không?” Đây là quan niệm sai lầm. Nếu có lợi cho đất nước mình mà không có lợi cho các quốc gia lân cận thì việc có lợi và không có lợi này liền sanh ra xung đột, việc này tạo ra tranh chấp xã hội; một khi không thận trọng, không cẩn thận thì biến thành chiến tranh quốc tế.

Cho nên, chúng ta nhất định phải khẳng định, ngày nay có rất nhiều người gọi địa cầu ngày nay là “thôn địa cầu”, không sai chút nào! Chúng ta cùng chung sống trong một thôn trang, những người xung quanh có quan hệ mật thiết với chúng ta, nếu chúng ta chăm sóc bản thân thì cũng phải chăm sóc hoàn cảnh xung quanh giống như vậy, cho nên khi suy tính thì nhất định phải chăm sóc đến tất cả chúng sanh trên địa cầu này. Nếu chúng ta nghĩ được như vậy thì đó là chánh tư duy, còn chỉ nghĩ đến lợi ích của chính mình thì đây là tà kiến, tà tư duy. Bởi vậy, tất cả mọi tạo tác của chúng ta đều phải nghĩ đến liệu nó có lợi hay bất lợi cho tất cả chúng sanh trên thế giới hay không? Những việc không có lợi còn không được làm, vậy thì những việc có hại lại càng không được làm. Cho nên, bản thân chúng ta nhất định phải tu học tâm thuần thiện, chính là tư tưởng thiện mà Phật nói ở đây, tâm địa thiện thì lời nói, việc làm không gì không thiện. Gọi là “thiện” chính là đối với tất cả chúng sanh trên toàn thế giới đều có lợi ích; không những đối với tất cả người có lợi ích, mà còn phải nghĩ đến đối với tất cả động vật đều có lợi ích, với tất cả thực vật cũng có lợi ích, thậm chí đối với hết thảy đất, nước đều có lợi ích, đây mới gọi là chân thiện, mới gọi thuần thiện, bạn thảy đều xét nghĩ đến.

Nếu lợi ích cho hết thảy nước và đất thì chắc chắn sẽ không phá hoại môi trường tự nhiên. Con người ngày nay không có tâm thiện này, tùy tiện phá hoại môi trường sinh thái tự nhiên, sinh thái tự nhiên mất cân bằng thì sẽ có rất nhiều tai họa thiên nhiên. Tai họa thiên nhiên từ đâu mà có? Tuyệt đối không phải do thiên nhiên, mà do con người làm. Thiên nhiên làm gì có tai hại? Thượng đế yêu người thế gian, thần yêu người thế gian, làm gì có tai hại cho chúng sanh? Không thể nào. Mà do con người làm trái với tự nhiên, tạo thành thảm họa tự nhiên, toàn do con người làm ra. Nguyên nhân trực tiếp tạo thành thảm họa tự nhiên là do thân nghiệp, tư tưởng và lời nói của chúng ta sẽ không phá hoại môi trường tự nhiên, chúng ta vừa ra tay thì liền phá hoại môi trường tự nhiên, nhất định phải hiểu được đạo lý này.

Cho nên, con người ở đời nhất định phải chọn lựa nghề nghiệp chính đáng. Con người ở đời không thể không có việc gì làm, nhất định phải có sự nghiệp, sự nghiệp này nhất định là làm lợi ích xã hội, lợi ích đại chúng, vì tất cả chúng sanh mà phục vụ. Bất luận theo đuổi nghề nghiệp nào cũng đều phải vì đại chúng xã hội mà phục vụ; nhất định phải lấy đối tượng mà chúng ta phục vụ làm chủ, không được lấy chính mình làm chủ, lấy chính mình làm chủ thì sai rồi. Cho dù chúng ta ngày nay lựa chọn giáo học của Phật giáo, chọn lựa nghề nghiệp Phật giáo, xuất gia cũng là một nghề nghiệp, chúng ta chính mình tu học, chúng ta giáo hóa chúng sanh vẫn là lấy chúng sanh làm đối tượng, lấy yêu cầu của họ làm tiêu chuẩn; quyết định không được nói ta thích một pháp môn nào, ta thích kinh điển nào thì ta phải tuyên dương cái này, vậy thì sai rồi, đây chính là không khế cơ. Nhất định phải hiểu rõ đại chúng xã hội ngày nay cần gì, phải vì họ mà suy nghĩ, chọn lựa như vậy thì chính xác. Nhất định phải khiến cho mọi người được lợi ích ngay trước mắt; chính là hiện tại phải được lợi ích, đời sau phải được lợi ích, đời sau nữa vẫn phải được lợi ích, vĩnh viễn được lợi ích, vậy thì chính xác, đây là thuần chánh. Hiện tại được lợi ích, mà đời sau không được lợi ích, vậy là sai rồi.

Phật thường nói trong kinh Lăng-nghiêm: “Thời kỳ mạt pháp, tà sư thuyết pháp như cát sông Hằng.” Vì sao tà sư thuyết pháp lại có nhiều người tin đến như vậy? Tà sư nói ra là lợi ích hiện tiền, hiện tại bạn có thể được lợi ích, còn đời sau thì họ không quan tâm, đây là tà sư; đời sau vẫn để cho bạn luân hồi lục đạo, vẫn đọa ba đường ác, vậy thì hết sức sai lầm! Cho nên, Phật pháp là đặc biệt xem trọng lợi ích của đời sau. Hiện tiền không có được lợi ích, mà đời sau được lợi ích, đó là chính xác; hiện tiền được lợi ích, mà đời sau không được lợi ích thì chắc chắn là sai lầm. Phải có năng lực phân biệt đúng sai, thiện ác, chân vọng, phải nhớ rằng tất cả tạo tác của chúng ta nhất định là lợi ích đại chúng, lợi ích chúng sanh, vậy đây mới gọi là chánh nghiệp. Làm lợi ích cho mọi người mà có thể không chấp tướng, trong kinh Bát-nhã gọi là “tam luân thể không”, loại tạo tác này nâng lên một cấp thì gọi là tịnh nghiệp, cao hơn một bậc so với chánh nghiệp. Chấp tướng là chánh nghiệp, lìa tướng là tịnh nghiệp, chúng ta phải ở ngay chỗ này mà học tập. Thế nên, chánh nghiệp bao gồm thập thiện nghiệp đạo: thân không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm; khẩu không nói dối, không nói ly gián, không nói thô ác, không nói thêu dệt; ý không tham, không sân, không si. Chúng ta hoàn toàn thực hiện được mười thiện nghiệp thì đây là chánh nghiệp thuần chánh; nếu như trái ngược với thập thiện, bạn tạo ra thập ác thì không phải là chánh nghiệp, mà là tà nghiệp, ác nghiệp. Cho nên, chúng ta phải chuyển đổi thập ác, tu thập thiện.

Xã hội ngày nay không có giáo huấn của thánh nhân, cho nên người thông thường không biết thế nào gọi là đúng sai, thiện ác. Trong các vị đồng học có không ít người đến từ Đài Loan, hoàn cảnh của Đài Loan được xem là không tệ, vẫn có một số người đang đề xướng luân lý đạo đức, còn có một số người đang dạy học, thế nhưng hiệu quả không cao! Hôm qua, tôi cùng với tiên sinh Từ Tỉnh Dân ở Đài Trung nói chuyện qua điện thoại, tôi hỏi ông ấy tình hình xã hội hiện tại của Đài Loan như thế nào. Ông nói rất không tốt, thường có con cái giết cha, cha mẹ giết con cái, anh em tàn sát nhau, sự việc này rất nhiều, luân lý đạo đức hoàn toàn không còn nữa. Có một số ít người đang lớn tiếng kêu gọi, nhưng đại chúng xã hội bịt tai làm ngơ, vậy thì sao có thể tránh được tai nạn?

Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, một ngày trước khi vãng sanh đã nói với các đồng học: “Thế giới này loạn rồi! Phật Bồ-tát, thần tiên dù có đến cũng không thể cứu được. Chỉ có một con đường sống duy nhất là niệm Phật cầu sanh Tịnh độ.” Đây là di ngôn sau cùng của ngài, dạy chúng ta thật thà niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Ngài đã rời khỏi chúng ta mười năm rồi, trong mười năm, lời của ngài nói đã ứng nghiệm. Đặc biệt là ở hiện tại, chúng ta nhìn thấy xã hội này, trong nước hay ngoài nước, mỗi một khu vực trên toàn thế giới đều loạn, loạn thành một mớ. Làm sao cứu chính mình? Tu mười nghiệp thiện. Nếu người niệm Phật vẫn tạo mười nghiệp ác thì không thể vãng sanh; niệm Phật thì nhất định phải tu thập thiện nghiệp đạo, như vậy mới có thể độ chính mình, mới có thể giúp đỡ người khác. Người khác dẫu như thế nào đi nữa, hiện tại nói về dân chủ, nói tự do, nói mở cửa, chúng ta không có quyền can thiệp đến người khác, chúng ta cũng không có quyền bàn luận người khác, chi bằng nhiếp tâm lại, chính mình tu cho tốt, vậy thì chính xác. Người khác có thể tiếp nhận thì chúng ta khuyên bảo họ, nếu họ không thể tiếp nhận thì chính mình cố gắng niệm Phật, thành tựu chính mình. Chân thật phát tâm đại từ bi, sau khi vãng sanh thì quay ngược thuyền từ, thấy chúng sanh lúc nào có ý quay đầu thì mình tái lai. Không cần phải nóng vội muốn độ người khác, phải nên khẩn cấp độ chính mình trước, đây mới quan trọng. Chính mình chưa độ được mình mà có thể độ người khác, Phật nói “không có chuyện này”, không có đạo lý này. Nhất định phải độ chính mình trước, giúp đỡ chính mình trước, thành tựu chính mình trước, sau đó chúng ta hãy giúp đỡ người khác, như vậy thì đúng, vậy thì chính xác. Tốt rồi, hôm nay chúng ta giảng đến đây.